Tin Quốc hội họp chiều 13-11-2014: Tăng chế tài về an toàn lao động - Đại biểu chuẩn bị kỹ cho lấy phiếu tín nhiệm

  • Cập nhật : 13/11/2014

 Tăng chế tài về an toàn lao động

Góp ý dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất cần tăng cường chế tài để bảo đảm việc thực thi luật.
 
Sáng 12-11, Quốc hội (QH) nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền thay mặt Chính phủ đọc tờ trình dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội Trương Thị Mai đọc báo cáo thẩm tra. Buổi chiều, các đại biểu (ĐB) thảo luận, cho ý kiến về dự thảo.
 
Chưa đánh giá đúng bệnh nghề nghiệp
 
ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định cần phải sớm ban hành Luật ATVSLĐ nhằm thể chế hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Yêu cầu đặt ra là luật này phải kế thừa và phát huy những mặt tích cực, phù hợp với quy định pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời sửa đổi, bổ sung những hạn chế, bất cập cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
 
ĐB Đặng Ngọc Tùng cho rằng dự thảo luật quy định tổ chức Công đoàn được “tham gia nghiên cứu khoa học” là không hợp lý. Vì trong thực tiễn, Công đoàn đang quản lý Viện Nghiên cứu khoa học an toàn bảo hộ lao động là cơ quan có nhiều thành tích, được thế giới công nhận. Sinh viên các trường ĐH Công đoàn và ĐH Tôn Đức Thắng tốt nghiệp ra trường 100% có việc làm, có sinh viên lĩnh lương cả ngàn USD. Công đoàn đã nghiên cứu khoa học nhiều năm nên dự thảo luật cần chỉnh lại về quyền và nghĩa vụ của Công đoàn là “nghiên cứu khoa học” để có cơ sở vững chắc, tham gia về chính sách cho người lao động, ATVSLĐ.
 
Quan tâm đến nỗi lo của người lao động là bệnh nghề nghiệp, ĐB Trần Thanh Hải (TP HCM), Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, chỉ rõ đây là vấn đề rất lớn nhưng chưa được đề cập đúng mức trong dự thảo luật. Thể hiện ở việc chưa đề cập đúng mức vai trò của Công đoàn trong tổ chức điều hành nghiên cứu cũng như chưa có đầu tư thích đáng của nhà nước trong các đề tài nghiên cứu khoa học về bệnh nghề nghiệp.
 
ĐB Trần Thanh Hải dẫn chứng thế giới đã công bố 150 bệnh nghề nghiệp nhưng Việt Nam chỉ có 29 bệnh. Từ năm 1997 đến nay công bố thêm 11 bệnh nghề nghiệp mới nhưng chưa ai được công nhận vì không có trung tâm xét nghiệm sinh hóa. Trong khi chính sách của nhà nước là khuyến khích người sử dụng lao động cho người lao động nặng nhọc được nghỉ dưỡng sức nhưng năm 2013 có tổng số 101.000 công nhân làm việc trong lĩnh vực độc hại thuộc diện được xét nghiệm bệnh nghề nghiệp, có 7.455 người nghi ngờ mắc nhưng chỉ có 482 người được xét nghiệm, chiếm 6,64%. Theo quy định, người lao động phải làm việc trong môi trường độc hai 5 năm mới được xem xét khả năng mắc bệnh nghề nghiệp nhưng thực tế mức độ luân chuyển lao động lại nhanh hơn. Chủ sử dụng lao động không lập danh sách khai báo bệnh nghề nghiệp theo quy định... Từ những bất cập này, ĐB Trần Thanh Hải đề xuất phải hình thành cho được những trung tâm nghiên cứu, xét nghiệm để xác định bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó dành khoản đầu tư thích hợp tư vấn cho người lao động để họ nhận biết hơn nữa về trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của mình và được tham gia khám sức khỏe bệnh nghề nghiệp.
 
Bỏ quên an toàn lao động cho cộng đồng
 
Trong phiên thảo luận, không ít ĐB nhắc lại vụ thanh sắt của công trình thuộc dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh bất ngờ rơi xuống làm chết 1 người đang tham gia giao thông trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội). ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bức xúc cho rằng tại các công trình xây dựng, hiểm họa tai nạn lao động không chỉ rình rập người trực tiếp thi công mà còn cho cả những người xung quanh. Thế nhưng, dự thảo luật mới có chỉ dẫn bảo đảm an toàn trong nội bộ như quy định về chỗ để thiết bị, máy móc… mà không có chỉ dẫn an toàn cho những người sinh sống, đi lại gần khu vực công trường…
 
Nhằm nâng cao việc phát hiện các sự cố mất an toàn lao động và bệnh nghề nghiệp, dự thảo luật đề xuất tổ chức thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ ở 3 cấp bộ, tỉnh và cấp huyện thay vì chỉ có thanh tra ở cấp bộ như hiện nay. Một số ĐB đồng tình nhưng cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) băn khoăn như vậy sẽ làm phình thêm bộ máy hành chính, ngân sách không gánh được chi phí lương.
 
