9 tháng Petrolimex lãi sau thuế 1.150 tỉ đồng
Tại cuộc họp báo chiều 14.11, ông Lưu Văn Tuyển, Kế toán trưởng Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex), cho biết 9 tháng đầu năm nay tổng doanh thu hợp nhất của Petrolimex đạt 158.578 tỉ đồng; tổng lợi nhuận hợp nhất (sau thuế) đạt 1.150 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của công ty mẹ và 42 công ty xăng dầu thành viên là 406 tỉ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 7,6%, nộp ngân sách nhà nước 27.025 tỉ đồng.
Trả lời báo chí vì sao tốc độ giảm giá xăng dầu trong nước rất chậm so với thế giới, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex, nói: “Việc giảm giá trong nước và giảm giá xăng dầu ngoài nước cũng có thời điểm không cùng nhịp do còn có các yếu tố tính thuế, phí, trích lập bình ổn giá tác động và vừa qua cũng có thời điểm chuyển giao giữa cơ chế điều hành cũ (theo NĐ 84/CP) sang cơ chế mới (NĐ 83/CP) nên cũng có sự chậm trễ”. Về câu hỏi vì sao xăng sinh học E5 sau một thời gian được bán rộng rãi ở Quảng Ngãi nay tiêu thụ rất chậm, trong khi tiêu thụ xăng 92 và 95 lại tăng lên, ông Năm cho rằng “có tình trạng người dân chuyển mua xăng E5 sang mua xăng Ron 92, 95 nhưng số này không nhiều” và “đó là quyền lựa chọn, sở thích của người tiêu dùng”.
* Sáng cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Petrolimex tổ chức hội nghị tổng kết kế hoạch thực hiện lộ trình phân phối xăng E5 Ron 92 trên địa bàn tỉnh. Đây là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai lộ trình phân phối xăng E5 Ron 92. Qua hơn 3 tháng thực hiện, đến nay toàn tỉnh có 97,3% cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng E5 Ron 92, gần 3% cửa hàng còn lại chuyển sang bán xăng Mogas 95, không còn cửa hàng xăng dầu nào bán xăng khoáng Mogas 92. Theo Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), trong tháng 11 và 12.2014, tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng sẽ thay thế hoàn toàn xăng khoáng Mogas 92 bằng xăng E5 Ron 92.
-------------------------
Việt Nam cần tập trung sản xuất sản phẩm có chất lượng cao
Đó là ý kiến của GS Shlomo Maital khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên nhân dịp ông tới VN với nhiều chương trình trao đổi cùng giới chuyên gia, doanh nghiệp.
Ông nhận xét thế nào về nền kinh tế và giới doanh nghiệp VN?
Khi đến VN, GS Simon Johnson của MIT (Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ) từng nhận xét đây là quốc gia tràn ngập không khí kinh doanh. Tôi đồng ý điều đó. Rất nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ của VN đang miệt mài vận hành. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là cần nâng cao sản phẩm, cải tiến và quản trị hiệu quả. Sinh lực kinh doanh của giới kinh doanh VN là khổng lồ, nếu kết nối với công nghệ và quản trị hiệu quả, thì tiềm năng là vô bờ.
Là một chuyên gia nổi tiếng thế giới về quản trị sáng tạo, ông có lời khuyên nào cho các DN VN để nối kết sự sáng tạo hướng đến thành công?
Điều then chốt là phải biết nối kết sự sáng tạo với tình hình thực tế. Bởi thế, mỗi DN khi bắt đầu cần phải có nhân sự đáp ứng 3 tiêu chí: Thứ nhất là có khả năng sáng tạo; Thứ hai là khả năng áp dụng sáng tạo trong thực tế; Thứ ba là bán sản phẩm có được từ việc kết nối hai quá trình trên.
Phải định hình thương hiệu
Chính phủ đóng vai trò thế nào trong quá trình đó?
Chính phủ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Chính phủ nên hình thành quỹ nghiên cứu và phát triển thông qua các tổ chức khoa học, để hình thành cơ sở vật chất tốt và những đại học có nguồn lực dồi dào. Chính phủ cần tạo điều kiện khởi nghiệp và vận hành DN một cách dễ dàng và đề ra một định hướng chiến lược. Không đất nước nào xuất sắc về mọi mặt, VN cũng vậy, nên cần đặt ra cụ thể: VN tập trung vào ngành nào để hiệu quả, đâu là sức mạnh đòn bẩy cho VN. Chính phủ cũng cần hỗ trợ hình thành và nối kết mạng lưới DN.
Hiện tại, hàng hóa Thái Lan đang ngày càng xâm nhập mạnh mẽ thị trường VN nhờ lợi thế chất lượng hàng hóa được đánh giá tốt hơn nhưng không đắt hơn. DN Thái còn có ảnh hưởng lớn với hệ thống phân phối VN. Theo ông, VN nên ứng phó thế nào trước thách thức này, nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào năm 2015?
