Tai nạn lao động cướp sinh mạng 700 người mỗi năm
Đó chỉ là con số chỉ tính riêng trong khu vực tham gia bảo hiểm xã hội, được Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh - xã hội công bố trước Quốc hội sáng nay 12-11.
“Việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm, nhất là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định chỉ để đối phó sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước” - bà Chuyền nhận định.
10% lao động sức khỏe loại 4, 5
Bà Chuyền cho biết tai nạn lao động bước đầu đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực có nguy cơ cao.
Trong giai đoạn 2006 - 2013, chỉ tính riêng khu vực tham gia bảo hiểm xã hội, số người chết do tai nạn lao động trên 5.300 người (gần 700 người chết mỗi năm).
Trên 40.000 người bị thương tật với mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Tính đến cuối năm 2013, số người được hưởng trợ cấp hàng tháng từ cơ quan bảo hiểm xã hội do bị tai nạn lao động là trên 37.000 người.
Việc đo, kiểm tra định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường lao động, tổ chức quản lý sức khỏe người lao động tuy được tăng cường nhưng vẫn còn rất hạn chế (số nơi làm việc, số người lao động thuộc diện quản lý chiếm chỉ khoảng 10% tổng số).
Riêng năm 2013, tỷ lệ người lao động có sức khỏe yếu (loại 4, loại 5) chiếm 10% tổng số lao động được khám sức khỏe định kỳ.
Vẫn theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, số lượng người được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động năm sau tăng so với năm trước nhưng vẫn đạt tỷ lệ thấp, còn cách xa so với tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động, nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.
Phải đảm bảo sức khỏe người lao động
“Người lao động chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, chưa quen với tác phong công nghiệp và bị hạn chế về kỷ luật lao động, thiếu huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động nên chưa hiểu biết đầy đủ về các mối nguy hiểm cần đề phòng” - bà Chuyền nói.
Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động trong quá trình lao động sản xuất, nhất là lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Đồng thời, bảo vệ sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp thông qua việc tăng cường quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động, là những mục tiêu quan trọng của dự luật này.
“Chú trọng hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong công tác an toàn vệ sinh lao động; tăng cường cải thiện điều kiện lao động; xây dựng văn hóa an toàn trong sản xuất; gắn an toàn vệ sinh lao động với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững kinh tế - xã hội” - Bộ trưởng Chuyền nhấn mạnh.
-------------------------
Viết sách giáo khoa mới: Bộ trưởng thành tâm, đại biểu vẫn lo
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng khẳng định không có chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong biên soạn SGK, đại biểu lại không nghĩ vậy.
Cả Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (cơ quan trình) và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi (cơ quan thẩm tra) khẳng định không có chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong biên soạn sách giáo khoa (SGK), nhưng đại biểu lại không nghĩ vậy.
Thảo luận ở tổ đại biểu Quốc hội về nội dung đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông ngày 11-11, ông Luận cho biết qua các lần viết SGK trước đây thì thấy lực lượng tham gia không nhiều, trong số những người có kinh nghiệm không phải ai cũng sẵn sàng tham gia vì họ bận công tác khác và chính sách đãi ngộ rất thấp nên không khuyến khích được.
Lần này sẽ bỏ cách viết sách cũ (truyền thụ kiến thức một chiều) sang cách tiếp cận mới (phát triển phẩm chất, năng lực người học).
“Chúng tôi đang tập huấn cho rất nhiều thầy cô giáo, chuyên gia giáo dục để họ có thể tham gia làm sách và tiếp cận với những bộ sách mà thế giới làm” - bộ trưởng nói.
Ông khẳng định Bộ GD-ĐT thành tâm và mong muốn có nhiều bộ sách. “Từ trước đến nay bộ chưa bao giờ trực tiếp viết SGK mà chỉ tổ chức viết SGK, có nghĩa chúng tôi tập hợp con người để viết và giao cho nhà xuất bản để triển khai chứ bộ không làm” - ông Luận giải thích.
