TPHCM sẽ chi 10,3 tỷ đồng để xây dựng 2 bãi xe hạ tải tại đường Vành Đai Đông (quận 2) và khu vực nút giao thông quốc lộ 1 – Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý xe quá tải.
UBND TPHCM vừa duyệt dự toán kinh phí với số tiền 10,3 tỷ đồng để sở GTVT TP đầu tư xây dựng 2 bãi xe hạ tải ở cửa ngõ phía Đông và phía Tây thành phố để góp phần xử lý bài toán “xe quá tải”. Nguồn kinh phí thực hiện được chi ra từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông được trích để lại cho Ban An toàn giao thông thành phố trước ngày 30/6/2013 đến nay chưa sử dụng hết.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông thành phố đã phối hợp kiểm tra hơn 9.000 lượt xe, xử lý 5.200 xe vi phạm quá tải, phạt hơn 20 tỷ đồng; phạt 4.075 chủ xe hơn 18 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 5.200 trường hợp.
Tuy nhiên, thời gian qua, lực lượng chức năng cũng rất lúng túng trong việc yêu cầu lái xe hạ tải bởi việc thiếu mặt bằng, bến bãi. Nhiều lúc xử lý phạt xong rồi xe quá tải lại được chạy, bởi không có bãi hạ tải hàng hóa theo quy định, rồi việc gây ùn tắc giao thông, mất mát hàng hóa vì không có người canh giữ… Để né trạm cân, từng xuất hiện tình trạng lái xe “nằm mật nằm gai” mà chờ “thời cơ” để qua trạm gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại một số tuyến đường. Xe quá tải hoạt động rầm rộ là phần nguyên nhân dẫn tới việc phá hỏng hệ thống đường xá, cầu đường, gây mất an toàn giao thông.
Tại buổi làm việc với đại diện 29 đơn vị cảng biển ở TPHCM vào tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết Bộ GTVT sẽ kết hợp với Bộ Công an và các địa phương thực hiện quyết liệt, triệt để, đồng bộ trong việc kiểm soát xe quá tải ở tất cả các cảng biển để không bỏ lọt bất cứ xe nào quá tải hoạt động trên đường.
Thực tế hoạt động vận tải hiện của các đơn vị được thực hiện từ nhiều đầu mối. Từ cảng biển đến khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà máy…. Trong thời gian qua, nhiều địa điểm chưa được cơ quan chức năng kiểm soát xe quá tải. Một con số mà Bộ GTVT đưa ra, hiện nay trong khoảng 1 tỷ tấn hàng hóa/năm được vận chuyển trên địa bàn cả nước, có khoảng 734 triệu tấn lưu thông bằng đường bộ. Trong số này chỉ có 1/3 lượng hàng hóa xuất phát từ cảng. Như vậy, một lượng hàng hóa lớn được lưu thông từ các nguồn khác.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khen thưởng tập thể chiến sĩ công an đã tham gia điều tra, triệt phá, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng.
Mới đây, Thống đốc ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ký Quyết định số 2222/QĐ-NHNN về việc khen thưởng đột xuất bằng tiền và Quyết định số 2223/QĐ-NHNN về việc tặng bằng khen cho 07 tập thể thuộc Bộ Công an và Công an thành phố Hà Nội đã có thành tích xuất sắc trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vàng.
Trước đó, tháng 4/2013, phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy PC 47 Công an tỉnh Điện Biên phối hợp với các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ vụ buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy, trong đó có 15kg vàng. Từ đó đến nay, đã hơn 1 năm 6 tháng, không có thêm vụ buôn lậu nào bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.
Thời gian gần đây với sự phối hợp của NHNN và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, các đơn vị như Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao – C50, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – C45, Tổ ĐB113 và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PA84), Phòng An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư - Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, đấu tranh, xử lý một số Công ty (Công ty Cổ phần đầu tư VGX, Công ty TNHH Tư vấn và đầu tư Khải Thái) có hành vi lập và kinh doanh sàn giao dịch vàng trái phép; Công ty Hung Kee (sau được đổi tên thành Công ty HLG) có hành vi huy động vốn, kinh doanh vàng trên tài khoản trái phép.
Hành vi của các công ty này là thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao, có sự cấu kết của đối tượng người nước ngoài. Đây là các vụ án đầu tiên được phát hiện và điều tra về lừa đảo thông qua đầu tư sàn giao dịch vàngtrái phép.
Việc phá những vụ án về sàn giao dịch vàng thời gian gần đây là lời cảnh báo đối với các cá nhân, nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư lớn, vì lợi nhuận cao tham gia hoạt động sàn giao dịch vàng khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp phép.
Đồng thời, các vụ án, vụ việc được phát hiện, xử lý kịp thời giúp ngăn chặn những hành vi kinh doanh vàng, huy động vốn bất hợp pháp, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao của một số tổ chức, cá nhân hỗ trợ tích cực cho NHNN trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường vàng.
Bên cạnh sự nỗ lực và quyết tâm của NHNN trong việc triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, phải kể đến sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành chức năng trong thời gian qua.
--------------------------
“Bẻ lái” công nghiệp đóng tàu
Kế hoạch Hành động trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản có mục tiêu kép là sớm vực dậy và xóa bỏ mặc định về việc Việt Nam chỉ có thể đóng được tàu cấp thấp.
Hướng mạnh về thị trường nội địa
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công tại lễ công bố Quyết định số 1901/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch Hành động phát triển ngành công nghiệp đóng tàu thực hiện Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Được biết, điểm nhấn quan trọng nhất trong Kế hoạch Hành động là theo đuổi mục tiêu phát triển nhanh và mạnh theo chiều rộng để chiếm lĩnh thị phần đóng tàu thế giới, ngành đóng tàu được “bẻ lái” theo hướng “co lại”, tập trung vào sản xuất một số gam sản phẩm phù hợp với năng lực và thị trường hiện có.
Cụ thể, từ nay đến năm 2020, ngành đóng tàu Việt Nam sẽ phải hoàn thành khoảng 3 chỉ tiêu: tốc độ tăng giá trị toàn ngành 5 - 7%; dành 70 - 80% năng lực sản xuất phục vụ thị trường trong nước; số lượng tàu xuất khẩu đạt 1,76 - 2,16 triệu tấn tàu/năm.
Ước tính, với sản lượng xuất khẩu nói trên, đóng tàu Việt Nam sẽ chiếm 0,48% thị phần đóng tàu thế giới.
Cần phải nói thêm rằng, theo Đề án điều chỉnh phát triển Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) giai đoạn 2005 - 2010 và định hướng đến năm 2015 được thông qua vào năm 2005, sản lượng đóng mới của Việt Nam từng được kỳ vọng sẽ đạt mức 5 triệu DWT vào năm 2015, chiếm khoảng 10% thị phần đóng tàu thế giới.
Để cụ thể hóa các mục tiêu nói trên, ngành đóng tàu Việt Nam sẽ sớm hình thành 3 cụm liên kết ngành đóng tàu ở 3 miền (Bắc, Trung, Nam), tập trung ưu tiên sản xuất một số gam tàu có nhu cầu cao trên thị trường trên cơ sở hạ tầng đã có và hợp tác với các đối tác có tiềm lực tài chính và khoa học - công nghệ cao như Nhật Bản và Hàn Quốc. Bước đi đầu tiên trong lộ trình kéo dài 6 năm (2014 - 2020) trong lĩnh vực đóng tàu là phải giảm mạnh số nhà máy lắp ráp, đồng thời hình thành, củng cố một số ít doanh nghiệp cốt lõi, xóa bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán.
Đối với sửa chữa tàu - lĩnh vực giờ đây được đặt ngang hàng với đóng mới, Việt Nam ưu tiên nguồn lực để hình thành 3 trung tâm sửa chữa tàu quy mô lớn, gắn liền với hệ thống cảng biển và các tuyến hành hải quốc tế quan trọng có công nghệ sửa chữa tiên tiến, nhằm đáp ứng mục tiêu sửa chữa toàn bộ đội tàu biển quốc gia và tham gia thị trường sửa chữa đội tàu quốc tế hoạt động ở Biển Đông có trọng tải đến 300.000 DWT.
Trong giai đoạn đến năm 2020, các trung tâm sửa chữa tàu có khả năng đáp ứng 90% nhu cầu sửa chữa của tàu hạng thấp và 60 - 70% nhu cầu sửa chữa tàu hạng trung.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, các cơ sở sửa chữa tàu trong nước hiện chỉ đáp ứng được 41,7 - 46% nhu cầu của đội tàu quốc gia, một phần do hầu hết công trình nâng hạ thủy chỉ phục vụ cho đóng mới. Chính vì vậy, dù có tới 120 nhà máy đóng mới, sửa chữa, nhưng mỗi năm, Việt Nam vẫn phải tốn ít nhất 75 triệu USD để đưa tàu ra nước ngoài sửa chữa.
SBIC vẫn giữ vai trò nòng cốt
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, trong thời gian qua, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam bị chững lại. Bộ Chính trị đã chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, thu gọn mô hình tổ chức, bộ máy, thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), một đơn vị hiện vẫn chiếm đến 70% sản lượng đóng tàu của Việt Nam.
“SBIC vẫn sẽ giữ vị trí nòng cốt trong việc thực hiện kế hoạch đầy tham vọng này”, ông Công khẳng định.
Điểm thuận lợi nhất đối với “hậu thân” của Vinashin là việc SBIC hiện không còn là con nợ của các ngân hàng trong nước. Các khoản nợ của Vinashin trước đây đã được giao cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC). Tổng công ty này sau đó phát hành trái phiếu hoán đổi nghĩa vụ nợ với các ngân hàng. Do đó, về mặt giấy tờ, SBIC không phải là con nợ của các ngân hàng, mà chỉ là con nợ của DATC.
“Về mặt kỹ thuật, tới đây, các ngân hàng có thể cho SBIC vay tiền để đóng mới tàu”, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch SBIC khẳng định.
Tuy nhiên, trước khi tìm được các đối tác có tiềm lực đến từ Nhật Bản để hợp tác nâng cấp các nhà máy đóng tàu, SBIC phải khẩn trương đào tạo nhân lực có trình độ cao, chuyên nghiệp ở tất cả các cấp. Thống kê của Bộ GTVT cho biết, đến tháng 7/2013, SBIC dù còn khoảng 26.000 lao động (giảm một nửa so với năm 2010), nhưng rất ít lao động có chứng chỉ quốc tế.
Liên quan đến kế hoạch triển khai cụ thể, Bộ GTVT cho biết, ngay trong quý IV/2014, Bộ sẽ chủ trì triển khai hình thành 3 cụm liên kết ngành đóng tàu và xây dựng một số ít các doanh nghiệp cốt lõi; hình thành Quỹ Hỗ trợ phát triển ngành đóng tàu giai đoạn 2015 - 2020; thiết lập đối tác chiến lược giữa các nhà đầu tư tiềm năng vào các doanh nghiệp đóng tàu nhằm xây dựng và củng cố quan hệ cung ứng - hợp tác, hình thành công nghiệp hỗ trợ; nghiên cứu, xác định một số gam tàu có thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước và Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, trên cơ sở đó phát triển công nghiệp hỗ trợ…
------------------------