Trung Quốc đề xuất 6 phương hướng xây dựng quan hệ Trung-Mỹ kiểu mới
Sáng ngày 12/11, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm cấp nhà nước với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức nghi thức trọng thể cấp nhà nước để chào đón chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ ra rằng trong tháng 6/2013, ông đã cùng Tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc gặp gỡ. Hai bên đã nhất trí rằng cùng nhau xây dựng mối quan hệ kiểu mới giữa hai nước lớn.
Theo ông Tập, hơn một năm qua, 2 nước đã tuân theo sự đồng thuận đã đạt được, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực đạt được nhiều tiến triển tích cực. Trong năm 2013, kim ngạch thương mại song phương vượt qua ngưỡng 520 tỷ USD, đầu tư hai bên đạt hơn 100 tỷ USD, có hơn 4 triệu lượt người dân qua lại giữa hai nước.
Ông Tập cũng cho hay hai bên cùng nhau đối phó với tình hình biến đổi khí hậu, chống lại dịch bệnh ebola, chống chủ nghĩa khủng bố. Sự thật đã chứng minh, Trung Quốc xây dựng quan hệ kiểu mới giữa hai cường quốc là phù hợp với lợi ích căn bản giữa nhân dân hai nước, có lợi cho việc duy trì khu vực châu Á và thế giới hoà bình, ổn định, phồn vinh.
Tập Cận Bình nhấn mạnh, năm 2014 là năm thứ 35 hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua 35 năm phát triển, quan hệ Trung-Mỹ đang đứng ở ở điểm lịch sử mới. Đối mặt với tình hình Quốc tế phức tạp hiện nay, Trung-Mỹ cần hợp tác và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực.
Trung Quốc sẵn sàng cùng với Mỹ, cùng nhau thực hiện nguyên tắc “không xung đột, không đối kháng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng lợi”, đưa quan hệ kiểu mới Trung-Mỹ ngày càng tốt hơn. Tôi đồng ý cùng với Tổng thống Mỹ Obama cùng nhau nỗ lực để xây dựng quan hệ kiểu mới giữa hai cường quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất 6 phương hướng trọng điểm nhằm thúc đẩy xây dựng quan hệ kiểu mới giữa hai cường quốc.
Thứ nhất, tăng cường qua lại và liên lạc cấp cao, thúc đẩy chiến lược tin cậy lẫn nhau. Hai bên nên phát huy tốt hơn tác dụng của các cơ chế đối thoại như: Đối thoại kinh tế và chiến lược Trung-Mỹ, Tham vấn giao lưu văn hoá cấp cao…
Thứ hai, trên cơ sở tôn trọng nhau để giải quyết quan hệ hai nước. Hai nước nên tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền của nhau, tôn trọng con đường phát triển và chế độ chính trị mỗi bên lựa chọn. Đây chính là tiền đề và cơ sở quan trọng nhất để duy trì quan hệ hai nước phát triển ổn định.
Thứ ba, đi sâu hợp tác trên các lĩnh vực. Hai nước nên mở rộng hợp tác thực dụng trên các lĩnh vực như: kinh tế, thương mại, chống khủng bố, quân sự, chấp pháp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, truyền thông.
Thứ tư, xây dựng phương thức quản lý các vấn đề nhạy cảm và bất đồng. Về những vấn đề này hai nước không thể không có những bất đồng. Hai bên nên thông qua cơ chế đối thoại, giải quyết ổn thoả các vấn đề nhạy cảm, không làm những việc tổn hại tới lợi ích nòng cốt của nhau.
Thứ năm, triển khai hợp tác bao dung tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, hai bên nên tích cực triển khai hợp tác ở khu vực này nằm duy trì hoà bình, ổn định, phồn vinh trong khu vực.
Thứ sáu, cùng nhau đối phó với các thách thức trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Trung Quốc sẵn sàng cùng với Mỹ tằng cường hợp tác, điều phối và liên lạc với các vấn đề nóng như vấn đề hạt nhân Iran, Triều Tiên, và các vấn đề mang tính toàn cầu như chống khủng bố, biến đổi khí hậu, chống bệnh truyền nhiễm. Tích cực cống hiến cho hoà bình thế giới và sự phát triển của nhân loại.
