Quốc hội thông qua danh sách 50 chức danh lấy phiếu tín nhiệm
Sáng14.11, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua danh sách gồm 50 chức danh lấy phiếu tín nhiệm. 100% Đại biểu quốc hội (ĐBQH) có mặt (467 ĐB) đã thông qua danh sách này.
Nhấn mạnh tính hệ trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm lần này, theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, lá phiếu nhẹ nhưng trọng trách vô cùng nặng nề. “Tính chất hệ trọng ở chỗ từng ĐBQH thay mặt đồng bào cử tri cả nước và nhân dân để bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm đối với chức danh trong bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp. Việc bỏ phiếu lần này không chỉ làm ở QH, mà theo chủ trương của Đảng sẽ tiến hành bỏ phiếu chức danh tất cả các ngành trong hệ thống tổ chức Đảng; chính quyền các cấp; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã. Đây là cuộc bỏ phiếu đầu tiên trong năm này nên rất hệ trọng” – ông Nguyễn Sinh Hùng nói.
Theo đó, tờ trình nêu rõ quy định QH lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ gồm: Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch QH; Phó Chủ tịch QH; Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng; Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát; Tổng Thanh tra Chính phủ.
Đánh giá về những thuận lợi của việc bỏ phiếu tín nhiệm lần này, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, QH có thời gian và kinh nghiệm, đồng thời có căn cứ vững chắc để lựa chọn chức danh lấy phiếu tín nhiệm do có sự thảo luận kĩ lưỡng về tình hình pháp triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng thời nhìn nhận lại những chuyển biến tích cực của các vị lãnh đạo được lấy phiếu tín nhiệm lần trước. Theo đó, có những đồng chí được QH đánh giá chưa thật cao thì cũng nhận thức được trách nhiệm của mình rằng đây là nhắc nhở của QH, càng phải nỗ lực, phấn đấu khắc phục nhược điểm của mình để thúc đẩy công tác tốt hơn. Qua hơn 1 năm nhìn lại, ĐBQH cũng đã phát biểu tại hội trường và thấy rằng sự chuyển biến tích cực của những người được lấy phiếu tín nhiệm năm ngoái là rõ.
“Nhiều vị ĐBQH nói thẳng từng lĩnh vực cụ thể, từng vị bộ trưởng cụ thể với các cố gắng, năng động làm tốt hơn. Qua phân tích, có một số ngành, lĩnh vực đòi hỏi phải có thời gian, có tiến trình đổi mới. Ở từng lĩnh vực, rõ ràng đã có chuyển biến tích cực hơn. Các vị bộ trưởng có nỗ lực cao hơn, toàn tâm toàn ý lo công việc của mình. Các căn cứ này sẽ rất thuận lợi để ĐBQH đánh giá lấy phiếu tín nhiệm lần này” – ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Đưa ra một số vấn đề cần lưu ý với ĐBQH tại lần lấy phiếu tín nhiệm này, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trọng trách rơi vào từng ĐBQH nên đòi hỏi phải bỏ phiếu thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác. “Các vị ĐB cần tự mình từ các căn cứ và đánh giá nhận thức của chính mình, các thông tin chính thức mà xác lập được để tiến hành lấy phiếu. Có thể có những thông tin không chính thức như khiếu nại, tố cáo, chưa đủ căn cứ để ĐBQH sử dụng. Vì thế phải cảnh giác với những loại thông tin đó. Rất thuận lợi là cho đến sáng nay, Thường vụ QH không nhận được đề nghị nào của ĐBQH yêu cầu báo cáo giải trình việc này” – ông nói.
Do lần lấy phiếu tín nhiệm trước có một số trục trặc ngoài mong muốn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết lần này sẽ tiến hành bình tĩnh, chắc chắn và không dồn dập như trước. Đặc biệt, ĐBQH sẽ có 30 phút để dành thời gian suy nghĩ và ghi phiếu (có thể ngồi lại tại hội trường hoặc về đoàn).
Sáng 14.11, QH tiếp tục thảo luận đoàn về vấn đề này và sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm vào chiều mai (15.11).
