Báo cáo tập hợp ý kiến thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại phiên họp tổ đại biểu Quốc hội 10 ngày trước của đoàn thư ký kỳ họp cho thấy, Long Thành nhận được nhiều "phiếu thuận" hơn "phiếu trống".
Trước phiên thảo luận toàn thể tại hội trường vào chiều nay, 14/11 về dự án sân bay Long Thành, báo cáo tập hợp ý kiến tại phiên thảo luận tổ vào chiều 4/11 đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Về sự cần thiết đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, báo cáo nêu nhận định khát quát, rất nhiều ý kiến tán thành chủ trương làm sân bay này vì sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, việc mở rộng rất khó khăn và chi phí đền bù GPMB rất lớn. Nhìn ở tầm chiến lược và dài hạn, việc đầu tư sân bay Long Thành là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và theo kịp sự phát triển của các nước trong khu vực. Vị trí của Long Thành thuận lợi về nhiều mặt để xây dựng.
Đoàn thư ký liệt kê 59 ý kiến khác nhau của các đại biểu, ghi nhận ở hầu hết 19 tổ thảo luận, trong đó có những tổ, đa phần các đại biểu cùng chung những nhận định này.
Đặc biệt, có 35 đại biểu Quốc hội ở 10 tổ thảo luận đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án ngay tại kỳ họp thứ 8 này để Chính phủ tiến hành lập Báo cáo khả thi dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Lý lẽ đưa ra, Long Thành là dự án quan trọng, cần thiết, nếu Quốc hội cho chủ trương thì nhanh nhất cũng phải năm 2023 mới đưa vào sử dụng. Do đó vấn đề thời gian là rất cấp thiết.
Tại tổ 19 (bao gồm các đoàn Ninh Bình, Bắc Kạn, Phú Yên, Cà Mau với 25 đại biểu), có 9 ý kiến cùng đưa ra đề xuất này. 4 ý kiến khác đặt vấn đề, việc đi vay để đầu tư mà đảm bảo hiệu quả kinh tế và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thì vẫn cần thiết.
Dù theo lịch trình làm việc đã xây dựng, tại kỳ họp này, Quốc hội chỉ cho ý kiến, chưa đưa ra biểu quyết để thông qua chủ trương đầu tư dự án nhưng sốt sắng của nhiều đại biểu cũng cho phần nào thể hiện yêu cầu đốc thúc của sân bay Long Thành. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng là một đại biểu đưa ra đề nghị đột phá này trong phiên thảo luận tổ.
Tuy nhiên, ở mặt khác, những lo lắng, nghi ngại đoàn thư ký ghi nhận được cũng rất phong phú.
Đoàn thư ký thống kê được 6 ý kiến ở 3 tổ thảo luận đề nghị lùi thời điểm thực hiện dự án, trong đó có đại biểu đề nghị lùi thời gian cho chủ trương đầu tư dự án đến sau năm, có ý kiến đề nghị lùi thời gian đến sau năm 2020 mới thực hiện để giảm nợ công và gánh nặng của người dân (5 ý kiến) và có ý kiến đề nghị nếu nâng được công suất của Tân Sơn Nhất thì sau năm 2025 mới tính đến xây dựng sân bay Long Thành (2 ý kiến). Cả 7 đại biểu nêu quan điểm “can gián” này đều thuộc tổ thảo luận số 2 của đoàn đại biểu TPHCM.
Một số ý kiến đề nghị phân tích làm rõ việc đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với mục đích trung chuyển, khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực; cơ sở khoa học để dự báo lượng khách đạt được và tính chính xác đối với các số liệu trong Báo cáo đầu tư; cần nêu rõ cả mặt thuận lợi và khó khăn khi thực hiện dự án.
