Chính phủ vừa ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo Nghị định, tùy mức độ vi phạm, đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai sẽ bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 tỷ đồng.
Cụ thể, mức phạt thấp nhất 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng được áp dụng cho hành vi: Đưa chất thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác (tại khu vực nông thôn); hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân khác trong cùng xã, phường, thị trấn khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, đất đang có tranh chấp, đất đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án, đất đã hết thời hạn sử dụng nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn; hành vi không đăng ký đất đai lần đầu…
Bên cạnh đó, hành vi chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở mà chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đến 1 tỷ đồng. Trong đó, mức phạt cao nhất từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng được áp dụng đối với trường hợp chận làm thủ tục cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên từ trên 12 tháng trở lên.
Nghị định nêu rõ, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Sáng ngày thứ 2 phiên xử vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, TAND Khánh Hòa tiếp tục xét hỏi với trọng tâm là việc bị cáo Sơn đã khai về số tiền làm “quà” cho Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines.
Tại phiên tòa, bị cáo Sơn thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố bị cáo về tội “Tham ô tài sản” là đúng và xin nhận trách nhiệm về mình. Khi tòa hỏi đến việc gửi giá để nâng khống giá trị vật tư thì Sơn nói sự việc đã lâu nên không nhớ rõ việc gửi giá là bao nhiêu. Do đó, tòa đã công bố các bút lục tại cơ quan điều tra cho bị cáo Sơn nghe. Đến đây, Sơn mới thừa nhận việc gửi giá là 12.000 đồng/kg sắt như lời khai tại cơ quan điều tra.
Tại tòa, bị cáo Sơn cũng thừa nhận đã nhận nhiều lần với tổng số tiền 2,2 tỷ đồng từ bị cáo Quang. Khi tòa hỏi bị cáo Sơn có biết nguồn gốc và lý do mà bị cáo Quang chuyển số nói trên cho bị cáo là tiền chiếm đoạt hay không thì Sơn khai vòng vo và nói với tòa là khi Quang chuyển tiền thì không hề nghe nói gì.
Tòa tiếp tục công bố các bút lục điều tra và hỏi bị cáo Sơn một lần nữa là lời khai tại tòa hôm nay với lời khai tại cơ quan điều tra, lời khai nào đúng? Đến đây, Sơn khai nhận số tiền 2,2 tỷ đồng nhận từ bị cáo Quang là “tiền gửi giá, tiền sai phạm”.
Sơn khai số tiền 2,2 tỷ đồng đã sử dụng để làm nhiều việc, trong đó có việc mua quà cáp để biếu một số cá nhân, đơn vị tại Hà Nội nhân dịp lễ, tết. Tòa hỏi tại cơ quan điều tra Sơn đã khai dùng một phần trong số tiền 2,2 tỷ đồng để mua quà biếu cho Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines 300 triệu đồng là có đúng sự thật hay không? - Sau một hồi quanh co với tòa thì Sơn đáp: “Đúng là có việc đó nhưng là tổng của rất nhiều đợt”.
Vào cuối giờ trưa ngày 12/11, tòa cho dẫn giải cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan vào xét hỏi. Tại tòa, Dương Chí Dũng khai không hề biết gì đến chuyện Sơn, Quang đã thông đồng để nâng khống khối lượng vật tư và gửi giá khi sửa chữa ụ nổi 83M.
Về số tiền mà Sơn khai mua quà biếu cho Dũng, Cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines chỉ thừa nhận trong các dịp lễ, tết thì Sơn có mang quà cáp đến biếu cho vợ mình. Dương Chí Dũng khẳng định tính cả quà và tiền Sơn biếu khoảng 150 triệu đồng trong thời gian 4 năm. Tuy nhiên,thời điểm đó Dũng không hứa hẹn gì với Sơn và cũng không biết nguồn gốc số quà, tiền này.
Chiều 12/11, HĐXX đã chuyển sang phần tranh luận sau khi kết thúc phần xét hỏi vào sáng cùng ngày. Trước khi bước vào phần tranh luận, vị đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa thực hành quyền công tố đã luận tội và đề nghị mức án đối với 4 bị cáo trong vụ án này.
