Hỗ trợ 4 nghìn tỷ đồng tiền thuế cho cá nhân, doanh nghiệp
Sáng 3-11, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày với Quốc hội Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.
Theo Bộ trưởng Dũng, khi thực hiện dự án Luật nêu trên, ước tính tổng số thuế hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp năm 2015 khoảng 3.900 - 4.000 tỷ đồng và mỗi năm tăng chi khoảng 1.300 tỷ đồng từ Quỹ hoàn thuế để thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước (NSNN), số thu ngân sách sẽ được bù đắp bằng việc điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, kinh doanh casino tại dự thảo Luật thuế TTĐB trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Cụ thể, theo ước tính, năm 2015 tăng 571 tỷ đồng, năm 2016 tăng 2.773 tỷ đồng, năm 2017 tăng 4.395 tỷ đồng, năm 2018 tăng 6.436 tỷ đồng, năm 2019 tăng 9.312 tỷ đồng; đồng thời khi sản xuất kinh doanh phát triển sẽ tăng thu trong trung và dài hạn.
Đồng thời, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế mới, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế; tăng cường quản lý giá đối với sản phẩm vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và tổ chức thực hiện thu đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản, nhất là đối với những mỏ đã và đang hoạt động (khoảng 1.300 tỷ đồng/năm). Đồng thời, sẽ điều chỉnh giá bán khí theo giá thị trường đối với sản lượng khí trong bao tiêu để đảm bảo lợi ích của Nhà nước.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế có một số nội dung đáng chú ý như sau:
- Bổ sung quy định ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (nghiên cứu phát triển giống; trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp), lâm nghiệp, thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Từ ngày 1-1-2016, thu nhập của doanh nghiệp này được áp dụng thuế suất 17%.
- Bổ sung quy định ưu đãi thuế TNDN đối với công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Trường hợp đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển quy định tại khoản này nếu đáp ứng một trong ba tiêu chí về đầu tư mở rộng quy định tại Luật thuế TNDN thì được hưởng ưu đãi thuế (cả thuế suất và thời gian miễn, giảm) theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại.
- Bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng và phạm vi tác động sâu, rộng tới kinh tế - xã hội.
- Sửa đổi quy định khống chế đối với chi quảng cáo, khuyến mại.
- Bổ sung quy định miễn thuế TNCN đối với cá nhân Việt Nam là thuyền viên làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài và tàu Việt Nam vận tải quốc tế.
- Sửa đổi quy định thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản và chuyển nhượng chứng khoán. Để minh bạch về chính sách, tránh vướng mắc trong thực hiện và cải cách về thủ tục hành chính, Chính phủ trình Quốc hội quy định cá nhân chuyển nhượng bất động sản nộp thuế 2% trên giá bán từng lần chuyển nhượng và cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần chuyển nhượng.
- Bỏ thu thuế TNCN đối với cá nhân trúng thưởng trong casino, đồng thời điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế TTĐB tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB từ 30% lên 35%...
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2014) và thông qua tại 1 kỳ họp. Chính phủ đề nghị hiệu lực thi hành của dự án Luật từ ngày 1-1-2015.
-------------------------
Ý kiến cử tri: “Chiếc bánh” ngân sách cần chia hợp lý
Bàn thảo dự toán ngân sách nhà nước là một trong các nội dung quan trọng của kỳ họp Quốc hội tháng 10 hằng năm.
Đặc biệt kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 đang diễn ra, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, bội chi ngân sách còn cao, nợ công tiếp tục tăng..., việc dự toán thu và phân chia “chiếc bánh” ngân sách càng có vẻ “căng” hơn.
Để đáp ứng các nhu cầu đầu tư phát triển và chi thường xuyên của đất nước 90 triệu dân, đương nhiên mọi cơ chế chính sách kinh tế đều nhắm đến làm sao cho “chiếc bánh” ngân sách ngày càng to ra và to nhanh hơn.
Ở nước ta, trong khi việc tính toán chỉ số GDP cấp địa phương thiếu độ tin cậy, chỉ số về thu ngân sách thực tế trên địa bàn phản ảnh tương đối chính xác quy mô và trình độ kinh tế, mức độ đóng góp cho đất nước của mỗi tỉnh thành, vùng miền.
Và bên cạnh việc khai thác tốt các nguồn thu, thực hiện quyết liệt chống thất thu, chống tham nhũng lãng phí còn yêu cầu việc phân bổ ngân sách phải công bằng hợp lý, minh bạch để hỗ trợ nơi nghèo, động viên nơi có đóng góp lớn.
Sở dĩ nói vậy bởi thực tế những năm qua điều ấy chưa thể hiện được như thế.
