Phát hiện công an, khách mua dâm ôm quần tháo chạy
Ngày 12/11, Cơ quan điều tra, Công an quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, họ vừa tạm giữ đối tượng Đinh Thiên Vũ (SN 1977, ngụ thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) để điều tra hành vi “môi giới mại dâm”.
Liên quan đến vụ việc này còn có đối tượng Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (SN 1968, ngụ phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM). Nhưng do đang nuôi con nhỏ nên Hạnh được cơ quan điều tra cho tại ngoại hầu tra.
Tại cơ quan điều tra, đối tượng Hạnh khai nhận: khoảng 15h ngày 6/11, một nhóm khách mua dâm gọi điện thoại cho Hạnh yêu cầu đưa 3 “chân dài” đến đển nhà nghỉ D.A (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) để “vui vẻ” với giá 2,5 triệu đồng.
Sau đó, Hạnh chỉ đạo chồng là Đinh Thiên Vũ sử dụng xe máy chở hai “chân dài” đến nhà nghỉ trên. Một “chân dài” khác tự đi xe máy đến điểm hẹn.
Khi tiến hành kiểm tra nhà nghỉ D.A vào chiều ngày 6/11, cơ quan chức năng đã bắt quả tang 2 cặp nam nữ có hành vi mua bán dâm tại phòng số 2 và 3. Riêng phòng số 7, khi công an kiểm tra, khách mua dâm nghe tiếng động đã ôm quần leo cửa sổ chạy thoát, bỏ mặc gái bán dâm là V.T.T.N.
Từ lời khai của 3 gái bán dâm, ngày 8/11, lực lượng công an đã tạm giữ đối tượng Hạnh cùng chồng là Đinh Thiên Vũ và một đối tượng T.T.H.N (SN 1977, ngụ tỉnh Bình Định) để điều tra làm rõ.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phạt hành chính 750 ngàn đồng đối với khách mua dâm; 200 ngàn đồng đối với gái bán dâm. Đồng thời thông báo về địa phương để chính quyền răn đe, giáo dục.
Đối tượng Hạnh khai sau khi chốt giá 2,5 triệu đồng với 3 vị khách mua dâm, Hạnh đưa cho gái bán dâm N và H mỗi người 350 ngàn đồng, còn T được 400 ngàn đồng.
Hạnh còn trả tiền thuê phòng là 150 ngàn đồng. Số tiền còn lại, Hạnh bỏ túi riêng.
Các gái bán dâm khai nhận trung bình mỗi lần đi khách với giá 500 ngàn đồng, họ chỉ nhận về khoảng từ 200 ngàn đến 300 ngàn đồng. Số tiền còn lại thuộc về Hạnh.
-------------------------
Công an điều tra vụ “phân bón” Miwon gây ô nhiễm
Theo phản ánh của bạn đọc, mới đây, một ô tô thuộc Cty CP Thương mại và Dịch vụ Quang Minh chở “phân bón” dạng lỏng của Cty TNHH Miwon Việt Nam (Cty Miwon) đến khu vực nhà ông Triệu Anh xã Vân Trục (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) xả thải, khiến giếng nước của gia đình ông Anh chuyển thành màu đen kịt, hôi thối.
Anh Nguyễn Văn Hà (cùng xã Vân Trục) cũng cho biết, quanh khu vực có 6 giếng khơi thì đã có tới 3 cái bị ô nhiễm. “Không biết đó là phân bón hay là loại chất thải gì. Người dân ăn nước giếng thì bị đầy bụng, hoa mắt, chóng mặt...” - anh Hà nói.
Trao đổi với PV, ông Phạm Hữu Hạnh, Trưởng thôn Tam Phú, xã Vân Trục, nói: “Sau khi được gia đình anh Anh thông báo, chúng tôi đã có mặt để lập biên bản. Người dân nơi đây trồng cây thanh long, nhu cầu phân bón rất lớn. Vì vậy khi có người mang đến cho thì người dân nhận. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên xã, huyện, mong cơ quan chức năng làm rõ loại nước này” - ông Hạnh nói.
Về sự việc trên, ông Jung Jin Ho, Giám đốc nhà máy Miwon Việt Nam, cho biết, Cty thuê Cty CP Thương mại và Dịch vụ Quang Minh và một đơn vị khác vận chuyển “phân bón” MV-L. Trong quá trình cấp phân, đường ống không đảm bảo, gây rò rỉ làm ô nhiễm giếng nước nhà ông Triệu Anh”.
Theo tìm hiểu của PV, gần đây người dân ở nhiều địa phương như Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc... được Cty Miwon tặng “phân bón” dạng lỏng. Khi nông dân huyện Văn Chấn - Yên Bái sử dụng thấy lá chè xanh, năng suất tăng, nhưng cây cỏ xen kẽ dưới tán chè lại chết.
Làm việc với PV, ông Giang Trung Thanh - Giám đốc kinh doanh phân bón (Nhà máy Miwon) - cho biết, phần lớn “phân bón” dạng lỏng của Cty Miwon đều cho, tặng, chỉ bán một số ít cho đại lý.
Ông Thanh cũng thừa nhận, một số hộ dân ở một vài địa phương sử dụng “phân” này khiến cây cối bị chết, song ông Thanh lý giải nguyên nhân do người dân không tuân thủ hướng dẫn của Cty.
Ngày 10/11, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc làm rõ vụ việc trên.
-------------------------
11 công ty phân phối sản phẩm của Bio-Rad
GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, ngày 12-11, cho biết từ năm 2005-2014, viện liên tục mua thiết bị, hóa chất do Công ty Bio-Rad (Mỹ) sản xuất để phục vụ công tác xét nghiệm và sàng lọc máu.
