Tiết lộ kinh hoàng của cựu vệ sĩ IS
Một cựu vệ sĩ của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), từng là chiến binh nổi tiếng, vừa tiết lộ những hành động vô cùng đồi bại của lực lượng thánh chiến này trong cuộc chiến nhằm mở rộng lãnh địa nhà nước caliphate tự xưng ở Iraq và Syria.
Abu Abdullah, vệ sĩ của Saddam Jamal, cho Telegraph hay về quãng thời gian làm lá chắn sống cho Jamal, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền. Jamal từng là đại lý ma túy trước khi gia nhập Quân đội Syria Tự do (FSA), sau đó đào tẩu sang IS.
Vệ sĩ của hắn đã kể về hàng loạt vụ việc gây sốc, trong đó có vụ Jamal buộc một cặp bố mẹ phải chứng kiến cảnh chiến binh thánh chiến sát hạt con cái họ, từng đứa một, cùng một lúc.
"Chúng xếp hàng lũ trẻ theo chiều cao và chặt đầu theo thứ tự đó, bắt đầu với cậu bé 13 tuổi"- gã cựu vệ sĩ cho biết. "Sau đó, chúng treo đầu của các bé trai trên cửa của ngôi trường mà gia đình này đang ẩn náu".
Abdullah biết rõ rằng Jamal chỉ là một chiến binh thánh chiến, không có vị trí cao ở IS, song hắn đang từng bước đạt được quyền lực cao hơn.
"Đối với Jamal, hắn không thực sự quan tâm đến nhiệm vụ mở rộng IS. Tất cả những gì hắn quan tâm chỉ là để có thêm nhiều quyền lực. Bây giờ, nếu có một tổ chức mạnh hơn xuất hiện, hắn sẵn sàng gia nhập. Và có rất nhiều kẻ như gã ở trong IS", Abdullah nói.
Bạo lực, sợ hãi và đạo đức giả
Abdullah cho hay Jamal sẽ bắt chước các thành viên "tiểu vương" trong IS và kiểm soát lãnh thổ của chúng bằng vũ lực, gieo rắc nỗi sợ hãi và sự đạo đức giả.
"Họ bắt cóc và thực hiện các vụ ám sát. Chúng không cần nghĩ gì hết khi xuống tay với cả một tòa nhà dù có đầy phụ nữ, trẻ em bên trong, chỉ để giết một người. Rất nhiều chiến binh địa phương và chiến binh ngoại quốc hút thuốc, nhưng nếu bắt gặp một thường dân làm vậy, chúng sẽ giam anh ta lại, vụt roi và bắt họ lao động công ích", Abdullah nói.
Người ta tin rằng Jamal hiện là chỉ huy quân sự đứng hàng thứ hai của IS, chỉ sau chỉ huy cấp cao - chiến binh râu đỏ khét tiếng người Chechnya Abu Omar al-Shishani.
Khi Jamal là một thành viên của FSA và Hội đồng Quân sự Tối cao - tổ chức nhận được tài trợ của Mỹ ở Syria, căn cứ của hắn ở tỉnh Deir al-Zour bị IS tấn công, buộc hắn phải lẩn trốn.
Sau đó, hắn xuất hiện trong một video và tuyên bố trung thành với IS, đồng thời lên án các chiến binh FSA là "người bội giáo".
"IS cho nổ tung căn nhà của Jamal khiến một trong những anh em trai của hắn thiệt mạng. Chúng bắt cóc người anh em khác và cũng sát hại anh ấy. Sau đó, Jamal biến mất", Abdullah nói.
Câu chuyện vô cùng sốc của cựu vệ sĩ kết thúc bằng vụ một "tiểu vương" khác có tên Abu Abdullah al-Qahtani bắt đứa con trai 8 tuổi của hắn cắt cổ một đối thủ bị chúng bắt được. "Hắn nắm lấy tay con trai mình với con dao trên tay nó và cắt cổ một chiến binh FSA với cáo buộc tổ chức tấn công IS", Abdullah cho biết.
"Sẽ mất nhiều ngày để tôi kể lại cho các bạn nghe về những bạo lực mà tôi đã chứng kiến", Abdullah kết thúc buổi phỏng vấn cùng những tiết lộ kinh hoàng.
--------------------
Mỹ-Trung sẽ thống nhất giảm đối đầu quân sự
Nhật báo "Wall Street Journal" (Mỹ) ngày 11/11 dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống nước này Barack Obama và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ công bố 2 thỏa thuận trong ngày 12/11 nhằm ngăn chặn đối đầu quân sự.
Một trong 2 thỏa thuận quân sự nói trên sẽ đề cập tới cơ chế thông báo cho nhau về các hoạt động quy mô lớn, như tập trận. Thỏa thuận còn lại đặt ra những nguyên tắc ứng xử cho các vụ đối đầu trên biển và trên không giữa quân đội 2 nước. Bộ quốc phòng 2 nước đều từ chối bình luận về 2 thỏa thuận này.