Nhiều ĐB thống nhất đề xuất cần tăng cường chế tài để bảo đảm việc thực thi luật vì hiện nay, bảo đảm ATVSLĐ chưa tốt có nguyên nhân quan trọng là do chủ sử dụng lao động chưa chấp hành tốt quy định của pháp luật nhưng chế tài xử lý chưa nghiêm.
 
Điểm mới của dự thảo luật là bổ sung chính sách ATVSLĐ đối với người lao động ở khu vực không có quan hệ lao động. ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) - nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam- đánh giá đây là thay đổi phù hợp với quá trình phát triển của thị trường lao động. 
-------------------------
Cần làm rõ chức năng giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc
Thảo luận tại hội trường về dự luật Mặt trận Tổ quốc VN sáng qua (12.11), nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung chức năng giám sát, phản biện và góp ý xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc VN.
 
ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) đề nghị dự luật cần bổ sung quy định: Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) VN giám sát đối với tổ chức Đảng và đảng viên. ĐB Thiện lý giải: Việc nhân dân thực hiện quyền giám sát mà cụ thể ở đây là giám sát tổ chức Đảng, đảng viên thông qua MTTQ, trong khi MTTQ đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. “Theo điều 9 của Hiến pháp, MTTQ là tổ chức tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hoàn toàn phù hợp để thay cho nhân dân cũng như để nhân dân đặt niềm tin vào MTTQ trong việc giám sát Đảng cũng như là phương thức để Đảng chịu sự giám sát của nhân dân” - ĐB Thiện viện dẫn.
 
Đồng quan điểm, ĐB Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng việc giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của MTTQ được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tổ chức Đảng và đảng viên. Do đó đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về việc MTTQ VN tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên, phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng.
 
Theo ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), về phản biện, giám sát, xây dựng Đảng là việc mới và lớn, là nội dung quan trọng nhất trong tình hình hiện nay. Việc này nếu ngoài dân mà Mặt trận tập hợp ra thì không có lực lượng nào có thể làm được tốt hơn. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thì nhận định: Đối tượng phản biện quá hẹp, dự luật không phản biện những chủ trương, chính sách hiện hành là ngược với quy định. Bên cạnh đó, theo ĐB Nghĩa, không phản biện những biện pháp, kế hoạch triển khai thực hiện và hành động trong việc thực hiện là không đầy đủ. Bởi hành động và kết quả mới là điều quyết định và rất nhiều trường hợp nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói đúng làm sai. Cho nên thông qua thực tiễn, thông qua hành động, chúng ta phải phản biện cả giai đoạn đó. Ngoài ra cần xác định rõ chủ thể phản biện là các tầng lớp nhân dân thông qua MTTQ và không chỉ là MTTQ, tránh tư tưởng hành chính hóa.
-------------------------
Bảo đảm công bằng trong chính sách nghĩa vụ quân sự
Thảo luận tại tổ về dự luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi hôm qua (12.11), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng một số chính sách mới về nghĩa vụ quân sự vẫn chưa đảm bảo công bằng.
 
Hạn chế tiêu cực trong tuyển quân
 
ĐB Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) nêu vấn đề: “Dự luật quy định tạm hoãn nhập ngũ cho sinh viên tình nguyện, công chức tới vùng khó khăn, biên giới hải đảo, nhưng lại không quy định tạm hoãn nhập ngũ cho thanh niên ở ngay các vùng đó. Đã cho hoãn thì hoãn cả 2 đối tượng đó mới công bằng”. Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM phân tích: “Thường lực lượng chính nhập ngũ là con em nông dân, ở nông thôn. Các đối tượng tốt nghiệp cao đẳng, trường nghề ta đưa vào tạm hoãn thì đây cũng là chỗ trốn tránh nghĩa vụ quân sự (NVQS). Thống kê cho thấy, tỷ lệ có trình độ đại học nhập ngũ hằng năm rất thấp, dưới 5%. TP.HCM làm rất quyết liệt, thì cao đẳng, trung cấp, đại học chưa tới 32% trong đó đại học chiếm dưới 10%”. “Điều này tạo ra sự bất bình đẳng. Nên cần thu hẹp diện tạm hoãn nhập ngũ. Như vậy mới góp phần nâng cao chất lượng quân đội. Chứ như dự luật đây sẽ đưa toàn thành phần khó khăn đi nhập ngũ”, ĐB Hưng nhận xét.
 
