Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tình hình biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 tại Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tình hình Biển Đông đến nay vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm.
.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 khai mạc sáng ngày 12/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Myanmar ở thủ đô Nay Pyi Taw, mở đầu cho loạt các Hội nghị Cấp Cao ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác sẽ diễn ra trong hai ngày 12-13/11. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị.
Sau Lễ khai mạc, Lãnh đạo các nước ASEAN đã tham dự Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 25, tập trung thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và định hướng ASEAN sau 2015, thúc đẩy quan hệ với các đối tác cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Các nhà lãnh đạo nhất trí vào thời điểm quan trọng chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và giai đoạn phát triển tiếp theo, hơn lúc nào hết, ASEAN cần duy trì đoàn kết, thống nhất, chủ động và tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm và tiếng nói chung trong những vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.
Về lộ trình xây dựng Cộng đồng, các nhà Lãnh đạo đánh giá cao kết quả đạt được với tỷ lệ triển khai trên 80% và nhất trí sẽ tiếp tục quyết tâm và nỗ lực thực hiện đúng hạn và hiệu quả các biện pháp còn lại trong lộ trình, trong đó sẽ ưu tiên các lĩnh vực kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển kinh tế đồng đều, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh, an toàn hàng hải, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, dịch bệnh, thiên tai.
Về định hướng phát triển sau 2015, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác và nâng cao khả năng của ASEAN trong ứng phó và xử lý các thách thức đang nổi lên. Theo đó, ASEAN cần chủ động xây dựng một cấu trúc khu vực trên cơ sở luật lệ và các nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử của ASEAN. Bên cạnh đó, các nước cũng nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hiệu quả hoạt động và phối hợp của bộ máy tổ chức nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu ngày càng cao của ASEAN trong giai đoạn sau 2015.
Các nhà Lãnh đạo đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như tình hình bán đảo Triều Tiên, gia tăng bạo lực và khủng bố tàn ác tại Iraq và Syria, dịch bệnh Ebola... Trước tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, Lãnh đạo các nước tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả các quy định trong Tuyên bố DOC, đặc biệt là điều 5 của Tuyên bố, thực hiện kiềm chế, và không làm phức tạp thêm, mở rộng hay làm gia tăng căng thẳng, đẩy mạnh thương lượng thực chất ASEAN - Trung Quốc để sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử COC.
Phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ về vấn đề Biển Đông. Theo đó, tại Hội nghị Cấp cao tháng 5/2014, ASEAN đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực. Ðến nay, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm. Những việc làm này trái với quy định của Tuyên bố DOC.
Do đó, tại Hội nghị này, ASEAN cần chủ động và có trách nhiệm hơn nữa trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; tiếp tục yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực hiện đầy đủ mọi quy định của Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), trước hết là Điều 5 của Tuyên bố này, thực hiện kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982. Đồng thời, ASEAN cần triển khai mạnh mẽ những nội dung đã thống nhất, đặc biệt là việc ASEAN - Trung Quốc cần sớm cụ thể hóa các biện pháp và xây dựng cơ chế nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, nhất là Điều 5 của Tuyên bố; đi vào đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc COC có tính ràng buộc, cũng như sớm triển khai các biện pháp “thu hoạch sớm” song song với tiến trình đàm phán về COC.
(Trích theo Tiền Phong)
-------------------------
10.000 tỷ vay Ngân hàng Thế giới phát triển lưới điện thông minh
Ngày 12.11.2014, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ký kết một khoản vay trị giá 500 triệu USD (tương đương 10.000 tỷ đồng) cho dự án xây dựng 1.000 km đường dây tải điện và triển khai công nghệ Lưới điện thông minh.
Theo bà Victoria, Giám đốc quốc gia của NHTG tại Việt Nam, việc cải thiện hiệu quả năng lượng có tính chất quyết định đối với Việt Nam, đặc biệt trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống, ngoài ra nó “cũng quan trọng với việc giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu”.
Khoản vay lên đến 10.000 tỷ đồng này sẽ tài trợ cho Dự án Hiệu quả Lưới điện Truyền tải, giúp tăng công suất, hiệu quả và độ tin cậy của mạng lưới truyền tải điện tại những khu vực có vai trò nòng cốt với sự phát triển kinh tế của đất nước, trong đó có khu vực thành phố Hà Nội mở rộng, thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung.
Dự án này sẽ tài trợ cho các đường dây truyền tải và trạm biến thế, đóng góp khoảng 15% vào tăng trưởng mạng lưới truyền tải điện tại Việt Nam cho đến năm 2020. Nó cũng tập trung giải quyết nhu cầu đầu tư chủ yếu ở các khu vực phát triển kinh tế lớn, những nơi sự quá tải đường dây truyền tải điện đã xuất hiện hoặc sẽ xảy ra trong tương lai gần.
Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ công nghệ Lưới điện thông minh cho các thiết bị giám sát, kiểm soát và bảo vệ nhằm tăng cường độ tin cậy và giảm thất thoát điện, đồng thời giúp xây dựng năng lực của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia bằng cách hỗ trợ độc lập về mặt vận hành và tài chính của tổng công ty. Đây là một phần trong kế hoạch thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào năm 2015.
Theo ước tính, tổng mức đầu tư của dự án là 731,25 triệu USD, trong đó 500 triệu USD sẽ vay từ Ngân hàng quốc tế về Tái thiết và Phát triển, là nguồn tài chính cho các quốc gia có mức thu nhập trung bình thuộc Nhóm NHTG. Tổng công ty Truyền tải diện quốc gia, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm phần vốn 231,25 triệu USD còn lại.
-------------------------
Áp lực trả nợ công từ ngân sách đang tăng
Trong Báo cáo tình hình kinh tế 10 tháng được công bố mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) nhận định, ổn định kinh tế vĩ mô trong nước được duy trì khá vững chắc, tình hình sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp (DN) cũng chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, nhất là đối với các DNVVN cũng như khả năng đảm bảo vốn đầu tư để duy trì tốc độ tăng trưởng cho kinh tế cuối năm và các năm tới.
Theo báo cáo của UBGSTCQG, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Cụ thể, lạm phát cơ bản ở mức 3,09% trong tháng 10.2014, tiếp tục xu hướng giảm kể từ đầu năm. Với xu hướng trên, UBGSTCQG dự báo, nếu không có những biến động lớn về giá các mặt hàng cơ bản thì lạm phát cả năm 2014 sẽ không quá 4%.
Ủy ban dự báo lạm phát 2014 và 2015 sẽ tiếp tục ổn định bởi tác động của yếu tố cầu kéo lên lạm phát là không đáng kể (tổng cầu thấp); ngoài ra, các yếu tố chi phí đẩy dự kiến cũng không tác động đáng kể lên lạm phát, do giá cả hàng hóa thế giới được dự báo là sẽ ổn định trong năm 2015.
Thị trường tài chính – tiền tệ cũng ổn định với thanh khoản hệ thống ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng được giữ ổn định ở các kỳ hạn. Các TCTD đồng loạt giảm lãi suất huy động ngay từ đầu tháng. Tăng trưởng tín dụng tính đến 30.9.2014 đạt 7,26%, là mức tăng khá so với mức tăng cùng kỳ năm 2013 (6,2%). Mặc dù có biến động do yếu tố tâm lý vào đầu tháng 10, tỉ giá nhìn chung vẫn khá ổn định nhờ mức thặng dư thương mại 2,2 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm.
Thị trường BĐS có dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài trầm lắng, số lượng giao dịch thành công tăng liên tục. Giá nhà ở đã dần ổn định sau thời gian dài giảm sâu. Doanh thu bình quân toàn khu vực DN trong 6 tháng đầu năm 2014 tăng 20,1% so với cùng kỳ 2013, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2009.
Về những thách thức của nền kinh tế từ nay đến cuối năm 2014 và trong năm 2015, bên cạnh những mặt tích cực, UBGSTCQG nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực DNVVN. Hiệu quả kinh doanh của nhóm DN này liên tục suy giảm kể từ năm 2008.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư cũng bị hạn chế. Cụ thể, đầu tư công bị hạn chế bởi giới hạn nợ công. Áp lực trả nợ công từ NSNN tăng. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu NSNN tăng nhanh. Nếu không tính khoản vay về cho vay lại, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu NSNN đã tăng từ 6,8% năm 2010 lên 15,9% năm 2014. Đầu tư tư nhân cũng bị hạn chế khi tín dụng khó tăng cao do: Tổng cầu thấp; DN cũng vẫn còn khó khăn về năng lực tài chính; mặt bằng lãi suất còn cao so với mức lạm phát kỳ vọng. Ngoài ra, thị trường BĐS phục hồi chậm ảnh hưởng đến giá trị tài sản thế chấp.
Bên cạnh đó, kinh tế thế giới nhiều bất chắc tác động nhiều đến đến FDI; tính chung cả cấp mới và tăng vốn trong 10 tháng 2014, vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam là 13,7 tỉ USD, chỉ bằng 71,2% so với cùng kỳ 2013.
Vì vậy, UBGSTCQG yêu cầu NHNN xem xét cung cấp nguồn vốn với lãi suất thấp ưu đãi cho các TCTD nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay mà không ảnh hưởng đến NIM của hệ thống TCTD.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi đồng bộ các luật: Luật Dân sự, Kinh doanh BĐS, Nhà ở theo hướng đảm bảo quyền tài sản để tạo điều kiện rút ngắn thời gian phát mại tài sản đảm bảo, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, thúc đẩy hình thành thị trường mua bán nợ, thu hút thêm các nguồn lực mới vào thị trường BĐS; tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng, tăng cầu đầu tư.
-------------------------