Ngoài mặt, cả hai Tổng thống đều tỏ ra “tay bắt, mặt mừng” nhưng cả hai đều rất dè chừng nhau khi mà quan hệ giữa hai nước đang xấu đi nhiều.
Những cử chỉ gượng gạo
AP dẫn lời Nhà Trắng cho biết, trong cuộc gặp ngày 11/11, Tổng thống Mỹ Obama và người đồng cấp Nga Putin chỉ chuyện trò với nhau 3 lần bên lề Hội nghị Cấp cao APEC.
Các cuộc nói chuyện giữa hai nhà lãnh đạo chủ yếu tập trung giải quyết các vấn đề khiến cho mối quan hệ Nga-Mỹ bị rạn nứt như tình hình Ukraine và Syria.
Ngoài ra, lãnh đạo Nga-Mỹ cũng đã thảo luận về các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran trong bối cảnh hạn chót cho vấn đề này đang đến gần.
Tuy nhiên, không giống như các cuộc gặp trước đây, ông Obama và ông Putin đã cố kiềm chế không bộc lộ sự bất đồng của mình trước công chúng. Tuy nhiên, những cử chỉ của cả hai nhà lãnh đạo vẫn cho thấy quan hệ của họ vẫn rất căng thẳng.
Theo đó, cả hai Tổng thống Nga-Mỹ đều rất gượng gạo khi cùng chụp ảnh tại hồ Yên Kỳ, ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh.
Sau đó, khi cùng tiến vào phòng họp của Hội nghị APEC, cả hai ông đều cố tình đi về hai phía của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Căn phòng này đẹp nhỉ”, ông Putin hỏi và quay mặt về phía ông Obama. “Đẹp thật”, ông Obama nói nhưng lại tránh nhìn thẳng về phía ông Putin và câu trả lời của ông dường như không hướng đến một ai đó cụ thể.
Sau khi cả ba nhà lãnh đạo dừng lại một lúc trước bàn đàm phán, ông Putin tiến lại gần ông Obama và định vỗ vai Tổng thống Mỹ nhưng ông Obama lại quay đi hướng khác và ông Putin cũng không có ý định vỗ vai nữa.
Vài giờ sau, cả hai Tổng thống lại gặp nhau tại ở ngoài trời khi các nhà lãnh đạo tham gia trồng cây lưu niệm tại Hội nghị APEC.
Tổng thống Nga Putin bước nhanh phía trước ông Obama trong khi Tổng thống Mỹ chắp tay sau lưng chờ ông Putin đi qua mới vui vẻ chào các phóng viên của một kênh truyền hinh Tây Ban Nha.
Ukraine vẫn là tâm điểm?
Cả Nhà Trắng và điện Kremlin đều không muốn công bố chi tiết cuộc đối thoại giữa ông Obama và ông Putin bên lề Hội nghị Cấp cao APEC. Người phát ngôn của ông Putin cho biết cả hai Tổng thống đã trao đổi với nhau về “mối quan hệ song phương và tình hình Ukraine, Syria và Iran”.
Trong đó, tình hình Ukraine được cho là làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ Nga-Mỹ nhất là trong bối cảnh các quan chức Nhà Trắng đã luôn cáo buộc Nga ủng hộ phe đối lập tại Ukraine bằng việc cung cấp các loại vũ khí hạng nặng cho phe đối lập cũng như cáo buộc Nga đưa quân áp sát biên giới Ukraine.
Ngoài ra, Mỹ còn cho rằng, Nga phải chịu trách nhiệm trong việc thỏa thuận ngừng bắn giữa phe đối lập và chính quyền Ukraine được thông qua vào tháng 9 năm nay bị phá vỡ.
Trong một cuộc điện đàm vào cuối tuần qua với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Phó Tổng thống Mỹ Joe Bide cam kết Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh cấm vận với Nga nếu Nga “cứ cố tình phá vỡ các điều khoản” của thỏa thuận ngừng bắn.
Nền kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU và đồng Ruble của Nga đã giảm xuống chỉ còn bằng 1/3 so với năm ngoái và rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Tuy nhiên, ông Putin đã bác bỏ những tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt do Mỹ và EU áp đặt. Trong tuyên bố của mình tại Hội nghị Cấp cao APEC ngày 10/11, Tổng thống Nga nhấn mạnh Nga hoàn toàn có khả năng ổn định lại tiền tệ trong nước mà không cần phải tiến hành bất kỳ một biện pháp khẩn cấp nào.