Giới phân tích quân sự cho rằng một trong số ít các lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc đã đạt được tiến triển kể từ cuộc gặp thượng đỉnh tại Sunnylands (Mỹ) là cam kết xây dựng các mối quan hệ quân sự gần gũi hơn. Hai thỏa thuận nói trên là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Mỹ nhằm khuyến khích quân đội Trung Quốc tuân thủ các quy chuẩn quốc tế.
Trung Quốc lâu nay luôn phản đối thỏa thuận này với Mỹ và cho rằng nó ám chỉ mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là thù địch giống Mỹ và Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, nhận thức này đã thay đổi kể từ năm ngoái khi cả 2 bên đều nhận thấy rằng họ không thể hòa hợp trong nhận thức về luật quốc tế về các vấn đề trên biển, và cũng không thể để đối đầu quân sự ngoài ý muốn hủy hoại quan hệ song phương.
Cũng theo báo trên, trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ 2 , Tổng thống Obama sẽ tập trung vào những vấn đề có thể hợp tác và có thể đạt được tiến triển trong quan hệ với Trung Quốc.
-------------------------
Obama, Tập Cận Bình đi dạo bàn quan hệ Mỹ-Trung
Vào tối qua 11/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp gỡ thân mật với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại khu nhà khách Trung Nam Hải, nơi ở của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh.
Trong cuộc gặp, nguyên thủ hai nước đã tiến hành thảo luận các ý kiến về quan hệ Trung-Mỹ, ngoài ra còn trao đổi ý kiến về các vấn đề trong khu vực và quốc tế.
Chủ tịch Tập Cận Bình cho hay chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Obama sẽ là bước ngoặt quan trọng để thúc đẩy xây dựng mối quan hệ kiểu mới giữa các cường quốc. Hai bên cần duy trì liên lạc thường xuyên để đi sâu trao đổi một số vấn đề có tính căn bản, chỉ có như vậy mới có thể tăng cường hiểu rõ lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau.
Theo ông Tập, hai bên cần mở rộng hợp tác thực dụng, đặc biệt cần tăng cường điều phối các công việc trong khu vực và quốc tế, cùng nhau thúc đẩy khu vực và thế giới hòa bình, ổn định, phồn vinh.
Còn Tổng thống Obama cho biết, ông nhất trí với đề xuất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tăng cường trao đổi các thông tin kịp thời nhằm thúc đẩy xây dựng quan hệ kiểu mới Trung-Mỹ lên một tầm cao mới.
Tiếp đó, Chủ tịch Trung Quốc đã mời Tổng thống Mỹ Obama tham gia tiệc tối. Trong bữa tiệc, nguyên thủ hai nước tiếp tục trao đổi về công tác quản lý đất nước. Ông Tập Cận Bình đã giới thiệu cho Tổng thống Obama về tình hình đi sâu cải cách của Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã tìm ra con đường phát triển phù hợp với tình hình trong nước, đó là con đường chủ nghĩa mang sắc màu Trung Quốc. Ông Tập nói: "Hai nước có lịch sử văn hóa, con đường phát triển và giai đoạn phát triển không giống nhau nhưng cần hiểu rõ nhau và tôn trọng nhau để giải quyết ổn thỏa các bất đồng liên quan".
Tông thống Obama bày tỏ tán thành với chính sách cải cách toàn diện của Trung Quốc, và nhấn mạnh phía Mỹ sẵn sàng đối thoại thẳng thắn với Bắc Kinh để tăng cường hiểu rõ lẫn nhau, dựa vào kinh nghiệm của nhau để xử lý tốt các vấn đề bất đồng, tránh hiểu sai về nhau. Mỹ đồng ý cùng Trung Quốc tăng cường giao lưu hợp tác, cùng nhau đối phó các vấn đề toàn cầu, cùng nhau thúc đẩy khu vực châu Á-Thái Bình Dường hòa bình ổn định.
Hai nhà lãnh đạo cũng di dạo cùng nhau trong khuôn viên khu nhà khách Trung Nam Hải và trò chuyện thân mật.
Dự kiến trong buổi sáng 12/11, nguyên thủ hai nước tiếp tục tổ chức hội đàm nhằm trao đổi các ý kiến liên quan về quan hệ hai nước và các vấn đề khác trong khu vực, quốc tế.
----------------------
Nhóm cực hữu biểu tình làm loạn Warsaw
Ngày 11/11, ít nhất 276 người bị bắt giữ và 50 người bị thương trong cuộc biểu tình của phe cực hữu tại thủ đô Warsaw (Vacsava), Ba Lan.
Hàng nghìn người biểu tình phe cực hữu, trong đó có các nhóm cực đoan Radical Camp và All-Polish Youth, với quốc kỳ trên tay, đã tụ tập trên các con phố vào ngày Quốc khánh Ba Lan.
