Vốn nhà nước là “chùm khế ngọt”?
Ngày 11/11, góp ý vào những điều cấm tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị bổ sung quy định: Cấm lợi dụng chức vụ quyền hạn, quan hệ công tác, liên quan đến việc đầu tư, quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) gây khó khăn, nhũng nhiễu DN nhằm mục đích vụ lợi hoặc nhận các lợi ích trái pháp luật.
Theo ĐB Nghĩa, nhiều DN, cử tri cho rằng những gì dính đến vốn nhà nước như cây khế ngọt để người ta qua lại và cứ trèo hái mỗi ngày. Vừa rồi chúng tôi có nói kinh tế nhà nước phải đeo nhiều gánh nặng, một trong những gánh nặng đó là phải cung phụng, phải chung chi, rất nhiều khoản ngoài quy định, trái quy định. Vì vậy, cần bổ sung nguyên tắc này.
Ngoài ra, cần bổ sung quy định những người có liên quan đến việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước, có quyền quyết định, được cử vào để quản lý các DN không được đưa ra những quyết định, thiết lập các mối quan hệ kinh doanh có lợi cho những người thân thích hoặc tổ chức có quan hệ tài sản liên quan, làm thiệt hại cho DN.
ĐB Nghĩa nhấn mạnh, gần đây có chuyện không thu hồi được tài sản tham nhũng hoặc chiếm đoạt trái phép. Đề nghị Luật bổ sung quy định, “nếu gây thiệt hại phải bồi thường hoặc phải hoàn trả tài sản chiếm đoạt trái phép theo quy định của pháp luật”.
Các DNNN nắm giữ nhiều tài sản, đặc biệt là đất đai, cho nên những khu đất cấp trái phép thì phải hoàn trả. Khi nói bồi thường, cũng phải xét thiệt hại. Ở các nước, quy định có việc phải bồi thường nhưng có việc phải trả lại bằng hiện vật chứ không thể quy ra tiền.
-------------------------
Loại bỏ cơ chế sinh ra lợi ích nhóm
Thực trạng trước khi nghỉ hưu, nhiều cán bộ lãnh đạo đã bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, nhận người ồ ạt; chuyện thua lỗ, ném tiền xuống sông mà không ai chịu trách nhiệm... đó là vấn đề được bàn thảo tại phiên Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh vào ngày 11.11.
Nhận hàng trăm người vào
ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu thực trạng: “Có lãnh đạo bộ trước khi nghỉ hưu ký bổ nhiệm tới 60 cán bộ cấp vụ. Nhưng tình trạng mà ông nói là “rất đáng lo ngại” này xảy ra không chỉ ở cơ quan quản lý nhà nước, mà diễn ra phổ biến trong DNNN. Dẫn kết quả cuộc làm việc của Thủ tướng gần đây, ông Cường cho biết có những lãnh đạo DN trước khi nghỉ hưu nhận hàng trăm người vào. Và “đây là đặc trưng, chỉ diễn ra ở DNNN. Trong khi tại DN tư nhân, đồng tiền là của người ta thì không bao giờ có chuyện này”.
ĐBQH Đoàn Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị ghi rõ trong Luật DNNN “không đầu tư ngoài ngành nghề được giao, tránh việc gián tiếp sử dụng nguồn vốn không đúng mục tiêu ban đầu”. ĐBQH Đinh Văn Nhã đề nghị quy định “Vốn huy động không nên quá 2 lần vốn chủ sở hữu”.
Quy định này, theo ông, là để buộc DN phải có thói quen, phải tính toán, phải tích cực sáng tạo, phải ra thị trường vốn vay vốn bằng cổ phiếu trái phiếu chứ “chẳng nước nào như nước mình, điều kiện rất thuận lợi nhưng ra thị trường vốn huy động rất ít, chỉ nhăm nhăm vào tín dụng”. ĐBQH Ngô Văn Minh cho rằng nội dung quan trọng nhất là mô hình quản lý vốn nhà nước chưa được làm rõ trong luật. Và theo ông, nếu không làm rõ được vấn đề này, thì “luật không giải quyết được vấn đề gì cả”.
Đề nghị thành lập tổng cục quản lý vốn NN
Sau khi trích nghị quyết T.Ư, dẫn chủ trương của Đảng là cần phải tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi sản xuất kinh doanh, ĐB Ngô Văn Minh thẳng thắn “Không có chính phủ nước nào đem tiền đi đầu tư kinh doanh cả. Chính phủ chỉ nắm những ngành, những DN then chốt. Luật này lại để Chính phủ quyết định đầu tư, đem tiền đi kinh doanh kiếm lời, tôi nghĩ phải xem xét lại. Nhãn tiền bài học bao nhiêu tập đoàn, TCty thành lập ra gây thất thoát, lãng phí nhưng không ai chịu trách nhiệm cả. Hỏi Chính phủ bảo giao bộ ngành, bộ ngành thì bảo tôi chỉ được hỏi ý kiến.
ĐBQH Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cũng cho rằng cần thành lập tổng cục quản lý vốn nhà nước trực thuộc Chính phủ, đại diện toàn bộ vốn NN đầu tư vào DN. Theo ông Hùng, mô hình này sẽ xóa bỏ cơ chế bộ chuyên ngành đại diện phần vốn NN tại DN. Bởi “ngoài việc cản trở, việc quản lý này còn dễ sinh ra lợi ích nhóm”.