Trong khi đó, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Obama, ông Ben Rhodes, ngày 11/11 nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn Nga đóng một vai trò khác. Chúng tôi muốn Nga đóng vai trò ổn định các vấn đề mà Nga, Mỹ cùng quan tâm nhưng có vẻ như Nga không muốn làm như vậy”.
Hai Tổng thống không muốn đối thoại với nhau
Ông Rhodes cho biết, trong khi tham dự Hội nghị Cấp cao APEC, ông Obama không có ý định gặp mặt ông Putin. Hơn thế nữa, nhà lãnh đạo Mỹ cũng sẽ không gặp mặt Tổng thống Nga tại Brisbane, Australia khi cả hai cùng tham dự Hội nghị G-20 vào cuối tuần này.
“Ông Putin hiểu rõ quan điểm của chúng tôi”, ông Rhodes nói và cho biết ông Obama sẽ thảo luận với lãnh đạo G-20 về những động thái gần đây của Nga.
Đây không phải là lần đầu tiên, ông Obama và Putin có những cử chỉ gượng gạo trước công chúng.
Tháng 6/2014, tại lễ kỷ niệm ngày quân đồng minh đổ bộ lên Normandy, Pháp, Tổng thống Mỹ Obama và người đồng cấp Nga Putin đã cố tình tránh mặt nhau khi tham gia chụp ảnh chung và ông Obama lúc đó còn “nhờ” Nữ hoàng Anh đứng “chắn” giữa hai người. Sau đó, cả hai cũng chỉ nói chuyện ngắn gọn trong bữa trưa dành cho các nguyên thủ tham dự lễ kỷ niệm.
Trước đó, trong một cuộc gặp chính thức vào năm ngoái tại một hội nghị tại Bắc Ireland, ông Putin đã “ngồi yên bất động” khi ông Obama giễu cợt khả năng thể thao của mình.
Trước hành động đó của ông Putin, ông Obama đã bình luận rằng ông Putin “nhìn cứ như thể là một cậu học sinh chán học ngồi cuối lớp”.
-----------------------------
Su-35 "làm xiếc" trên bầu trời Trung Quốc
Máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Su-35 của Nga đã có màn trình diễn ấn tượng với các cú nhào lộn, xoay vòng trên bầu trời tại triển lãm hàng không ở thành phố Chu Hải, Trung Quốc.
Tại triển lãm hàng không Chu Hải, Su-35 dự kiến sẽ thực hiện nhiều màn bay biểu diễn trong một nỗ lực nhằm gây ấn tượng với các giới chức cấp cao của không quân Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đang cân nhắc mua dòng máy bay này.
Đây là lần đầu tiên Su-35 "xuất ngoại" để tham gia một triển lãm hàng không.
Su-35 là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng, thế hệ 4++ được phát triển bởi hãng Sukhoi. Nga và Trung Quốc đã đàm phán cho một thỏa thuận về Su-35 kể từ năm 2006 và một lễ ký kết có thể diễn ra vào cuối tháng 11 này.
Triển lãm hàng không vũ trụ và hàng không quốc tế Trung Quốc đã khai mạc hôm qua 11/11 tại thành phố Chu Hải và kéo dài đến 16/11. Sự kiện này diễn ra 2 năm một lần và đây là triển lãm lần thứ 10.
----------------------
Thủ tướng Abe: Nhật Bản và Trung Quốc cần nhau
Trung Quốc và Nhật Bản "cần nhau", Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày 11/11 cho biết khi ông kêu gọi 2 quốc gia láng giềng châu Á tăng cường các nỗ lực nhằm bỏ lại những thù địch ở phía sau.
"Nhật Bản và Trung Quốc, chúng ta cần nhau. Chúng ta đang ở trong một tình huống gắn kết không thể tách rời với nhau", ông Abe phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh sau hội nghị thượng đỉnh APEC.
"Nhật Bản và Trung Quốc điều có nghĩa vụ đối với hòa bình và sự thịnh vượng của khu vực và thế giới", Thủ tướng Nhật nói thêm.
Quan hệ vốn lạnh nhạt từ lâu giữa Tokyo và Bắc Kinh gần đây đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua do tranh chấp chủ quyền liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông và những vấn đề trong quá khứ.
Nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Thủ tướng Nhật hôm 10/11 bên lề thượng đỉnh APEC.
Cuộc gặp hiếm hoi - và cũng là đầu tiên giữa lãnh đạo nền kinh tế thứ 2 và thứ 3 thế giới - đã mang lại hi vọng về khả năng "tan băng" trong mối quan hệ giữa hai nước.
