Hải Phòng: 800 công nhân ngừng việc tập thể
Sáng 12.11, hàng trăm công nhân Nhà máy giày Sao Vàng, thuộc Cty TNHH Sao Vàng (thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, Hải Phòng) ngừng việc tập thể.
Theo các công nhân, lý do họ ngừng việc tập thể là để yêu cầu Cty một số nội dung, như: Tăng thưởng tết, tăng tiền cơm trưa và vấn đề quản lý sản xuất của cán bộ đối với công nhân. Các công nhân cho biết, tiền cơm hằng ngày là 10.000 đồng/bữa/người rất khó đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho công nhân.
Thời gian gần đây, họ được biết tiền thưởng tết của công nhân là 1 triệu đồng nên họ ngừng việc, yêu cầu Cty tăng tiền ăn, tiền thưởng tết cho công nhân. Lãnh đạo Nhà máy giày Sao Vàng và Cty Sao Vàng đã tiến hành đối thoại với công nhân, giải thích và giải quyết những kiến nghị của công nhân. Cuộc ngừng việc tập thể kéo dài đến 9h, các công nhân tự động giải tán, một số công nhân đã trở lại làm việc.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, các cơ quan chức năng của TP.Hải Phòng và huyện An Lão đã có mặt để giải quyết vụ việc. Theo biên bản làm việc, Nhà máy giày Sao Vàng có 3.800 công nhân, trong đó 450 người hiện đang nghỉ ốm, thai sản. Số lao động không vào xưởng, tham gia ngừng việc tập thể là 800 người.
Ông Phạm Hùng Mạnh - PGĐ Cty TNHH Sao Vàng - cho biết: Chúng tôi đã lắng nghe và giải thích các kiến nghị của công nhân. Việc tăng tiền ăn chúng tôi đang triển khai, nhưng cần có lộ trình chứ không thể tăng ngay lập tức. Đối với thông tin Cty thưởng tết 1 triệu đồng/người, chúng tôi khẳng định tới thời điểm này Cty chưa đưa ra mức thưởng tết, thông tin trên hoàn toàn không có căn cứ.
-------------------------
Tỉnh có gần 6.500 doanh nghiệp nhưng chỉ có 6 thanh tra lao động
Đó là thực trạng được Sở LĐTBXH Bà Rịa - Vũng Tàu nêu tại hội thảo “Công cụ hỗ trợ thực thi pháp luật” do Bộ LĐTBXH phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO), thanh tra các Sở LĐTBXH TPHCM, Cần Thơ, Vũng Tàu tổ chức ngày 13.11 tại TP Vũng Tàu.
Tại hội thảo, đại diện thanh tra Bộ, Sở đã trình bày và trao đổi về các hoạt động như: thực trạng áp dụng các công cụ hỗ trợ công tác thanh tra lao động tại các cơ quan thanh tra, quy trình thanh tra chính sách lao động, thanh tra an toàn, vệ sinh lao động, những vướng mắc khó khăn trong công tác thanh tra….
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - đại diện thanh tra Bộ LĐTBXH cho biết hiện nay công tác thanh tra đang gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Trong nhiều năm qua, thanh tra Bộ nhận được rất nhiều đơn thư kiếu nại, tố cáo sai phạm. Tuy nhiên theo luật chỉ được thanh tra khi phát hiện vi phạm, và trong thời gian chờ thanh tra, đơn vị bị thanh tra có thể đã hủy đi tài liệu chứng vi phạm. Luật thanh tra rất phức tạp, có độ “vênh” giữa luật thanh tra và luật thanh tra chuyên ngành.
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 6.492 doanh nghiệp, tương ứng với 264.350 lao động. Trong khi đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành của tỉnh chỉ có 6 người, con số này thực sự quá ít so với số doanh nghiệp có trên địa bàn. Vì vậy việc thực hiện yêu cầu nhiệm vụ trong công tác thanh tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật lao động, BHXH tại tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
-------------------------
Gia hạn đổi GPLX ôtô thêm 1 năm
Theo tin từ Bộ GTVT, hôm nay (13.11) Bộ GTVT sẽ có văn bản chấp thuận đề xuất của Tổng cục Đường bộ VN gia hạn thời gian đổi GPLX ôtô theo mẫu mới đến 31.12.2015.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ VN cho biết, Tổng cục đã có văn bản chính thức kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận đề nghị này bởi trên cả nước có tổng số gần 4,2 triệu ôtô, đến thời điểm này, số đã đổi GPLX theo mẫu mới chỉ đạt 50% (gần 2,2 triệu chiếc).
Theo lộ trình đổi GPLX mẫu mới được quy định trong Thông tư 38, đến 31.12.2014, toàn bộ GPLX ô tô sẽ phải đổi sang mẫu mới. Như vậy, việc đổi hơn 2 triệu GPLX trong vòng hơn một tháng nữa là bất khả thi, đồng thời gây quá tải các điểm đổi GPLX khiến người dân phải chờ đợi, ông Huyện đánh giá.
Theo ông Huyện, thời gian qua, Tổng cục Đường bộ VN cùng với 58 Sở GTVT đã chuyển đổi GPLX bằng giấy cũ và cập nhật vào cơ sở dữ liệu GPLX toàn quốc, đạt hơn 27 triệu bản ghi. Tuy nhiên, tiến độ chưa đạt yêu cầu. Một trong những nguyên nhân gây chậm trễ là do cán bộ chưa chuyên nghiệp, trang thiết bị chưa đầy đủ.
