Từ 1.1.2015: Giấy phép lái xe của Việt Nam cấp được chấp thuận trên 70 quốc gia
Việt Nam sẽ chính thức cấp và công nhận giấy phép lái xe quốc tế đối với các nước đã gia nhập công ước Vienna về giao thông đường bộ từ đầu năm 2015.
Sau khi hoàn thành xong thủ tục và đã được Liên hợp quốc chấp nhận tham gia Công ước Vienna về giao thông đường bộ, trong đó có nội dung được phép cấp và công nhận giấy phép lái xe quốc tế từ 1.1.2015.
Theo đề án để tham gia Công ước Vienna (Công ước về giao thông đường bộ 1986), bao gồm các vấn đề như biển báo, tín hiệu giao thông đường bộ, giấy phép lái xe cơ giới đường bộ... Việt Nam sẽ công nhận và cho sử dụng giấy phép lái xe quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước Vienna cấp, mà không phải đổi sang giấy phép lái xe Việt Nam.
Ngược lại, những công dân Việt Nam đi công tác, học tập và định cư ở nước ngoài đã có giấy phép lái xe do Việt Nam cấp có nhu cầu sử dụng giấy phép lái xe này tại nước ngoài sẽ được các cơ quan chức năng của Việt Nam cấp giấy phép lái xe quốc tế và giấy phép này được các quốc gia tham gia Công ước Vienna công nhận.
Cùng đó, trong số hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia Công ước Vienna về giao thông đường bộ, có nhiều nước đang lái xe tay lái nghịch, theo đó Công ước Vienna cho phép người có giấy phép lái xe quốc tế của nước đã tham gia Công ước Vienna không phải làm thêm bất cứ thủ tục gì tại các nước đang lái xe tay lái nghịch. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn giao thông những người này phải có trách nhiệm tìm hiểu thêm về luật giao thông đường bộ và biển báo giao thông của nước sở tại.
-------------------------
Thủ tướng làm việc với Quảng Trị về cửa khẩu Lao Bảo
Chiều 10/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Trị nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của Khu kinh tế-thương mại đặc biệt Lao Bảo, nảy sinh trong quá trình thực hiện Quyết định 72 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu.
Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo đã được Chính phủ cho hưởng chính sách đặc thù, tuy nhiên, sau khi áp dụng đang gặp phải một số khó khăn vướng mắc.
Hiện Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, sửa đổi Quyết định 72 để tháo gỡ những khó khăn này. Trong quá trình sửa đổi Quyết định 72, Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Trị cần sáng tạo để đưa ra các đề xuất đặc thù, song phải trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Từ đó, Quyết định sửa đổi Quyết định 72 sẽ có các chính sách đặc thù hơn cho Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo, góp phần phát triển hành lang kinh tế Đông Tây.
Về đề nghị của tỉnh đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu La Lay, Thủ tướng yêu cầu trước mắt tỉnh Quảng Trị cần xây dựng Đề án tổng thể để các bộ, ngành thẩm định chặt chẽ. Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc Trung ương sẽ hỗ trợ Quảng Trị xây dựng cơ sở hạ tầng cho Khu kinh tế cửa khẩu La Lay.
(Theo Vietnam Plus)
-------------------------
Việt Nam cam kết cùng APEC thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực
Trong tiến trình hội nhập, Việt Nam luôn đóng góp vào việc thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực ở cả ASEAN và APEC.
Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 22 Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh (Trung Quốc), sáng 11.11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự và có bài phát biểu tại phiên họp thứ nhất với nội dung “Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực".
Chủ tịch khẳng định: Những đóng góp quan trọng của APEC vào việc thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc, dẫn dắt hình thành các thỏa thuận thương mại tự do then chốt, đã góp phần nâng cao vị thế châu Á-Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu.
”Trong một thế giới phẳng hơn và trước thực trạng kinh tế thế giới phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như các thách thức toàn cầu gay gắt, việc đẩy mạnh liên kết khu vực càng trở nên cấp thiết” – Chủ tịch nói.
Chủ tịch cho biết, Việt Nam đánh giá cao và nhất trí Hội nghị thông qua các biện pháp đẩy mạnh triển khai Gói cam kết Bali, trong đó có Hiệp định về thuận lợi hóa thương mại, tăng cường thực hiện các Mục tiêu Bogor và các biện pháp thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư. Việt Nam ủng hộ và cho rằng việc thông qua “Lộ trình Bắc Kinh về đóng góp của APEC nhằm hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP)” và “Kế hoạch chiến lược APEC thúc đẩy phát triển và hợp tác chuỗi giá trị toàn cầu” sẽ tạo xung lực mới cho liên kết khu vực.