Thủ tướng Abe nói rằng hai bên "hi vọng sẽ tiến hành vài cuộc đối thoại" nhưng không cho biết không tin chi tiết khi được hỏi rằng liệu một cuộc gặp thượng đỉnh khác sẽ diễn ra.
"Nhiều quốc gia trên thế giới đang hi vọng nhìn thấy sự phát triển trong quan hệ Trung-Nhật. Nhiều nhà lãnh đạo nói với tôi rằng họ vui mừng vì cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Nhật đã diễn ra", ông Abe nói.
Trung Quốc và Nhật Bản có liên hệ chặt chẽ với nhau về mặt kinh tế, nhưng các căng thẳng chính trị đã đeo đẳng 2 cường quốc châu Á trong nhiều thập niên qua, bắt nguồn từ những vấn đề lịch sử.
Các láng giềng của Trung Quốc lo ngại về sự lớn mạnh của nước này, đặc biệt là các động thái không thỏa hiệp của Bắc Kinh nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông.
Quan hệ Mỹ-Trung Quốc đã gia tăng căng thẳng hồi năm 2012 khi Tokyo quốc hữu hóa một phần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa hai nước ở Hoa Đông.
Nhưng lãnh đạo hai nước đã có cuộc gặp chính thức đầu tiên bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC hôm 9/11, dù cuộc gặp có vẻ căng thẳng, khi các hình ảnh cho thấy họ bắt tay nhau với gương mặt không vui và ông Tập không mặn mà đáp lời chào của Thủ tướng Abe.
Mỹ hôm qua đã hoan nghênh cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Shinzo Abe.
"Chúng tôi hoan nghênh cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập và Thủ tướng Abe. Đó là một cơ hội để giảm căng thẳng giữa hai nước", phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh.
Đột phá nhỏ trong quan hệ Nhật-Hàn
Các tranh cãi về lãnh thổ và lịch sự không chỉ gây căng thẳng trong quan hệ giữa ông Abe và ông Tập, mà còn với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, người đã từ chối đề nghị chính thức của lãnh đạo Nhật Bản về một cuộc gặp song phương chính thức.
Quan hệ Nhật-Hàn vẫn "băng giá" do một cuộc tranh chấp lãnh thổ và yêu cầu của Seoul về việc bồi thường cho các phụ nữ bị ép làm "nô lệ tình dục" cho binh sỹ Nhật thời Thế chiến II.
Nhưng một bước đột phá nhỏ dường như đã diễn ra vào tối ngày 10/11, theo ông Abe.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho hay, ông đã ngồi cạnh bà Park tại tiệc tối dành cho các lãnh đạo APEC do việc sắp xếp chỗ ngồi theo thứ tự tên quốc gia trên bảng chữ cái và "rất tự nhiên, chúng tôi đã trò chuyện".
"Chúng tôi đã có những trao đổi rất thẳng thắn", ông Abe cho biết, nhắc tới thỏa thuận giữa hai nước nhằm thúc đẩy việc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
--------------------------
Sứ quán Mỹ tại New Zealand bị gửi bưu kiện khả nghi
Bưu kiện khả nghi tại sứ quán Mỹ được phát hiện chỉ sau một ngày hai bưu kiện khác chứa những thứ liên quan đến bệnh dịch Ebola cũng được phát hiện tại New Zealand.
Một người phát ngôn sứ quán Mỹ tại New Zealand cho biết: "Một bưu kiện khả nghi đã được phát hiện trong quá trình sàng lọc bưu phẩm thông thường. Vụ việc đã được thông báo tới bộ phận cứu hỏa và cảnh sát… Sứ quán vẫn mở cửa và hoạt động bình thường… Sứ quán tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình” .
Một đơn vị xử lý bom mìn đã có mặt tại hiện trường và nhân viên cứu hỏa với trang phục phòng chống hóa chất đã sẵn sàng bên ngoài sứ quán.
Người phát ngôn của cảnh sát cho hay, việc kiểm tra cho thấy trong bưu kiện có một cái lọ nhỏ. Lọ này không được mở và đã được gửi thẳng đến phòng thí nghiệm của chính phủ để kiểm tra. Một nhân viên sứ quán cũng đã được khử nhiễm như một biện pháp an toàn.
Hôm 11/11, tòa nhà quốc hội tại thủ đô Wellington và trụ sở báo New Zealand Herald tại thành phố Aucland cũng đã nhận được mỗi nơi một bưu kiện khả nghi. Trong các bưu kiện này có một chai nhựa và những giấy tờ nói rằng chất lỏng trong chai nhựa là một mẫu phẩm vi-rút Ebola. Chất lỏng này đã được gửi sang Úc để kiểm tra.