Cũng có 4 đại biểu đề nghị làm rõ tính cấp thiết của việc đầu tư xây dựng dự án, 5 ý kiến khác cho rằng dự án chưa cấp thiết và báo cáo của Chính phủ là chưa thuyết phục, ví dụ các sân bay Mumbai, London, Singapore, Hong Kong... dù diện tích nhỏ nhưng lượng khách vẫn rất lớn.
Một đại biểu Quốc hội lại đề nghị, trong thời điểm này, nên ưu tiên tập trung nguồn lực để bảo vệ Biển Đông, phát triển nông, lâm nghiệp.
Đoàn thư ký cho biết, chỉ ghi nhận 4 ý kiến ở 2 tổ đại biểu không tán thành với chủ trương đầu tư dự án.
Về vấn đề vốn đầu tư cho siêu dự án, hướng ý kiến lạc quan cho rằng, tuy hiện tại là thời điểm nền kinh tế có nhiều khó khăn, nhất là về ngân sách nhưng khoảng thời gian từ lúc Quốc hội cho chủ trương đầu tư đến khi Chính phủ thực tế triển khai dự án này còn xa. Ngoài ra, hiện tại thị trường bất động sản đang trầm lắng nên giá đất áp dụng bồi thường khi thu hồi đất sẽ thấp hơn, đồng thời hiện tại cũng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án cảng HKQT Long Thành. Do vậy, đề nghị Chính phủ sớm có những bước chuẩn bị tiếp theo về huy động nguồn vốn và triển khai thu hồi đất.
Hướng ý kiến quan ngại lại lập luận, kinh phí xây dựng sân bay Long Thành lớn, xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu là vốn ODA, do đó cần cân nhắc thêm về việc sử dụng nguồn vốn này. Có ý kiến cho rằng tỷ suất nội hoàn kinh tế của dự án rất khả thi, với tỷ suất cao như vậy nên tăng phần đầu tư từ vốn ODA.
Cũng có ý kiến đề nghị làm rõ cơ cấu vốn từng năm, phân kỳ đầu tư cụ thể từng năm; đề nghị làm rõ vốn mà ngành hàng không nội lực tích luỹ để đầu tư.
Có ý kiến cho rằng vốn (8,7 tỷ USD, trong đó vốn ngân sách là 24.000 tỷ đồng) mới là giai đoạn 1 của dự án nên lo ngại về vốn cho 2 giai đoạn còn lại; lộ trình bố trí vốn, phân kỳ đầu tư chưa rõ. Với giải trình của Bộ GTVT về việc xin sử dụng nguồn vốn 5.000 tỷ đồng cổ phần hóa TCty Cảng hàng không Việt Nam để GPMB, giảm nhẹ gánh ngân sách phải chi chi việc này chỉ còn 6.000 tỷ đồng, có ý kiến cho rằng, khoản tiền cổ phần hóa DNNN đó không xác định là nguồn ngân sách cũng chưa phù hợp.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ có giải trình thêm về tính khả thi trong các phương án huy động vốn. Có ý kiến cho rằng suất đầu tư (số tiền đầu tư trên 1 hành khác của các nước trong khu vực trung bình chỉ 81 USD/ hành khách) nhưng chi phí cho sân bay Long Thành lại quá cao 187 USD/ hành khách, đề nghị làm rõ.
--------------------------
Chủ tịch Quốc hội: Đại biểu bỏ lá phiếu rất nhẹ, nhưng trọng trách nặng nề
Thời điểm gần hết năm thứ 3 của nhiệm kỳ, đủ thời gian để đánh giá từng chức danh. Những chuyển biến của đất nước hơn 1 năm qua cũng là căn cứ để xem xét trách nhiệm. Quốc hội có nhiều kinh nghiệm hơn, thận trọng trong lần thứ 2 lấy phiếu tín nhiệm…
Báo cáo trước Quốc hội về một số vấn đề trước phiên lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh vai trò của mỗi đại biểu thay mặt đồng bào cử tri cả nước, nhân danh Quốc hội để đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cao nhất, những chức danh lãnh đạo chủ chốt của đảng, nhà nước trong bộ máy lập pháp, hành pháp, tư pháp của đất nước.
