Lãnh đạo Trung, Nhật và cuộc gặp “phá băng” bên lề APEC
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay 10/11 đã có cuộc gặp chính thức đầu tiên bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC, sau khi quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á rơi vào “băng giá” do các tranh chấp lãnh thổ.
Lãnh đạo Trung, Nhật ngày 10/11 đã có cuộc gặp thu hút sự chú ý của dư luận bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC, tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Đài truyền hình NHK của Nhật Bản cho biết cuộc gặp bắt đầu lúc 10h54 sáng nay giờ Việt Nam tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh và kết thúc 30 phút sau đó.
Hai nhà lãnh đạo đã bắt tay và chụp ảnh chung, trong một hành động được xem là mang tính tượng trưng cao.
Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nhật, Trung Quốc kể từ khi họ lên nắm quyền năm 2012.
Cuộc gặp diễn ra sau khi một thời gian căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước do cuộc tranh chấp lãnh thổ liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông, các vấn đề lịch sử và sự cạnh tranh trong khu vực.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho hay sự kiện là “bước đi đầu tiên” trên con đường nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á sau nhiều năm căng thẳng.
“Đó là bước đi đầu tiên để cải thiện quan hệ bằng cách trở lại mối quan hệ hai bên cùng có lợi dựa trên các lợi ích chiến lược chung”, ông Abe nói.
Ông Abe cũng đề nghị Chủ tịch Trung Quốc thiết lập một đường dây nóng nhằm ngăn chặn các vụ va chạm trên biển, sau các vụ đối đầu thường xuyên giữa tàu bán quân sự hai nước trong vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
“Tôi đã đề nghị ông ấy rằng chúng tôi cần thực thi một cơ chế liên lạc hàng hải và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ bắt đầu hành động bằng những bước đi cụ thể để tiến tới điều đó”, nhà lãnh đạo Nhật Bản nói.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đã rơi vào căng thẳng do cuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông, hiện do Nhật Bản quản lý nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền. Việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012 đã khiến căng thẳng với Trung Quốc tiếp tục gia tăng.
Kể từ đó, các tàu và máy bay của chính phủ Trung Quốc thường xuyên tới gần Senkaku/Điếu Ngư để khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Hoa Đông.
Bắc Kinh đã làm gia tăng căng thẳng khu vực hồi năm ngoái khi tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông, vốn chồng chéo một vùng tương tự của Nhật.
Các chuyên gia lo ngại căng thẳng Senkaku/Điếu Ngư có thể bùng phát thành một cuộc xung đột vũ trang và một số người thậm chí cảnh báo rằng khi đó Mỹ có thể phải "vào cuộc".
Trung Quốc cũng thường xuyên phàn nàn về điều mà nước này coi là sự không thừa nhận một các thỏa đáng của Nhật Bản đối với các hành động thời chiến và nổi giận trước các chuyến thăm của các chính trị gia Nhật, trong đó có Thủ tướng Abe, tới đến chiến tranh Yasukuni, nơi được xem là biểu tượng cho quá khứ quân phiệt của Nhật.
Sự căng thẳng đã dịu bớt trong những tháng gần đây do các động thái ngoại giao tích cực giữa hai bên trong bối cảnh có những lo ngại ở cả hai phía rằng nền kinh tế của hai nước đang bị ảnh hưởng.
Cuộc gặp thượng đỉnh hôm nay diễn ra sau khi Tokyo và Bắc Kinh đưa ra những tuyên bố mềm mỏng hồi cuối tuần qua, trong đó hai nước đã nhất trí hợp tác nhằm cải thiện quan hệ và thể hiện thiện chí nhằm đặt sang một bên vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Ông Abe đã gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng trước tại một sự kiện quốc tế ở Ý, sau đó các cuộc gặp giữa giới chức hai nước và chuyến thăm Trung Quốc của một phái đoàn doanh nghiệp cấp cao của Nhật.
-----------------------
Đô đốc Nhật chê hải quân Trung Quốc
Trước cuộc gặp của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần tới, bên lề Hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), một cựu quan chức quân sự hàng đầu Nhật Bản đã lên tiếng chê bai hải quân Trung Quốc.
Kazuya Natsukawa, người đã phục vụ hơn 40 năm trong lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF), từng là đô đốc, cựu Tham mưu Trưởng của Hội đồng Tham mưu JSDF, đã nói với báo Ming Pao rằng chất lượng quân đội Trung Quốc hiện thấp hơn rất nhiều so với quân đội Nhật Bản, lực lượng được hỗ trợ bởi quân đội Mỹ thông qua các Hiệp ước an ninh.