Danh sách 50 chức danh lấy phiếu tín nhiệm được ĐBQH thông qua sáng nay:
1. Trương Tấn sang – Chủ tịch nước
2. Nguyễn Thị Doan – Phó Chủ tịch nước
3. Nguyễn Sinh Hùng – Chủ tịch Quốc hội
4. Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội
5. Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó Chủ tịch Quốc hội
6. Tòng Thị Phóng – Phó Chủ tịch Quốc hội
7. Huỳnh Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Quốc hội
8. Phan Xuân Dũng –Chủ nhiệm Ủy ban KHCN – MT Quốc hội
9. Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội
10. Trần Văn Hằng – Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội
11. Nguyễn Đức Hiền – Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội
12. Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội
13. Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư Pháp Quốc hội
14. Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Quốc hội
15. Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Quốc hội
16. Trương Thị Mai – CN Uỷ ban Các vấn đề xã hội Quốc hội
17. Lê Thị Nương – Trưởng Ban Công tác Đại biểu Quốc hội
18. Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
19. K’sor Phước – Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Quốc hội
20. Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội
21. Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng Chính phủ
22. Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng Chính phủ
23. Hoàng Trung Hải – Phó Thủ tướng Chính phủ
24. Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng Chính phủ
25. Vũ Văn Ninh – Phó Thủ tướng Chính phủ
26. Nguyễn Xuân Phúc – Phó Thủ tướng Chính phủ
27. Hoàng Tuấn Anh – Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao du lịch
28. Nguyễn Thái Bình – Bộ trưởng Bộ Nội vụ
29. Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
30. Phạm Thị Hải Chuyền – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH
31. Hà Hùng Cường – Bộ trưởng Bộ Tư pháp
32. Trịnh Đình Dũng – Bộ trưởng Bộ Xây dựng
33. Đinh Tiến Dũng – Bộ trưởng Bộ Tài chính
34. Vũ Huy Hoàng – Bộ trưởng Bộ Công thương
35. Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Bộ GDĐT
36. Nguyễn Văn Nên – Bộ trường – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
37. Cao Đức Phát – Bộ trưởng Bộ NNPTNT
38. Giàng Seo Phử - Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân Tộc
39. Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công An
40. Nguyễn Minh Quang – Bộ trưởng Bộ TNMT
41. Nguyễn Quân – Bộ trưởng Bộ KHCN
42. Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông
43. Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
44. Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT
45. Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế
46. Huỳnh Phong Tranh – Tổng Thanh Tra Chính phủ
47. Bùi Quang Vinh – Bộ trưởng Bộ Kề hoạc đầu tư
48. Trương Hòa Bình – Chánh án TAND Tối Cao
49. Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng Viện Kiểm sát
50. Nguyễn Hữu Vạn – Tổng Kiểm toán Nhà nước
-------------------------
Quốc hội thông qua phân bổ ngân sách trung ương
Sáng 14.11, Quốc hội (QH) biểu quyết thông qua một số chỉ tiêu về thu chi cân đối ngân sách trung ương.
Theo đó, có 467 trong tổng số 472 Đại biểu (ĐB) tham gia tán thành với tổng số thu chi cân đối ngân sách trung ương năm 2015, chiếm 94,97%; chỉ 2 ĐB không tán thành và 3 ĐB không biểu quyết.
Một số chỉ tiêu được ĐBQH biểu quyết thông qua gồm: tổng số thu chi cân đối ngân sách trung ương là 589.807 tỷ đồng; tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 331.293 tỷ đồng; số chi cân đối ngân sách trung ương là 815.807 tỷ đồng, gồm cả 229.221 tỷ đồng số thu cân đối, thu có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho địa phương.
Một số công việc cụ thể được giao cho Chính phủ, như: giao nhiệm vụ thu chi và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ ngành và từng thành phố trực thuộc trung ương theo Nghị quyết của QH và thông báo bằng văn bản đến Đoàn ĐB các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chỉ đạo UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình HĐND thuộc cấp quyết định dự toán thu NSNN, dự toán chi ngân sách địa phương quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền pháp luật.