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu thực trạng: “Nếu quan sát kỹ, hiện tượng tiêu cực  trong tuyển quân hiện vẫn diễn ra. Thông thường, ở nhiều nơi khó khăn, thanh niên không có con đường sinh kế thì đi bộ đội... Còn nhiều người nhà có điều kiện thì lại chạy chọt, trốn nghĩa vụ”. “Tờ trình, dự luật hầu như không nhắc chuyện đó nữa vì đó là chuyện phản cảm. Nhưng chúng ta không thể không tính chuyện đó”, ông Quốc nói. Cùng quan điểm này, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhận xét: “Thực hiện NVQS có thấy con quan chức đâu, toàn con nông dân, công nhân nghèo. Tôi thấy cử tri phản ánh có hiện tượng muốn  “đi” thì thế nào muốn “ở” thì thế nào. Dự luật phải làm sao để có thể hạn chế được tất cả những tiêu cực có thể xảy ra”.
 
Có ĐB băn khoăn việc dự luật cho tạm hoãn NVQS với sinh viên học hệ chính quy nhưng lại chưa quy định tạm hoãn cho sinh viên hệ khác. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) thẳng thắn: “Tôi đề nghị miễn hay hoãn NVQS không phân biệt học chính quy hay không chính quy, nam hay nữ”.
 
Có nên đóng tiền thay nghĩa vụ quân sự ?
 
ĐB Ngô Ngọc Bình (TP.HCM) đề nghị: “Hiện có nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên đi học ở nước ngoài rất nhiều nhưng không đề cập trong dự luật. Các đối tượng này không có sự ràng buộc nào trong luật hết. Các nước khác, thanh niên đi học nước ngoài có ràng buộc như đóng tiền, khi về, nếu thực hiện nghĩa vụ người ta trả lại tiền đó”. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH, ông Đinh Xuân Thảo nói: “Nhiều nước họ làm rất nghiêm, sinh viên dù sang Mỹ du học thì về vẫn phải làm NVQS”. Tuy nhiên, ông lại gây tranh luận: “Hiện nay, ngân sách đang thiếu tiền thì tại sao không huy động đóng góp thay thế, miễn là tiền đấy không vào tư túi của ai. Ngân sách quốc phòng còn hạn hẹp thì chúng ta cần kinh phí để hiện đại hóa quân sự”. “Thôi thì con em nhà nghèo không có tiền đóng góp thì đi NVQS còn con em nhà có điều kiện có thể đóng góp tiền thay thế”, ông nói.
 
ĐB Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của QH) phản ứng: “Dùng tiền thay thế lại càng không chấp nhận được”. “Nói số lượng tuyển quân ít. Vậy chẳng lẽ ta sẽ thu tiền của tất cả những thanh niên không được gọi tham gia nhập ngũ hay sao? Chúng ta không thể yêu cầu những người không tham gia NVQS phải đóng tiền. Họ sẽ phản ứng lại: tôi có nhu cầu đi NVQS, tại sao không cho tôi nhập ngũ mà lại bắt tôi đóng tiền? Còn đối với trường hợp được gọi NVQS nhưng lại bảo tôi có tiền, tôi đóng tiền để không thực hiện NVQS. NVQS mà bảo mang tiền ra để đo là không thể chấp nhận được”, ông Thi phân tích.
 
ĐB Đào Trọng Thi cho rằng: “Lao động công ích chấp nhận đóng tiền thay thế nhưng NVQS khác, là thực hiện trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc, là được rèn luyện kỹ năng, kỷ luật rất tốt cho chính bản thân người thanh niên đó. Tham gia NVQS là “được” chứ không nên nói là phải tham gia”.
 
18 hay 24 tháng ?
 
Một điểm quan trọng trong dự luật NVQS (sửa đổi) là nâng thời gian thực hiện NVQS từ 18 tháng như hiện nay lên 24 tháng. Theo ĐB Bùi Xuân Thống (Đồng Nai), thời điểm hiện nay kéo dài thời gian tại ngũ cũng gây tốn kém chi phí ngân sách. Nên ông đề xuất, những đối tượng nhập ngũ nào cần đào tạo chuyên môn thì kéo dài 24 tháng, còn nếu không cần, như bộ binh thì vẫn để 18 tháng.
 