VN phải chủ động xây dựng và định hình thương hiệu riêng. Đây là điều tối quan trọng. Hồi thập niên 1950, Nhật Bản từ được biết đến là nước sản xuất hàng hóa giá rẻ thấp cấp. Và họ đã thay đổi điều đó để đến thập niên 1980 thì hình ảnh thương hiệu của nước này là hàng hóa công nghệ cao, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp…
Thực sự, bị cạnh tranh mạnh mẽ cũng chính là cơ hội để hàng hóa VN tốt hơn. Các DN VN cần chuẩn bị ở mức cao nhất và cũng cần nghĩ đến khái niệm mà ông Peter Drucker (1909 - 2005, người được xem là cha đẻ ngành quản trị kinh doanh hiện đại) từng nói: Phá hủy mang tính sáng tạo. VN cần chấp nhận việc nhiều DN “chậm tiến” phải bị đào thải để những DN mới ra đời.
VN cần tập trung vào năng lực sản xuất với điểm mấu chốt không phải là ưu thế lương thấp mà sản phẩm có chất lượng cao. DN VN cần phát triển đội ngũ lao động hiệu suất cao, thông qua đào tạo và quản trị. DN phải đưa ra một chương trình nâng cao chất lượng, hiệu suất và liên tục đánh giá chính mình.
-------------------------
Dự án sân bay Long Thành: Cần cân nhắc thời điểm triển khai
Chiều 14.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Qua thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm tán thành chủ trương xây dựng sân bay Long Thành nhưng hiện chưa phải là thời điểm thích hợp.
Vẫn còn một số đại biểu băn khoăn về tính cấp thiết của dự án, cho rằng, hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để xây dựng sân bay Long Thành. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) bày tỏ băn khoăn về lượng khách trung chuyển như đề án đặt ra, cho rằng, dự đoán trong thời gian tới sẽ có 50 triệu hành khách/năm tới Việt Nam, nhưng ai dám khẳng định mấy chục năm nữa lượng khách sẽ đạt được như vậy.
ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đặt vấn đề: “Chất lượng hai sân bay quốc tế hiện nay của chúng ta là Nội Bài và Tân Sơn Nhất rất có vấn đề về chất lượng phục vụ. Vấn đề lấy đất trong sân bay Tân Sơn Nhất làm sân golf và đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay nợ công còn cao. Nên cần phải làm rõ nguồn vốn để xây dựng dự án này”.
Trước ý kiến của nhiều ĐBQH, sân bay Tân Sơn Nhất không mở rộng được do vướng dự án sân golf, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Hữu Đức cho biết, khi chưa có sân golf đất rất bẩn, chủ yếu là thả bò, đe dọa an toàn sân bay nên Bộ quốc phòng xin làm sân golf để không có chim trú ngụ, tránh tai nạn do chim chui vào động cơ; đồng thời không phải cắt cỏ, tạo công ăn việc làm cho người lao động, và đóng góp cho địa phương.
-------------------------
Đấu giá lần đầu cổ phiếu Vietnam Airlines: 100% đấu giá thành công, Vietnam Airlines thu về hơn 1.000 tỉ đồng
Ngày 14.11, Cty mẹ - Tổng Cty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tổ chức đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 49 triệu cổ phần.
Kết quả 100% lượng cổ phần chào bán được mua hết, trong đó đã có hai nhà đầu tư đặt mua hơn 48,3 triệu cổ phần được cho là Ngân hàng Vietcombank và Techcombank. Buổi đấu giá có sự tham gia đăng ký mua của 1.608 nhà đầu tư với khối lượng đặt là 49.336.200 cổ phần của Vietnam Airlines, vượt gần 330.000 cổ phần/số cổ phần chào bán. Mức giá khởi điểm là 22,300 đồng/cp. Mức giá đặt mua cao nhất là 223.000 đồng/cp. Được biết, sau IPO thì nhà nước sẽ giữ tỉ lệ chi phối là 75% để đảm bảo thị trường có thể hấp thu 25% vốn một cách hiệu quả.
-------------------------
Chỉ bắt được 1/5 hàng lậu
Với đường biên giới dài 15 km nằm đối diện xã Som Rong, H.Chan Tria (Svay Rieng, Campuchia), cùng 6 casino đặt ngay sát cửa khẩu, xã Mỹ Quý Tây (H.Đức Huệ, Long An) lâu nay là địa bàn nóng bỏng vì nạn buôn lậu.
Để khắc chế tình hình phức tạp trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, lực lượng đặc nhiệm chống buôn lậu bao gồm bộ đội biên phòng, hải quan, công an, đã được triển khai đóng chốt và hoạt động 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm dọc biên giới. Kết quả là nạn buôn lậu thuốc lá có giảm, đồng thời các lực lượng đặc nhiệm cũng đã bắt giữ hơn 130.000 gói thuốc lá lậu. Tuy nhiên, theo đại úy Lê Trọng Tình, Phó trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, thì tỷ lệ bắt được chỉ chừng 1/5.
Núp bóng “đi casino” để chở thuốc lá lậu
Đối diện với cửa khẩu Mỹ Quý Tây có một dãy nhà kho tập kết hàng lậu, mà chủ yếu là thuốc lá. Theo đại úy Tình, mỗi ngày các đầu nậu đưa về đây từ 100 - 150 thùng (mỗi thùng 50 cây thuốc lá) để tuồn vào VN. Từ khi lực lượng đặc nhiệm ra quân chốt chặn 24/24 giờ, dân buôn lậu khó hoạt động nên chuyển địa bàn qua khu vực khác. Từ kho hàng lậu bên kia biên giới, các đầu nậu cũng cho người đai bằng xe gắn máy chuyển về kênh G1, Giồng Cát, Ba Thu. Từ đây, thuốc lá lậu được tuồn vào VN qua tuyến Hựu Thạnh hoặc kênh Đường Xuồng và tập kết tại bến đò Lộc Giang (H.Đức Hòa), sau đó đưa về TP.HCM qua ngả Bình Tân, Hóc Môn. Gần đây, do tuyến kênh Đường Xuồng có lực lượng cảnh sát đường thủy đóng chốt, dân buôn chẻ thuốc lá lậu bằng xe gắn máy dọc theo hai bên bờ kênh.
Khi các tuyến đường thủy, đường bộ bị chốt chặn, dân buôn chuyển qua móc nối các tài xế chở khách đi casino để tuồn thuốc lá lậu về TP.HCM. Mới đây, bộ đội biên phòng bắt được chiếc Innova chở 4 người khách nhưng trên xe còn có 1.400 gói thuốc lá. Sau đó lại bắt tiếp một tài xế ở Q.8 (TP.HCM) đi một mình và chở 4.880 gói thuốc lá lậu. Theo đại úy Tình, cơ quan chức năng xác định có 12 người thường xuyên móc nối xe chở khách đi casino để vận chuyển thuốc lá lậu.
Giăng võng trước đồn biên phòng
Để đối phó với lực lượng đặc nhiệm, ngoài việc thay đổi phương thức, giờ giấc hoạt động, đám buôn lậu còn sử dụng “trinh sát” để canh đường và theo dõi mọi động tĩnh của lực lượng chống buôn lậu. Chẳng hạn, ngay trước cổng đồn biên phòng lúc nào cũng có 2 người lạ mặt giăng võng nằm từ sáng đến tối. Hoặc ở khu vực cầu Mỹ Bình, nơi chiếc ca nô của cảnh sát đường thủy đậu thì có 4 người canh chừng. Chỉ cần công an tháo dây ca nô là các “trinh sát” báo ngay cho đồng bọn.
Ông Châu Văn Luyến, Đội trưởng Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (đóng tại thị trấn Hậu Nghĩa, H.Đức Hòa), nhìn nhận thời gian gần đây khó bắt được thuốc lá lậu vì lúc nào cũng bị đám buôn lậu cho người theo dõi. Đặc biệt, ở Đức Hòa có một nữ “trinh sát” tên Uyên, còn khá trẻ, thường sử dụng xe gắn máy “kè” theo QLTT và được đầu nậu trả 3 triệu đồng/tháng. Cũng vì bị theo dõi chặt nên có lúc thực thi công vụ, QLTT phải… leo rào hoặc quá giang xe.
Trên thực tế, mặc dù bị xử phạt rất nặng, như chở dưới 60 cây thuốc lá thì bị tịch thu hàng đồng thời phạt bằng 100% giá trị; chở trên 60 cây thì tịch thu xe, bất kể là xe thuê hay xe nhà, nhưng dân đai thuốc lá lậu vẫn không “ngán”. Khi chở hàng lậu họ chạy bạt mạng, bất kể nguy hiểm, QLTT không dám đón lõng, công an cũng ngại…
Một cán bộ đặc nhiệm cho biết tại Mỹ Quý Tây và Mỹ Quý Đông có 2 đầu nậu chuyên chỉ đạo qua điện thoại cho đàn em tổ chức buôn lậu nhưng lực lượng chức năng “chưa làm gì được” vì chưa thu được chứng cứ. Giữa đầu nậu và đàn em buôn lậu cũng có “luật ngầm” là nếu bị bắt thì khai là chở cho người Campuchia, gia đình vợ con thì đầu nậu sẽ lo. Ngược lại, nếu khai ra đầu nậu thì mạnh ai nấy “bơi”, đầu nậu không chịu trách nhiệm. Chính vì vậy mà khi bị bắt, dân đai hàng lậu rất ít khi chịu khai báo đồng phạm.
-------------------------