Cuộc biểu tình biến thành bạo lực khi một nhóm biểu tình cực đoan tách khỏi đoàn tuần hành ở cầu bắc ngang sông Vistula, đi sang bờ phía Đông, gần sân vận động quốc gia Ba Lan.
Theo hãng tin Reuters, họ đốt pháo sáng, phá hủy các tấm đá lát và những chiếc ghế của một trạm xe buýt gần đó và ném liên tiếp về phía cảnh sát. Để đẩy lùi đám đông biểu tình, lực lượng cảnh sát chống bạo động phải sử dụng vòi rồng, đạn cao su và khí gas.
Sau vụ đụng độ hỗn loạn này, 23 cảnh sát và 24 người biểu tình bị thương, và 276 người biểu tình quá khích bị bắt giữ.
Biểu tình của phe cực hữu ở thủ đô Warsaw của Ba Lan diễn ra hàng năm từ năm 2008 và thường dẫn tới các vụ đụng độ giữa các tổ chức chính trị đối địch nhau.
Hồi tháng 11/2013, trong cuộc tuần hành ngày Quốc khánh ở Warsaw, cảnh sát cũng phải dùng đạn cao su và hơi cay để trấn áp đoàn người biểu tình bạo lực tấn công đại sứ quán Nga ở Warsaw bằng pháo sáng và chai lọ. Lực lượng cảnh sát chống bạo động phải dựng hàng rào quanh tòa đại sứ, khi đám đông quá khích cầm những lá cờ đỏ, trắng cố gắng xông vào.
Đám đông hô khẩu hiệu chống đối Nga, nước láng giềng phía Tây Ba Lan, buộc tội Nga vì sự tàn bạo của Thế chiến II và sự chiếm đóng thời Xô Viết.
---------------------
Nga muốn nắm quân bài Triều Tiên để lo chuyện Ukraine
Bộ trưởng quốc phòng Triều Tiên đã có cuộc họp bí mật với ông Vladimir Putin ngay trước khi tổng thống Nga đến Bắc Kinh. Động thái này khiến các nước ở khu vực Đông Bắc Á như Nhật, Hàn Quốc và cả Mỹ tỏ ra e ngại...
... Họ lo rằng Nga muốn nắm quân bài Triều Tiên để đối phó phương Tây trong khủng hoảng Ukraine.
Còn truyền thông Triều Tiên thì không giấu giếm chuyện này và họ coi đó là một động thái củng cố quan hệ quân sự giữa hai nước. Theo truyền hình trung ương của Triều Tiên, chuyến thăm của tướng Hyon Yong-chol tới Nga là vào 8.11 nhân khi ông sang Nga kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Dmitry Timofeyevich Yazov,
Theo Triều Tiên, tại đây, ông Hyon đã chuyển lời thăm hỏi của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Tổng thống Nga Putin và được phía Nga đáp lại với cụm từ "tỏ lòng biết ơn sâu sắc". "Tổng thống Putin và đồng chí Hyon Yong-chol đã nói chuyện trong bầu không khí thân thiện cởi mở", truyền thông Triều Tiên chỉ mô tả ngắn gọn chuyến đi và không cho biết thêm chi tiết cuộc họp bàn.
Trong khi đó, truyền thông Nga hầu như không đề cập đến chuyến thăm này. Chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Ukraine và bán đảo Triều Tiên đang trở thành 2 điểm nóng trên thế giới. Và nó cũng cho thấy dấu hiệu của mối quan hệ gần gũi hơn giữa Bình Nhưỡng với Moscow.
Trước đó vào tháng 10, bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên Su-yong cũng có chuyến công du kéo dài tới 10 ngày tại Nga. Ông cũng đã gặp Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov nhằm bàn bạc thúc đẩy đối thoại chính trị và tương tác kinh tế thương mại giữa hai nước. Bên cạnh đó, các Ngoại trưởng cũng bàn bạc trao đổi về tình hình trong khu vực, đặc biệt là về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng như khủng hoảng Ukraine. Ngoài ra, Nga – Triều còn nỗ lực hướng tới hình thành một trật tự an ninh mới trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương.
Động thái của Bình Nhưỡng được xem là xích lại Moscow do quan hệ với Bắc Kinh là không tốt như trước. Triều Tiên khiến Trung Quốc bực mình khi thi hành chính sách đối ngoại độc lập hơn trước và không nghe lời khuyên từ Bắc Kinh. Thậm chí, có tin lãnh đạo Kim Jong-un đã ra mật lệnh cho các quan chức rằng Trung Quốc là kẻ thù số 1 của Triều Tiên.
Còn dường như Nga đang muốn nắm lấy quân bài Triều Tiên để tạo thêm một mũi nhọn hóc hiểm trong cuộc chiến quan trọng chống lại phương Tây. Hiện Nga vẫn là 1 trong 6 bên giải quyết khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên (cùng Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc, Mỹ). Một khi Nga nắm chắc quân bài Triều Tiên thì phương Tây sẽ phải xuống nước trong khủng hoảng Ukraine.
----------------------------