Quốc hội thảo luận: Khống chế phong tướng quân đội không quá 415 người
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền nói thời chiến, quân đội chỉ có 36 vị tướng. Còn hôm qua, thời bình, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, cũng từng là một vị tướng, trước khi các vị ĐBQH thảo luận Luật Sĩ quan QĐNDVN đã đề dẫn: Cần khống chế phong cấp tướng của quân đội không quá 415 người.
Có hai luồng ý kiến rất rõ rệt quanh chuyện phong quân hàm cấp tướng khi luật sĩ quan quân đội được đưa ra thảo luận tại Hội trường.Phó Tư lệnh quân khu 9, tướng Nguyễn Xuân Tỷ dẫn trường hợp thiếu tướng Nguyễn Minh Chữ, người từng được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, từng là ĐHQH, từng giữ chức phó tư lệnh quân đoàn, quân khu.
Nhưng giữ quân hàm thiếu tướng tới 14 năm và – “khi ra về thì rất là buồn”. “Ngay ở quân khu 9, nhiều lực lượng chiến đấu ở chiến trường Tây Nam hay làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia giờ vẫn còn nhiều thiệt thòi. Ở cấp huyện, có những đồng chí từng là trung đội trưởng, tiểu đoàn trưởng trực tiếp chiến đấu, sau đó về làm huyện đội trưởng 2-3 nhiệm kỳ không được lên quân hàm. Trong khi công an cấp huyện, kể cả sinh sau sau giải phóng vẫn cứ lên.
Đại tướng Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết luật sĩ quan lần này là “Đáp ứng nhu cầu thời bình để chuẩn bị cho thời chiến”.
Về đề nghị trần quân hàm cấp tướng cho Trưởng khoa Mác- Lê Nin, đại tướng Phùng Quang Thanh nói Ban soạn thảo luật đề nghị trưởng khoa Mác- Lê Nin là thiếu tướng. Nhưng có ý kiến nói thế thì nhiều quá. Quan điểm của chúng tôi là kiên trì bảo vệ và nói là sẽ xin ý kiến QH. Chứ Ban soạn thảo chúng tôi cũng tâm tư. Tôi trình mà Quốc hội không bấm nút, hai khoa này không Thiếu tướng thì tôi về thuyết phục anh em rất khó. Người ta sẽ hỏi chẳng lẽ khoa khác quan trọng mà khoa Mác- Lê Nin lại không quan trọng à?
Đối với trường hợp tướng Nguyễn Minh Chữ mười mấy năm thiếu tướng Bộ Quốc phòng đã biết nhưng vì “không có trần” (để phong trung tướng) bởi phó tư lệnh quân khu thì không phong được. Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng cho rằng ngay tại các hội nghị quân sự ASEAN cũng đã thấy có sự khác biệt. Tư lệnh hải lục không quân các nước đều là tướng 4 sao. “Tướng 4 sao đi xe gắn 4 sao ngay cánh cửa”, trong khi bên mình tư lệnh hải lục không cũng chỉ có 2 sao. Mình đất nước lớn, vị thế lớn mà để anh em thế cũng là hơi thấp- ông nói.
Sao chúng ta nhiều tướng thế ?
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền mở đầu phát biểu bằng một câu chuyện: “Có người hỏi tôi vì sao chúng ta phong tướng nhiều thế? Tôi hỏi bác căn cứ vào đâu để nói nhiều hay ít? Bác ấy nói là sau giải phóng miền Nam, chúng ta có 36 tướng, mà chúng ta đánh tan mấy đế quốc lớn. Vậy thì nhu cầu phong tướng của ta là gì? Có phải do nhu cầu tác chiến sau này nhiều hơn? Bác ấy nói là nếu chúng ta cần tăng cường sức mạnh quân đội thì có thể phong gấp 10 lần ngày xưa, tức là 360 tướng thì quân đội mạnh gấp 10 lần!”.
Nhưng hiện nay chúng ta còn phong tướng trên cả mức ấy- ông chốt lại và khẳng định sức mạnh của quân đội cơ bản do lòng dân, chứ không phải do nhiều tướng.
