Dù rất được các bên, đặc biệt là Mỹ, kỳ vọng song tiến trình đàm phán thành lập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ khó có thể đạt được đột phá trong năm nay.
Theo Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc tập đoàn The Economist của Anh, tiến trình đàm phán TPP đang gặp khá nhiều trở ngại và hầu như không thể đạt được bước tiến trong khoảng thời gian còn lại của năm.
Nhận định trên được đưa ra sau khi lãnh đạo 12 nước tham gia đàm phán TPP (gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam) đã không thể đạt được nhất trí về thời hạn chót kết thúc đàm phán.
Như vậy tới nay, tiến trình đàm phán TPP đã kéo dài gần 5 năm nhưng vẫn chưa thể cho ra một hiệp định thương mại tự do bao phủ khu vực rộng lớn thuộc vành đai Thái Bình Dương. Bất đồng quan điểm giữa Mỹ và Nhật Bản - hai nền kinh tế lớn nhất TPP - là tác nhân chính cản trở tiến trình này, đồng thời làm sói mòn lòng tin của các nước còn lại.
Không chỉ thế, sự bất đồng này còn khiến TPP dễ bị mất điểm trước Hiệp định thương mại tự do châu Á- Thái Bình Dương (FTAAP), một thỏa thuận thương mại lớn khác ở khu vực đang được Trung Quốc đẩy mạnh chuẩn bị để hình thành vào năm 2025 nhằm làm đối trọng với TPP do Mỹ dẫn đầu.
Tuy vậy, theo EIU, TPP vẫn có triển vọng kết thúc đàm phán và tiến tới ký kết vào năm tới, dù quá trình phê chuẩn ở nghị viện các nước khó có thể hoàn thành trước năm 2018.
TPP liên quan đến 12 thành viên APEC nhưng không có Trung Quốc. Thỏa thuận này đặt ra những tiêu chuẩn cao dối với các vấn đề như sở hữu trí tuệ, môi trường và hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh. Tuy nhiên, trong đàm phán TPP giữa Mỹ và Nhật Bản, bất đồng lớn nhất chủ yếu liên quan đến hàng rào phi thuế quan, lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất ô tô.
Các thành viên Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ tuyên bố sẽ chống lại kế hoạch của Tổng thống Barack Obama định thực thi những thay đổi về nhập cư, thông qua hành động hành pháp.
Tuy nhiên, phe Cộng hòa hiện đang phải chật vật tìm ra cách thức làm sao có được thành công mà không đẩy chính phủ vào trạng thái tệ liệt một lần nữa.
Sắp tới đây, Nhà Trắng và Thượng viện cần phải thông qua được một biện pháp trong phiên họp "quá độ" nhằm rót tiền cho các cơ quan liên bang vốn sẽ cạn kiệt ngân sách vào giữa tháng 12.
Theo hãng tin CNN, những người bảo thủ ở Hạ viện đang thúc ép Chủ tịch John Boehner đưa ngôn từ vào dự luật chi tiêu mà sẽ vô hiệu hóa bất kỳ ngân khoản nào, để các cơ quan liên bang cấp thị thực hay thẻ xanh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Đặc trách chi tiêu của Hạ viện, ông Hal Rogers (thành viên Cộng hòa, Kentucky) cảnh báo rằng, một nỗ lực như vậy có thể sẽ dẫn tới tình trạng tê liệt và khẳng định không ai muốn đi theo con đường đó.
"Không một ai mạnh hơn tôi trong việc phản đối một hành động đơn phương của Tổng thống về chủ đề này, tuy nó đã được nhắc tới trước kia - đừng dại bắt cóc con tin mà bạn không thể bắn", ông Rogers ví von với các phóng viên sau một cuộc họp với toàn bộ thành viên Cộng hòa tại Hạ viện hôm 13/11.
Cuộc tranh luận về cách thức phản đối ông Obama đang đặt ra một thách thức cho các lãnh đạo Cộng hòa vốn vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
Một ngày sau cuộc bầu cử, Mitch McConnell - người sẽ trở thành lãnh đạo đa số tại Thượng viện vào tháng 1 tới - khẳng định, đảng Cộng hòa sẽ theo đuổi các quan điểm mà Tổng thống Obama không thích, nhưng cam kết sẽ không để cho chính phủ phải đóng cửa.
Obama, người đang ở thăm Myanmar, tuyên bố ông vẫn quyết tâm dùng quyền hành pháp của mình, để giải quyết vấn đề nhập cư vào cuối năm nay song không nêu thời gian cụ thể. Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest mô tả với các phóng viên ở Myanmar rằng, Obama "đang tiến gần tới một quyết định cuối cùng".
Theo một số thành viên Cộng hòa, tại cuộc họp ngày 13/11, Boehner nêu rõ một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là dùng mọi công cụ sẵn có để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của Tổng thống nhằm "qua mặt" Quốc hội về vấn đề nhập cư.
Ông cũng cảnh báo các thành viên Cộng hòa rằng, họ cần tìm ra một cách thức thông minh để phản ứng trước khi tiến tới một cuộc bỏ phiếu.
Tại một cuộc họp báo diễn ra vào buổi chiều cùng ngày, Boehner tuyên bố sẽ "phản đối Tổng thống đến cùng nếu ông nhất quyết đi theo con đường đó".
------------------------
Đức kết án 4 đối tượng âm mưu tiến hành tấn công khủng bố
Hãng tin Đức WDR đưa tin một tòa án Đức ngày 13/11 đã tuyên án 4 người đàn ông vì âm mưu tiến hành các vụ tấn công khủng bố tại Đức.
Tòa án cấp cao khu vực tại Dusseldorf phán quyết nhóm Dusseldorf, được đặt theo tên thành phố Đức, nơi 3 bị cáo sinh sống, đã lên kế hoạch một loạt vụ tấn công bằng bom theo lệnh của chỉ huy al-Qaeda, tuy nhiên chưa quyết định được mục tiêu cụ thể.
Theo thông tin truyền thông, sau thời gian dài theo dõi, cảnh sát đã bắt giữ 3 người đàn ông hồi tháng 4/2011 và người thứ tư vào tháng 12 cùng năm.
Trong vòng vài tuần sau vụ bắt giữ hồi tháng Tư, lực lượng đặc nhiệm hải quân Mỹ đã bắn chết chỉ huy al-Qaeda Osama bin Laden tại Pakistan và đem đi những tài liệu, một số trong đó được đưa tin là có liên quan tới nhóm ở Đức.
Lãnh đạo nhóm, Abdelabdim El-K, 33 tuổi, công dân Moroc, bị kết án 9 năm tù giam về tội lên kế hoạch các vụ tấn công và là thành viên của một nhóm khủng bố.
Các công tố viên cho biết người này đã nhận được lệnh từ một mật vụ cấp cao al-Qaeda xây dựng một nhóm để thực hiện các vụ tấn công ở Đức sau khi được huấn luyện tại một trại khủng bố.
Jamil S, 34 tuổi, người Đức gốc Moroc, bị kết án 7 năm tù, trong khi Amid C, 23 tuổi người Đức gốc Iran nhận 5 năm rưỡi tù giam vì là thành viên một nhóm khủng bố.
Halil S, 30 tuổi người Đức bị kết án 4 năm rưỡi tù vì hỗ trợ nhóm khủng bố./.
-----------------------