“Một cuộc chiến tranh trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản vào thời điểm này là hoàn toàn bất lợi cho Bắc Kinh, mặc dù Bắc Kinh đã có những tăng cường đáng kể về mặt quân sự cho lực lượng hải quân Trung Quốc”, ông phát biểu trong cuộc phỏng vấn của báo Ming Pao.
Trước đó, trong một cuốc sách do ông làm chủ bút cùng hai cựu quan chức JSDF khác được công bố vào tháng Mười năm ngoái, Natsukawa cho rằng vẫn còn một khoảng cách lớn giữa JSDF và Quân đội Trung Quốc, và khẳng định bất cứ tàu ngầm hạt nhân hay tàu sân bay nào của Trung Quốc đều có thể trở thành mục tiêu hoàn hảo cho quân đội Nhật Bản hay quân đội Mỹ.
“Trung Quốc tuy có nhiều tàu chiến hơn Nhật Bản, nhưng so về chất lương thì vẫn chưa thể bắt kịp so với JSDF vốn được đào tạo cùng với Hải quân Mỹ, một lực lượng có khả năng tác chiến tốt nhất thế giới”, báo Ming Pao dẫn lới.
Ông cũng tin rằng Tokyo có đủ khả năng kiềm chế Bắc Kinh nếu cả hai xảy ra vào một cuộc hải chiến Trung-Nhật xung quanh quần đảo Senkaku đang tranh chấp cho đến khi Mỹ điều động quân đội tham chiến cùng Nhật Bản như những cam kết giữa hai bên.
Tuy nhiên, Natsukawa không phủ định rằng tình hình có thể thay đổi trong tương lai, khi quân đội Trung Quốc đẩy mạnh việc tăng cường số lượng và chất lượng mà Nhật Bản thì không thể, do có diện tích và dân số nhỏ hơn Trung Quốc nhiều lần.
“Nhật Bản sẽ gặp nguy hiểm nếu chiến tranh với Trung Quốc xảy ra sau 10 năm nữa, khi Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng cường khoảng 3 tàu sân bay cho hải quân vốn là mối đe dọa lớn nhất của Hải quân Nhật Bản ” ông nói.
------------------------
Cánh quạt máy bay đâm xuyên cabin, nữ hành khách thoát chết
Một nữ hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không Air Canada đã được chuyển khẩn cấp đến bệnh viện sau khi bị va đập mạnh bởi một chiếc cánh quạt máy bay.
Chuyến bay với 75 hành khách và phi hành đoàn có lộ trình từ Calgary tới Grande Prairie, Canada, đã phải hạ cánh khẩn cấp sau khi một chiếc lốp phi cơ bị nổ trong khi cất cánh.
Khi tiếp đất chiếc máy bay đã bị nghiêng về bên phải khiến cánh quạt va chạm với đường băng, sau đó đâm xuyên vào cabin hành khách và va vào đầu cô Christina Kurylo.
Rất may là cô Kurylo chỉ bị thương nhẹ sau tai nạn đáng tiếc trên.
Nữ hành khách cho biết cô thấy mình thật may mắn khi thoát chết trong gang tấc vì chỉ một chút nữa là chiếc cánh quạt khổng lồ đã lấy đi tính mạng của cô.
Trước đó, loại máy bay này của công ty Jazz Aviation đã gặp phải 6 tai nạn tương tự được ghi nhận trên khắp thế giới.
Tuy nhiên Phó Chủ tịch hãng, ông David Deveau, lại phủ nhận bất cứ lỗi kỹ thuật nào liên quan đến bộ phận hạ cánh của loại phi cơ này.
------------------------
Nga hiện đại hóa các tàu chiến chủ lực thế nào?
Tàu tuần dương hạt nhân Đô đốc Nakhimov của Nga sẽ được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-400 và hệ thống chống tên lửa Poliment-Redut tầm trung, cũng như tên lửa hành trình Caliber. Đây là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa hạm đội Hải quân của Nga đang diễn ra.
Theo Vladimir Spiridopoulo, Tổng Giám đốc Văn phòng Thiết kế Sevrnoye và là nhà phát triển dự án tàu tuần dương trên, sau khi hoàn tất quá trình hiện đại hóa, tàu Đô đốc Nakhimov sẽ có sức mạnh lớn hơn cả tàu tuần dương tên lửa hạt nhân hạng nặng Peter Đại đế hiện đang được biên chế cho Hạm đội Biển Bắc.
Bên cạnh việc hiện đại hóa tàu Đô đốc Nakhimov, có khả năng một chiếc tàu khác thuộc dự án trên, tàu Đô đốc Lazarev, cũng được nâng cấp. Đây là chiếc tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, nhưng gần đây đã được đưa về neo đậu tại một cảng đóng tàu.
“Thậm chí trước khi quá trình hiện đại hóa diễn ra, Hải quân Nga đã thảo luận về việc liệu các loại vũ khí nào sẽ được trang bị cho tàu Nakhimov. Theo tuyên bố của Bộ Tư lệnh Hải quân Nga, tàu này có thể được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa mới S-500”, chuyên gia quân sự độc lập và Tổng biên tập của trang mạng Dự án Militaryrussia Dritry Kornev nói.
Ông Kornev cho rằng các nhà chế tạo tàu chiến trên vẫn duy trì hệ thống vũ khí ban đầu của những tàu chiến trên và nâng cấp chúng với những trang bị mới. “Tên lửa S-400 sẽ thay thế tên lửa S-300F, vốn được trạng bị trên các tàu này trước đó; Poliment-Redut sẽ thay thế hệ thống chống tên lửa Osa-M và tên lửa hành trình Caliber sẽ thay thế tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh P-700”, ông Kornev cho biết và lưu ý thêm rằng sự bổ sung mới này chắc chắn sẽ biến những chiếc tàu chiến chủ lực trên trở thành những vũ khí có hỏa lực mạnh nhất của Hải quan Nga.
Với tên lửa P-700, tàu Nakhimov chỉ có khả năng tấn công các mục tiêu trên biển, nhưng sau khi được tích hợp tên lửa Caliber, tàu chiến này có thể tấn công cả các mục tiêu trên bộ, do đó tăng đáng kể sức chiến đấu của nó. Tên lửa hành trình Caliber, được phát triển bởi Văn phòng Thiết kế Novator (chi nhánh của Tập đoàn Almaz Antey), hiện cũng đang được trang bị cho các tàu ngầm mới lớp Yasen và các tàu tên lửa cỡ nhỏ Buyan-M của Nga.
Theo dữ liệu chính thức, tên lửa hành trình này có khả năng tấn công các mục tiêu ở cự ly 300km. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Nga mới đây còn loan báo rằng, Caliber có thể tấn công các mục tiêu ở cự ly ít nhất là 1.000km và đây cũng có thể là một loại tên lửa siêu thanh.
“Dưới thời Hải quân Liên Xô, các tàu lớp Orlan (lớp của tàu Nakhimov) là những tàu chiến hàng đầu được gọi là ‘Nhóm tàu chiến chiếm ưu thế trên mặt nước’. Trong thời bình, chúng có nhiệm vụ khắc chế các hạm đội của NATO, đặc biệt là giám sát các tàu chiến của Mỹ”, Dmitry Boltenkov, một chuyên gia quân sự độc lập và là nhà lịch sử quân sự chia sẻ.
Theo ông Boltenkov, nếu được tích hợp các loại vũ khí mới trên trong quá trình hiện đại hóa, thì nhiệm vụ của những tàu chiến như Nakhimov không thay đổi nhiều. Nhưng với việc bổ sung các hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống kiểm soát tự động mới thì chúng dễ dàng trở thành những tàu chiến trụ cột của hạm đội. Do đó, bên cạnh việc tiêu diệt các tàu chiến của đối phương bằng tên lửa Caliber, Nakhimov còn đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với những cơ sở hạ tầng trên bộ cũng như các mục tiêu chiến lược khác của đối phương.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu các nhà chế tạo tàu chiến Nga sẽ làm gì với hệ thống cảm biến phức hợp Polin vốn được tích hợp trên tất cả các tàu chiến lớp Orlan? Có thể là Polin sẽ được hiện đại hóa hoàn toàn hoặc sẽ bị thay thế bằng một hệ thống cảm biến mới. Từ năm 1980 tới năm 1998, tổng cộng có 4 chiếc tàu tuần dương tên lửa hạng nặng lớp Orlan được bổ sung cho Hải quân Liên Xô và sau đó là Hải quân Nga. Chiếc đầu tiên trong số này là Kirov năm 1980 và chiếc gần đây nhất là tàu Peter Đại đế, được biên chế vào hạm đội vào mùa xuân năm 1998.
---------------------------