Rất thẳng thắn, dù không nhắc lại chuyện tâm tư của những vị tướng 14 năm, ông Thuyền cho rằng phong tướng phải là phục vụ tác chiến, để tăng sức mạnh quân đội, chứ không nên phong tướng để giải quyết chế độ chính sách. ĐBQH Huỳnh Thành (Gia Lai) thì phản bác đề xuất phong hàm Thượng tướng cho Chính ủy Học viện Quốc phòng, hay Thiếu tướng cho một số trưởng khoa thuộc học viện Quốc phòng rằng tại các học viện, cái người ta cần là các chức danh Giáo sư, Tiến sĩ (liên quan đến học thuật), chứ không phải là hàm cấp tướng.
-------------------------
Đề nghị giám đốc Công an Hà Nội và TP HCM là Trung tướng
Trình báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật CAND (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị trần cấp bậc giám đốc Công an Hà Nội và TP HCM là trung tướng.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) chiều 6-11, ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho biết thứ trưởng - phó bí thư Đảng ủy công an trung ương là cấp phó của Bộ trưởng Bộ Công an, giúp bộ trưởng (đồng thời là Bí thư Đảng ủy công an trung ương) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có nhiệm vụ về công tác Đảng.
Chức vụ thứ trưởng giúp việc bộ trưởng cần bố trí thấp hơn một bậc để đảm bảo thống nhất trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Hơn nữa chức vụ này khác với chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam do Hiến pháp quy định và được Chủ tịch nước bổ nhiệm, có trần là Đại tướng. Thực hiện thông báo kết luận số 185 của Bộ Chính trị về Luật Công an nhân dân sửa đổi và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất của thứ trưởng - phó bí thư Đảng ủy công an Trung ương là thượng tướng như các thứ trưởng khác.
Về trần cấp bậc hàm đối với giám đốc Công an Hà Nội và TP HCM, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trần cấp bậc là trung tướng; trưởng công an quận ở 2 thành phố này là đại tá, còn trưởng công an huyện, thị xã là thượng tá. Ngoài ra, giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại trần cấp bậc là đại tá. Giám đốc Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy ở TP HCM và Hà Nội có trần cấp bậc thiếu tướng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trước tình hình diễn biến phức tạp về công tác PCCC; tại các tỉnh, thành phố còn lại có tổ chức Sở cảnh sát PCCC thì giám đốc có trần cấp bậc là đại tá.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng quy định trưởng công an quận ở Hà Nội, TP HCM là đại tá, còn trưởng công an huyện, thị xã là thượng tá cần phải xem lại. Ngoài ra, ông Phúc tán thành quy định Giám đốc Công an Hà Nội có bậc hàm trung tướng nhưng ở TPHCM chỉ nên là thiếu tướng, vì Hà Nội khác TP HCM. “TP HCM quan trọng nhưng Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị quốc gia” - ông Phúc nói.
ĐB Nguyễn Văn Minh (TP HCM) cũng không đồng ý với việc quy định trưởng công an cấp quận ở Hà Nội và TP HCM là đại tá, còn cấp huyện lại là thượng tá. “Trong cùng một thành phố, chức trách nhiệm vụ như nhau nhưng có đồng chí mang quân hàm đại tá, người mang quân hàm thượng tá như thế dễ nảy sinh tư tưởng không tốt trong nội bộ. Tôi kiến nghị trưởng công an huyện, quận, trưởng phòng chuyên môn nghiệp vụ được mang quân hàm đại tá” - ông Minh nói.
Trong khi đó, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị phải có cả quy định về giáng chức sĩ quan không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật. “Sáng nay, tôi nghe tin bộ đội biên phòng một địa phương đình chỉ cùng lúc 7 sĩ quan. Ở nhiều địa phương, tình hình an ninh trật tự liên tục có những vấn đề vi phạm pháp luật kéo dài, nhưng người đứng đầu ở địa bàn đó không bị trách nhiệm gì cả. Biên giới Việt - Trung hàng lậu sang nhiều thế mà công an, bộ đội biên phòng, chức năng địa phương có bị trách nhiệm gì không, nếu không thì buôn lậu sẽ mãi mãi như thế. Phải quy định điều kiện giáng chức, giáng cấp vào luật này” - ông Nam đề xuất.
