NATO nghi Nga điều lực lượng hạt nhân tới Crimea
Tổng tư lệnh NATO tại châu Âu, Tướng 4 sao Mỹ Philip Breedlove, ngày 11/11 nói rằng, các lực lượng “có thể là hạt nhân” của Nga đang di chuyển tới bán đảo Crimea nhưng NATO không chắc rằng vũ khí hạt nhân có được triển khai ở đây hay không.
Theo ông Breedlove, Nga đang tăng cường các lực lượng quân sự tại bán đảo Crimea, vốn được Mátxcơva sáp nhập hồi tháng 3.
Ông Breedlove cũng nói với các hãng thông tấn tại căn cứ quân sự tại NATO gần Naples (Ý) rằng có 8 tiểu đoàn đặc nhiệm đã được nhìn thấy dọc biên giới giữa Nga và Ukraine.
Ông Breedlove cho hay các lực lượng “có thể là hạt nhân” của Nga đang di chuyển tới bán đảo Crimea nhưng NATO không chắc rằng vũ khí hạt nhân có được triển khai ở đây hay không. Hồi tuần trước, Tướng Breedlove cho biết Nga đang thảo luận kế hoạch triển khai máy bay tại Crimea.
NATO đã thông báo về một sự gia tăng đột biến các chuyến bay quân sự của Nga qua biển Đen, biển Baltic, biển Bắc và Đại Tây Dương. Các nhóm máy bay của Nga đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn trong không phận quốc tế.
Theo một nghiên cứu của Mạng lưới lãnh đạo châu Âu, đã xảy ra 40 vụ đối đấu giữa Nga và NATO trong 8 tháng qua, tăng vọt lên mức sang thời Chiến tranh Lạnh.
3 vụ đối đầu đáng chú ý nhất là một vụ suýt va chạm giữa máy bay dân dụng của hãng hàng không SAS và một máy bay giám sát của Nga, vụ bắt giữ một nhân viên tình báo Estonia và vụ Thụy điển truy lùng một tàu ngầm được cho là của Nga xâm phạm lãnh hải của họ.
-------------------------
Iran công bố kế hoạch “xóa sổ” Israel
Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm 9/11 công bố kế hoạch 9 bước nhằm “làm cỏ” Israel; sự kiện này thúc đẩy Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chính thức có ý kiến với các nhà đàm phán phương Tây liên quan chương trình hạt nhân của Tehran, trang tin Washington Free Beacon (Mỹ) đưa tin.
Trang Twitter chính thức của đại giáo chủ Khamenei đăng tải kế hoạch 9 bước, trình bày “cách thức thích hợp để triệt hạ Israel”. “Tại sao cần và làm thế nào để triệt hạ Israel? Giải đáp của đại giáo chủ Ayatollah Khamenei đối với 9 vấn đề chủ chốt”, ông Khamenei viết trên Twitter cùng với đồ họa minh họa kế hoạch hủy diệt nhà nước Do Thái.
“Biện pháp duy nhất để chấm dứt những tội lỗi của Israel là triệt hạ chế độ này. Tất nhiên, việc hủy diệt Israel không có nghĩa là tàn sát người Do Thái trong khu vực. Cộng hòa Iran đã đề xuất một cơ chế thực tế và hợp lý cho kế hoạch trên với cộng đồng quốc tế”, ông Khamenei viết.
Thủ tướng Israeli Benjamin Netanyahu cho rằng, kế hoạch của ông Khamenei là một ví dụ nữa của chủ nghĩa cực đoan Iran.
“Ông Khamenei kêu gọi hủy diệt Israel, khuyến khích chủ nghĩa khủng bố quốc tế… và Iran tiếp tục lừa gạt cộng đồng quốc tế về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Tôi kêu gọi nhóm P5+1 không nên vội vã lao vào cuộc đàm phán”, ông Netanyahu nhấn mạnh.
--------------------------
Biển Đông được chú trọng tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 25 khai mạc sáng nay tại Myanmar, trong đó Biển Đông là vấn đề được nhiều bên quan tâm tại hội nghị.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 25 khai mạc sáng nay 12.11 tại Nay Pyi Taw, thủ đô của Myanmar. Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Thein Sein cảnh báo rằng, chỉ còn một năm nữa trước khi hình thành Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN, “vẫn còn nhiều thách thức trong việc thực hiện 20% mục tiêu còn lại và đáp ứng các vấn đề nổi lên sau khi hình thành cộng đồng”.
Ông Thein Sein cũng tuyên bố rằng ASEAN “cần đóng vai trò lớn hơn trên chính trường quốc tế bằng việc có quan điểm thống nhất hơn trong việc đáp ứng các vấn đề quan tâm và lợi ích chung”.
