Thuê một ngôi nhà khang trang, Phương đứng ra mở lớp dạy tiếng Nhật với cam kết 100% người học được đi xuất khẩu lao động. Gần 50 người đã cống nạp cho thị mỗi người hơn 100 triệu đồng. Sau hơn một năm chờ đợi, họ mới biết mình bị cho ăn "bánh vẽ"...
Những lời hứa viển vông
Thời gian qua, CQ CSĐT CA quận 9, TP HCM liên tục nhận được đơn tố cáo của nhiều người dân về việc họ bị lừa đảo xuất khẩu lao động. Trong đơn tố cáo, những người bị hại nêu đích danh kẻ "lừa đảo" là Trần Thị Hoàng Phương, 26 tuổi, trú tại đường số 12, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9. Ngay sau đó, đối tượng được triệu tập phục vụ công tác điều tra. Vì số tiền chiếm đoạt quá lớn nên CQCA đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho CATP HCM trực tiếp thụ lý theo thẩm quyền.
Từ thông tin chúng tôi thu thập được, câu chuyện bắt đầu từ khoảng đầu năm 2014. Thời điểm đó, Phương tìm về địa bàn phường Tăng Nhơn Phú B thuê căn nhà 3 tầng khang trang. Thị căng những băng rôn hoành tráng về việc đào tạo tiếng Nhật, tổ chức cho người xuất khẩu lao động qua Nhật Bản với những cam kết: Ổn định, tỉ lệ thành công 100%. Ngoài ra, thị còn "nổ" về uy tín, nghiệp vụ của Cty mình đang làm việc.
`Bằng chiêu thức đó, Phương bắt đầu "câu" được những "con mồi" đầu tiên và tự đứng ra giảng dạy tiếng Nhật cho họ. Một người hàng xóm sống cạnh nhà Phương cho biết: "Phương quê gốc ở Khánh Hòa, khóa học đầu, cô ấy tuyển được 16 học viên. Họ phần lớn còn rất trẻ đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Mỗi người nộp hồ sơ vào học, chờ đi xuất khẩu lao động phải nộp hơn 100 triệu đồng. Cô ấy không chỉ tổ chức giảng dạy trong nhà mà còn cho học viên ở trọ, cùng sinh hoạt chung. Ban đầu, bà con chúng tôi ai cũng khen ngợi cô Phương không chỉ trẻ đẹp mà còn tài giỏi, tháo vát. Nhưng nào ngờ...".
Sau "uy tín" tạo được từ khóa học đầu tiên, "nữ quái" tiếp tục đẩy mạnh quá trình "săn mồi". Gần cuối năm đó, thị tổ chức đợt tuyển sinh thứ hai. Lần này, cũng với lời hứa và mức thu tiền lệ phí như cũ, Phương nhận được 29 bộ hồ sơ đăng ký. Để "giúp" học viên mới có điều kiện ăn học, Phương thuê phòng trọ cho học viên.
Phương tận dụng triệt để căn nhà mình thuê vào chuyện làm ăn bằng cách thu của học viên ngoài học phí là những chi phí sinh hoạt phát sinh. Người hàng xóm của Phương cho biết: "Mỗi học viên ăn, học và ở lại đều phải nộp chi phí cho cô ấy. Tôi được biết tiền phòng trọ mỗi người phải đóng hàng tháng là 500 nghìn đồng, tiền ăn 1 triệu đồng và tiền học phí là 1 triệu 200 nghìn đồng. Như thế, ngoài số tiền hơn 100 triệu đồng đóng trước đó, hàng tháng các học viên còn nộp cho Phương 2 triệu 700 nghìn đồng".
Thị thuê ngôi nhà với giá gần 10 triệu đồng/tháng. Ngoài việc "đào tạo" ngoại ngữ và cho học viên sinh hoạt, ăn, ngủ tại “trung tâm”, Phương còn cho chị gái và hai đứa cháu của mình ở cùng. Người hàng xóm của Phương kể", chị gái cô ấy cũng tên Phương, cô ấy còn có thêm 2 đứa con nhỏ. Đêm đến, chị gái Phương tận dụng mặt bằng ngôi nhà để mở quán ốc đêm".
Ngôi nhà nơi Phương thuê để thực hiện hành vi "lừa đảo". Ảnh: H.Hùng
Sập bẫy "siêu lừa"
Tin lời Phương, gần 50 con người ngày đêm miệt mài học tập chờ ngày được xuất khẩu sang Nhật thực hiện giấc mơ đổi đời. Thời gian trôi qua, nhiều học viên chăm chỉ đã học hết những gì "cô giáo" giảng dạy nhưng thời điểm xuất ngoại vẫn chỉ là những ngày tháng mơ hồ. Biết các "con mồi" có dấu hiệu nôn nóng, Phương xoa dịu họ bằng những lời hứa có cánh. Thị đưa ra muôn vàn lý do để giải thích cho những đợt xuất cảnh đang bị hoãn lại. Ban đầu, các nạn nhân cũng chỉ biết chờ đợi để mọi thủ tục được giải quyết.