Ông Lê Nam cho rằng quy định cấp hàm không nên cách xa nhau quá. “Nếu giám đốc Công an Hà Nội và TP HCM là trung tướng thì ở thành phố trực thuộc trung ương như Hải Phòng, Đà Nẵng phải là thiếu tướng, chứ không thể là đại tá. Giám đốc Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, TP HCM mang quân hàm thiếu tướng, còn giám đốc Công an Hải Phòng, Đà Nẵng lại là đại tá thì phải xem lại” - ông Nam dẫn chứng.
ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) thẳng thắn: “Phong tướng phải hợp lòng dân, nhưng người dân nói không muốn có quá nhiều tướng”. Ông Việt đề nghị phải xác định rõ tiêu chuẩn phong cấp bậc đại tướng, thượng tướng, trung tướng, thiếu tướng. Tiêu chuẩn ở đây là trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, năng lực thực tiễn kinh qua các chức vụ chỉ huy chiến lược, thời gian phục vụ trong quân đội, công an và có các thành tích, được phân công của Đảng, Nhà nước….
-------------------------
Đại biểu Quốc hội kiến nghị quyết liệt điều tra nghi án hối lộ quan chức Việt Nam
Bên hành lang Quốc hội sáng nay 6.11, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về nghi án Công ty dược phẩm Bio - Rad Laboratories của Mỹ bị cáo buộc hối lộ quan chức Việt Nam 2,2 triệu USD.
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng không bất ngờ trước điều này bởi lâu nay cơ chế quản lý thuốc, thiết bị y tế của nước ta quá lỏng lẻo, nhất là thiết kế kiểm soát quá trình thực hiện các đề án, mua bán tài sản công. Nói về khả năng tìm ra đối tượng nhận hối lộ phía Việt Nam, theo ông Nguyễn Đình Quyền, Việt Nam đã có hợp tác về tội phạm quốc tế Interpol, nếu có sự việc xảy ra thì chắc chắn sẽ tìm ra những đối tượng này.
“ Việc xử lý phải xét đến trách nhiệm hình sự, cần đưa những người này ra vành móng ngựa. Bất kể ai, kể cả đương chức hay đã nghỉ hưu, nếu liên quan đều phải chịu trách nhiệm, không có vùng cấm nào cho quá trình xử lý hành vi tham nhũng cả” – ông Quyền nói.
Còn theo ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), cần xác định rõ việc hối lộ là sản phẩm thiết bị y tế hay dược phẩm. “Tôi hy vọng qua đợt này chúng ta sẽ tìm ra ở lĩnh vực nào dược hay y tế, cụ thể khi tìm ra thì phải xử lý nghiêm. Mặc dù việc phát hiện các hình thức hối lộ chắc chắn sẽ rất khó, như tài trợ cho các bác sỹ đi dự hội thảo, tài trợ một lúc cho mấy trăm bác sĩ , chỉ cần mỗi người mấy nghìn USD cộng lại là thành tiền triệu USD rồi. Chúng ta phát hiện việc này như thế nào” – theo ĐB Tiên nghi ngại.
Mặc dù khó, nhưng phải kiên quyết làm, theo ĐB Tiên đây là dịp tốt để tìm cách đưa giá thuốc, giá thiết bị y tế về đúng với mức giá thực và đưa những mặt hàng này vào vòng kiểm soát. ĐB này còn đề nghị Quốc hội cần sửa Luật Đấu thầu, trong đó có một mục riêng về đấu thầu thuốc. Ông bức xúc: “Tôi thấy là có hàng mấy chục công ty dược nước ngoài đầu tư, bán thuốc vào Việt Nam. Chúng tôi nghĩ chỗ nào cũng có hoa hồng. Vấn đề chúng ta làm thế nào để phát hiện ra”.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), kiến nghị hệ thống luật pháp cần có sự sửa đổi để tình trạng trên không diễn ra. “Tôi tin rằng Quốc hội, Chính phủ sẽ còn có nhiều biện pháp vì chắc chắn sẽ còn những vụ tương tự xảy ra. Đây là chuyện mà Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành cần hết sức lưu ý” – ĐB Sơn nói.
-------------------------
Bác đề xuất thêm một Đại tướng công an
Không tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc thêm một hàm Đại tướng cho Thứ trưởng thường trực Bộ Công an nhưng UB Thường vụ Quốc đồng ý với đề nghị nâng trần cấp bậc hàm đối với Giám đốc CA Hà Nội, CA TPHCM lên Trung tướng.
Báo cáo giải trình tiếp thu của UB Thường vụ Quốc hội về dự thảo luật Công an nhân dân sửa đổi tại Quốc hội chiều 6/11 được xây dựng căn cứ trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị (theo thông báo số 185 ngày 28/10/2014) về vấn đề trần bậc hàm cấp tướng với các chức danh lãnh đạo của Bộ Công an.
Cụ thể, về chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tướng, UB Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến tán thành quy định của dự thảo luật do Chính phủ trình là cấp bậc hàm cao nhất của Thứ trưởng - Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương là Đại tướng.
Tuy nhiên, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, chức vụ Thứ trưởng - Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương là cấp phó của Bộ trưởng Bộ Công an, giúp Bộ trưởng (đồng thời là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương) thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có nhiệm vụ về công tác Đảng.
Chức vụ Thứ trưởng (Phó Bí thư) giúp việc Bộ trưởng cần bố trí thấp hơn một bậc để đảm bảo thống nhất trong bộ máy Đảng, Nhà nước.
Cơ quan giải trình phân tích thêm, chức vụ này khác với chức vụ Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND đã được Hiến pháp quy định là do Chủ tịch nước bổ nhiệm, có trần quân hàm Đại tướng. Theo nguyên tắc cấp hàm cấp tướng của cấp phó phải thấp hơn cấp trưởng một bậc.
Đồng thời, thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị về việc này, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ Thứ trưởng - Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương là Thượng tướng, như các Thứ trưởng khác.
Về chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, UB Thường vụ Quốc hội tán thành quy định Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ có cấp hàm cao nhất là Trung tướng tương đương với Tổng cục trưởng.
Dù cũng có ý kiến đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất với các chức danh này chỉ là Thiếu tướng nhưng cơ quan giải trình lập luận, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động được tổ chức tập trung, hoạt động mang tính đặc thù của CAND, gồm lực lượng đặc nhiệm và lực lượng tác chiến đặc biệt với trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật chuyên dụng để làm nòng cốt trong thực hiện biện pháp vũ trang. Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thì là đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ các cơ quan và lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia, do đó để đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ đặc biệt của các đơn vị này trong tình hình mới, “nới” trần cấp bậc hàm với các chức danh này được đánh giá là phù hợp tới thực tiễn.
Tuy nhiên, với đề xuất quy định cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ Phó Tổng cục trưởng phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị là Trung tướng, UB Thường vụ Quốc hội chỉ chấp nhận 1 phần. Cụ thể, cơ quan này đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định, một Phó Tổng cục trưởng là Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy Tổng cục có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng (thay vì Phó Tổng Cục trưởng phụ trách công tác đảng, công tác chính trị).
Cũng liên quan đến trần cấp bậc hàm Trung tướng, Chính phủ đề nghị quy định cho các Cục trưởng các cục trực thuộc Bộ Công an được mang hàm cấp này (cao hơn hàm của các Cục trưởng các cục thuộc Tổng cục). Tuy nhiên, UB Thường vụ Quốc hội chỉ nhất trí trần này với một số cục có chức năng năng tham mưu chiến lược, hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức toàn lực lượng như, Cục Đối ngoại; Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; An ninh mạng; Cảnh sát giao thông.
Một vị trí khác dự thảo luật do Chính phủ trình đề nghị quy định có cấp bậc hàm Trung tướng là Giám đốc CA Hà Nội, Giám đốc CA TPHCM cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến chỉ đồng ý mức Thiếu tướng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận định, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của 2 thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng của cả nước, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị trần cấp bậc hàm của Giám đốc CA 2 thành phố này là Trung tướng. Theo đó, Trưởng Công an quận là Đại tá, Trưởng công an huyện, thị xã là Thượng tá.
Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố còn lại có trần cấp bậc hàm là Đại tá. Như vậy, đề xuất ban đầu của cơ quan soạn thảo về việc quy định Giám đốc Công an 6 tỉnh thành trọng điểm khác ngoài Hà Nội, TPHCM có trần cấp bậc hàm Thiếu tướng đã không được chấp nhận.
-------------------------
Trình Quốc hội phương án tăng lương cho gần 5 triệu người
Phương án tăng lương vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, đồng thời ủy quyền Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó sẽ có 5 triệu người thuộc 3 nhóm đối tượng được tăng lương từ ngày 1/1/2015 tới.
Chiều 6/11, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận phương án tăng lương, đồng thời ủy quyền Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách khó khăn nên không thể bố trí nguồn để tăng lương. Tuy nhiên, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét, bố trí tăng dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 hoặc cắt giảm chi để dành nguồn tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương.
Trước yêu cầu của thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính ký tờ trình thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội thông qua trong kế hoạch bố trí ngân sách nhà nước năm 2015. Và trong bối cảnh dự kiến lạm phát trong 2 năm 2014 - 2015 khoảng 8%, Chính phủ đề xuất 3 phương án điều chỉnh tiền lương từ 1/1/2015.
Phương án 1: Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/ tháng lên 1,24 triệu đồng/ tháng (tương đương mức tăng 90 nghìn đồng/ tháng, khoảng 8%); lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tốc độ tăng lương cơ sở - mức tăng tương ứng mức lạm phát trong 2 năm 2014- 2015.
Với phương án này, sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công do NSNN đảm bảo. Nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 33 nghìn tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương bố trí khoảng 26 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí khoảng 7 nghìn tỷ đồng.
Phương án 2: Chỉ thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và lương hưu đối với bộ phần công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp tăng 8%.
Bộ Tài chính lý giải, năm 2011 đã thực hiện trợ cấp khó khăn đối với bộ phận công chức, viên chức có thu nhập thấp có hệ số lương 3,0 trở xuống, khi đó chưa có chế độ phụ cấp công vụ. Hiện nay, đã thực hiện phụ cấp công vụ 25% trên mức lương hiện hưởng, do vậy tương đương với người có hệ số lương 3,0 của năm 2011.
Từ đó, Chính phủ kiến nghị tăng lương đối với người có hệ số lương 2,34 trở xuống (chiếm khoảng 35% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang).
Theo phương án này, nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 11,1 nghìn tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương bố trí khoảng 10 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng.
Phương án 3: Không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với toàn bộ công chức, viên chức, chỉ thực hiện điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng 10%.
Với phương án này, nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 6,7 nghìn tỷ đồng, toàn bộ do ngân sách trung ương đảm bảo.
Do đó, với ba phương án trên, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép tiếp thu điều chỉnh tiền lương năm 2015. Từ 1/1/2015, thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với tiền lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công (số đối tượng do NSNN đảm bảo khoảng 2,9 triệu người) và tiền lương đối với bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống (chiếm khoảng 35% tổng số cán bộ là trên 1,8 triệu người).
Việc điều chỉnh này một mặt giúp cải thiện thu nhập cho gần 5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ NSNN; mặt khác đảm bảo mối tương quan với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp.
Trước đó, trong phương án phân bổ ngân sách năm 2015 trình lên Quốc hội tại kỳ họp này, mặc dù thu ngân sách năm 2014 vượt dự toán 63.000 tỷ đồng nhưng Chính phủ đề xuất hoãn thực hiện lộ trình tăng lương do không bố trí được nguồn. Phần thu vượt dự toán được đề xuất ưu tiên bố trí chi trả nợ và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội khác.
----------------------