Biển Đông sẽ là đề tài được đặc biệt quan tâm tại hội nghị này. Philippines và Việt Nam đã bày tỏ sự lo ngại mạnh mẽ về những cuộc đối đầu trên biển liên quan tới các tàu của Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết, ông sẽ đề cập với Trung Quốc các vấn đề an ninh gây sức ép.
Dự thảo tuyên bố chủ tịch ASEAN đã bày tỏ sự lo ngại về những diễn tiến gần đây trên biển và kêu gọi các bên kiềm chế sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Tiếp theo hội nghị thượng đỉnh ASEAN, ngày mai sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 9.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á cùng Thủ tướng Trung Quốc, Tổng thống Hàn Quốc và thủ tướng Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga.Các quan chức Mỹ cho biết, ông Obama sẽ nêu ra "những vấn đề quan ngại thực sự" của nước Mỹ. Theo giới phân tích, điều này không loại trừ vấn đề an ninh an toàn hàng hải và hàng không.
Mặc dù hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Đông Á diễn ra giữa hội nghị thượng đỉnh APEC ở Trung Quốc và cuộc gặp G20 ở Australia, song các nhà quan sát tin rằng, các hội nghị tại Myanmar có sức nặng riêng và ý nghĩa tương tự. Đó là vì các nhà lãnh đạo thế giới chú trọng hơn vào thành công của khu vực, và sự phát triển của ASEAN nói chung sẽ có tác động tích cực với các nền kinh tế trong khu vực.
Ngoài ra, tại Nay Piy Taw, các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về dịch Ebola, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo và vấn đề Myanmar.
-------------------------
Kiev cáo buộc phe ly khai tăng lính đánh thuê Nga chuẩn bị tái xung đột
Kiev hôm 11.11 cáo buộc lực lượng ly khai chuẩn bị cho cuộc xung đột mới ở miền đông Ukraina với việc đưa “lính đánh thuê Nga” vào quân đội của mình và tái trang bị vũ khí.
Các cuộc pháo kích quanh khu vực Donetsk hiện vẫn do lực lượng ly khai kiểm soát và các cuộc đấu súng giữa lực lượng này với quân đội chính phủ đã khiến thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại Minsk hôm 5.9 ngày càng trở nên mong manh.
Kiev cáo buộc lực lượng nổi dậy ở miền đông đất nước vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, ngược lại, lực lượng ly khai gọi đây là một cuộc tấn công mới của chính phủ.
“Lính đánh thuê của Nga được tăng cường và củng cố gần chiến tuyến”, phát ngôn viên quân đội Ukraina, ông Andriy Lysenko phát biểu tại 1 cuộc họp báo tại Kiev.
Theo ông Lysenko, lực lượng ly khai đã tăng cường củng cố tại các vị trí quanh thành phố cảng Mariupol ở khu vực đông nam.
Tại Berlin, Giám đốc điều hành Cơ quan đối ngoại của Liên minh Châu Âu cho biết, các Bộ trưởng Ngoại giao các nước sẽ thảo luận về các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga vào tuần tới, nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel loại trừ khả năng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt về kinh tế.
-------------------------
Trung Quốc đề nghị Tổng thống Philippines gặp Tập Cận Bình thảo luận Biển Đông
Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp hôm 11.11 bên lề hội nghị APEC, trong đó đề cập vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Cuộc gặp diễn ra chỉ 10 phút sau lễ trồng cây lưu niệm ở ngoại ô Bắc Kinh, và là cuộc gặp không chính thức giữa hai nhà lãnh đạo. Ông Aquino cho biết, cuộc gặp diễn ra “ấm áp” và “chân thành”, một “cuộc gặp lý trí”.
“Vấn đề Biển Đông đã được đề cập. Chúng tôi đã nhắc tới việc tìm ra cách thức xây dựng để giải quyết vấn đề Biển Đông.
Cuộc gặp diễn ra theo sáng kiến của Trung Quốc – một quan chức cấp cao cho Reuters biết.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập Cận Bình nói rằng, ông hy vọng hai bên sẽ “đi cùng hướng và giải quyết vấn đề một cách xây dựng”.
Manila sẽ là chủ nhà của APEC năm tới.
Tháng Tám vừa qua, Manila cho biết, Bắc Kinh đã đề ghị ông Aquino hủy chuyến thăm tới miền nam TQ để dự khai mạc hội chợ thương mại CTQ- ASEAN hàng năm. Nhưng Bắc Kinh khẳng định họ chưa bao giờ mời ông dự chính thức.
Lần gần nhất ông Aquino thăm TQ là năm 2011.
Quan hệ hai nước đang căng thẳng không chỉ vì tranh chấp Biển Đông, mà vì Philippines đã kiện đường lưỡi bò của TQ ra tòa án quốc tế.
-------------------------