Các chức danh được bỏ phiếu là những người mà Quốc hội tin tưởng, giao chức trách, nhiệm vụ để triển khai công tác thi hành Hiến pháp, điều hành đất nước. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại, việc này rất quan trọng và nhạy cảm. Đồng bào, cử tri cả nước đặt niềm tin vào từng đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, mỗi lá phiếu của đại biểu phải thật sự chính xác, công tâm.
Chủ tịch Quốc hội nhận định, lần thứ 2 tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để hoạt động này mang lại kết quả chính xác, tích cực.
Cụ thể, lần thứ 2 đánh giá tín nhiệm, Quốc hội sẽ có kinh nghiệm hơn. Lần thứ 2 tổ chức lấy phiếu tiến hành sau gần 3 năm của nhiệm kỳ khoá XIII, theo Chủ tịch Quốc hội, mỗi đại biểu cũng có thời gian quan sát, đánh giá hơn công việc của mỗi chức danh chủ chốt trong bộ máy so với 2 năm đầu nhận nhiệm vụ của lần lấy phiếu trước.
Về cơ sở để đánh giá tín nhiệm, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc lấy phiếu tổ chức sau khi Quốc hội thảo luận về tình hình đất nước, từ lĩnh vực kinh tế xã hội tới đối ngoại, quốc phòng an ninh… và đã ban hành Nghị quyết về kinh tế xã hội là một căn cứ vững chắc cho việc bỏ phiếu.
Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thời gian qua, công tác lập pháp, hành pháp, tư pháp của đất nước đều có chuyển biến tích cực. “Lĩnh vực hành pháp, từ nhận định nền kinh tế ở tình trạng trì trệ, khó khăn, khủng hoảng đến thời điểm này, dù đất nước vẫn còn rất khó khăn nhưng chúng ta đã tạo được đà mới để tiếp tục thúc đẩy phát triển” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Qua một năm nhìn lại kết quả lấy phiếu lần trước, với cả những vị trí được đánh giá tín nhiệm cao cũng như những vị trí nhận kết quả chưa thật cao đều là những lời nhắc nhở để nỗ lực khắc phục khuyết điểm của bản thân, của ngành, hoàn thành tốt hơn công việc của mình.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói: “Nhiều đại biểu phát biểu đánh giá cho rằng, chuyển biến tích cực của những người được lấy phiếu vừa qua rất rõ ràng, dư luận đã chỉ rõ Bộ trưởng này, Trưởng ngành kia có rất nhiều cố gắng, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ, thúc đẩy công việc tốt hơn”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đó cũng là căn cứ để đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ của các chức danh.
Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc đánh giá tín nhiệm là do từng đại biểu đưa ra chứ không phải của cả Quốc hội, thông qua thảo luận tập thể và biểu quyết công khai. Do vậy, công việc hệ trọng này đặt vào từng vị đại biểu, đòi hỏi sự thận trọng, khách quan, công tâm nhất có thể.
“Tôi là cũng là đại biểu, các vị lãnh đạo ngồi đây cũng là đại biểu – mỗi người đều có trách nhiệm trước đồng bào cử tri, nhân dân cả nước về quyết định của mình. Tôi tin các đại biểu lần này đều có đủ tự tin để bỏ lá phiếu dù rất nhẹ nhưng trọng trách rất nặng nề” – Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Chủ tịch Quốc hội nhắc các đại biểu căn cứ vào những thông tin chính thức, có kiểm chứng để đánh giá, tránh việc phán đoán thông tin nhận được từ nhiều nguồn khác theo khía cạnh này, khía cạnh kia khiến việc đánh giá tín nhiệm lệch lạc, không chính xác. Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, đến thời điểm này, Quốc hội cho biết không nhận được yêu cầu của đại biểu nào về việc đề nghị chức danh nào trong danh sách được lấy phiếu phải giải trình về các việc liên quan.
-------------------------