Theo GS Trí, các trang thiết bị, hóa chất của Bio-Rad đang sử dụng tại viện được cung cấp bởi 11 công ty nhập khẩu thiết bị y tế, hóa chất của Việt Nam do Bộ Y tế cấp phép. Đó là các công ty: Vimec, Medinsco, Biomed, Haphaco, Thiết bị và Sinh phẩm, UD Việt Nam, Thạch Phát, Minh Tâm, Hoàng Gia, Việt Lad, Vật tư Khoa học kỹ thuật. Các thiết bị của Bio-Rad cung cấp cho viện qua đấu thầu theo quy định. Trong 10 năm qua, viện đã mua trang thiết bị, hóa chất và sinh phẩm của Bio-Rad hơn 70 tỉ đồng, chiếm 7%-8% trong tổng chi phí của viện.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, liên quan đến nghi án Công ty Bio-Rad hối lộ quan chức y tế Việt Nam để bán sản phẩm, trước đó, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện, viện nghiên cứu trực thuộc báo cáo về việc mua sắm, sử dụng các thiết bị của Bio-Rad. Đến thời điểm này đã có 13 đơn vị báo cáo về việc có mua sản phẩm của Bio-Rad.
-------------------------
Vụ vỡ đập Đầm Hà Động: Đình chỉ 5 cán bộ
Giám đốc, Phó giám đốc phụ trách đơn vị được giao quản lý, điều hành Đầm Hà Động (Quảng Ninh) và 3 cán bộ của ca trực bị đình chỉ công tác để làm rõ nguyên nhân sự cố vỡ đập.
Ngày 11-11, UBND huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với Giám đốc, Phó giám đốc phụ trách của Trung tâm thủy lợi, giao thông và môi trường huyện Đầm Hà (đơn vị được giao trực tiếp quản lý và điều hành Đầm Hà Động), để làm rõ nguyên nhân sự cố vỡ đập. Cùng với đó, 3 cán bộ, nhân viên trực tiếp vận hành trong ca trực để xảy ra sự cố cũng bị đình chỉ công tác.
Trước đó, trận mưa lớn từ đêm 29-10 đến sáng 30-10 đã làm đập phụ Đầm Hà Động bị vỡ, đập chính trong tình trạng “nguy kịch”. Từ đó, dẫn đến tình trạng hàng trăm hộ dân chìm trong biển nước, rất may không có thiệt hại về người.
Ước tính thiệt hại do sự cố trên gây ra khoảng 80 tỉ đồng. Theo nhận định, ngay khi xảy ra sự cố, một trong những nguyên nhân gây vỡ đập là do công tác vận hành xả lũ chưa kịp thời, không hợp lý.
-------------------------
Vụ hơn 400 học viên cai nghiện bỏ trốn: Khởi tố 11 kẻ gây rối
Ngày 12-11, Công an huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện này vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam thêm 6 đối tượng, gồm: Phùng Đức Vương (SN 1991) và Hoàng Văn Công (SN 1990), cùng trú tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải; Bùi Văn Lương (SN 1986, trú tại xã Ngũ Lão), Hoàng Đình Hiệp (SN 1987, trú tại xã Hòa Bình), Lê Thành Đô (SN 1990, trú tại xã Dương Quan) và Hoàng Minh Hùng (SN 1987, ở xã Mỹ Đồng), cùng thuộc huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), về hành vi gây rối trật tự công cộng xảy ra tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH) Hải Phòng tại xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên giữa tháng 9 vừa qua.
Trước đó, ngày 15-9, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 đối tượng khác là Nguyễn Hữu Đăng (SN 1987, trú tại xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên); Phạm Văn Chung (SN 1986) và Nguyễn Văn Triều (SN 1988), cùng trú tại xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn xác định 2 học viên khác là Phạm Văn Hợi (SN 1983, trú tại xã Hòa Bình) và Ngô Xuân Trường (SN 1990, ở xã An Lư), cùng huyện Thủy Nguyên, đã tham gia kích động và trực tiếp có hành vi gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, hiện 2 đối tượng này đang bỏ trốn.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, chiều 14-9, 412 học viên cai nghiện ma túy đã tự ý rời khỏi Trung tâm GDLĐXH Hải Phòng tại xã Gia Minh cùng nhau kéo về trung tâm thành phố theo quốc lộ 10 và tỉnh lộ 359 kéo dài và giải tán khi đến khu vực chân cầu Bính.
Công an huyện Thủy Nguyên đã phối hợp với Công an Hải Phòng giám sát, ngăn chặn không để những học viên cai nghiện bỏ trốn có hành vi vi phạm pháp luật trong suốt quãng đường gần 20 km. Đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân sự việc.
Theo báo cáo của Trung tâm GDLĐXH Hải Phòng, số học viên cai nghiện bỏ trốn khỏi trung tâm vào 16 giờ chiều 14-9 gồm 412 người, ở các đội 1, 2, 4, 6, khu chăm sóc hỗ trợ điều trị HIV/AIDS của trung tâm.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do học viên sau cai nghiện ma túy của đội 6 bức xúc vì phải kéo dài thời gian ở lại tại trung tâm và một số học viên đã kích động học viên của các đội 1, 2, 4, 6, phòng y tế và khu chăm sóc hỗ trợ điều trị HIV/AIDS phá cổng chính của trung tâm rồi cùng bỏ trốn.
Cơ quan điều tra đang hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý để sớm đưa nhóm đối tượng trên ra xét xử nghiêm theo quy định của pháp luật.
-------------------------