Kết thúc hội đàm, nguyên thủ hai nước đã đạt được thoả thuận về mở rộng sản phẩm trong “Hiệp định công nghệ thông tin” (ITA).
---------------------------
Lỗ hổng về Trung Quốc trong chính quyền Obama
Khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Barack Obama có một nhóm cố vấn giàu kinh nghiệm về Trung Quốc. Còn lúc này, chính quyền của ông lại chẳng còn ai như vậy.
Ba năm sau khi ông Obama tuyên bố chuyển trọng tâm sang châu Á để đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, các cố vấn đằng sau chính sách này đều đã ra đi.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho hay, thay vì Timothy Geithner – cựu Bộ trưởng Tài chính từng học tiếng Trung Quốc phổ thông khi còn ngồi ghế trường đại học tại Bắc Kinh và được ‘ông trùm’ chống tham nhũng Wang Qishan coi là bạn thân, ông Obama lại chọn chuyên gia về ngân sách là Jack Lew điều hành bộ này.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc xoay trục sang châu Á, còn người kế nhiệm của bà là John Kerry giờ lại tập trung vào vấn đề hòa bình ở Trung Đông. Và Đại sứ Mỹ đương nhiệm tại Trung Quốc Max Baucus nói rằng, ông ‘không phải là chuyên gia về Trung Quốc’.
Hệ quả là, các nhà hoạch định chính sách trước đó ở cả hai đảng nói rằng, Mỹ đang phải phản ứng lại trước tình hình, thay vì định hình xu hướng trước một Trung Quốc ngày càng cương quyết.
“Chính quyền từng tập trung nhiều vào người Trung Quốc trong những năm đầu, giờ đây chúng ta dường như đã hoàn toàn mất họ”, theo Jon Huntsman, người rất thành thạo tiếng Trung Quốc, từng đảm nhiệm cương vị Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từ 2009 - 2011.
Với ông Obama – hiện đang có chuyến công du tới Bắc Kinh để tham dự Hội nghị APEC, đây là một khoảng thời gian không tốt đẹp gì khi đội ngũ chuyên gia về Trung Quốc quá thiếu.
Chủ tịch Tập Cận Bình – vị lãnh đạo được cho là quyền lực nhất Trung Quốc trong một phần tư thế kỷ, đang thay đổi cách hành xử của Trung Quốc trong và ngoài nước, cùng với một tầm ảnh hưởng khó đoán đối với Mỹ.
Cựu Đại sứ Mỹ Chas Freeman nói rằng, Washington đã không phản ứng một cách thích đáng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông Freeman từng là phiên dịch của Tổng thống Richard Nixon trong chuyến công du lịch sử tới Trung Quốc năm 1972.
“Chúng ta không xử lý một cách thích đáng với các hậu quả từ việc Trung Quốc đang dần soán ngôi chúng ta tại tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu” – ông Freeman nói.
Còn tại Nhà Trắng, các thách thức còn nổi cộm hơn với lực lượng cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), và cuộc khủng hoảng Ukraina. Tâm điểm kinh tế của chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á là thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương đang trì trệ suốt gần một năm qua.
Khi nhậm chức năm 2009, ông Obama vẫn tiếp tục cuộc gặp song phương hàng năm do chính quyền Bush khởi xướng, để nhấn mạnh vào mối quan hệ với Trung Quốc.
Ông thậm chí còn có nhiều thời gian làm việc với các lãnh đạo Trung Quốc – ông Tập Cận Bình và người tiền nhiệm là Hồ Cẩm Đào – hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ nào trong suốt 35 năm qua, kể từ khi quan hệ ngoại giao đôi bên được thiết lập.
Ngoại trưởng John Kerry, người vừa tiếp đón Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì tại nhà riêng ở Boston, đã có 9 chuyến công du tới châu Á trong vòng 21 tháng.
Tuy vậy, theo các chuyên gia về Trung Quốc của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, Nhà Trắng vẫn thiếu một gương mặt cấp cao mà Trung Quốc coi là cầu nối trực tiếp tới tổng thống trong các vấn đề hệ trọng.
---------------------------
IS sắp phát hành đồng tiền riêng bằng vàng bạc
Các thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) quyết định công bố đồng tiền riêng của mình và đúc tiền từ vàng nguyên chất và bạc.
