Bộ luật Dân sự bị hạ thấp giá trị?
“Trước đây bộ luật Dân sự là bộ luật gốc, các luật chuyên ngành khác phải căn cứ vào bộ luật gốc này. Nhưng tại dự thảo mới chúng ta đang làm ngược lại. Nếu đi theo hướng này thì bộ luật Dân sự chỉ nên quy định những nguyên tắc cơ bản, nhưng như thế sẽ làm hạ thấp giá trị của bộ luật Dân sự”.
Đây là ý kiến đại biểu (ĐB) Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) khi trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội (QH) sáng qua, 13.11.
Quan điểm của ĐB Ánh cũng khá tương đồng với nhiều ĐBQH khác trong phiên thảo luận tổ liên quan đến dự luật này. Theo ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), hiện có một số luật chuyên ngành được quy định rất cụ thể những nội dung có trong bộ luật Dân sự (BLDS) như luật Đất đai, luật Doanh nghiệp… Do vậy, không nên đưa những nguyên tắc cơ bản của luật chuyên ngành vào BLDS, tránh chồng chéo và khả năng xung đột. “Tuy nhiên, những nguyên tắc cơ bản nhất của BLDS mà luật chuyên ngành không thể thay thế được sẽ phải quy định trong BLDS để các luật chuyên ngành không thể vượt qua và làm trái được”, ĐB Xuyền nói.
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) bày tỏ đồng ý với quy định BLDS là quy định nền tảng, trong trường hợp có ngoại lệ ở luật chuyên ngành thì thực hiện theo luật chuyên ngành nhưng “nguyên tắc là các luật riêng không thể được trái nguyên tắc của BLDS”.
Không thể quy định kiểu “tiền trao cháo múc”
Về quyền sở hữu quy định trong dự thảo BLDS, nhiều ĐBQH đều cho rằng dự thảo đang mở quá rộng. Liên quan đến quyền sở hữu bất động sản, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nhấn mạnh thời điểm chứng nhận quyền sở hữu với bất động sản phải là thời điểm khai thuế trước bạ, được sự công nhận của nhà nước đối với tài sản đó. Theo ĐB Lịch, không thể quy định kiểu “tiền trao cháo múc”, chỉ cần ký cam kết, giao tiền là công nhận quyền sở hữu. Theo ông, điều này cũng giống như việc chỉ cần làm đám cưới ăn ở với nhau đã thành vợ chồng rồi chứ không cần đăng ký kết hôn.
Liên quan đến quyền sở hữu đất của công dân, ĐB Phạm Quang Nghị (Hà Nội) nêu ra ví dụ ở Hà Nội có nhiều trường hợp giao dịch tự nguyện không có hợp đồng, công chứng, gây khó cho cơ quan nhà nước. Những người sử dụng đất liên tục từ trước 2013 mà không có tranh chấp thì được cấp sổ. Nhưng thực tế là trước đó họ chiếm đoạt đất công, của nhà nước, nếu vẫn cấp sổ đỏ cho họ thì vô hình trung thừa nhận quyền lợi cho người chiếm đất bất hợp pháp. Bên cạnh đó là trường hợp các giao dịch hoàn toàn thỏa thuận, nhưng trên các tài sản không được pháp luật thừa nhận hợp pháp.
ĐB Phạm Quang Nghị nêu trường hợp công viên Đống Đa, ngày xưa là bãi rác, có nhiều người nhặt rác xây lều tạm. Do nhà nước quản lý không tốt nên dần dần họ xây nhà rồi bán cho người khác. Việc mua bán này là ngay tình, “tiền trao cháo múc”, ký tá đầy đủ. Giờ Hà Nội giải tỏa để xây dựng công viên Đống Đa phải đền bù rất nhiều tiền. Không đền bù họ không đi, phải xử thế nào? Tương tự những năm 1960, nhiều người hiến tặng, hoặc cho cơ quan, đơn vị nhà nước ở nhờ có hợp đồng. Sau này nhiều người muốn đòi lại, người đang sử dụng không có giấy tờ gì chứng minh là đất của mình nhưng bản thân người hiến tặng đi đòi cũng không có đầy đủ pháp lý. Căn cứ pháp luật để xử lý thế nào…?, ĐB Phạm Quang Nghị nêu vấn đề.
-------------------------
Sau lấy phiếu, nhiều lĩnh vực chuyển biến rõ nét
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải (ĐB Hòa Bình) nhấn mạnh: “Ý nghĩa của việc lấy phiếu không gì khác đều vì mục tiêu chung để đưa đất nước phát triển, để người được lấy phiếu nhìn vào đó mà tự hoàn thiện mình”.
