Truy tố đối tượng cho công nhân vay với lãi suất "cắt cổ"
VKSND huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) vừa ra quyết định không phê chuẩn lệnh tạm giam đối với bị can Lê Hoán (SN 1976) về hành vi “cho vay nặng lãi”, do xét thấy hành vi cho vay nặng lãi đã rõ, không cần thiết phải tạm giam; đồng thời yêu cầu cơ quan CSĐT CA huyện Vĩnh Cửu thi hành lệnh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Cơ quan CSĐT CA huyện Vĩnh Cửu vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp để truy tố đối tượng Lê Hoán (38 tuổi, ngụ tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) về hành vi cho vay nặng lãi. Từ đầu năm 2009, Hoán đã bắt đầu “hành nghề” cho vay nặng lãi với hình thức lấy lãi hàng tháng và trả góp theo kỳ với lãi suất dao động từ 4% -16%/tháng.
Số tiền lãi thu được, Hoán tiếp tục xoay vòng làm vốn mở rộng hoạt động cho vay nặng lãi. Cứ thế, con nợ của Hoán ngày càng tăng lên theo cấp số nhân và số tiền "kếch xù" Hoán thu lãi tăng vượt bậc theo từng thời kỳ. Việc cầm cố thẻ ATM của các con nợ đã giúp Hoán trực tiếp rút tiền từ trong tài khoản của con nợ chứ không cần họ phải trả nợ trực tiếp.
Vào lúc 17 giờ ngày 8.9.2014, CA H.Vĩnh Cửu phối hợp với CA xã Thạnh Phú tiến hành kiểm tra trụ ATM (khu vực trước cổng Cty Ch.) thì phát hiện Hoán đang sử dụng nhiều thẻ ATM rút tiền. Thấy tình nghi, CA đã kiểm tra đối tượng. CA đã thu giữ 17 thẻ ATM Viettinbank mà công nhân thế chấp cho Hoán. Ngoài ra, công an còn Thu giữ tại nhà Lê Hoán 6 thẻ ATM của công nhân…
Qua điều tra ban đầu, xác định Lê Hoán có dấu hiệu cho vay nặng lãi nên Cơ quan CSĐT CA H.Vĩnh Cửu đã bắt khẩn cấp, tạm giữ đối với Hoán và khám xét nơi ở của Hoán. Theo chứng cứ thu thập được của Cơ quan điều tra, từ năm 2010 đến đầu tháng 9.2014, Lê Hoán đã cho 70 công nhân của Cty Ch. vay tiền với lãi suất 12%-16%/tháng. Tổng số tiền Hoán cho vay là gần 760 triệu đồng (trong đó tiền lãi Hoán nhận đã xác định được gần 530 triệu đồng).
Một cán bộ điều tra CA H.Vĩnh Cửu cho biết: Số công nhân cầm cố thẻ ATM, thẻ CMTND… cho đối tượng Hoán lên tới hơn 150 công nhân, nhưng công an chỉ xác định được con số cụ thể là 70 công nhân.
Thiếu tá Phạm Trung Thành - Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, ma túy – CA H.Vĩnh Cửu cho rằng: Hoán lợi dụng việc khó khăn về kinh tế của công nhân để cho vay nặng lãi trong thời gian dài. Những người được Hoán cho vay ít có điều kiện trả lại tiền gốc do tiền lương của họ ít lại vừa phải trả tiền lãi, vừa phải trang trải cuộc sống hàng ngày. Như vậy hành vi cho vay nặng lãi của Hoán mang tính chất bóc lột, và khoản tiền đó là nguồn thu nhập chính của Hoán nên phải khởi tố Hoán vì hành vi cho vay nặng lãi.
-------------------------
Vụ bà bán bún chết để lại hơn 1.000 tỉ đồng: Kháng cáo Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án!
9 giờ trưa 14.11, ông Thạch Vũ Phương cùng luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình đã đến TAND TPHCM nộp đơn kháng cáo Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự 1261/2014/QĐST-DS ngày 27.10.2014 của TAND TPHCM giữa nguyên đơn là ông Thạch Vũ Phương và bị đơn là bà Thạch Hà Huệ Lan.
Theo đơn kháng cáo của ông Phương, ông Phương là nguyên đơn trong vụ tranh chấp di sản thừa kế đối với bà Huệ Lan (con gái nuôi của bà Thạch Kim Phát, đã mất năm 2011, để lại khối tài sản hơn 1.000 tỉ đồng), đã được TAND TPHCM thụ lý ngày 10.10.2012, do thẩm phán Phan Tô Ngọc (thẩm phán tòa hành chính) giải quyết. Sau hơn 2 năm thụ lý giải quyết, nhiều lần hòa giải không thành, đến ngày 27.10.2014 thì thẩm phán Phan Tô Ngọc ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Ngày 7.11.2014, thì tòa triệu tập ông Nguyễn Tấn Thi người đại diện theo ủy quyền của ông Phương đến tòa và trao quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, đến nay (14.11.2014) tòa vẫn chưa tống đạt trực tiếp Quyết định này cho ông Phương và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan !
Trong đơn kháng cáo, ông Phương cho rằng: “Nhận thấy việc đình chỉ giải quyết vụ án là chưa đúng căn cứ pháp luật gây thiệt thòi về quyền và lợi ích hợp pháp của tôi… nên tôi kháng cáo lên tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM xem xét hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 1261/2014 của TAND TPHCM”.
Ông Phương cũng cho rằng, thẩm phán Phan Tô Ngọc đã không xem xét kỹ các chứng cứ mà ông Phương và gia đình cung cấp, cũng như những chứng cứ tòa thu thập trong suốt thời gian thụ lý giải quyết vụ án.
Đồng thời cũng không xem xét kỹ nội dung khởi kiện, nội dung yêu cầu… bởi gia đình ông Phát kiện bà Huệ Lan là đòi lại nhà và đất tại số 110/1 đường Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú (hiện trị giá khoảng 60 tỉ đồng). Đây là nhà, đất của gia tộc, trước đây do bà Hà Kim Liên, là mẹ của ông Phương, bà Phát… có giấy ủy quyền của bà Liên giao cho bà Phát quản lý, sử dụng vào mục đích kinh doanh của gia tộc. Như vậy tài sản nhà, đất này là của mẹ ông Phương, bà Phát… chứ không phải là tài sản riêng của bà Phát.
-------------------------
Vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường: Người nhà chi gần 640 triệu tìm thi thể nạn nhân
Theo thống kê từ gia đình nạn nhân vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường, chi phí mà họ bỏ ra trong suốt quá trình tìm xác chị Huyền lên tới gần 640 triệu đồng.
Theo bản cáo trạng mới nhất của vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường, gia đình chị Lê Thị Thanh Huyền – nạn nhân vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường- thống kê tổng chi phí cho việc tìm xác chị Huyền tổng số tiền là 639.613.837 đồng.
Theo thống kê này, tiền thuê thuyền tìm xác trên sông hết 163 triệu đồng; thuê thuyền và thợ lặn hết 56 triệu đồng; thuê xe ô tô vân chuyển hết 17 triệu đồng; chi phí rước vong lên chùa hết 15 triệu đồng; chi phí thuê nhà nghỉ tại các tỉnh hết 6 triệu đồng; chi tín ngưỡng tâm linh hết 43.580.000 đồng; chi phí khác hết 50 triệu đồng.
Trước đó, chị Nguyễn Thị Hằng (vợ của Nguyễn Mạnh Tường) đã bồi thường cho gia đình nạn nhân (chị Lê Thị Thanh Huyền) số tiền 250 triệu đồng. Đại diện gia đình nạn nhân là anh Nguyễn Hữu Huy (chồng chị Huyền) yêu cầu bồi thường tiếp tổn thất về vật chất khi tìm kiếm thi thể và tổn thất tinh thần là 161 triệu đồng. Ngoài ra, các chi phí phát sinh khác gia đình sẽ đề nghị tại tòa khi xét xử.
Trong một diễn biến khác, vì Nguyễn Mạnh Tường không bị kết tội giết người, nên rất nhiều người liên quan đến vụ án không tố giác hành vi phạm tội của Tường cũng vô can. Đối với Nguyễn Thị Hằng (vợ của Tường), cáo trạng nhận định, chị Hằng biết việc Tường và Khánh mang xác chị Huyền đi để vứt xuống sông. Chị Hằng nhiều lần can ngăn Tường và Khánh không được vứt xác chị Huyền. Sau khi Tường và Khánh vứt xác chị Huyền xuống sông, Hằng không đến cơ quan chức năng để tố giác là sai phạm. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 314 BLHS, hành vi trên của Hằng không cấu thành tội phạm. Cơ quan điều tra quyết định xử lý hành chính là có căn cứ.
Đối với Lê Xuân Chiêm (anh trai của Tuyết - nhân viên Thẩm mỹ viện Cát Tường) được Tuyết gọi đến nhờ mang chiếc máy ảnh và máy tính của Thẩm mỹ viện Cát Tường về chỗ ở của Lê Thị Thúy Mai. Khi cơ quan điều tra thông báo, Chiêm tự nguyện mang giao nộp. Hành vi trên của Chiêm không phạm tội, cơ quan điều tra quyết định xử phạt hành chính là có căn cứ.