Theo đó, Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines bị đề nghị từ 18 đến 20 năm tù; Trần Văn Quang, Phó trưởng phòng Kế hoạch thị trường Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines bị đề nghị 16 đến 18 năm tù; Trần Bá Hùng, Phó trưởng bộ phận chế tạo vỏ Nhà máy sửa chữa tàu biển Huyndai Vinashin bị đề nghị từ 16 đến 18 năm tù; và Phạm Bá Giáp, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân bị đề nghị từ 15 đến 16 năm tù.
Nêu quan điểm về việc Sơn khai đưa biếu quà cho Dương Chí Dũng 300 triệu đồng, công tố viên nêu rõ tại tòa cũng như trước đó tại cơ quan điều tra, Dương Chí Dũng thừa nhận số quà mà Sơn biếu trong 4 năm khoảng 150 triệu đồng nên đề nghị HĐXX trừ đi cho bị cáo Sơn.
Trước khi tòa nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng và tỏ ra rất ăn năn hối cải về hành vi phạm tội. Các bị cáo xin HĐXX chiếu cố, xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ, tuyên mức án thấp nhất để sớm trở về với gia đình.
Vào khoảng 16h cùng ngày tòa kết thúc xét xử và cho biết sẽ tuyên án vào 15h ngày mai, 13/11.
-----------------------------
Lực lượng công an triệt phá nhiều công ty kinh doanh sàn vàng, vàng tài khoản trái phép
Sáng nay (12-11), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Lễ trao bằng khen cho các tập thể thuộc Bộ Công an và Công an TP Hà Nội đã có nhiều thành tích xuất sắc trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vàng.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh – Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho biết: “Sau hơn 2 năm Nghị định 24/2012/NĐ-CP đi vào cuộc sống, đến nay thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản. Trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân. Vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao”.
“Toàn bộ quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã chuyển hoàn toàn sang quan hệ mua – bán vàng. Thị trường vàng diễn biến ổn định cung cầu vàng miếng tương đối cân bằng, tình trạng nhập vàng lậu được hạn chế. Tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn. Vàng miếng không được sử dụng làm phương tiện thanh toán và sức hấp dẫn của vàng miếng đã giảm đáng kể. Nhờ đó lạm phát đã được kiểm soát, thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”.
Tháng 4-2013, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về mà túy – PC47 Công an tỉnh Điện Biên phối hợp với các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ vụ buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy, quá trình khám xét cơ quan công an cũng đã thu giữ được 15kg vàng lậu.
Thời gian gần đây, với sự phối hợp của NHNN và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, các đơn vị như Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – C45, Tổ Đặc biệt 113 và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - PA84, Phòng An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư Công an TP Hà Nội đã phát hiện, đấu tranh, xử lý một số công ty có hành vi lập và kinh doanh sàn giao dịch vàng trái phép (Công ty Cổ phần đầu tư VGX, Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Khải Thái); Công ty Hung Kee (sau được đổi tên thành Công ty HLG) có hành vi huy động vốn, kinh doanh vàng trên tài khoản trái phép.
“Hành vi của các công ty này là thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao, có sự cấu kết của đối tượng người nước ngoài. Đây là các vụ án đầu tiên được phát hiện và điều tra về lừa đảo thông qua đầu tư sàn giao dịch vàng trái phép”, đại diện NHNN cho biết.
Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối khẳng định: “Việc phá những vụ án về sàn giao dịch vàng thời gian gần đây là lời cảnh báo đối với các cá nhân, nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn vì lợi nhuận cao tham gia hoạt động sàn giao dịch vàng khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp phép”.
Đồng thời, các vụ án, vụ việc được phát hiện, xử lý kịp thời giúp nhăn chặn những hành vi kinh doanh vàng, huy động vốn bất hợp pháp, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao của một số tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ tích cực cho NHNN trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường vàng.
NHNN cho biết, bên cạnh nỗ lực và quyết tâm của NHN trong việc triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, phải kể đến sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành chức năng trong thời gian qua.
Ngày 4-11, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã ký các quyết định về khen thưởng đột xuất bằng tiền và tặng bằng khen cho 7 tập thể thuộc Bộ Công an và Công an TP Hà Nội vì những thành tích xuất sắc trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vàng.
-------------------------