Giải thích lý do vì sao trong đề án vẫn quy định Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn một bộ SGK, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng đã là nghị quyết thì phải quy định triển khai thế nào, cấp nào triển khai.
“Nói thật vừa rồi có nhiều người nói rất là to, bây giờ cũng đang nói rất là to nhưng mấy lần viết sách vừa rồi đều không dùng được. Lúc đầu chúng tôi trình hai phương án, trong đó phương án hai là xã hội hóa toàn bộ, nhưng cơ quan thẩm tra đề nghị trình một phương án thôi, có nghĩa là bộ chủ động xây dựng một bộ SGK, đồng thời khuyến khích các lực lượng xã hội biên soạn bộ sách khác.
Chúng tôi cũng báo cáo Thủ tướng thì Thủ tướng nói rằng việc đổi mới là dứt khoát, nhưng nếu buông hết mà tốt thì không sao, nhưng không triển khai, không chủ động được sẽ có lỗi với nhân dân, chứ không phải chúng tôi muốn ôm việc này đâu” - bộ trưởng cho biết.
Vẫn theo bộ trưởng, khi đã có nhiều SGK để lựa chọn phải có quy chế để nhà trường và học sinh lựa chọn, chứ không thể để tình trạng nhà sách tác động vào nhà trường rồi trường hưởng phần trăm.
Cũng giải thích vấn đề này, ông Đào Trọng Thi nói: “Từng trường sẽ chọn. Giáo viên và cha mẹ học sinh sẽ thống nhất để chọn SGK tốt nhất cho con em mình. Như vậy thì không sợ họ phải chọn SGK của Bộ GD-ĐT. Tác giả soạn SGK nào tốt, được nhiều người chọn thì anh có lợi. Nhà nước không bao cấp người soạn sách mà chỉ hỗ trợ”.
Lo nhà xuất bản như... công ty dược
Mặc dù đã nghe ý kiến của ông Thi, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà vẫn khẳng định nỗi lo của cử tri về tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” là có cơ sở. “Nếu để cho các trường lựa chọn thì đương nhiên họ sẽ chọn sách của Bộ GD-ĐT” - bà Hà bình luận.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) gợi ý: “Chúng ta chỉ nên xây dựng chương trình chuẩn và Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm. Nhưng SGK thì phải xã hội hóa, mọi người đều có thể viết. Không nên xã hội hóa theo kiểu giao cho nhóm này nhóm kia theo kiểu dự án. Tôi nghĩ rằng ai viết hay thì được chọn, chứ đừng sợ là không có tiền thì người ta không làm. Cơ chế thị trường cơ mà. Một điểm nữa là cần lắng nghe các em học sinh, các thầy cô giáo nhiều thế hệ để xây dựng bộ SGK chuẩn”.
Nhìn từ thực tế thị trường, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cảnh báo: “Bộ đừng biến các nhà xuất bản thành... các công ty dược!”.
Bà Lan phân tích: nếu làm không khéo, nhiều nhà xuất bản sẽ cho nhân viên vào tận trường học mời chào SGK như các công ty dược cho trình dược viên vào tận bệnh viện để chào thuốc, với đủ hình thức hậu mãi, hoa hồng, hứa hẹn...
Không tận dụng được mặt tốt của kinh tế thị trường mà trở thành thương mại hóa giáo dục một cách thái quá.
Truyền thống, phẩm cách, thể lực
Nhiều đại biểu tập trung phân tích mục tiêu mà nền giáo dục đổi mới tới đây phải hướng tới. Dẫn câu chuyện một nghiên cứu ở TP.HCM cho thấy có đến 20% học sinh bị nhiễm mỡ máu, đại biểu An cho rằng một trong những nguyên nhân là gánh nặng học hành: “Các cháu phải học quá nhiều, học đến mụ mẫm cả người mà ít thời gian chơi thể thao”.
Bà An cho rằng có thể lược bỏ 1/2 nội dung chương trình SGK tiểu học, trung học hiện nay. “Phải lược bỏ đi những phần rườm rà, không cần thiết. Đặc biệt là phải cấu tạo cân đối giữa học kiến thức và vui chơi thể thao, văn nghệ” - bà nói.