Đồng tiền mới sẽ được đưa vào lưu thông trong 2 tuần tới, trên các vùng lãnh thổ IS chiếm đóng ở Iraq và Syria, theo tờ Mail Online.
Có 1 con tem với một dòng chữ của Nhà nước Hồi giáo trên 1 mặt của đồng xu và có ngày và tên của người cai trị trên mặt còn lại.
Một đồng xu vàng được gọi là đồng dinar Hồi giáo, nặng khoảng 4,3 gram. Một đồng bạc được gọi là đồng dirham bạc và có trọng lượng khoảng 3 gram.
Hoài bão của Nhà nước Hồi giáo trong việc tạo ra hệ thống tiền tệ riêng của mình dựa trên nguồn thu từ việc bán dầu khai thác từ các mỏ mà chúng chiếm được, bên cạnh đó là tiền thu được từ các hành vi phạm tội khác như: Tống tiền, cướp ngân hàng các khoản tiền chuộc trong các vụ bắt cóc.
Doanh thu hàng năm từ việc bán dầu bất hợp pháp của IS chỉ khoảng 2 triệu USD. Giá dầu của IS dao động trong khoảng 25-50USD/thùng, và những kẻ cực đoan bán được gần 300.000 thùng dầu/ngày. Một khu vực giữa Iraq và Syria bị IS kiểm soát đã trở thành một khu “chợ đen” cho buôn bán dầu.
---------------------------
Điều gì xảy ra nếu trùm IS bị tiêu diệt?
Trùm IS được cho là điều hành nhóm khủng bố của mình như một vị Tổng giám đốc - với các bảng tính về nhiệm vụ, ám sát và tài sản chiếm được.
... Các thông tin từ Chính phủ Iraq cho rằng người cầm đầu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi có thể đã bị trúng bom đạn không kích vào cuối tuần qua - mặc dù chưa rõ liệu ông ta có bị thương hay không và bị tấn công ở khu vực nào.
Nếu al-Baghdadi đã chết thì điều gì sẽ xảy ra với nhóm khủng bố người Sunni này?
Rõ ràng là IS không thể tan rã.
"Các thủ lĩnh mới sẽ nổi lên", CNN dẫn lời Thiếu tướng Mỹ về hưu James "Spider" Mark. "Thực tế, hãy nhớ rằng ban lãnh đạo IS bắt nguồn từ quân đội của Saddam (Hussein). Đó là những người được đào tạo bài bản, rất chuyên nghiệp".
Al-Baghdadi hoặc Hội đồng Shura - cơ quan phụ trách các vấn đề quân sự và tôn giáo của IS - đã lên kế hoạch cho viễn cảnh này từ trước.
"IS nhiều khả năng đã có một hàng ngũ kế nhiệm rõ ràng", CNN dẫn lời bình luận của Lauren Squires thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh.
Al-Baghdadi có một đội ngũ cố vấn cùng hai viên phó cấp cao. Theo Tổ hợp Phân tích và Nghiên cứu Chủ nghĩa khủng bố, hai nhân vật này là Abu Muslim al-Turkmani, phụ trách các sứ mệnh của IS ở Iraq, và Abu Ali al-Anbari - chịu trách nhiệm về các hoạt động của IS ở Syria. Cả hai đều là các quan chức quân sự kỳ cựu dưới thời Samddam Hussein.
"Những người trước kia phục vụ trong quân đội của Saddam Hussein đều tàn ác tột độ, bởi chế độ của Saddam rất ác nghiệt", Peter Neumann thuộc trường ĐH King đánh giá. "Nhưng họ cũng thừa hưởng các kỷ luật và kỹ năng quân sự mà giờ đây có lợi cho IS trong chiến dịch chống lại kẻ thù".
Giới phân tích cho rằng, al-Turkmani có cơ hội lớn trở thành thủ lĩnh IS nếu al-Baghdadi bị trừ khử.
"Ông ta phải có rất nhiều phẩm chất sẵn có, cả trong lĩnh vực chính trị lẫn quân sự, và điều đó khiến ông ta trở thành một ứng viên tiềm năng", Neumann nói thêm.
Dưới hai viên phó là 12 thống đốc phụ trách cả ở Iraq và Syria. Những người này chuyên xử lý các vấn đề về tài chính, quân sự, pháp lý, truyền thông và tình báo... cho IS.
Còn một nhân vật nữa là Mohammed al-Adnani, người Syria, đang đảm nhận vị trí phát ngôn viên của IS, cũng có thể lên làm lãnh đạo tổ chức này.
Hồi tháng 9, al-Adnani đã lên tiếng kêu gọi những người ủng hộ IS thực hiện các cuộc tấn công kiểu "con sói đơn độc".
Theo các chuyên gia phân tích, một số thuộc hạ cấp cao của al-Baghdadi đã bị bỏ tù cùng với phát ngôn viên al-Adnani tại Trại Bucca, một trung tâm giam giữ do Mỹ điều hành ở Iraq, nơi al-Baghdadi từng bị giam trong ít nhất 4 năm.
"Ông ta có thể sẽ tin tưởng những cá nhân có cùng ý thức hệ và lòng hận thù phương Tây", Squires nhận xét thêm.
Nếu al-Baghdadi vẫn còn sống thì có một nhóm có thể hạ bệ nhân vật này mà không cần dùng đến bạo lực hay không kích. Đó là Hội đồng Shura, cơ quan giám sát tôn giáo của IS.
Hội đồng Shura không chỉ có quyền yêu cầu tất cả các hội đồng và thống đốc phải trung thành với phiên bản luật Hồi giáo của IS, mà còn có khả năng đối đầu với al-Baghdadi.
"Hội đồng Shura có quyền bắt Baghdadi phải rời nhiệm nếu ông ta không giữ vững các chuẩn tôn giáo của IS", Jasmine Opperman thuộc Tổ hợp Phân tích và Nghiên cứu Chủ nghĩa khủng bố bình luận. Nữ chuyên gia này cho biết thêm, các vụ chặt đầu con tin phương Tây James Foley, Steven Sotloff và David Haines mới đây đều nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Hội đồng Shura.
Tuy nhiên, những gì xảy ra với IS nếu al-Baghdadi chết đến nay đều chỉ mang tính giả thuyết. Trong khi một số quan chức Iraq khẳng định, các thủ lĩnh IS bị thương trong một cuộc không kích thì giới chức Mỹ lại thừa nhận họ không dám chắc al-Baghdadi có bị nã trúng hay không.
------------------------------
Tướng NATO nghi ngờ Nga điều lực lượng hạt nhân tới Crimea
Tổng tư lệnh NATO tại châu Âu, Tướng 4 sao Mỹ Philip Breedlove, ngày 11/11 nói rằng các lực lượng “có thể là hạt nhân” của Nga đang di chuyển tới bán đảo Crimea nhưng NATO không chắc rằng vũ khí hạt nhân có được triển khai ở đây hay không.
Theo ông Breedlove, Nga đang tăng cường các lực lượng quân sự tại bán đảo Crimea, vốn được Mátxcơva sáp nhập hồi tháng 3.
Ông Breedlove cũng nói với các hãng thông tấn tại căn cứ quân sự tại NATO gần Naples (Ý) rằng có 8 tiểu đoàn đặc nhiệm đã được nhìn thấy dọc biên giới giữa Nga và Ukraine.
Ông Breedlove cho hay các lực lượng “có thể là hạt nhân” của Nga đang di chuyển tới bán đảo Crimea nhưng NATO không chắc rằng vũ khí hạt nhân có được triển khai ở đây hay không.
Hồi tuần trước, Tướng Breedlove cho biết Nga đang thảo luận kế hoạch triển khai máy bay tại Crimea.
NATO đã thông báo về một sự gia tăng đột biến các chuyến bay quân sự của Nga qua biển Đen, biển Baltic, biển Bắc và Đại Tây Dương. Các nhóm máy bay của Nga đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn trong không phận quốc tế.
Theo một nghiên cứu của Mạng lưới lãnh đạo châu Âu, đã xảy ra 40 vụ đối đấu giữa Nga và NATO trong 8 tháng qua, tăng vọt lên mức sang thời Chiến tranh Lạnh.
3 vụ đối đầu đáng chú ý nhất là một vụ suýt va chạm giữa máy bay dân dụng của hãng hàng không SAS và một máy bay giám sát của Nga, vụ bắt giữ một nhân viên tình báo Estonia và vụ Thụy điển truy lùng một tàu ngầm được cho là của Nga xâm phạm lãnh hải của họ.
----------------------
Ukraina trước nguy cơ chiến tranh toàn diện
Quốc tế cảnh báo tình hình Ukraina có thể rơi vào chiến tranh toàn diện khi mà một số lượng đáng kể xe tăng cùng đại bác đang được đưa về Donetsk, thành trì của phe ly khai ở miền đông Ukraina.
Trong báo cáo ngày 10/11, các quan sát viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho hay họ tiếp tục ghi nhận lần thứ hai trong 2 ngày hoạt động chuyển quân của các phương tiện kỹ thuật không mang biển số gần Donetsk.
Báo cáo của OSCE viết: "Vào hồi 11 giờ 20 (ngày 9/11) gần Sverdlov (cách Donetsk 15km về phía Đông), OSCE đã quan sát thấy đoàn xe gồm 17 xe tải ZIL màu xanh không mang biển số di chuyển theo hướng Tây, trong đó 5 xe kéo theo hệ thống Grad, 2 xe lắp các hộp chở đạn... Vào hồi 11 giờ 35 trên đường N-21 gần Zuhres (cách Donetsk 41km về phía Đông), SOM phát hiện một đoàn xe khác gồm 17 xe tải KamAZ màu xanh không gắn biển cũng di chuyển theo hướng Tây. 12 xe trong số này kéo theo pháo tự hành 122mm".
Theo OSCE, cả 2 đoàn xe trên đều di chuyển theo hướng Tây và đây là lần thứ hai trong 2 ngày phát hiện sự di chuyển thiết bị quân sự trên lãnh thổ do Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng kiểm soát.
Trước đó, trong báo cáo của mình, quan sát viên OSCE đã ghi nhận trên lãnh thổ DPR các đoàn xe chở vũ khí hạng nặng và xe tăng không mang biển số. Báo cáo này lưu ý "tại Donetsk và Makeyevka (cách Donetsk 25km về phía Đông Bắc), trên lãnh thổ do DPR kiểm soát, OSCE đã phát hiện đoàn xe chở vũ khí hạng nặng và xe tăng".
Tại phía Đông Makeyevka, OSCE đã phát hiện đoàn xe hơn 40 xe tải và xe bồn, di chuyển về phía Tây trên xa lộ N-21. Phó tư lệnh lực lượng dân quân ly khai Eduard Basurin cho hay đoàn xe quân sự mà OSCE phát hiện gần Donetsk là của DPR.
Phương Tây cho rằng tất cả số vũ khí trên là của Nga nhằm tiếp tế quân sự cho phe nổi dậy ở miền đông Ukraina. Lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu, bà Federica Mogherini yêu cầu Moskva ngưng tăng viện cho phe ly khai ở miền đông Ukraina. Mỹ lên án phe nổi dậy thân Nga đang phá vỡ thỏa thuận ngưng bắn đạt được ở Minsk hồi tháng 9/2014.
Đang dự Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh, Tổng thống Nga Vladimir Putin phủ nhận số vũ khí trên của Nga, bác bỏ các cáo buộc của phương Tây, đồng thời quy trách nhiệm cho quân đội Ukraina gây bất ổn, làm cản trở công tác điều tra về vụ máy bay Malaysia mang số hiệu MH17 bị bắn hạ hôm 17/7/2014.
Phát biểu ngày 11/11 trong lúc đi thăm Kazakhstan, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói rằng tất cả các bên liên quan, kể cả Nga, nên thực thi cuộc ngưng bắn đạt được tại thủ đô Minsk của Belarus hồi tháng 9.
Tình hình tại miền đông Ukraina đã xấu hẳn đi trong tuần qua, từ sau khi phe ly khai tổ chức bầu cử. Kết quả là phe đòi ly khai đã thắng lớn ở các nước cộng hòa tự xưng. 3 ngày sau khi Tổng thống Ukraina ra lệnh quân đội dồn về miền đông để chiếm lại vùng đất do phe ly khai kiểm soát, ngày 9/11, giao tranh ác liệt đã diễn ra tại Donetsk khiến ít nhất 24 lính ly khai thiệt mạng.
Theo giới quan sát, với những gì đang diễn ra tại thực địa, cộng với các bế tắc ngoại giao ở Ukraina cũng như giữa các nước có liên quan, một cuộc chiến toàn diện giữa phe ly khai với quân đội Kiev là điều khó tránh khỏi trong những ngày tới.
----------------------------