Cũng trong dự thảo Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương 2015, nhiệm vụ giao cho các bộ ngành địa phương cũng nêu rõ: phân bổ vốn đầu tư phát triển tập trung; ưu tiến vốn.. trả nợ xây dựng cơ bản và dự án có thời gian hoàn thành trong năm 2015; hạn chế tối đa chi cho dự án mới; hoàn trả vốn ngân sách ứng trước bao gồm trái phiếu Chính phủ; cân đối đủ nguồn vốn không làm phát sinh nợ xây dựng cơ bản; rà soát các khoản chi thường xuyên tại địa phương để cơ cấu lại hợp lý, hiệu quả.
Kết quả thông qua toàn văn dự thảo Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương 2015: có 462 trong tổng số 466 ĐB tham gia biểu quyết, chiếm 93,76%; có 2 ĐB không tán thành và 2 ĐB không tham gia biểu quyết.
-------------------------
Chủ nhiệm VPQH: “Đại biểu Quốc hội có 30 phút để ghi phiếu tín nhiệm!”
Chiều nay (15.11), các ĐBQH sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng QH ngày 14.11 đã có cuộc trao đổi bên lề với báo chí.
Ông đánh giá gì về tầm quan trọng của kết quả lấy phiếu tín nhiệm?
- Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan làm công tác quản lý cán bộ làm căn cứ đánh giá cán bộ, quy hoạch và chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới đây, giúp cho đánh giá cán bộ chính xác hơn.
ĐBQH sẽ có 30 phút để ghi phiếu, thời gian này có quá dài không, thưa ông?
- Ở lần lấy phiếu kỳ trước, do hội trường chật quá, ngồi dày quá nên cả người lấy phiếu và người ghi phiếu ngồi cạnh nhau rất bất tiện, thời gian lại gấp. Vì thế giờ hội trường rộng rãi, ĐB ngồi đâu cũng được, có thể ngồi ở hội trường hoặc về đoàn, sau 30 phút quay lại thì ĐB cũng không áp lực ngay. Hơn nữa, lần trước phóng viên chụp ảnh lúc ĐB ghi phiếu khiến họ rất e ngại nên lần này quy định phóng viên không nên vào. Thứ hai là 30 phút là thời gian thỏa đáng để ĐB suy nghĩ, cân nhắc.
Ông có bao giờ nghe đến việc có hiện tượng một số vị lãnh đạo đã “lobby” đại biểu trước khi diễn ra lấy phiếu tín nhiệm?
- Tôi chưa nghe thấy điều này bao giờ!
Có những bộ trưởng trong danh sách lấy phiếu mời một số đoàn đi ăn trong thời điểm cận lấy phiếu có thể tạo dư luận. Ông đánh giá gì về điều này?
- Kỳ họp lần này diễn ra trong 1 tháng nhưng có tới 18 dự án luật, 3 NQ và 12 dự án luật cần ĐBQH cho ý kiến. Khối lượng công việc nhiều mà thời gian quá ít nên chủ trương của TVQH là muốn ĐBQH dành nhiều thời gian, kể cả ban ngày lẫn tối để nghiên cứu, hạn chế các cuộc giao lưu. Tuy nhiên, ngay cả việc có giao lưu đi chăng nữa thì không có cơ sở nào để khẳng định rằng họ đi giao lưu liên quan đến việc lấy phiếu. Việc gặp mặt giao lưu theo tôi là hoàn toàn bình thường.
Kết quả đợt lấy phiếu tín nhiệm lần trước đã tạo chuyển biến tốt ở một số bộ, ngành. Ông có đồng tình với điều này?
- Qua theo dõi, tôi cho rằng một số bộ trưởng ở kỳ họp trước có kết quả lấy phiếu không cao như Thống đốc Ngân hàng, bộ trưởng GTVT, GD, Y tế nhưng sau đó BT có sự chuyển biến tích cực, khắc phục tồn tại. Những chuyển biến đấy thấy rất rõ.
Yêu cầu về kê khai tài sản - nội dung mới được đưa vào việc lấy phiếu tín nhiệm lần này, theo ông sẽ tác động như thế nào đến kết quả lấy phiếu?
- Sau khi có luật phòng, chống tham nhũng, đây là nội dung mới được đưa vào các quy định về chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Mặc dù Nghị quyết 35 không quy định, chỉ có báo cáo đánh giá về năng lực, hiệu quả công tác chứ không có kê khai tài sản nhưng TVQH vẫn quyết định thêm các đối tượng lấy phiếu có báo cáo về kê khai tài sản. Nội dung này đã được gửi cho tất cả các đoàn và đang được ĐBQH tiến hành nghiên cứu. Việc bổ sung thêm này theo tôi là rất tốt và sẽ tạo hiệu quả cao trong quá trình đánh giá của ĐBQH với các chức danh.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Lao Động)
-------------------------
Cảnh báo Đại biểu QH về thông tin không chính xác trước lấy phiếu tín nhiệm
Trước khi lấy phiếu tín nhiệm vào sáng mai (15-11), Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý các đại biểu QH cần cảnh giác với những thông tin không chính thức như khiếu nại, tố cáo, văn bản…
Sáng 14-11, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng QH lấy phiếu tín nhiệm. QH biểu quyết danh sách những người được QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.
Theo Tờ trình về việc QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín đối với 50 chức danh gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch QH, Phó chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của QH, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ QH; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
100% đại biểu QH có mặt tại hội trường (467/467) đã bỏ phiếu thông qua tờ trình này.
“Đồng bào cử tri cả nước đặt niềm tin tưởng từng vị đại biểu QH, vì vậy, chúng ta phải tiến hành một cách rất thận trọng, khách quan và công tâm. Lá phiếu của chúng ta đánh giá phải chính xác” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Đánh giá do lấy phiếu lần 2 nên có nhiều kinh nghiệm hơn trước, người đứng đầu điều hành Quốc hội lạc quan cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm lần này cũng là một biện pháp đánh giá nhằm mục đích thúc đẩy hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, hành pháp, lập pháp tạo ra chuyển biến tích cực trong toàn Đảng, toàn dân.
“Qua hơn 1 năm nhìn lại kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần trước, đại biểu QH chúng ta đã thấy được sự chuyển biến tích cực của những người lấy phiếu tín nhiệm” “Những đồng chí được QH đánh giá chưa được cao thì cũng nhận thức được trách nhiệm của mình, càng nỗ lực phấn đấu, khắc phục nhược điểm, khuyết điểm của mình để thúc đẩy công tác tích cực hơn” - Chủ tịch QH đánh giá.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý các đại biểu QH không nên tin vào những thông tin không chính thức như khiếu nại, tố cáo, văn bản này, văn bản khác… “Đại biểu QH cần cảnh giác với các loại thông tin đó. Nếu chúng ta nhầm lẫn thông tin, nghiêng về mặt này, mặt kia, phán đoán thông tin ấy thì kết quả đánh giá của chúng ta sẽ không chính xác” - Chủ tịch QH nhắc nhở.
Nói về việc bỏ phiếu tín nhiệm lần này, Chủ tịch QH cho biết quy trình sẽ chặt chẽ hơn, bình tĩnh, chắc chắn, không làm dồn dập như trước.
Sau khi biểu quyết thông qua danh sách những vị được QH bầu và phê chuẩn sẽ tiến hành thảo luận, trao đổi ở từng Đoàn để làm sao cho thận trọng, chính xác, khách quan, công tâm, chắc chắn.
Trên cơ sở thảo luận ở đoàn, Uỷ ban Thường vụ QH sẽ tiếp thu, giải trình các ý kiến ở đoàn vào sáng 15-11, rồi bầu ban kiểm phiếu và tiến hành bỏ phiếu lấy phiếu tín nhiệm.
(Theo Người lao động)
-------------------------
Không "quyết" Long Thành, ai gánh được trách nhiệm bỏ lỡ cơ hội?