Bên cạnh việc kiến nghị Bộ GTVT gia hạn thời gian đổi GPLX ô tô, Tổng cục cũng đề nghị Bộ có văn bản gửi các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ sung cán bộ có trình độ nghiệp vụ chuyên môn và kinh phí đầu tư bổ sung để các sở GTVT kịp thời cấp đổi GPLX bằng vật liệu PET cho người dân.
Trao đổi với PV, đại diện Vụ Vận tải Bộ GTVT cho biết, việc đưa vào sử dụng GPLX bằng vật liệu PET có kích thước phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; độ bảo mật cao, hạn chế được việc làm giả; độ bền sử dụng cao cả về cơ học, chịu nhiệt, chịu ẩm; có song ngữ tiếng Việt, tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu hội nhập; áp dụng được công nghệ tiên tiến trong quá trình in, quản lý GPLX và xử lý khi người lái xe vi phạm. Theo Thông tư 38 của Bộ GTVT, quy định lộ trình đổi GPLX các loại như sau: GPLX ô tô chuyển đổi trước ngày 31.12.2014;. GPLX hạng A4 chuyển đổi trước ngày 31.12.2015.
Riêng GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3), được chia thành 5 loại. GPLX cấp trước năm 2003: Chuyển đổi trước ngày 31.12.2016; GPLX cấp trước năm 2004: Chuyển đổi trước ngày 31.12.2017; GPLX cấp trước năm 2007: Chuyển đổi trước ngày 31.12.2018; GPLX cấp trước năm 2010: Chuyển đổi trước ngày 31.12.2019; GPLX cấp sau năm 2010: Chuyển đổi trước ngày 31.12.2020.
-------------------------
Hà Nội: Thôi chức nếu có 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp
Lần lấy phiếu tín nhiệm tới đây của Hà Nội, những lãnh đạo có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên nếu thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác.
Cấm vận động, lôi kéo khi lấy phiếu
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn thực hiện Quy định của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Theo đó, đối tượng phải lấy phiếu tín nhiệm là ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp; cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành và tương đương. Hướng dẫn nêu rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch.
Các hành vi vận động, lôi kéo hoặc có những tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm, lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ đều bị nghiêm cấm, thậm chí xử lý nghiêm minh.
Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp. Nội dung lấy phiếu tín nhiệm gồm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực tiễn.
Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện ở 3 mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Kết quả phiếu tín nhiệm sẽ được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ.
Những cá nhân có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Với những cá nhân có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Căn cứ để quy hoạch, sử dụng cán bộ
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, theo kế hoạch việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được triển khai từ nay cho đến hết tháng 12. “Gắn với việc kiểm điểm cuối năm, việc lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp sẽ kết thúc trong tháng 12. Đây là lần đầu triển khai đại trà việc lấy phiếu tín nhiệm là ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp; cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành và tương đương”, vị cán bộ Ban Tổ chức Thành ủy cho biết.
Trả lời câu hỏi về hướng dẫn với những cá nhân có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, vị cán bộ này cho biết: “Đã là quy định thì tất cả các cấp phải thực hiện nghiêm. Còn việc xem xét để cho thôi chức vụ hay bố trí việc khác đối với những người có tín nhiệm thấp thì sẽ được thực hiện đúng theo quy định về tổ chức cán bộ”.
Liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, tại kỳ họp HĐND TP dự kiến được tổ chức trong tuần từ ngày 1 đến 5/12 sẽ xem xét nhiều nội dung chuyên đề, trong đó có việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Theo ông Hoạt, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND TP bầu lần này về cơ bản là không có gì thay đổi. HĐND cũng sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm dưới hình thức bỏ phiếu kín và việc đánh giá mức độ tín nhiệm cũng thực hiện ở 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Kết quả được công bố công khai tới các cử tri ngay sau khi hoàn tất quy trình lấy phiếu.
-------------------------
Tăng trưởng tín dụng lên mức 8,63%
Tin từ Vụ tín dụng NHNN, tính đến 31/10/2014, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế tăng 8,63% so với cuối năm 2013.
Để đạt được kết quả này, NHNN cho biết nhờ thời gian qua NHNN đã ban hành một số chính sách có tính hỗ trợ cho 5 lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay 5 lĩnh vực này và từng bước tháo gỡ các rào cản dòng vốn tín dụng chảy vào thị trường bất động sản, đưa một số lĩnh vực trong thị trường bất động sản, lĩnh vực tiêu dùng ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất/không khuyến khích và tiến tới gỡ bỏ toàn bộ các rào cản cho vay đối với lĩnh vực này.
Về cơ cấu tín dụng hiện nay: Đến cuối tháng 9, dư nợ phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn chiếm 19% dư nợ nền kinh tế, tăng 6,9% so với cuối năm 2013; Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 24% dư nợ nền kinh tế, tăng 4,5% so với cuối năm 2013; Dư nợ cho vay xuất khẩu chiếm 5% dư nợ nền kinh tế, tăng 4% so với cuối năm 2013; Dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 3% dư nợ nền kinh tế tăng 7% so với cuối năm 2013; Dư nợ cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,5% dư nợ nền kinh tế, tăng 15,4% so với cuối năm 2013
Dù chặng đường từ nay đến cuối năm còn gặp nhiều khó khăn nhưng cơ quan quản lý quyết tâm dốc sức đẩy vốn ra nền kinh tế. Đến thời điểm này, tất cả những biện pháp đồng bộ trên đã khiến cơ cơ cấu tín dụng tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
-------------------------