Thủ lĩnh IS kêu gọi thánh chiến toàn cầu
Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi hôm 13-11 công bố đoạn băng ghi âm kêu gọi “kích nổ những ngọn núi lửa thánh chiến” khắp nơi nhằm chống lại người Hồi giáo Shi’ite và phương Tây.
Sau nhiều ngày bặt vô âm tín, đây được xem là nỗ lực đập tan các tin đồn cho rằng Al-Baghdadi đã chết hoặc bị thương nặng trong một cuộc không kích của Mỹ.
Trong thông điệp dài 17 phút được nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đăng tải trên mạng, Al-Baghdadi tuyên bố không bao giờ từ bỏ cuộc chiến, đồng thời thề thốt sẽ kéo liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu “xuống mặt đất”. Thủ lĩnh IS nói cứng rằng các tay súng sẽ không bao giờ ngơi tay nay cả khi chỉ còn một binh một tốt.
Thủ lĩnh này nói: “Cuộc hành quân của các chiến binh thánh chiến sẽ tiếp tục cho đến khi họ đến Rome. Người Do Thái và quân thập tự chinh sẽ sớm buộc phải giao chiến trên mặt đất và đẩy các lực lượng trên bộ của họ đến chỗ diệt vong”.
Như kẻ cầm đèn chạy trước ô tô, Al-Baghdadi tuyên bố rằng chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm tiêu diệt nhóm IS ở Syria và Iraq sẽ thất bại.
Giọng nói trong đoạn băng ghi âm được xác nhận ban đầu là giống giọng nói của Al-Baghdadi. Tuy nhiên, nó không được công nhận như một bằng chứng xác thực về tình trạng hiện nay của y. Mỹ và các đồng minh chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào xác thực đoạn băng ghi âm do IS tung ra.
Đoạn băng ghi âm xuất hiện 6 ngày sau báo cáo cho rằng al-Baghdadi đã bị thương nặng, thậm chí là tử vọng trong một cuộc không kích của Mỹ ở Iraq. Bộ Quốc phòng và Nội vụ Iraq đã xác nhận thông tin trùm khủng bố này bị thương, nhưng Lầu Năm Góc vẫn tỏ ra thận trọng với mọi tuyên bố của mình.
Trong khi đó, phát biểu trong phiên điều trần của Quốc hội hôm 13-11, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey khẳng định: “Chúng ta sẽ cần khoảng 80.000 binh sĩ Iraq có thể hoạt động hiệu quả để lấy lại các vùng lãnh thổ đã mất và cuối cùng là thành phố Mosul, khôi phục lại biên giới”.
Tướng Dempsey cho biết, để đáp ứng yêu cầu này, lực lượng Mỹ tại Iraq sẽ phải thành lập thêm các trung tâm huấn luyện cho quân đội địa phương nếu cần thiết.
Cũng tại phiên điều trần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phủ nhận thông tin Nhà Trắng định mở rộng chiến dịch chống IS ở Syria thành cuộc chiến loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad mà đài CNN đăng tải.
“Vì chúng ta không có một chính phủ hay quân đội đối tác thường trực để liên minh như ở Iraq nên trong tương lai gần, mục đích của Mỹ ở Syria chỉ giới hạn ở phá hủy các địa điểm trú ẩn của IS" - ông nói.
H.Bình (Theo Reuters, Times of India, IB Times, Người Lao Động)
-------------------------
IS liên kết với Al-Qaeda ở Syria
Các thủ lĩnh thuộc tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) và chi nhánh tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Syria, được biết đến với tên gọi Mặt trận Nusra, đã nhất trí kế hoạch ngưng đánh nhau và cùng nhau hợp tác chống lại các đối thủ.
Đó là thông tin do một giới chức phe đối lập Syria và một chỉ huy quân nổi dậy ở nước này tiết lộ hôm 13-11.
Thỏa thuận như nêu trên có thể khiến chiến lược chống IS của Washington vấp phải những khó khăn mới.
Trong lúc các máy bay của liên minh do Mỹ cầm đầu không kích phiến quân IS từ trên không, chính quyền Mỹ còn trông mong các nhóm quân nổi dậy “ôn hòa” trên bộ đẩy lùi chúng.
Những lực lượng nổi dậy này - được xem là khá yếu và không được tổ chức tốt - sẽ phải đối mặt với sức phản công mạnh hơn nhiều nếu 2 tổ chức đáng sợ kể trên liên kết với nhau.
