Đại tá Nguyễn Hữu Du, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện, CQĐT đang tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thanh Hóa xác định rõ các đối tượng vay tiền của Quỹ TDND Hoằng Đồng để tích cực thu hồi để trả lại cho người dân... Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang tích cực điều tra, làm rõ các đối tượng để xử lí nghiêm trước pháp luật.
Ngày 20/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đã khởi tố bị can thêm 5 đối tượng có hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng tại quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Hoằng Đồng gồm 2 kế toán trưởng là Nguyễn Hữu Thạch, 30 tuổi (từ năm 2007 đến năm 2013) và Phùng Tiến Quân, 28 tuổi (từ 2011 đến năm 2013); 2 thủ quỹ là: Lê Thị Quơ, 63 tuổi (từ năm 2007 đến năm 2011) và Nguyễn Thị Lý, 30 tuổi (từ năm 2011 đến năm 2014); Hoàng Ngọc Phong, 34 tuổi, nguyên Trưởng ban Kiểm soát.
Trước đó, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hữu Nha, 59 tuổi, nguyên Giám đốc Quỹ TDND Hoằng Đồng. Theo quy định thì Quỹ TDND Hoằng Đồng được phép huy động tiền nhàn rỗi của nhân dân để cho người dân vay phát triển kinh tế. Song, thực tế, Nguyễn Hữu Nha đã cho bên ngoài vay gần hết nguồn vốn của quỹ, sau đó không thu hồi được dẫn đến việc hàng trăm người dân gửi tiền vào quỹ không rút ra được.
Để hợp thức hóa cho các khoản vay trên, Nguyễn Hữu Nha và các đối tượng đã lập khống 326 hồ sơ cho 326 cá nhân vay. Chính vì vậy, có hàng trăm người, không vay mượn gì nhưng vẫn có “sổ nợ” tới hàng trăm triệu đồng.
Đối tượng Nguyễn Hữu Nha khi bị bắt giam.
Sau khi khởi tố, bắt giam Nguyễn Hữu Nha; CBCS Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tích cực điều tra, mở rộng vụ án, kiên quyết đưa các đối tượng có sai phạm xử lí nghiêm trước pháp luật.
Bước đầu, lực lượng chức năng đã làm rõ, từ năm 2010 đến năm 2013, hàng ngày, Nguyễn Hữu Nha và Nguyễn Thị Lý thông báo cho Nguyễn Hữu Thạch biết các khoản vay và số tiền cho vay trái quy định. Thạch có nhiệm vụ yêu cầu các điểm giao dịch lập hồ sơ tín dụng khống cho phù hợp với số tiền đã cho vay.
Sau khi có hồ sơ tín dụng khống, Thạch chỉ đạo bộ phận kế toán lập phiếu chi khống để Thạch ký rồi hạch toán phiếu chi khống vào quỹ. Lực lượng chức năng đã làm rõ Nguyễn Hữu Thạch ký 36 hồ sơ khống với số tiền gần 6,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Thạch còn trực tiếp tham gia việc cho vay trái quy định…
Trong thời gian làm thủ quỹ, Nguyễn Thị Lý chi tiền cho các đối tượng là doanh nghiệp, cá nhân vay theo chỉ đạo của Nha nhưng không có phiếu chi, không có chứng từ chi tiền, Lý chỉ yêu cầu người vay viết và ký nhận vào sổ tay của Lý sau đó lấy tiền của quỹ TDND Hoằng Đồng đưa cho người vay.
Qua điều tra ban đầu, CBCS Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thanh Hóa đã xác định Lý có 36 lần trực tiếp chi tiền cho vay trái quy định với số tiền hơn 6,5 tỷ đồng. Để che giấu hành vi, Lý mở 2 hệ thống sổ quỹ, một sổ để phục vụ hạch toán và báo cáo, một sổ thu chi thật.
Hàng ngày, Lý báo cáo tổng số tiền cho vay trái quy định cho Nguyễn Hữu Thạch để Thạch chỉ đạo bộ phận tín dụng làm hồ sơ khống. Khi làm xong hồ sơ khống, Lý ký tất cả các phiếu chi, chứng từ chi khống và ghi khống vào sổ quỹ phục vụ hạch toán, báo cáo...
Về Phùng Tiến Quân, sau khi đảm nhận chức kế toán trưởng quỹ TDND Hoằng Đồng, Quân đã lợi dụng việc được giao quản lý sổ tiết kiệm đã có chữ ký khống của Nha nên đã huy động tiết kiệm của 9 người với số tiền 689 triệu đồng nhưng không nhập quỹ, chiếm đoạt cá nhân. Đến ngày 21/4/2013, biết không thể giấu được tội lỗi được nữa, Quân đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Sau khi Quân bỏ trốn, 9 khách hàng đã mang 12 sổ tiết kiệm đến quỹ TDND Hoằng Đồng xin rút tiền. Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định truy nã đối với Phùng Tiến Quân và nhiều lần gặp gỡ, động viên gia đình Quân đưa đối tượng đến cơ quan Công an đầu thú. Giữa tháng 7/2015, Quân đã đầu thú.
Trưởng ban kiểm soát quỹ Hoàng Ngoc Phong có nhiệm vụ kiểm soát số tiền gửi và cho vay nhưng Phong không làm nhiệm vụ của mình mà đồng phạm với Nha trong việc lập khống hồ sơ để hợp thức hóa việc cho vay trái quy định.
Được biết, trong quá trình làm việc tại quỹ, Phong được Nha giao cho việc theo dõi tất cả các món vay trái quy định, thu gốc và lãi của tất cả các món vay này; khi được Nha hoặc thủ quỹ báo phát sinh cho vay trái quy định, Phong ghi vào sổ tay và nhập vào máy tính. Hằng tháng, Phong đối chiếu công nợ, bảng kê thu lãi đưa cho Nha và người vay tiền ký.
Ngoài ra, Phong còn trực tiếp thực hiện việc cho vay trái quy định. Lực lượng chức năng đã xác định Phong nhận từ thủ quỹ Lý 3 lần, tổng cộng 740 triệu đồng rồi cho Nguyễn Viết Tuấn vay. Phong còn tham gia với các đối tượng khác lập hồ sơ khống để hợp thức hóa những khoản tiền cho vay trái quy định. Trong vai trò kiểm soát trưởng, hàng ngày Phong ký xác nhận trên sổ quỹ có ghi các phiếu cho khống. CQĐT đã xác định trong năm 2012 và 2013 Phong đã ký 216 xác nhận trên sổ quỹ có phiếu chi khống.
Còn nguyên Thủ quỹ Lê Thị Quơ cũng theo lệnh Giám đốc Quỹ Nguyễn Hữu Nha lấy tiền chi cho các doanh nghiệp, cá nhân vay trái quy định, cũng không có chứng từ chi tiền, không có phiếu chi. Khi hồ sơ khống được làm xong, Quơ lại ký các phiếu chi, chứng từ khống và ghi khống vào sổ quỹ để phục vụ hạch toán, báo cáo.
Được biết, việc các đối tượng trên lập khống chứng từ, giả mạo hồ sơ hợp thức hóa các khoản vay suốt một thời gian dài nhưng Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát quỹ đã buông lỏng quản lý, che giấu sai phạm nhằm đối phó với các cơ quan quản lý Nhà nước nên đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương...
Bước đầu, lực lượng chức năng đã làm rõ số tiền thiệt hại lên tới hơn 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ mới là kết quả điều tra bước đầu, số tiền thiệt hại thực tế có thể lên tới trên dưới 60 tỷ đồng.
Theo: Phương Thủy - CAND