Đối với các nhân viên làm nhiệm vụ quản lý nhân viên, kinh doanh, chăm sóc khách hàng, tư vấn và quảng cáo tại Thẩm mỹ viện Cát Tường dù biết Nguyễn Mạnh Tường đã thực hiện việc hút mỡ bụng và nâng ngực cho chị Huyền tại Thẩm mỹ viện Cát Tường gây hậu quả chị Huyền tử vong, nhưng các đối tượng này không tố cáo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hành vi trên của các đối tượng này không cấu thành tội, cơ quan điều tra quyết định xử phạt hành chính là có căn cứ.
Đối với Nguyễn Quang Thành, bác sỹ khoa ngoại bệnh viện Bạch Mai được Tường gọi đến Thẩm mỹ viện để giúp Tường cấp cứu chị Huyền, nhưng chị Huyền tử vong. Sau khi chị Huyền tử vong, Thành không tố cáo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hành vi trên của Thành không cấu thành tội, cơ quan điều tra không đề cập xử lý là có căn cứ.
Theo lịch, dự kiến phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường dự kiến sẽ diễn ra vào 2 ngày 4 và 5.12 sắp tới. Chủ tọa trong phiên tòa trên là thẩm phán Lê Thị Hợp. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân giữ quyền công tố trước Tòa là kiểm sát viên Đỗ Minh Tuấn. Có năm luật sư tham gia tranh tụng tại phiên tòa.
-------------------------
Nghệ An: Phạt hơn 250 triệu với 21 xe chở gỗ Lào quá tải
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã thực hiện xử phạt hành chính số tiền 252 triệu đồng đối với 21 xe chở gỗ từ Lào qua cừa khẩu Nậm Cắn vào Nghệ An quá tải bị bắt giữ ngày 13.11.
Chiều 14.11, ông Trần Trọng Thắng - Chánh Thanh tra, Sở GTVT Nghệ An cho biết, lực lượng chức năng đã yêu cầu chủ đoàn xe 21 chiếc chở gỗ quá tải phải hạ tải, đồng thời lập biên bản xử phạt hành chính theo quy định.
Lực lượng chức năng phối hợp xử lý đoàn xe quá tải Cụ thể, kết quả cân tải trọng cho thấy đoàn xe đều vượt mức trọng tải cho phép trên 50%. Với lỗi này, mỗi xe bị lập biên bản xử phạt 12 triệu đồng. Tổng cộng, 21 xe bị xử phạt hành chính số tiền 252 triệu đồng.
Cũng theo ông Thắng, việc hạ tải bắt đầu từ trưa 14.11 và có thể phải mất vài ngày do khối lượng gỗ rất lớn.
Trước đó, ngày 13.11, thanh tra Sở GTVT Nghệ An phối hợp cùng Đội Cảnh sát giao thông 1-7, kiểm lâm địa phương bắt giữ đoàn xe có dấu hiệu quá tải này khi đi qua địa bàn huyện Anh Sơn. Sau đó, áp tải về huyện Đô Lương để thực hiện hạ tải. Đây là đoàn xe chở gỗ Lào của một doanh nghiệp trên địa bàn tình lưu thông từ Lào qua cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn) về Việt Nam.
-------------------------
Hơn 9.000 xe ô tô quá khổ, quá tải bị xử lý
Thời gian qua, lực lượng CSGT và TTGT tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng nghìn phương tiện ô tô vi phạm quá khổ, quá tải, nộp ngân sách nhà nước hơn 21 tỷ đồng.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh này có 45.000 phương tiện ô tô tải các loại, trong đó, 1.000 xe có kích thước thành thùng lớn và 500 xe ô tô ben có trọng tải từ 10 tấn trở lên.
Qua các đợt kiểm tra của ngành chức năng đã phát hiện hàng nghìn phương tiện trong số các phương tiện trên chở hàng hóa quá khổ, quá tải.
Chỉ tính từ đầu năm đến tháng 10/2014, các lực lượng Công an tỉnh, Thanh tra giao thông đã kiểm tra và lập biên bản 9.179 trường hợp xe ô tô vi phạm chở hàng hóa quá khổ, quá tải; tước giấy phép lái xe 2.005 trường hợp, hạ tải 3.010 tấn đối với 265 xe vi phạm; nộp ngân sách Nhà nước hơn 21 tỷ đồng.
Những phương tiện vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải nêu trên là một trong những nguyên nhân làm hư hỏng nhiều tuyến đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Hiện các ngành chức năng đang tiếp tục đẩy mạnh xử lý những phương tiện vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải và các phương tiện cơi nới thành thùng sai quy định.
--------------------------