Không đồng tình quan điểm này, ĐB Ngô Ngọc Bình (TP.HCM) nêu thực tế: 18 tháng là ngắn nên thời gian huấn luyện không đầy đủ, không đảm bảo về các vấn đề kỹ thuật, chiến thuật. Ông Bình đề nghị: “Nên đưa hết lên 24 tháng cho công bằng, lại tạo điều kiện cho huấn luyện”.
-------------------------
Mặt trận không nên ngồi chờ được giao phản biện
Dự án Luật MTTQ VN (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận ngày 12-11 với hai chương mới quy định về hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
 
Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đặt vấn đề: “Thực tế ở địa phương muốn giám sát và phản biện xã hội đâu có dễ, vì không biết sẽ tổ chức như thế nào, phối hợp với ai, lực lượng ở đâu”.
 
Ông Tâm cũng đề nghị dự thảo luật không nên quy định là “khi có yêu cầu, Ủy ban MTTQ VN chủ trì phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy định tại khoản 1 của điều này...” (phản biện xã hội đối với dự thảo các văn bản luật; chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước cùng cấp).
 
“Tôi đề nghị bỏ cụm từ “khi có yêu cầu”, bởi nếu quy định như vậy thì Mặt trận thụ động trong phản biện xã hội, phải chờ các cơ quan Đảng, Nhà nước mời thì mới tham gia phản biện” - ông Tâm kiến nghị.
 
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) đề nghị: “Không nên giới hạn MTTQ chỉ phản biện đối với dự thảo chính sách, pháp luật, dự án mà cần phản biện cả khi chính sách, pháp luật, dự án đã ban hành nhưng còn bất cập. Phản biện sẽ giúp cơ chế, chính sách, pháp luật hoàn thiện hơn, bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh hơn”.
 
Liên quan đến việc có hay không quy định quyền giám sát của MTTQ đối với tổ chức Đảng và đảng viên vào luật này, ông Thiện bày tỏ: Việc nhân dân thể hiện quyền giám sát các tổ chức Đảng, đảng viên thông qua tổ chức mặt trận cũng là để xây dựng Đảng, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
 
Hiến pháp cũng đã quy định tổ chức Đảng và đảng viên chịu sự giám sát của nhân dân. Vì vậy, quy định vấn đề này trong luật là phù hợp với Hiến pháp. 
 
Để hoạt động giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả cao và có sức nặng, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) kiến nghị “cần ghi rõ các cơ quan có thẩm quyền khi nhận được các văn bản nêu ý kiến, kiến nghị của MTTQ thì phải có trách nhiệm trả lời trong thời gian bao lâu”.
-------------------------
Đại biểu chuẩn bị kỹ cho lấy phiếu tín nhiệm
Ngày 14-11, Quốc hội sẽ thực hiện các thủ tục để lấy phiếu tín nhiệm 50 người giữ các chức danh lãnh đạo cao cấp. Kết quả sẽ được công bố vào chiều 15-11. 
 
Các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chia sẻ sự chuẩn bị của họ cho công việc này.
 
* Ông LÊ NAM (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa):
 
Đánh giá qua nhiều kênh thông tin
 
Để đánh giá mức độ tín nhiệm, tôi không chỉ đọc các bản báo cáo công tác của các vị thuộc diện được lấy phiếu. Điều quan trọng là phải đánh giá qua nhiều kênh thông tin khác nhau về các vị ấy từ khi lấy phiếu lần trước cho đến thời điểm này.
 
Tôi nghĩ các đại biểu đều có thể nhận thấy rõ mức độ tín nhiệm của mình với từng vị. Bởi vì trách nhiệm, năng lực, đạo đức, ai làm tốt, ai làm không tốt đều thể hiện trong công việc hằng ngày, qua các kết quả công tác của ngành ấy, lĩnh vực ấy hoàn toàn có thể định lượng được.
 
Cá nhân tôi khẳng định tôi có thể đánh giá rõ được từng vị bộ trưởng, trưởng ngành đã làm gì, lĩnh vực họ quản lý chuyển biến thế nào, có được nhân dân đánh giá cao hay không.
 
Với cách nhìn nhận như vậy, tôi thấy có những lĩnh vực không có chuyển biến gì nhiều, thậm chí có những lĩnh vực vẫn tệ như thế.
 
Tất nhiên, nếu tôi nói tên cụ thể một vị bộ trưởng nào đó vào lúc này thì không nên. Với một số lĩnh vực, một số cá nhân trong đợt lấy phiếu lần trước có tỉ lệ tín nhiệm không cao, không được vui thì một vài cá nhân đã rất nỗ lực, để lại dấu ấn bước đầu khá rõ.
 