Mấy tháng sau, gần 50 học viên của hai khóa học vẫn không có ai được giải quyết. Một số người mơ hồ nhận ra vấn đề, yêu cầu Phương hoàn trả lại số tiền thu trước đó. Phương tiếp tục soạn lại vở kịch cũ nhằm kéo dài thời gian song lần này "uy tín" của thị hoàn toàn biến mất. Thị chấp nhận xuống nước, giải thích việc Cty đang gặp trục trặc sẽ tiến hành hoàn trả lại tiền cho những ai muốn rút lui.
Các nạn nhân "năm lần bảy lượt" kéo đến nhà Phương đòi tiền, nhưng thứ họ nhận lại vẫn chỉ là những lời hứa suông. Biết mình sập bẫy, nhiều người giận, hù dọa Phương, đòi đập phá nhà cửa. Nhớ lại sự việc, người hàng xóm của thị kể: "Sau này, hôm nào cũng có nhiều người kéo đến nhà Phương đòi tiền, chửi bới ầm ĩ. Chị em cô ấy chỉ biết đóng của im ỉm. Người chủ nhà nơi Phương thuê biết chuyện yêu cầu cô ấy chấm dứt hợp đồng. Rồi cô ấy cùng chị gái và hai cháu bé dọn đi lúc nào chúng tôi không ai hay biết. Vậy mà nhiều học viên còn tìm đến gây khó dễ với người chủ nhà".
Sập bẫy "siêu lừa", các nạn nhân chẳng những nhận ra giấc mơ đổi đời vỡ vụn mà còn lâm vào cảnh "tiền mất tật mang". Lúc này, họ mới tỉnh ngộ bàn nhau tố cáo sự việc lên CQCA. Trong khoảng thời gian ngắn, CQCA quận 9, nhận được 37 lá đơn tố cáo cùng nội dung của những người lao động nghèo bị Phương lừa đảo. Các đơn vị nghiệp vụ nhanh chóng vào cuộc xác minh sự việc. "Siêu lừa" xinh đẹp Trần Thị Hoàng Phương lập tức bị đưa ra ánh sáng.
Theo kết quả điều tra ban đầu, bằng thủ đoạn tinh vi của mình trong khoảng hơn một năm tổ chức hoạt động "lừa đảo", Phương đã "chiếm đoạt" từ 37 nạn nhân (con số những người nộp đơn tố cáo) với số tiền khoảng 3 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi một nạn nhân sập bẫy "siêu lừa" phân trần: "Chúng tôi cứ nghĩ nếu được qua Nhật làm việc với lương cao như Phương hứa thì chẳng mấy chốc thu được số vốn bỏ ra để đổi đời nên tin tưởng và kiên nhẫn chờ đợi. Chúng tôi đều là những người đến từ các miền quê nghèo khó, để có được hơn 100 triệu đồng, tất cả đều phải vay mượn nhiều nơi mới có. Thậm chí có bạn còn bảo cha mẹ cầm cố nhà cửa thế chấp ngân hàng. Bây giờ thì chúng tôi phải gánh lấy khối nợ khổng lồ trên đầu mà giấc mơ xuất ngoại vẫn chẳng thấy đâu. Chúng tôi hy vọng cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ sự việc. Theo tôi phía sau Phương có thể đang tồn tại một đường dây lừa đảo chuyên nghiệp".
Những chia sẻ của anh bạn trên cũng là tâm sự chung của hàng chục nạn nhân bị bị Phương lừa gạt. Từ ước nguyện đổi đời chính đáng, những con người nghèo khổ vì nhẹ dạ cả tin đã trở thành "quân cờ" để Phương điều khiển. Câu chuyện này hy vọng sẽ trở thành bài học hữu ích cho bất cứ ai đang nuôi ước mơ xuất ngoại. Việc xuất khẩu lao động ra nước ngoài từ lâu được xem là giải pháp thoát nghèo hiệu quả. Vì thế có rất nhiều đường dây trá hình dù không có thẩm quyền nhưng vẫn tổ chức các lớp học nhằm trục lợi bất chính.
Nghi phạm có thể phải chịu hình phạt từ 12 - 20 năm, đến tù chung thân.
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc liên quan đến "siêu lừa" Trần Thị Hoàng Phương, luật sư Phạm Duy Hiển, Văn phòng Luật sư Phạm Duy, phường 8, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết: "Khi kết quả điều tra hoàn tất, nếu có đủ căn cứ kết luận Phương phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" như báo chí đã đưa tin, đối tượng ngoài việc phải khắc phục hậu quả do mình gây ra còn phải chịu khung hình phạt từ 12 -20 năm, đến tù chung thân. Theo điểm a, khoản 4, Điều 139 Bộ Luật Hình sự quy định: Người chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên phải bị phạt tù từ 12 - 20 năm, đến tù chung thân".
Theo: Huy Hùng - PLXH