“Giáo dục trước hết phải hướng vào phát triển nhân cách, con người phải được giáo dục về lòng tự trọng, tự hào dân tộc, tình thương và lòng nhân ái. Chương trình, SGK phải hướng đến mục tiêu này. Người Hán có giấc mơ Trung Hoa, người Mỹ tự hào về giá trị Mỹ, chúng ta có rất nhiều giá trị của dân tộc nhưng giáo dục của chúng ta lại chưa hướng học sinh đến những điều này” - đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bình luận.
Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng “giáo dục phải hướng đến hình thành nhân cách, đạo đức, thể lực. Phải hiểu biết được lịch sử hình thành của dân tộc, bởi mình muốn làm cái gì đó, đi đến đâu đó phải hiểu được lịch sử dân tộc, biết được nguồn gốc của mình”.
Ông Chung cũng đề nghị kết cấu chương trình tới đây phải tăng cường hoạt động ngoại khóa để phát triển cho học sinh năng lực quan sát, phân tích, đánh giá tự nhiên và xã hội. Đồng thời phải chú trọng kiến thức ngoại ngữ, tin học, rèn luyện kỹ năng sống và tác phong, kỷ luật lao động để hội nhập với thế giới.
“Tôi rất mong muốn trước năm 18 tuổi các em phải được học rất kỹ về chương trình luật lệ giao thông. Hết lớp 12 phải có bằng lái xe máy, ôtô” - ông Chung nói thêm.
-------------------------
Sửa luật để nâng cao năng lực chiến đấu của Quân đội
Bên hành lang Quốc hội ngày 11/11, nhiều đại biểu khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành và bày tỏ sự đồng thuận với quy định nâng độ tuổi nhập ngũ.
Một số đại biểu cho biết, để thực thi Hiến pháp, trong đó quy định công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, đồng thời từng bước xây dựng quân đội nhân dân chính quy, hiện đại, việc sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và cấp bách.
Đề cập đến quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ, các đại biểu cho rằng, dự thảo luật không nâng tất cả độ tuổi gọi nhập ngũ, mà chỉ nhắm đến một số đối tượng đến 27 tuổi, và thay đổi điều này cũng nhằm mục đích xây dựng quân đội chính quy, hiện đại.
-------------------------
UBTVQH đề nghị đổi tên Luật Dạy nghề thành Luật Giáo dục nghề nghiệp
các đại biểu Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội về dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật dạy nghề.
Theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Đào Trọng Thi trình bày về dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến cho thấy, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi của Luật.
Trên cơ sở tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho đổi tên thành Luật Giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt là việc sửa đổi này cũng nhận được sự đồng thuận cao của Chính phủ.
Báo cáo thẩm tra cũng cho thấy, có nhiều kiến nghị về việc cần có sự quản lý thống nhất và sự hợp nhất các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở hợp nhất của trung cấp nghề do Bộ GD-ĐT quản lý và trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề nghiệp do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý.
-------------------------
Cần thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước
Đó là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị trong phiên thảo luận sáng 11/11, về dự thảo Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Việc thành lập cơ quan chuyên trách của Chính phủ về quản lý vốn nhà nước nhằm quản lý chặt chẽ nguồn vốn này đầu tư vào doanh nghiệp, để hạn chế tiến tới khắc phục tình trạng thất thoát lãng phí.
Cụ thể, một số đại biểu đề nghị nên quy định ngay trong luật việc thành lập một cơ quan chuyên trách ngang Bộ, hoặc một tổng cục làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước. Bởi, nếu thực hiện phương án này sẽ tạo được sự đột phá thay đổi cơ bản trong việc quản lý doanh nghiệp nhà nước, tách biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp.
Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có điều kiện tập trung hơn vào việc xây dựng thể chế chính sách, chiến lược phát triển doanh nghiệp.
-------------------------