Chủ tịch đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế-kỹ thuật và hỗ trợ nâng cao năng lực của các thành viên đang phát triển, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới.
Chủ tịch cũng đề xuất các thành viên và các doanh nghiệp trong khu vực cần tham gia và hỗ trợ các chương trình liên kết tiểu vùng và khu vực của các thành viên, trong đó có ASEAN, ASEAN lục địa và tiểu vùng Mekong.
Về hành động của Việt Nam, Chủ tịch khẳng định: “Với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trên mọi tầng nấc, Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ đóng góp vào mọi nỗ lực của APEC nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực. Việt Nam đang trở thành một hạt nhân tích cực ở Đông Nam Á và là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo và sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn, trong đó có 18 thành viên APEC”.
(Theo Lao Động)
-------------------------
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Nga Putin
Ngày 11-11, nhân Hội nghị cấp cao APEC 22 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp xúc song phương với Tổng thống Liên bang Nga V. Putin, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye và Thủ tướng New Zealand John Key.
Trong tiếp xúc với Tổng thống Nga Putin, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến về phương hướng và các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.
Hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường độ tin cậy chính trị cao thông qua trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhận lời mời của Tổng thống Putin về việc tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát xít được tổ chức tại Moscow vào ngày 9-5-2015.
Hai nhà Lãnh đạo đánh giá cao những tiến triển tích cực trong hợp tác kinh tế giữa hai nước, nhất trí cùng nỗ lực sớm hoàn tất đàm phán và ký chính thức Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan, tiếp tục thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và tại Nga.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết Việt Nam sẵn sàng xuất khẩu thực phẩm, hàng nông thủy hải sản, hàng tiêu dùng bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường Nga.
Với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, hai bên đã trao đổi về các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc; đánh giá cao kết quả các chuyến thăm gần đây của lãnh đạo cấp cao hai nước và nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các thỏa thuận đạt được, nhất là các chương trình, dự án hợp tác kinh tế trọng điểm giữa hai nước, sớm hoàn tất đàm phán ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc.
Với Thủ tướng New Zealand John Key, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần khai thác tối đa các tiềm năng hợp tác, tích cực triển khai Chương trình hành động 2013-2016 nhằm đẩy mạnh quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - New Zealand.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh Thủ tướng John Key sớm thăm Việt Nam. Thủ tướng John Key bày tỏ cảm ơn và mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm New Zealand vào thời điểm thích hợp.
Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác tích cực và ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn quốc tế và khu vực.
-------------------------
Hà Nội dự trữ hàng tết lên tới 2.300 tỉ đồng
Chiều 11-11, Sở Công thương Hà Nội công bố kế hoạch chuẩn bị hàng tết, xác định nguồn vốn dự trữ hàng tết lên tới 2.300 tỉ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết việc cung ứng hàng hóa tết sẽ gắn với công tác bình ổn thị trường tết, gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
“Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối trên địa bàn như Big C, Metro, Citimart, Coop mart, Lan Chi, Fivimart, Ocean mart… dự kiến dự trữ bán ra các mặt hàng phục vụ tết tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trong năm.
Tổng số tiền hàng dự kiến trên 2.300 tỉ đồng, hàng Việt Nam giữ vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 75-80%”, bà Lan cho biết.
Theo bà Lan, trong số vốn trên 2.300 tỉ đồng, Thành phố Hà Nội có hỗ trợ tạm ứng vốn từ quỹ dự trữ tài chính với lãi suất 0%, tổng vốn tạm ứng cho các doanh nghiệp dự trữ hàng là 276 tỉ đồng.
Bảy nhóm mặt hàng thiết yếu được dự trữ gồm: gạo tẻ, thịt lợn, thịt gà, trứng gà, thủy hải sản, dầu ăn và rau củ.
“Dự kiến số lượng gạo tẻ dự trữ khoảng 4.000 tấn, thịt lợn 900 tấn, thịt gà-vịt 450 tấn, trứng gia cầm 5,5 triệu quả, thủy hải sản 200 tấn, dầu ăn 1.500 lít, rau củ, 1.500 tấn.
Ngoài ra cũng dự trữ đủ lượng hàng bán ra dịp tết khoảng 185 triệu lít bia, 6 triệu lít rượu, trên 30 triệu tấn bánh mứt kẹo và khoảng 16,5 triệu lít sản phẩm sữa các loại phục vụ tết”, bà Lan cho hay.
Bà Lan cũng khẳng định các doanh nghiệp được ứng vốn với lãi suất 0% phải cam kết về niêm yết giá, bán thấp hơn giá thị trường tối thiểu 5%. Và khi có tình trạng sốt giá, tăng giá đột biến phải đảm bảo đủ nguồn hàng đã cam kết để bình ổn thị trường.
-------------------------