* Có ý kiến lo ngại rằng với một số bộ trưởng hành động, làm việc nhiều, va chạm nhiều đôi khi phiếu lại thấp, trong khi có những bộ trưởng hay trưởng ngành ít nói và ít hành động gây chú ý dư luận trong khi lĩnh vực họ quản lý vẫn tệ như ông nói thì kết quả tín nhiệm có thể lại không thấp vì họ không làm mất lòng đại biểu?
 
- Nền kinh tế vẫn khó khăn, nhưng vấn đề lớn nhất là trách nhiệm của các mắt xích trong bộ máy của chúng ta không rõ ràng, rất khó quy trách nhiệm cụ thể cho con người cụ thể nào đó. Và rõ ràng cách nhìn nhận của mỗi đại biểu là khác nhau.
 
Đặc biệt là với những đại biểu ở địa phương như chúng tôi có những cái khó, đó là khi bỏ lá phiếu thì phải nghĩ đến lợi ích của địa phương mình, của nhóm cử tri mà mình đại diện. Vậy có sự cả nể nào đó không?
 
Một khi chúng ta vẫn còn cơ chế xin - cho, địa phương nào biết tranh thủ bộ trưởng, trưởng ngành thì có thể địa phương ấy được hưởng lợi nhiều hơn. Như vậy, không tránh khỏi trường hợp đại biểu bỏ phiếu cho quyền lợi của địa phương mình.
 
* Dư luận đang đặt ra vấn đề liệu có sự vận động hành lang từ phía các bộ trưởng, trưởng ngành thông qua các cuộc giao lưu với đại biểu Quốc hội để tranh thủ phiếu tín nhiệm không?
 
- Việc gặp gỡ, giao lưu giữa một số bộ trưởng, trưởng ngành nào đó với một số đoàn đại biểu hoặc một số đại biểu Quốc hội trong kỳ họp nào đó là chuyện bình thường. Bởi lẽ có những kỳ họp không lấy phiếu tín nhiệm người ta vẫn gặp nhau như vậy.
 
Các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội cũng muốn tìm kiếm sự chia sẻ, ủng hộ của bộ trưởng, trưởng ngành với địa phương của mình, và ngược lại các vị bộ trưởng cũng mong muốn chia sẻ công việc của mình đang làm với các đại biểu Quốc hội.
 
Tôi nói thật cũng có thể có một chút quà cáp nho nhỏ nào đó, nhưng tôi nghĩ nó không làm thay đổi sự đánh giá của từng vị đại biểu Quốc hội với các vị bộ trưởng, trưởng ngành. 
 
* Đại biểu TRẦN NGỌC VINH (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng):
 
“Tín nhiệm thấp” cho những vị không hoàn thành nhiệm vụ
 
Tôi đã đọc kỹ các bản báo cáo công tác của tất cả 50 vị và tôi cũng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, rồi theo dõi quá trình các vị điều hành, chỉ đạo trong công tác, quản lý, nên tôi đã có đầy đủ thông tin để đánh giá từng vị.
 
* Ông bình luận gì về nội dung các bản báo cáo đó?
 
- Nhìn chung tất cả các vị ấy đều tự nhận là mình hoàn thành nhiệm vụ. Thế còn phần tồn tại, nhược điểm cũng đã được nêu lên nhưng vẫn chỉ mức độ thôi, chưa đi thẳng vào những vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm.
 
* Cử tri gửi gắm gì với ông trong việc lấy phiếu tín nhiệm lần này, cũng như việc chuẩn bị sửa đổi nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm?
 
- Ngay từ kỳ họp trước, cử tri đã đề nghị tôi kiến nghị với Quốc hội là phiếu đánh giá tín nhiệm chỉ nên để hai mức: tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Nhưng Quốc hội chưa sửa đổi nghị quyết nên kỳ này vẫn phải lấy phiếu theo quy định cũ với ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.
 
* Cá nhân ông có thẳng thắn trong đánh giá mức độ tín nhiệm và sẵn sàng rút “thẻ vàng”, “thẻ đỏ” với những vị không có tín nhiệm cao không?
 
- Tôi sẽ làm tròn trách nhiệm đại biểu của mình. Tôi sẽ cân nhắc nhiều mặt trước khi đánh giá tín nhiệm, nhưng cá nhân tôi và tôi nghĩ nhiều đại biểu khác cũng sẵn sàng điền vào ô “tín nhiệm thấp” với những vị không hoàn thành nhiệm vụ
-------------------------

Tin Phap Luat Tin Phap Luattổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo