"Đã minh bạch hóa môi trường đầu tư ở những lĩnh vực quan trọng nhất”
“Ban soạn thảo đã tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, cân nhắc các giải pháp, đưa ra được những đột phá trong các thủ tục hành chính và trong việc minh bạch hóa môi trường đầu tư kinh doanh ở những lĩnh vực quan trọng nhất’, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng nay 10/11, Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đa số các đại biểu tham gia góp ý đều đánh giá cao các nội dung của dự thảo luật.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (tỉnh Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, không cần phải nói thêm tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng với cộng đồng doanh nghiệp của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp tạo khuôn khổ cho mọi hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Cũng không cần phải lý giải tại sao cộng đồng doanh nghiệp lại quan tâm đến các đột phá lần này trong 2 dự luật này sau khi Hiến pháp 2013 đã ghi nhận quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực không cấm và trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang rất cần động lực mới cho sự phát triển.
“Ban soạn thảo dưới sự chỉ đạo và thẩm định của ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và đã cân nhắc các giải pháp khác nhau, đưa ra được những đột phá khác nhau trong các thủ tục hành chính và trong việc minh bạch hóa môi trường đầu tư kinh doanh ở những lĩnh vực quan trọng nhất’, đại biểu Lộc hào hứng bày tỏ.
Thủ tục đầu tư đột phá ấn tượng nhất của dự thảo luật lần này, theo đại biểu Lộc, về thủ tục đầu tư thực chất là không còn thủ tục đầu tư với đa số các nhà đầu tư. “Cải cách lần này của dự thảo đã chạm được vào tâm điểm của vấn đề đầu tư và kinh doanh về bản chất là một và sau khi đã làm thủ tục đăng ký kinh doanh thì các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp có quyền tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần làm thêm bất cứ thủ tục đầu tư nào khác. Nói như vậy không có nghĩa là hoạt động đầu tư ở Việt Nam bị bỏ ngỏ, không được kiểm soát’, đại biểu Lộc nhận xét.
Vị Chủ tịch VCCI cho rằng, lần này, Ban soạn thảo đã thiết kế được một cơ chế bộ lọc là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án tiềm tàng, có ảnh hưởng đặc biệt lớn với môi trường, dân cư, an ninh, quy mô vốn lớn, sử dụng đất lớn áp dụng không thực hiện với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng đây cũng là điểm mà đại biểu Lộc băn khoăn, ông nói: “Về phạm vi lọc, trong số các dự án xếp vào diện phải lọc này chúng ta chưa thấy các dự án sử dụng nhiều tài nguyên, đặc biệt là các tài nguyên không tái tạo trừ trong lĩnh vực dầu khí. Tôi cũng chưa thấy các dự án sử dụng nhiều năng lượng. Tại sao với các dự án sử dụng nhiều đất đai thì chúng ta quản lý chặt chẽ còn với các dự án sử dụng nhiều năng lượng - nguồn lực quan trọng không kém nguồn lực đất đai thì chúng ta lại bỏ qua? Vì vậy, tôi đề nghị phải bổ sung thêm nhóm các ngành nghề này, các dự án phải chấp thuận chủ trương đầu tư”.
Về cách thức lọc, “chúng ta ghi rõ trong dự thảo quy trình lọc dự án với quy định trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định nhưng chúng ta chưa thấy cái lưới lọc, tức là các tiêu chí để lọc đâu cả. Đây chính là điểm mà chắc chắn bất kỳ nhà đầu tư nào cũng băn khoăn, cơ quan thẩm định dựa vào đâu để kết luận đồng ý hay không đồng ý với việc đầu tư của người dân, doanh nghiệp và người dân nếu không đồng tình với kết luận của cơ quan thẩm định thì có thể dựa vào đâu để khiếu nại?. Dự thảo rất minh bạch trong quy trình nhưng chúng ta lại chưa minh bạch về tiêu chí và sự không minh bạch về tiêu chí có thể vô hiệu hóa sự minh bạch về quy trình và các sự minh bạch khác. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung quy định tiêu chí thẩm định các dự án phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư’, đại biểu Lộc đề xuất.
Ngoài ra, theo đại biểu Lộc, về nhà đầu tư nước ngoài, với tính chất khá đặc biệt của nguồn vốn và quy định khá lỏng lẻo của chủ đầu tư với nơi đầu tư và nguy cơ chuyển dịch rất nhanh chóng của dòng vốn ra khỏi lãnh thổ đầu tư , đặc biệt trong bối cảnh thế giới hiện nay thì các dự án đầu tư nước ngoài luôn được đặt dưới sự kiểm soát ... Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục duy trì thủ tục cấp giấy chứng nhận đặc ký đầu tư để quản lý và phải nhận diện được họ , đầu tư vào lĩnh vực gì, lớn đến đâu, đến bao giờ là bình thường là cần thiết. Tôi tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài chân chính không phàn nàn gì về thủ tục này. Vấn đề là với dự thảo này thì thật khó để xác định chính xác đâu là nhà đầu tư nước ngoài và vì thế không cần biết ai là ai và ai theo cơ chế nào.
Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (tỉnh Thái Bình), điểm đột phá quan trọng nhất của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là Ban soạn thảo đã đưa ra được danh mục cụ thể, chi tiết ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trên cơ sở này, người dân, doanh nghiệp sẽ chủ động chọn lựa mà mình có lợi thế, giảm thiểu các thủ tục hành chính dẫn đến việc “xin - cho” như trước đây.
Nhấn mạnh thêm về quy định ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nói: “Nỗ lực này của ban soạn thảo đã đáp ứng được mong muốn của nhiều đại biểu Quốc hội và cộng đồng doanh nghiệp, đây được coi là điểm rất sáng, một điểm tiến bộ vượt bậc của Luật đầu tư sửa đổi lần này”.
Tán thành cao quy định này trong dự thảo luật, song đại biểu Hường cho rằng: “Do điều kiện đầu tư kinh doanh có điều kiện cụ thể đối với 272 ngành nghề này sẽ được quy định theo các Pháp lệnh, Nghị định mà Luật đầu tư lần này dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 nên tôi đề nghị Chính phủ sớm ban hành chi tiết việc phân bố và kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh để dự án Luật sớm đi vào cuộc sống”.
--------------------------
“Bổ nhiệm quá nhiều Thứ trưởng, lúc muốn giảm không biết giảm ai”
Số lượng Thứ trưởng các Bộ và Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là do Chính phủ quy định nhưng không quá 3 người, trong trường hợp cần thiết vượt số lượng này thì phải do Thường vụ Quốc hội quy định, tránh để “lạm phát” Thứ trưởng.
Đó là một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu đặt ra thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sáng (7/11).
Bao nhiêu Thứ trưởng cho vừa?
Đề cập đến số lượng Thứ trưởng trong các Bộ hiện nay, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị trong luật cần quy định rõ mỗi Bộ chỉ nên giới hạn từ 4 - 5 Thứ trưởng chứ không để “lạm phát”, có Bộ lên tới gần 10 Thứ trưởng như hiện nay. Đại biểu dẫn dụ ngay với Bộ Quốc phòng, dù đã có Đô đốc Hải quân, bao quát cả vấn đề tàu ngầm, nhưng giờ lại có một Thứ trưởng phụ trách tàu ngầm.
Cùng vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh băn khoăn: Không rõ các Bộ ở nước ta có đến bao nhiêu Thứ trưởng mới vừa? Đại biểu Khánh cho rằng, trong luật cần phải quy định luôn bao nhiêu Thứ trưởng trong một Bộ như các nước đang làm. Nếu không làm như vậy rất dễ dẫn đến “lạm phát” Thứ trưởng như thời gian qua.
“Tôi không hiểu mỗi Bộ có bao nhiêu Thứ trưởng cho vừa. Nếu trong luật không quy định cụ thể rồi để các Bộ bổ nhiệm quá nhiều Thứ trưởng, rồi đến lúc muốn giảm bớt cũng không biết giảm ai như thời gian vừa qua” - đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nói.
Đại biểu Hà Huy Thông (đoàn Thừa Thiên - Huế) phản ánh tình trạng biên chế trong bộ máy hành chính thời gian qua phình ra rất nhiều. Theo đại biểu, điều này không chỉ nói đến bộ máy hành chính cồng kềnh mà nó còn liên quan đến ngân sách. Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong vấn đề này.
Liên quan đến cấp phó, đại biểu Hà Huy Thông đề nghị trong Luật Tổ chức Chính phủ nên chốt số lượng cấp phó. Mỗi Bộ có vai trò khác nhau nên số lượng bao nhiêu Thứ trưởng nên để cho Chính phủ bàn cụ thể.
“Hôm qua bàn về Luật Quân đội nhân dân sửa đổi và Luật Công an nhân dân sửa đổi, chúng ta cứ bàn cấp Tổng Cục phó thì là Trung tướng hay Thiếu tướng. Tôi nghĩ Trung tướng hay Thiếu tướng không quan trọng nhưng nếu như ông Tổng cục trưởng có đến 7 - 8 ông phó thì lại là ngần ấy vị Tướng. Cho nên tôi nghĩ luật phải chốt số lượng cấp phó” - đại biểu Hà Huy Thông phân tích rõ.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) nêu ý kiến, trước không đưa vào Luật là có bao nhiêu Bộ và cơ quan ngang Bộ được, vì tùy nhiệm vụ của từng nhiệm kỳ Quốc hội mà phê chuẩn, Chính phủ không thể làm thay được việc của các Bộ và cơ quan ngang Bộ. Nhưng nay cần ghi và quy định rõ trong Luật là có bao nhiêu Bộ và cơ quan ngang Bộ.
“Số lượng Thứ trưởng các Bộ và Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là do Chính phủ quy định nhưng không quá 3 người, trong trường hợp cần thiết vượt số lượng này thì phải do Thường vụ Quốc hội quy định chứ không phải Thủ tướng. Cùng với việc quy định giới hạn Thứ trưởng thì phải nâng vai trò của cấp Tổng cục, cấp Cục lên" - đại biểu Trần Du Lịch phân cho hay.
Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch, thực tế hiện nay nhiều Thứ trưởng là làm biếng một cấp, làm vô hiệu hóa trách nhiệm của các lãnh đạo cấp thấp hơn như Tổng Cục trưởng, Cục trưởng… Hay như TPHCM cũng chỉ cần 2 Phó Chủ tịch, còn lại là nâng vai trò giám đốc các Sở ngành lên. Giảm bớt cấp phó là giúp giảm bớt tiền của nhân dân và không biến cấp phó thành một cấp hành chính nữa.
Đại biểu Nguyễn Văn Minh cho rằng Luật Tổ chức Chính phủ nếu cứ nêu chung chung thì rất khó.
“Bộ có một Bộ trưởng và mấy Thứ trưởng phải quy định rõ ràng. Phân quyền trách nhiệm của các Bộ phải rõ ràng. Ở địa phương thì Sở ngành có một giám đốc và bao nhiêu phó” - đại biểu Nguyễn Văn Minh cho hay.
Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về bộ máy của mình
Về việc phân cấp và quyền hạn giữa Trung ương và địa phương cũng được các đại biểu thảo luận sâu rộng, bởi người dân đang mong muốn làm tốt việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp. Tuy nhiên, điều này chưa rõ trong Luật Tổ chức Chính phủ cũng như các luật liên quan.
Theo các đại biểu ở Đoàn TPHCM, chỉ có Quốc hội mới có quyền lập pháp, còn Chính phủ, chính quyền địa phương chỉ được lập quy, tức là những quy tắc. Vì thế, rất băn khoăn về quyền lập quy của Chính phủ, chính quyền địa phương, khiến UBND xã cũng có quyền ban hành văn bản pháp luật?
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng vấn đề phân chia, phân cấp quyền hạn giữa TƯ và địa phương chưa rõ. Luật nhiều nước ghi rất rõ địa phương được làm gì, không làm gì. Luật chính quyền địa phương cũng chưa rõ địa phương được làm gì, không làm gì. Những gì có tính chất phân cấp ổn định cho địa phương thì cần được ghi vào trong luật.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, cần quy định quyền hạn của Thủ tướng đối với vấn đề cán bộ, để làm sao Thủ tướng không cảm thấy bị khó, ràng buộc rồi đổ thừa cho cơ chế khi bộ máy của Chính phủ vận hành không tốt. Trong quá trình vận hành, nếu Bộ trưởng nào không làm tốt thì Thủ tướng có quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đình chỉ công tác. Còn nếu đình chỉ không tốt thì Thủ tướng thì phải chịu trách nhiệm. Điều này nhằm hạn chế tình trạng Thủ tướng không có quyền gì khi bộ máy của mình trì trệ, làm không được.
“Công tác cán bộ vẫn phải đưa ra tập thể, nhưng cần có cơ chế để Thủ tướng được đình chỉ công tác thành viên Chính phủ trong khi chờ tập thể xem xét. Không sợ vấn đề trù dập vì công tác cán bộ vẫn do tổ chức quyết định. Nhưng cần giao cho Thủ tướng quyền đề xuất bổ nhiệm, đề xuất đình chỉ công tác. Cơ chế cán bộ hiện nay cần được đánh giá lại, tập thể nhưng để xảy ra trì trệ thì không ai chịu trách nhiệm. Khi trao cho Thủ tướng quyền đó thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm về bộ máy của mình. Thẩm tra thì cho thấy điều này không có trong Hiến pháp, nhưng tôi hết sức băn khoăn” - đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cũng nêu quan điểm về việc hiện nay chưa xác định rõ trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, vì thế cần làm rõ cơ chế chịu trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. Tránh tình trạng khi sự việc xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm.