IS - chiếm được gần 1/3 lãnh thổ Syria và Iraq - và Mặt trận Nusra đã giao chiến với nhau dữ dội suốt hơn 1 năm nay để giành quyền thống trị lực lượng nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Nay, với thỏa thuận mới, 2 phe này hứa ngừng giao tranh và thậm chí còn hợp sức trong các vụ tấn công ở một số khu vực phía Bắc Syria chống lại các chiến binh người Kurd.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sự hợp tác trên sẽ không có tác dụng chia rẽ các nhóm nổi dậy đối thủ, đồng thời tin rằng bất cứ thỏa thuận nào giữa 2 phe này sẽ đều có thể dễ dàng tháo gỡ.
-------------------------
Iraq cần 8 vạn lính thiện chiến để giành lại lãnh thổ từ IS
Quân đội Mỹ ngày 13/11 tuyên bố, Iraq sẽ cần khoảng 80.000 binh sĩ thiện chiến để chiếm lại các vùng lãnh thổ từ tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
"Sẽ cần khoảng 80.000 binh sĩ Iraq hoạt động hiệu quả để giành lại các khu vực đã mất, và cuối cùng là thành phố Mosul nhằm khôi phục lại vùng lãnh thổ ở biên giới với Syria", Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey cho biết trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ hôm 13/11.
Theo Tướng Dempsey, để thực hiện mục tiêu trên, Mỹ sẽ phải giúp Iraq thành lập thêm các trung tâm huấn luyện cho binh lính địa phương.
Cũng tại phiên điều trần, ông Dempsey cũng cho biết, Mỹ có ý định tăng cường hỗ trợ vừa phải cho phe đối lập Syria để họ có thể kiểm soát các vùng lãnh thổ trước sự đe dọa của IS.
Tuyên bố của tướng Dempsey đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 7/11 đã đồng ý gửi thêm 1.500 binh sĩ tới Iraq để hỗ trợ Baghdad và lực lượng người Kurd tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), tăng gần gấp đôi quân số đóng tại nước này lên tới 3.100 người.
---------------------
Ukraine “lạnh lùng” với khí đốt Nga?
Ukraine có dấu hiệu trì hoãn khoản thanh toán tiền mua khí đốt trị giá hàng tỉ USD từ Nga theo thỏa thuận do Liên hiệp châu Âu (EU) làm trung gian, kể từ khi Nga cắt cung cấp khí đốt cho Ukraine vào tháng 6.
Mới đây, Tập đoàn dầu khí Ukraine Naftogaz đã chuyển khoản cho Gazprom Nga 1,45 tỉ USD như là đợt thanh toán đầu tiên cho khối lượng khí đốt đã cung cấp mà chưa trả tiền. Tuy nhiên, Nga khẳng định Ukraine cũng phải hoàn thành đợt chi trả khoảng 760 triệu USD trước tháng 11 để mua gần 2 tỉ mét khối khí đốt từ Nga trong mùa đông này.
Với thời tiết tương đối nhẹ nhàng ở miền Trung Ukraine (nhiệt độ ban ngày khoảng 10 độ C được và theo dự báo sẽ không thay đổi trong vòng 10 ngày tới), một quan chức của công ty năng lượng nhà nước của quốc gia Naftogaz Ukraine hôm 13-11 cho biết: “Nhập khẩu khí đốt sẽ phụ thuộc vào thời tiết và tiêu thụ”. “Naftogaz sẽ cố gắng giảm thiểu nhập khẩu khí đốt nhằm cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ và dự trữ ngoại hối khá mỏng” - nhà phân tích năng lượng độc lập Valentin Zemlyansky nhận xét.
Trong khi đó, người phát ngôn Gazprom Sergei Kupriyanov nhấn mạnh: “Không thanh toán, không khí đốt”. “Tình hình chính trị rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng có thể tiềm ẩn những rủi ro trong việc cung cấp vào mùa đông” – Tập đoàn tư vấn Eurasia Group lưu ý rằng hoạt động cung cấp khí đốt Nga cho nhiều nước châu Âu có thể bị gián đoạn.
Về phía Moscow, các chuyên gia tài chính thừa nhận các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên nước này liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang nhấn chìm nền kinh tế Nga. Theo một cuộc thăm dò ý kiến do trang tin Bloomberg thực hiện, khả năng kinh tế Nga rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới là 70%.