-------------------------
Chỉ được phản biện khi có giấy mời?
Mặt trận tổ quốc không thể chỉ được giám sát, phản biện khi “có yêu cầu”- ĐBQH tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm phát biểu góp ý vào Luật Mặt trận trước QH sáng nay 12.11. Theo ông, nếu chỉ được giám sát, phản biện “khi có yêu cầu” thì chắc chắn sẽ xảy ra câu chuyện các cơ quan tổ chức sẽ không mời Mặt trận tham gia đối với những văn bản, chủ trương chính sách họ không muốn có ý kiến khác.
Tự giới thiệu là người tham gia công tác mặt trận ở địa phương, ông Tâm cho rằng việc đưa công tác giám sát, phản biện xã hội vào luật là một bước tiến trong nhận thức lập pháp, đáp ứng đòi hỏi thực tế. Tuy nhiên, theo ông, công tác giám sát, phản biện đang rất khó do chưa có hành lang pháp lý.
Việc mặt trận tổ chức được một số chủ đề giám sát gây tiếng vang, được dư luận ủng hộ như việc rà soát chính sách người có công trong 2 năm 2014-2015 chỉ là do Mặt trận vận dụng Hiến pháp và uy tín của người đứng đầu mặt trận là Ủy viên Bộ Chính trị. Trong khi ở địa phương thì giám sát, phản biện hoàn toàn không dễ do không biết tổ chức như thế nào, phối hợp với ai.
Ông Tâm đề nghị bỏ quy định Mặt trận chỉ được tổ chức giám sát, phản biện “khi có yêu cầu”. Bởi quy định này sẽ làm cho việc giám sát, phản biện trở nên thụ động, rằng “Phải được mời mới được phản biện”. Vị ĐBQH là doanh nhân này đề nghị hoạt động giám sát phản biện phải chủ động, phản biện ngay khi thấy văn bản, chính sách và thực tế có vấn đề. “nếu chỉ được giám sát, phản biện “khi có yêu cầu” thì chắc chắn sẽ xảy ra câu chuyện các cơ quan tổ chức sẽ không mời Mặt trận tham gia đối với những văn bản, chủ trương chính sách họ không muốn có ý kiến khác”- ông nói.
Thực tế này cũng được Chủ tịch MTTQ huyện Gia Viễn, ĐBQH tỉnh Ninh Bình, bà Lưu Thị Huyền xác nhận. Bà Huyền cho biết trong thực tế, các cơ quan nhà nước “rất it khi” có nhu cầu mời MTTQ giúp phản biện các chính sách. Và vì vậy, nội dung giám sát phản biện phải được quy định rõ trong luật.
ĐBQH Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) cũng cho rằng việc giám sát, phản biện tham gia rất nhiều vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của NN, phát hiện những nội dung chưa sát, chưa đúng và đề xuất những nội dung phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Tuy nhiên, bà Thắm đề nghị không chỉ đối với những dự thảo, Mặt trận phải có quyền phản biện, giám sát đối với những văn bản pháp luật, chương trình, đề án, dự án đã phê duyệt, ban hành để xác định những bất cập trong quá trình thực hiện và đề xuất những nội dung sửa đổi.
-------------------------
Cần giám sát chặt chẽ từ khâu điều tra để làm giảm án oan
Bên hành lang Quốc hội, phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Trần Ngọc Vinh (đại biểu quốc hội đoàn Hải Phòng) về nội dung làm thế nào để làm giảm án oan sai.
Theo ông Trần Ngọc Vinh: "Trong thời gian vừa qua, báo chí đã đăng tải nhiều vụ xử oan sai trong thực tế gây bất bình cho xã hội. Vì vậy, trong kỳ tới, khi chúng ta sửa Luật Tố tụng hình sự chúng ta phải hết sức quan tâm làm sao để tránh oan sai và trong vấn đề kết án những người vô tội. Đây là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm".
"Tôi cho rằng phải có sự giám sát chặt chẽ, từ khâu điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt là khâu điều tra. Bởi khâu điều tra sau khi chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát, Viện sẽ căn cứ vào những chứng cứ của bên điều tra để ra cáo trạng, từ căn cứ đó toà án sẽ xét xử.
Mà toà ở đây mang tính xử độc lập, nên phải nghiên cứu hồ sơ, quy định cho người ta khi người ta phát hiện ra những cái sai thì có thể trả lại hồ sơ điều tra lại; đồng thời cần phải có cơ quan, bộ phận người ta có thể độc lập điều tra riêng, đặc biệt là Viện Kiểm sát để có thể phát hiện ra những dấu hiệu, tình tiết nghi vấn. Khi đó, Viện kiểm sát có quyền bởi độc lập, kiểm tra xem có đúng sự việc hay không. Nếu như không trao quyền điều tra lại, mà chỉ trả lại hồ sơ mà bên Công an họ lại tiếp tục điều tra thì họ vẫn chỉ bảo kết quả vẫn như cũ" - ông Vinh nhấn mạnh.
Để giảm tối đa án oan sai, ông Trần Ngọc Vinh cho rằng: "3 cơ quan cần kết hợp với nhau hết sức chặt chẽ, tức là giữa công an là bên điều tra, truy tố là Viện Kiểm sát và bên xét xử phải độc lập, phải có những quyền riêng để chúng ta tránh những vụ án oan sai trong thời gian vừa qua".
-------------------------