“Lùi lại 10-20 năm cũng không phải quá dài cho “giấc mơ Long Thành”; “Chậm lại 15-10 năm là cơ hội không còn, ai gánh nổi trách nhiệm đó?”… Những quan điểm đối lập, căng như dây đàn làm nóng phiên thảo luận về việc xây sân bay Long Thành tại Quốc hội chiều 14/11.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) tâm tư, không thể không băn khoăn khi đã từng đến Nội Bài, Tân Sơn Nhất vì không gian nhỏ hẹp, quá tải, hạn chế và chất lượng phục vụ còn là “một thực tế đáng xấu hổ”. Làm một sân bay quy mô xứng tầm chính là mong muốn cho một niềm tự hào sâu xa của mỗi người Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng yêu cầu làm Long Thành dù cần thiết nhưng chưa bức thiết, vẫn với băn khoăn lớn nhất, số tiền “khủng” 7,8 tỷ USD lấy đâu ra. Đồng tình với những phương án huy động vốn Bộ GTVT đề ra nhưng đại biểu nhận định, bối cảnh nợ công hiện nay đã căng, mỗi người dân gánh trên vai hơn 900 USD tiền nợ, áp lực nợ sẽ còn gia tăng thế nào nếu thêm những khoản vay lớn?
“Rót tiền vào 1 dự án quá lớn, khổng lồ như này cần hết sức cân nhắc khi đất nước còn nhiều việc phải lo như tiền lương, đầu tư cho nông thôn. Khi chưa có tiền tăng lương cho những người ngày đêm làm việc vất vả như vậy thì chưa nên đầu tư Long Thành” – ông Nghĩa cho rằng, lùi lại 15-20 năm nữa không phải là quá dài cho việc chuẩn bị để đưa “giấc mơ Long Thành” thành hiện thực.
Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đi thẳng vào băn khoăn về “siêu dự án” khi nợ công ngày càng tăng, gần chạm ngưỡng mất an toàn. Ông Hùng đề nghị làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến dự án.
Vấn đề đại biểu lo hơn cả là hiệu quả kinh tế xã hội của dự án chứ không băn là khoản tiền phải vay, phải huy động. Ông Hùng lo bài toán kinh tế đang được tính dựa trên dự báo lạc quan quá mức về lượng hành khách có thu hút được (20 triệu hành khách/năm khi xong giai đoạn 1 vào 2025 và 100 triệu hành khách sau giai đoạn 3 vào 2030).
Lo ngại về câu hỏi “tiền đâu” được đại biểu xếp thứ 2 vì con số 164.000 tỷ đồng cần huy động cho giai đoạn 1, trong đó có 24.000 tỷ đồng vốn ngân sách. Nhưng theo ông Hùng, phần vốn ODA mà Chính phủ cho doanh nghiệp vay lại thì vẫn buộc phải tính vào nợ công và nợ quốc gia.
Dẫn lại 2 ví dụ về các quyết định đặt ra ở tầm quốc gia là việc Quốc hội quyết định không thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam năm 2010, việc Chính phủ quyết định rút đăng cai ASIAD đều được dư luận hoan nghênh, đánh giá cao, ông Hùng cho rằng, “quyết” Long Thành cũng cần đứng trên tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh như vậy.
Long Thành đứng trước cơ hội của Tân Sơn Nhất mấy chục năm trước
Đối lại những quan điểm can gián, hướng ý kiến “bạo tay” lại đánh giá Long Thành là một cơ hội lớn không thể buông tay, không thể chậm hơn.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) xác nhận, “bấm nút” cho Long Thành sẽ là một quyết định khó khăn vì áp lực nợ công đang rất khó khăn hiện nay, sẽ phải trả giá nếu đầu tư mà không hiệu quả nhưng không làm thì khi sân bay Tân Sơn Nhất quá tải trong một tương lai “nhãn tiền” mà lại kéo lùi, làm Long Thành chậm lại 10-20 năm thì cũng không ai gánh nổi trách nhiệm đó.
Là một người tham gia xây dựng quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía nam từ những năm 1990, ông Lịch cho biết, khi đó, nhận định khu vực này cần thêm một sân bay quốc tế thứ 2 với quy mô xứng đáng đã đặt ra. Vì vậy, UBND TPHCM đã có cả văn bản ủng hộ chủ trương xây dựng sân bay Long thành vì Tân Sơn Nhất đã đến lúc không chịu nổi áp lực.