“Cần bổ sung quy chế bỏ phiếu tín nhiệm và cơ chế từ chức của các thành viên Chính phủ trước khi đợi đến Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm” - đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cho hay.
----------------------------
Tăng lương cho 5 triệu người: “90.000 đồng/tháng cũng là cần thiết”
Đề xuất tăng lương của Chính phủ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào chiều 7/11. Nhiều đại biểu cho rằng, tăng lương là cần thiết, dù mức tăng chỉ 90.000 đồng/tháng, nhưng là niềm vui rất lớn đối với những người có thu nhập thấp và đời sống khó khăn.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết: Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 7/11, đề xuất tăng lương năm 2015 của Chính phủ đã được thông qua với sự đồng thuận tối đa khi 100% thành viên dự họp đều tán thành. Tuy nhiên, đề xuất tăng lương này còn phải chờ Quốc hội thông qua vào ngày 10/11 tới.
Theo đó, từ 1/1/2015, Chính phủ sẽ thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với tiền lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công (số đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo khoảng 2,9 triệu người) và tiền lương đối với bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống (chiếm khoảng 35% tổng số cán bộ là trên 1,8 triệu người).
Việc điều chỉnh này một mặt giúp cải thiện thu nhập cho gần 5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước; mặt khác đảm bảo mối tương quan với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp.
Tính chung cả 3 nhóm đối tượng được tăng lương là khoảng 5 triệu người. Mức lương được điều chỉnh tăng là 8%, tương đương khoảng 90.000 đồng/tháng. Bộ Tài chính tính toán, nhu cầu kinh phí tăng thêm để tăng lương năm 2015 khoảng 11.100 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí khoảng 1.100 tỷ đồng.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Đây sẽ là niềm vui rất lớn đối với những người có thu nhập thấp và đời sống khó khăn, đặc biệt là đối tượng người về hưu và đối tượng người có công. Việc tăng lương này cũng trong lộ trình nhưng nguồn ngân sách để tăng lương rất khó khăn.
Vì thế, “việc Chính phủ chi 11.100 tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu tăng lương, theo đánh giá của tôi, là quyết định kịp thời”, đại biểu Cương nhận xét.
Đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Nếu chúng ta siết chặt chi, đặc biệt là những khoản chi không cần thiết, thì việc tăng lương đối với ba đối tượng như đề xuất chỉ chiếm khoảng 8%, tương đương 90.000 đồng/người/tháng thì tổng số ngân sách để đáp ứng là hoàn toàn có thể.
Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cũng bày tỏ thái độ đồng tình với đề xuất tăng lương thêm 8% cho người thu nhập thấp. Ông Lịch lấy ví dụ, có những cấp dưới của ông, nếu lương tối thiểu tăng 100.000 đồng/bậc thì mỗi tháng số tiền được lĩnh thêm chỉ khoảng 200.000 đồng. Tuy không nhiều nhưng đây thực sự là nguồn động viên cho những người làm công ăn lương, nhất là cán bộ mới ra trường hệ số lương ngân sách ở mức khởi điểm thấp nhất.
Đồng tình với đề xuất tăng lượng, tuy nhiên, theo ông Lịch, về lâu dài, cần có một cuộc cải cách tiền lương lần thứ 2 chặt chẽ hơn và gắn với cải cách hành chính công. Bởi theo lý giải của ông Lịch, chúng ta phải cải cách hành chính để việc của 10 người nhưng 6 - 7 người vẫn đảm đương được. Chỉ có tinh giản được bộ máy thì mới có nguồn để tăng lương.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM, việc đề xuất điều chỉnh lương cho thấy Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri, tất nhiên việc cân đối ngân sách phải phụ thuộc vào tình hình.
Bà Tâm nói: “Vấn đề tôi quan tâm là đã thực sự tiết kiệm trong chi ngân sách chưa, như chi cho hội nghị, khánh tiết, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành đã tiết kiệm triệt để chưa? Tôi cho là chưa, chi khánh tiết còn lãng phí lắm, hội thảo còn đưa về khu du lịch tổ chức, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo hạn chế nhưng làm chưa nghiêm".
Do đó, theo đại biểu, nếu làm tốt những việc này thì sẽ có nguồn tăng lương cho người lao động.
------------------------------
Tuần này Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 50 lãnh đạo
Dự kiến sáng 15/11, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh chủ chốt và kết quả kiểm phiếu được công bố chiều cùng ngày.
Theo lịch, sáng 14/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm, sau đó Quốc hội biểu quyết danh sách những người được lấy phiếu lần này.
Sáng 15/11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc sẽ trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm. Tiếp đó, Quốc hội bầu Ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu.
Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố chiều cùng ngày, sau đó Quốc hội thông qua nghị quyết xác nhận. Lần lấy phiếu tín nhiệm này vẫn được tiến hành như lần đầu (giữa năm 2013) với việc giữ nguyên ba mức “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm” và “Tín nhiệm thấp”.
Vào cuối kỳ họp, Quốc hội lại tiếp tục xem xét dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyếtvề việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
---------------------------
Đề xuất Quốc hội chọn Thủ tướng, 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn
Sáng 10/11, danh sách dự kiến 5 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 8 đã được gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Trong số 5 Bộ trưởng Công thương, Nội vụ, GTVT, KH&CN, LĐ,TB&XH được gợi ý, Quốc hội sẽ chọn 4 vị đăng đàn.
Ngoài 4 Bộ trưởng được chọn, theo thông lệ, tại kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng trực tiếp báo cáo, giải trình thêm một số vấn đề về hoạt động điều hành của Chính phủ và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Văn bản gợi ý, xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về danh sách các Bộ trưởng trả lời chất vấn cũng nêu cụ thể các nhóm vấn đề cũng đã được dự kiến cho mỗi vị.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ trả lời về việc phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghiệp chế tạo trong nước, các giải pháp quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, buôn lậu.
Sự tham gia của Việt Nam đối với hệ thống phân phối bán lẻ trong nước, giải pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế trong lĩnh vực này cũng là nội dung dự kiến dành cho Bộ trưởng Công thương.
Đối với Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, nhóm vấn đề đầu tiên được đặt ra là việc thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục hành chính gắn với nâng cáo chất lượng công vụ.
Nhóm vấn đề khác là giải pháp thực hiện đề án tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng cấp phó quá nhiều ở các cơ quan trung ương, nâng cao năng suất lao động, cải cách chế độ tiền lương.
Kết quả tổng kết, đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xử lý các biểu hiện tiêu cực trong công tác uy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức là nhóm vấn đề thứ 3 đặt ra đối với Bộ trưởng Nội vụ.
Đoàn thư ký kỳ họp cũng gợi ý nhóm vấn đề thực hiện lộ trình tăng lương thích hợp để đảm bảo cuộc sống của công chức, của người có thu nhập thấp; xem xét vấn đề lương hưu, nhất là đối với những người về hưu trước năm 1995.
Nếu được chọn đăng đàn, Bộ trưởng Nội vụ sẽ được “chia lửa” từ người đồng cấp ở Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nhận đề xuất trả ời về tình trạng chung của hạ tầng giao thông; giải pháp đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giải pháp sớm hoàn thành Quốc lộ 1A; Giải pháp hạn chế tai nạn giao thông trong tình hình hiện nay, đặc biệt là tai nạn giao thông đường bộ; trách nhiệm của Bộ và chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông.
Nhóm vấn đề khác sẽ dành cho Bộ trưởng Thăng là về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải.
Bộ trưởng KH&ĐT, Tài chính, Công an sẽ được huy động tham gia thêm trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GTVT nếu vị này được chọn đăng đàn.
Bộ trưởng LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyển nhận một số nhóm vấn đề để chất vấn như quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; Tình hình và công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Thực trạng thất nghiệp hiện nay, đặc biệt là sinh viên mới ra trường; giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, tăng mức trợ cấp xã hội để đảm bảo an ninh xã hội.
Đối với Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân, có 3 nhóm vấn đề đặt ra. Trước hết là trách nhiệm của ngành KH&CN trong tăng năng suất lao động; giải pháp áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.
Vấn đề tiếp theo là trách nhiệm của Bộ trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện cơ chế, chính sách bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hoá, kiểm định công nghệ nhập khẩu theo quy định.
Nhóm vấn đề thứ 3 là việc thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và việc phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ và thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ; thực trạng, hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này sẽ bắt đầu vào thứ 2 tuần tới (ngày 17/11), dự kiến kéo dài 2,5 ngày.
-----------------------