Tổng thống Obama muốn phát triển mọi mặt quan hệ Việt - Mỹ
Tổng thống Barack Obama nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng Mỹ đồng quan điểm với Việt Nam về vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ và mong phát triển mọi mặt quan hệ hai nước.
Tổng thống Obama tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 13.11 bên lề Thượng đỉnh ASEAN thứ 25 và Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 9 đang diễn ra tại Naypyitaw, Myanmar.
Không né tránh quá khứ, ông Obama nói: “Mỹ và Việt Nam từng có một quá trình lịch sử phức tạp và khó khăn với nhau”.
“Nhưng những năm gần đây, hai bên đã có nhiều cơ hợi để làm cho mối quan hệ trở nên sâu đậm và thuận lợi để làm việc với nhau”, ông thừa nhận.
“Năm ngoái, khi tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Washington, chúng tôi đã bàn bạc rất nhiều vấn đề từ kinh tế, xã hội... để cuối cùng đi đến ký kết Quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước”, ông Obama nói.
“Chúng tôi đồng ý về mặt an ninh rằng mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các giải pháp ôn hòa dựa trên luật pháp quốc tế”, ông khẳng định.
Về kinh tế, ông nói thêm, hai bên đã có nhiều hợp tác quan trọng, đem lại lợi ích cho nhân dân cả hai nước.
Ông Obama cũng nói rằng hai nước còn tiếp tục làm việc với nhau về vấn đề nhân quyền, giải quyết các vấn đề tồn đọng sau chiến tranh, trong đó có việc tìm kiếm người mất tích.
“Việt Nam đã lớn mạnh về kinh tế và phát triển về mọi mặt không chỉ nhờ sức mạnh và tài năng của nhân dân mà còn nhờ sự đổi mới về mặt lãnh đạo. Tôi hy vọng cuộc gặp hôm nay sẽ đưa tới những cơ hội giúp phát triển quan hệ hai nước trên các lĩnh vực khác”, ông Obama nói.
Đáp lại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận quan hệ Việt - Mỹ đang ngày càng phát triển trên mọi mặt, từ kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ, cho đến hợp tác an ninh, và mong muốn các mối quan hệ này ngày càng sâu rộng hơn.
-------------------------
Bí thư Thành Ủy Hà Nội và 3 “đề toán” khó
Vì dân, vì nhu cầu tối thiểu, thiết yếu của dân, “Hà Nội giờ đang thực hiện theo kiểu là làm ngơ. Hoặc làm giấy cam kết xây nhưng sau này phá thì không đền bù. Tức là chấp nhận việc lách luật” trong xây dựng- Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu nghị trường sáng nay.
Và 3 trường hợp, 3 hoàn cảnh, 3 nỗi bức xúc nhân dân mà ông nêu ra cũng là những bài toán khó mà Bộ luật Dân sự cần phải giải tỏa.
Trường hợp thứ nhất, hoàn cảnh thứ nhất, nỗi bức xúc nhân dân thứ nhất được Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị đặt vấn đề là “Những nhà nhảy dù mặc nhiên được công nhận như là chính chủ”. Ông nói vấn đề đặt ra là dù họ không có tranh chấp cá nhân với ai, nhưng cái nhà đấy, đất đấy lại là từ việc chiếm của nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân. Nếu bây giờ cho tất cả những người nhảy dù được sổ đỏ như mặc nhiên cái quyền họ được hưởng như đất thổ cư, như đất ông bà để lại thì tôi cho rằng là không hợp lý- ông Nghị nói. Bởi việc đó “Vô hình chung lại thừa nhận quyền cho những người chiếm đất bất hợp pháp”.
Theo Bí thư Thành ủy, những trường hợp nhảy dù như vậy ở Hà Nội là rất nhiều. “Cứ liều nhảy ào chiếm đất, rồi ở, rồi cắt ra bán hưởng lợi rất lớn và chỉ cần không tranh chấp với ông A, ông B nào. Thực tế là tranh với nhà nước. Trong khi quá trình đền bù lại phải đền bù cho họ với giá ngang với đền bù đất tổ tiên ông bà”.
Trường hợp thứ 2 là những trường hợp mua bán ngay tình nhưng tài sản không được pháp luật thừa nhận hợp pháp. Nêu ví dụ quy hoạch công viên Đống Đa, ngày xưa là bãi rác Thành Công giờ “đã thành nhà ở hết”. Bí thư Phạm Quang Nghị cho biết những người đến đầu tiên chỉ là người nhặt rác. “Cứ nhặt mãi, rồi dựng lều tạm trên đất mà nhà nước cứ quy hoạch, cứ bỏ hoang mãi. Rồi từ lều tạm thành nhà Phi pờ rô xi măng, rồi thành nhà kiên cố. Lúc xây bất hợp pháp do nhà nước quản lý cho tốt, sau này thì người này bán cho người kia.