Bà Hải cho biết: Cá nhân tôi khi đi tiếp xúc cử tri cũng nhận thấy rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu, phê chuẩn đã có tác dụng rất nhiều mặt đến đời sống kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước và đặc biệt tác động rất lớn đến tư tưởng của người dân vào sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, vào sự giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Đây là lần thứ 2 QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu, phê chuẩn nhằm thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 35 bà có đánh giá gì về kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần trước?
Có thể nhận rõ, sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần trước, công tác chỉ đạo, điều hành của các vị lãnh đạo ngành như giao thông, ngân hàng, y tế, giáo dục, công thương đã có chuyển biến rõ nét. Điều dễ nhận thấy, các vị được lấy phiếu đã kịp thời khắc phục nhược điểm của ngành mình, đề ra các chủ trương, chính sách, tích cực lắng nghe ý kiến của dân để làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước lĩnh vực mình được phân công. Tôi thấy, các vị trưởng ngành được phiếu tín nhiệm cao hay thấp, đều lấy đó làm động lực để tiếp tục hoàn thiện, phấn đấu thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Những người được tín nhiệm cao lấy làm tự hào và cần phải cố gắng với những gì mà cử tri tin tưởng; còn những vị bị phiếu tín nhiệm thấp, lấy đó rút ra bài học kinh nghiệm để vươn lên.
Điều quan trọng cử tri mong đợi là sau khi lấy phiếu, QH cần có những yêu cầu cụ thể đối với người có tín nhiệm thấp. Thậm chí, phải có những động thái quyết liệt để cử tri tin rằng việc lấy phiếu không phải chỉ là hình thức, thưa bà?
Những chức danh do QH bầu, phê chuẩn thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm, đều là những cán bộ, đảng viên. Mà đã là đảng viên, công chức làm việc tại cơ quan hằng năm đều đã tự đánh giá, kiểm điểm hoạt động tại cơ quan, chi bộ mình. Hằng năm, cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện phê và tự phê. Công chức, viên chức làm bản tổng kết, đánh giá công tác theo quy định chung. Cho nên, cần thấy rằng việc lấy phiếu tín nhiệm tại QH hay Hội đồng nhân dân cũng chỉ là một trong những kênh để có góc nhìn khách quan trong đánh giá kết quả công việc và tín nhiệm của cán bộ.
Cảm ơn bà!
(Theo Tiền Phong)
-------------------------
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Cần sớm ban hành Luật An toàn vệ sinh lao động
Chiều 12.11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động. Là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động, ông Đặng Ngọc Tùng (ĐBQH đoàn Đồng Nai, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lao Động xung quanh nội dung này.
Ông có thể cho biết trong Dự luật An toàn vệ sinh lao động có những điểm nào còn bất cập, chưa hợp lý?
- Theo tôi, cần phải sớm ban hành Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), nó sẽ thể chế hoá những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuy nhiên, luật này cần phải kế thừa và phát huy những mặt tích cực, phù hợp với những quy định pháp luật về ATVSLĐ.
Về một số điểm chưa hợp lý trong luật, thứ nhất, phải bỏ những khoản không còn phù hợp với thực tế trong việc bảo vệ người lao động. Về cơ cấu, dự thảo Luật ATVSLĐ có 7 chương, 94 điều, tuy nhiên, trong chương thứ nhất về quy định chung có quy định quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động. Ở đây, theo thiết kế tôi đã có đề nghị ban soạn thảo về việc quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ ATVSLĐ của người lao động, người sử dụng lao động, tuy nhiên, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức công đoàn lại không đưa vào đây, mà họ lại đưa vào dưới, cho nên tôi thấy cơ cấu như vậy là không hợp lý.
Thứ hai là về đối tượng điều chỉnh của Luật ATVSLĐ kỳ này có mở rộng hơn, tức là có mở rộng đến đối tượng và khu vực không có quan hệ lao động. Tổng LĐLĐVN cũng thống nhất với việc mở rộng đối tượng điều chỉnh của luật, tuy nhiên, để luật có tính khả thi cần quy định một số ngành, đối tượng không bắt buộc áp dụng một số quy định của luật hoặc quy định lộ trình bắt buộc. Bên cạnh đó, trong luật có ghi trách nhiệm của mặt trận tổ quốc, hội nông dân… - điều này hơi giống như công tác mặt trận, bởi thực tế quan hệ lao động chỉ xoay quanh có quan hệ chủ, thợ, đại diện cho những người lao động.
Ngoài ra, theo dự luật này thì tổ chức công đoàn chỉ được tham gia, không được nghiên cứu. Cho nên, trong luật đề là "tham gia nghiên cứu khoa học" nên chỉnh lại là "nghiên cứu khoa học" để tổ chức công đoàn có cơ sở vững chắc khi nghiên cứu, tham gia về chính sách cho người lao động chứ không phải chỉ có "tham gia", vì tổ chức công đoàn đã nghiên cứu về vấn đề này nhiều năm nay rồi.
Vì vậy, nếu như nói tham gia với Nhà nước để xây dựng chính sách cho người lao động, tham gia với các cơ quan nhà nước để kiểm tra giám sát ATVSLĐ… thì tôi đồng tình, nhưng riêng về lĩnh vực nghiên cứu khoa học liên quan đến ATLĐ thì không nên để "tham gia nghiên cứu" mà nên để là "nghiên cứu khoa học".
Trong dự thảo luật lần này có nội dung "nếu gây ra tai nạn lao động có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không", ý kiến của ông về việc này như thế nào?
- Trong một doanh nghiệp, đơn vị sản xuất mà điều kiện không được bảo đảm, dây chuyền sản xuất không an toàn, gây ra tai nạn lao động lớn vì người sử dụng LĐ không quan tâm đến công tác ATVSLĐ, để xảy ra tai nạn như vậy, theo tôi là cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không chỉ có xử phạt hành chính. Có như vậy thì người sử dụng lao động, kể cả người lao động mới quan tâm hơn đến công tác an toàn vệ sinh lao động, điều kiện sản xuất mới an toàn hơn, công tác sản xuất kinh doanh trong nhà máy, xí nghiệp sẽ được chú trọng hơn.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Lao Động)
-------------------------
Phản biện phải chủ động chứ không thể ngồi chờ “có yêu cầu”
"Chúng ta nói giám sát của MTTQ là giám sát nhân dân. Nhưng người dân nói hình thức mà người dân tham gia phản biện ngay ở xã mình, huyện mình không có cơ chế, chưa được quan tâm. Phản biện, nếu chỉ dừng ở hình thức là tổ chức hội nghị, gửi văn bản thì sẽ hạn chế sự tham gia của người dân" - đó là ý kiến của ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng tại phiên thảo luận về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) ngày 12.11.
Ông Hùng đề nghị phải mở rộng hình thức để người dân dễ tham gia, có thể trực tiếp tham gia phản biện, chẳng hạn có các hộp thư, lấy ý kiến, hoặc tổ chức các cuộc thi giám sát. Bổ sung thẩm quyền kiến nghị QH, HĐND giám sát một vấn đề nào đó mà qua giám sát mặt trận thấy cần thiết.
ĐBQH Chu Sơn Hà đề nghị làm rõ, phân biệt rõ mức độ đại diện cho người dân của MTTQ đến đâu? Các thành viên đại diện đến đâu, bởi xác định nhiều người đại diện quá, trong khi trong thực tế chẳng ai đại diện cho dân cả.
Để nâng cao vai trò của MTTQ qua giám sát, phản biện, không ít các ĐBQH đề nghị không nên giới hạn MTTQ chỉ phản biện các dự thảo chủ trương, chính sách, mà phản biện ngay cả các chính sách đã ban hành đang có nhiều bất cập. ĐBQH Trần Khắc Tâm nói: Công tác giám sát, phản biện đang rất khó, do chưa có hành lang pháp lý. Việc mặt trận tổ chức được một số chủ đề giám sát gây tiếng vang, được dư luận ủng hộ, chỉ là do MTTQ vận dụng Hiến pháp và uy tín của người đứng đầu MTTQ là Ủy viên Bộ Chính trị. Trong khi ở địa phương thì giám sát, phản biện hoàn toàn không dễ, do không biết tổ chức như thế nào, phối hợp với ai?
Ông Tâm đề nghị bỏ quy định MTTQ chỉ được tổ chức giám sát, phản biện “khi có yêu cầu”. Bởi quy định này sẽ làm cho việc giám sát, phản biện trở nên thụ động, rằng “Phải được mời mới được phản biện”. Ông đề nghị giám sát phản biện phải chủ động, phản biện ngay khi thấy văn bản, chính sách và thực tế có vấn đề. Nếu không chủ động thì chắc chắn các cơ quan tổ chức sẽ không mời MTTQ tham gia đối với những văn bản, chủ trương chính sách họ không muốn có ý kiến khác.
(Theo Lao Động)
-------------------------