“Dịch vụ ngủ ôm” với hành vi mua bán dâm, thì hai hành vi ấy có thể chỉ cách nhau mỏng manh như một chiếc lông hồng", luật sư Phạm Công Út bày tỏ và cho rằng: Nên cấm dịch vụ này.
Ngày 10/11, Đại biểu Quốc hội đề nghị cấm “dịch vụ ôm”, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với phát biểu này.
- Thưa luật sư, hiện nay, có một số công ty cung cấp dịch vụ cho thuê vợ, chồng hoặc ngủ ôm. Luật sư có ý kiến gì về kiểu kinh doanh này?
- Nếu loại hình này chỉ phục vụ cho mục đích kinh doanh thì đó là điều bình thường do pháp luật chưa có danh mục cấm kinh doanh những ngành nghề này. Nhưng nếu chủ doanh nghiệp mở ra loại hình kinh doanh “cho thuê vợ, chồng hoặc ngủ ôm…”, thì tôi chưa biết chủ doanh nghiệp ấy liệu có dám cho thuê vợ, hoặc chồng của mình để cho người khác trả một khoản tiền dịch vụ để ôm người vợ hoặc chồng của mình, liệu người chủ kinh doanh đó có đồng ý hay không?
Nói như thế, để thấy rằng áp lực về đạo đức và xã hội hiện nay ở Việt Nam khó có thể chấp nhận loại hình kinh doanh na ná như mại dâm trá hình như thế.
Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP.HCM).
- Quan điểm của luật sư như thế nào với vấn đề "nên cấm dịch vụ ngủ ôm"?
- Các cụ xưa cũng từng so sánh: “không nên gọt chân cho vừa giày”. Có thể hiểu ý các cụ rằng luật pháp không nên chạy theo các xu hướng, nhu cầu bình thường của xã hội để các cơ quan lập pháp phải ban hành những đạo luật cuối cùng vô tình hay hữu ý lại chà đạp lên luân thường đạo lý, chỉ nhằm phục vụ những nhu cầu vô cớ và trái đạo đức của xã hội.
Mà luật pháp vẫn phải luôn lấy nền tảng văn hóa cổ truyền của dân tộc để giữ gìn đạo lý quốc gia, dân tộc, làm nền tảng luân thường đạo lý. Nếu ai phá vỡ nền tảng đó, có thể hiểu rằng, họ đang bất chấp đạo lý chỉ để nhằm hám lợi hoặc đánh bóng hư danh cho cá nhân người ấy.
Vì thế, về phần mình, cá nhân tôi vẫn chưa thấy yên tâm nếu con gái, hoặc cháu gái của tôi tham gia những loại hình “dịch vụ ngủ ôm” đó để mang… tiền chợ về nhà.
- Theo luật sư, xét góc độ pháp luật hành vi của "dịch vụ ngủ ôm" khác với hành vi mua bán dâm như thế nào?
- Theo tôi, nếu thuần túy chỉ là “dịch vụ ngủ ôm” thì thân nhân của người hành nghề ấy vẫn khó được sự chấp thuận của gia đình, chưa nói tới xã hội. Còn “dịch vụ ngủ ôm” với hành vi mua bán dâm, thì 2 hành vi ấy có thể chỉ cách nhau mỏng manh như một chiếc lông hồng. Ai sẽ kiểm soát được những chuyện phòng the và “hậu” phòng the như thế để cái "dịch vụ ấy" đừng biến tướng thành hành vi mại dâm.
Pháp luật hình sự của ta hiện nay chưa điều chỉnh hành vi “dịch vụ ngủ ôm” là tội phạm, nhưng nếu nó biến tướng thành những tội phạm tình dục, trong đó có cả những nạn nhân chưa thành niên thì đó là tội phạm mà hiện nay pháp luật đang cấm chỉ.
- Vậy có sự "đánh lận con đen" nào để từ “dịch vụ ngủ ôm” sẽ thành mua bán dâm trá hình. Dùng căn cứ trái thuần phong mỹ tục đã thỏa mãn điều kiện cấm dịch vụ này chưa?
- Tình dục vốn là quyền tự do nhằm mục đích duy trì nòi giống của muôn loài chứ không chỉ riêng cho con người. Nhưng đối với con người, nếu có sự chăn dắt nhằm làm giàu bất chính cho các “tú bà”, “tú ông” thì có khác gì thời chiếm hữu nô lệ, các bộ tộc biến người phụ nữ thành một món hàng mua chác qua đêm giữa chợ đời.
Với tôi, nếu có một lá phiếu thì tôi sẽ rất mạnh dạn giương lá phiếu đồng tình của mình một cách công khai, nên cấm “dịch vụ ngủ ôm” kể cả trong sáng. Còn người khác, họ có thể vin vào mục đích tăng ngân sách nhà nước để chống lạm phát, hay thất thu gì đó… thì đó là việc của họ.
- Theo luật sư, cần có biện pháp gì hữu hiệu hơn việc cấm, và nếu phải cấm thì cần chế tài, cơ chế giám sát nào để thực hiện quy định này?
- Theo tôi, cần phải đưa dịch vụ “cho thuê vợ, thuê chồng, dịch vụ ngủ ôm”… vào danh mục cấm hành nghề của nhà nước tại Việt Nam. Vì điều đó với tôi hiện nay không thể phù hợp, ít nhất là với các bậc phụ huynh của những con em có xuất thân từ những gia đình bất hạnh.