---------------------------
Quan hệ Nga-Trung sâu đậm đến đâu qua hội nghị APEC ở Bắc Kinh?
Các chuyên gia nhận định cả hai cần nhau trong kinh tế và cùng có thái độ tiêu cực đối với Mỹ.
Lên quan đến cuộc gặp gần đây giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, giới chuyên gia cho hay, thái độ đối với Mỹ và các vấn đề năng lượng là nền tảng cho mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc.
Hòn đá năng lượng
Martin Jacques, tác giả của cuốn sách bán chạy toàn cầu “Khi nào Trung Quốc thống trị thế giới” nói với hãng tin RIA Novosti: “Thực tế Nga là nhà cung cấp quan trọng các mặt hàng chủ chốt và Trung Quốc khá nghèo nàn về tài nguyên, vì vậy hai nước có lợi ích đối với nhau và phụ thuộc lẫn nhau.”
Oded Shenkar, giáo sư kinh doanh quốc tế tại Đại học Kinh doanh Fisher nói: “Năng lượng rõ ràng là một phần quan trọng trong đó và đối với Trung Quốc, đây là một nhà cung cấp tin cậy nằm ngay bên cạnh nước mình. Hiện có vấn đề là Trung Quốc đang cần thêm năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch… Cái mà hai nước có nhiều điểm chung là cùng có thái độ tiêu cực đối với Mỹ. Họ muốn thấy Mỹ đi xuống”.
Hôm 9/11 Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Tập gặp nhau ở Bắc Kinh. Hai bên thảo luận một số vấn đề song phương và ký 17 tài liệu, bao gồm bản ghi nhớ về việc Nga sẽ cung cấp khí tự nhiên cho Trung Quốc thông qua tuyến đường ống phía tây.
Martin Jacques nói: “Thỏa thuận này rất quan trọng trong quan hệ giữa 2 nước. Đó sẽ là hòn đá tảng cho quan hệ kinh tế. Nó chứng minh thêm rằng khi quan hệ Nga với phương Tây gặp nhiều trở ngại hơn, Nga trở nên thiết yếu đối với Trung Quốc. Rõ ràng quan hệ giữa hai nước đang ngày càng gần gũi hơn.”
Oded Shenkar nhận định: “Nga cần một khách hàng tin cậy để mua năng lượng, còn Trung Quốc cần một nhà cung cấp tin cậy”.
Lấy nhân dân tệ thay thế dần đồng USD
Ông Putin và ông Tập cũng thảo luận khả năng sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch song phương trong nhiều lĩnh vực hợp tác. Theo Tổng thống Nga, hai bên đang xem xét khả năng tăng sử dụng nội tệ Nga và Trung Quốc trong thương mại song phương và một cách đáng kể trong ngành năng lượng.
“Đây không phải là diễn biến mới, thực tế này bắt đầu vào cuối năm 2008-2009, khi phía Trung Quốc quyết định biến đồng nhân dân tệ thành đồng tiền quốc tế chứ không phải tiền dự trữ nữa”, Jacques nhắc lại.
Ông này cho biết thêm: “Bây giờ hơn 20% thương mại Trung Quốc được thanh toán bằng nhân dân tệ. Vì vậy, về cơ bản, việc sử dụng nhân dân tệ đang thay thế đáng kể cho việc dùng USD. Jacques bổ sung thêm: Vai trò của đồng USD sẽ giảm trong bối cảnh vai trò của Nga gia tăng với tư cách là nhà cung cấp sản phẩm dầu mỏ và khí đốt, và việc trao đổi thương mại được thực hiện hoặc bằng đồng ruble hoặc bằng đồng nhân dân tệ.
Chuyên gia Shenkar nhấn mạnh rằng “cả hai nước [Nga, Trung Quốc] đều ủng hộ bất cứ động thái nào hỗ trợ cho những việc đại loại như thay thế đồng USD với tư cách đồng tiền dự trữ của thế giới hoặc ít nhất tạo ra thêm một sự lựa chọn nào đó bên cạnh đồng USD”.
Mặt khác, Jacques lưu ý, đồng nhân dân tệ ít khả năng trở thành đồng tiền dự trữ vì nó không chuyển đổi được.
Nhưng Jacques nhận xét: “Một khi nhân dân tệ trở thành thứ tiền tệ chuyển đổi được, thì nó nhiều khả năng sẽ là đồng tiền quan trọng thứ hai trên thế giới, và tôi cho rằng nó sẽ rất nhanh chóng thay thế đồng đô la với tư cách là đồng tiền dự trữ chính”.
----------------------------