Câu hỏi cần giải đáp, theo ông Lịch là có khả năng cải tạo để Tân Sơn Nhất nâng công suất được lên lên 40-45 triệu khách/năm (cao gấp 1,5-2 lần công suất thiết kế) hay không. Công thức chung là với diện tích 1000ha như Tân Sơn Nhất, có thể chịu tải đến 30 triệu khách nhưng thực tế địa hình tại sân bay này hiện đã “bó tay”, nhất là với yêu cầu làm thêm đường băng với khoảng cách đủ rộng để đảm bảo có 2 làn đường cất, hạ cánh có thể khai thác song song.
Ở đây, Tân Sơn Nhất “tắc” cả về hướng không lưu cũng như khả năng cải tạo trên mặt đất. Vậy nên vấn đề xây dựng sân bay thứ 2 không phải là chuyện trả lời câu hỏi cần hay không cần nữa mà đã là việc bất khả kháng, không làm không “gỡ” được bài toán cho phát triển.
Cũng không bi quan về hướng giải quyết vốn cho dự án, ông Lịch lại đề nghị tính toán thêm về quy mô của Long Thành. Đại biểu góp ý, sân bay trung chuyển quốc tế là mơ ước, là phương án tối ưu nhưng không nên để dư luận băn khoăn về việc làm sân bay trung chuyển kiểu “đếm cua trong lỗ”.
Đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cũng gạt bỏ lo lắng về vốn đầu tư. Dẫn chứng dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, dù chưa đầu tư xong, chưa đưa vào hoạt động đã bán được 70% cho nhà đầu tư nước ngoài, sân bay Phú Quốc vừa “chào hàng” cũng đã bán được 49%, ông Bình quả quyết, không thiếu phương án “gỡ” bài toán vốn đầu tư cho Long Thành.
Trung tướng Bế Xuân Trường – Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam (đại biểu Bắc Kạn) phân tích thêm về khả năng khai thác thêm sân bay quân sự Biên Hòa. Theo ông Trường, vì nằm trong vành đai các căn cứ quân sự nên Biên Hòa không thể mở rộng. Sân bay này cũng tương tự Tân Sơn Nhất, nằm lọt trong lòng thành phố. Đây lại là một vị trí an ninh trọng yếu, là nơi cất cánh gần nhất để chi viện cho biển đảo, đặc biệt là Trường Sa nên yêu cầu sử dụng cho mục đích quân sự phải là ưu tiên số một.
Trong khi đó, Long Thành là vị trí thuận tiện nhất, từ đây đi Trung Đông, Đông Nam Á, Bắc Á, Châu Mỹ, Châu Úc đều tiện. Cũng giống như vị thế là hòn ngọc viễn đông của Sài Gòn trước đây khi làm Tân Sơn Nhất nhưng thành phố này đã bỏ lỡ thời cơ để có một sân bay tầm cỡ, tướng Trường đánh giá, Long Thành trở thành địa điểm thay thế đáp ứng đầy đủ yêu cầu để làm một sân bay quốc tế hiện đại.
Cũng so sánh với những dự án lớn từng đặt Quốc hội trước quyết định khó khăn nhưng Phó Tổng tham mưu trưởng nhắc tới đường dây 500KV Bắc – Nam, thủy điện Sơn La – những quyết định đột phá trong lịch sử để nhắc nhở về cơ hội của Long Thành. Theo ông Trường, quyết định xây dựng sân bay này nếu được đưa ra 5-10 năm trước thì đến nay đã có thể dùng ngay được, sẽ tránh được việc đầu tư 7 sân bay quốc tế nhưng đều chỉ ở quy mô “tin hin” hiện nay.
“Quyết làm Long Thành thời điểm này đã là muộn mà nếu tiếp tục để lùi lại 5-10 năm nữa thì thời cơ sẽ mất hẳn, không còn nữa” – tướng Trường cảnh báo.
----------------------------