Bán cái nhà, nhưng trên đất đã quy hoạch công viên mà không biết bao giờ nhà nước mới làm. Việc bán là ngay tình, chính chủ, hợp lệ, ký tá hẳn hoi. Nhưng bây giờ nếu làm công viên Đống Đa, Hà Nội sẽ đền không biết bao nhiêu mà kể. Mà không đền thì dân không chịu đi mà nói là ứng xử với dân thế này thế khác”. Bây giờ xử lý thế nào với những trường hợp ngay tình nhưng không hợp pháp?- ông nêu câu hỏi khó.
Trường hợp thứ ba, phía ngoài đê sông Hồng. Quy hoạch đê là không cho phép xây nhà, nhưng theo Bí thư Phạm Quang Nghị “con đê có sau dân chứ không phải có trước. Khi xây đê sông Hồng, các làng Tứ Liên, Yên Phụ đã tồn tại rồi. Đê xây sau ngăn đôi dân thành trong và ngoài đê. Trong đê thì xây theo luật xây dựng. Ngoài đê thì mình nói theo luật đê điều không cho xây dựng. Không cho xây mới thì còn hiểu được. Nhưng những nhà đã xây rồi lại nói chuyện trong đê, ngoài đê, rồi người dân có nhu cầu sinh con đẻ cái, nhu cầu sửa chữa cơi nới chỗ ở.
Vì dân, vì những nhu cầu thiết yếu và tối thiểu của dân mà giờ “Hà Nội đang thực hiện theo kiểu là làm ngơ. Hoặc làm giấy cam kết xây nhưng sau này phá thì không đền bù. Tức là chấp nhận việc lách luật”- Bí thư Phạm Quang Nghị nói và ông so sánh với “những việc chính đáng”, ví dụ nhà tiếp dân của QH đang xây dở, phải để chơ vơ mười mấy năm không dám hoàn thiện vì QH không thể lách luật. Nhưng thế thì người làm nghiêm theo luật thì không dám làm gì cả, còn người khác thì ứng phó, vẫn cứ xây. Mà thời hạn cho linh hoạt như vậy không phải một vài tháng, một vài năm mà cho lâu dài. “Giờ phá dở cũng thiệt hại cho dân chứ”.
Bí thư Phạm Quang Nghị nói “Đây là những việc đang mắc của HN, trong khi mỗi ngôi nhà, mỗi trường hợp có khi (giá trị) hàng triệu USD”. Ông đề nghị việc sửa đổi Bộ luật Dân sự lần này phải xuất phát từ thực tiễn, phải tính tới những trường hợp thực tiễn, phải giải quyết những mắc mớ phát sinh từ thực tiễn.
-------------------------
Chủ tịch UBND TP.HCM phê bình 11 lãnh đạo đơn vị
Ngày 14.11, UBND TP.HCM có văn bản gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện; tổng giám đốc, giám đốc các công ty thuộc TP.HCM... để chấn chỉnh việc tham dự các phiên họp thường kỳ của UBND thành phố.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân phê bình lãnh đạo các đơn vị: Sở Ngoại vụ, Ủy ban Phòng chống AIDS, Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao, Ban thi đua khen thưởng thành phố, UBND quận 2, UBND quận Bình Thạnh, Tổng công ty Bến Thành, Tổng công ty in bao bì Liksin, Công ty dược Sài Gòn, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận vì vắng họp tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng an ninh thành phố trong tháng 10 vừa qua.
Theo yêu cầu của chủ tịch UBND TP.HCM, từ nay trở đi, thủ trưởng các đơn vị phải sắp xếp công việc để tham dự đầy đủ các phiên họp định kỳ về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng an ninh thành phố. Trường hợp thủ trưởng đơn vị không tham dự được thì phải có văn bản báo cáo UBND thành phố.
-----------------------
Nghệ An bầu bổ sung 2 Phó chủ tịch tỉnh
Hôm nay, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa 16, nhiệm kỳ 2011 - 2016 tiến hành kỳ họp bất thường, nhằm quyết định một số vấn đề kinh tế, xã hội và công tác cán bộ tại địa phương.
Tại kỳ họp này, ông Lê Ngọc Hoa - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO 4) và ông Hoàng Viết Đường - Ủy viên Ban chấp hành tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, nhiệm kỳ 2011-2016.
Sáng cùng ngày, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đối với ông Thái Văn Hằng nghỉ hưu theo chế độ.
-------------------------