Ở biên giới Nga-Ukraine, hiện có khoảng 8 tiểu đoàn quân Nga, tức tương đương 6.400 binh sĩ và lực lượng này luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Thông tin này do báo The Financial Times dẫn lời một sĩ quan NATO tiết lộ. Như vậy, số lượng lính đặc nhiệm Nga hoạt động trong lãnh thổ Ukraine tăng từ khoảng 300 lên 400-500 người trong vài ngày qua, khiến NATO hết sức lo lắng vì lực lượng trên được trang bị các hệ thống vũ khí tiên tiến.
Trong một diễn biến khác, 2 chiến đấu cơ F-16 của Hà Lan, vốn thuộc một lực lượng NATO tuần tra trên bầu trời các nước Baltic, hôm 13-11 chặn một máy bay vận tải Ilyushin của Nga sau khi máy bay này xâm nhập không phận của Estonia và Litva.
Cùng ngày, Mỹ cho biết Nga đã gia tăng các chuyến bay quân sự gần bờ biển Washington. Diễn biến này khiến chính quyền Tổng thống Barack Obama cảnh báo Moscow cần tuân thủ theo luật pháp quốc tế khi thực hiện các chuyến bay như trên. Lời cảnh báo này đưa ra vài ngày sau khi một chuyên gia châu Âu nhận định kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea đầu năm 2014, “mức độ nghiêm trọng của các sự cố liên quan đến quân đội Nga và các nước phương Tây đang tăng lên rõ rệt”.
H.Bình (Theo Reuters, The Financial Times, The Straits Times,Người Lao Động)
-------------------------
Ukraine sang Mỹ xin viện trợ quân sự
“Chúng tôi lo ngại về khả năng tái diễn một cuộc chiến toàn diện ở miền Đông Ukraine” - Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về các vấn đề chính trị, ông Jens Anders Toyberg-Frandzen, cảnh báo tại phiên họp khẩn cấp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào chiều 12-11.
Tại phiên họp, Đại sứ Mỹ Samantha Power cáo buộc Nga châm ngòi chiến tranh ở Ukraine, trong khi vị đồng cấp Lithuania Raimonda Murmokaite cũng cho rằng Moscow đang thực hiện một cuộc chiến không tuyên bố chống lại Kiev.
Đại sứ Ukraine Yuriy Sergeyev khẳng định các đoàn xe Nga chở vũ khí hạng nặng đang hằng ngày vượt biên giới vào lãnh thổ Ukraine. “Nga đang tập trung ở biên giới Ukraine 200 xe tăng, 1.600 xe quân sự, 640 ụ pháo, 191 máy bay và 121 trực thăng” - ông Sergeyev cho biết.
Cùng ngày, theo đài CNN, tướng Mỹ Phillip Breedlove, tư lệnh các lực lượng NATO ở châu Âu, nhấn mạnh Nga đang đưa xe tăng, đại pháo, hệ thống phòng không và binh sĩ vào Ukraine trong mấy ngày qua, đồng thời xem đây là “hành vi xâm lược” mới nhất của Nga đối với Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak cho rằng nước này cần trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt khi phe ly khai và quân đội Nga tăng cường lực lượng. Trong khi đó, Tư lệnh Tiểu đoàn Donbass của Ukraine, ông Semen Semenchenko, thông báo phái đoàn Ukraine gồm tư lệnh các tiểu đoàn tự nguyện đã đến Mỹ để xin viện trợ quân sự.
Ông Dmitry Tymchuk, điều phối viên nhóm “Kháng thông tin”, ngày 13-11 khẳng định việc tập trung lực lượng Nga vào khu vực Donbass đã kết thúc; các đơn vị ly khai địa phương cũng được tăng cường nhân lực, vũ khí và kỹ thuật quân sự. Trước đó, chính ông Tymchuk cũng như giới chức Cơ quan An ninh Ukraine nhận định phe ly khai ở miền Đông có khoảng 25.000-30.000 tay súng, được trang bị hàng trăm đơn vị kỹ thuật chiến đấu của Nga.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, ngay lập tức bác bỏ cáo buộc quân đội nước này xâm lược Ukraine và tố cáo đây là động thái chống Moscow nhằm gieo hoang mang sợ hãi. Phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Alexander Pankin cũng khẳng định quân đội và xe tăng Nga không hề vượt qua biên giới Ukraine, đồng thời không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với láng giềng.
Trong một diễn biến khác, theo báo Moskovsky Komsomolets, nhà lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng, ông Igor Plotnitsky, hôm 13-11 tuyên bố LPR có kế hoạch trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Liên bang Nga. Ông thừa nhận nếu ủng hộ ý tưởng này, Nga sẽ có quyền hợp pháp đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào LPR.
-------------------------