Lấy dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 làm ví dụ: ngoại trừ những vùng do đặc điểm tự nhiên còn quá khó khăn cần phải trợ cấp ngân sách từ trung ương như miền núi phía Bắc, Tây nguyên, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long thì tỉ lệ điều tiết (để lại) đang có sự bất hợp lý: đồng bằng sông Hồng 44,15% (tổng thu 252.966 tỉ đồng, tổng chi 111.691 tỉ đồng) và Đông Nam bộ 18,97% (tổng thu 398.587 tỉ, tổng chi 75.637 tỉ đồng).
Đặc biệt, tính theo địa phương, trong khi thủ đô Hà Nội được điều tiết để lại 36,24% (tổng thu 126.214 tỉ đồng, tổng chi 45.742 tỉ đồng) thì những địa phương có nguồn thu lớn khác tỉ lệ điều tiết để lại quá khiêm tốn: TP.HCM chỉ 16,68% (tổng thu 226.300 tỉ, tổng chi 37.758 tỉ đồng), Đồng Nai 32,2%, Bình Dương 29,69%.
Tận dụng, tăng cường nguồn thu ngân sách từ các địa bàn thuận lợi để đầu tư phát triển và bảo đảm cân đối chi thường xuyên cả nước là đạo lý và đương nhiên. Nhưng tận thu đến mức cạn kiệt và bất hợp lý những địa phương đóng góp lớn thì lại là hạ sách.
Nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách là một nguyên tắc không chỉ đối với cấp doanh nghiệp mà phải cả trên phạm vi vùng kinh tế và địa phương.
Nên chăng, từ dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 này, đề nghị Chính phủ và Quốc hội cần thiết “nới” thêm tỉ lệ điều tiết để đầu tư phát triển mạnh hơn cho các đầu tàu kinh tế, khu vực trọng điểm thu ngân sách nhà nước để “chiếc bánh” ngân sách ngày càng to và to nhanh hơn.
-----------------------
Chính phủ đề nghị bỏ quy định khống chế chi quảng cáo
Tờ trình của Chính phủ tại Quốc hội sáng nay 3.11 về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đọc, đề nghị bỏ quy định khống chế chi quảng cáo của doanh nghiệp
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép bỏ việc khống chế về chi phí tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, chi phí liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ đề nghị bổ sung một số quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được đề nghị áp mức thuế ưu đãi là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và với các dự án quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12 nghìn tỉ đồng có phạm vi tác động sâu, rộng tới KT - XH.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện KT - XH khó khăn và đặc biệt khó khăn. Từ ngày 1.1.2016, thu nhập của doanh nghiệp này được áp dụng thuế suất 17%.
Với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp được ưu tiên áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Đề nghị xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Chính phủ trình Quốc hội cho phép xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1.7.2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước 31.12.2014.
Trong đó, doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan được xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến phát sinh tiền phạt chậm nộp; Đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế dẫn đến người nộp thuế phát sinh các khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp; Doanh nghiệp phải vay của các ngân hàng thương mại với lãi suất cao trên 20%/năm dẫn đến tổng tiền chậm nộp phát sinh bằng 100% số tiền thuế trở lên.
Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban này đề nghị cần cân nhắc việc xóa tiền phạt chậm nộp tiền thuế.
Theo Ủy ban Tài chính ngân sách, bản chất tiền phạt chậm nộp thuế là khoản tiền phạt do vi phạm hành chính về thuế, do đó việc xóa nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và không công bằng đối với các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.
Theo Ủy ban Tài chính ngân sách, hiện nay số lượng các doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động rất lớn, do đó nhất trí với Tờ trình của Chính phủ nhưng chỉ nhất trí xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế trong trường hợp doanh nghiệp nợ thuế do ngân sách nhà nước nợ doanh nghiệp. Ông Phùng Quốc Hiển cũng cho biết có ý kiến cho rằng, về thời điểm xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế đối với các doanh nghiệp trước 1.7.2013 là quá rộng. Do đó, đề nghị cân nhắc, xem xét việc xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế trước năm 2008.
-------------------------
“Cần giảm đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình“
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, về thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định tại Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi, Chính phủ đề nghị quy định thống nhất thực hiện thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ từ 18 tháng lên 24 tháng.
Ủy Ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, việc quy định thời hạn nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ là nội dung quan trọng cần phải có cơ sở chính trị, xã hội, pháp lý, khoa học thực tiễn để bảo đảm các yêu cầu như: đáp ứng mục tiêu xây dựng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội; kết hợp việc xây dựng lực lượng thường trực có số lượng hợp lý với xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu; cụ thể hóa và thực hiện các nguyên tắc cơ bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, đặc biệt là bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa: Qua thảo luận, đa số thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị thực hiện phương án quy định thống nhất thời gian phục vụ tại ngũ là 24 tháng như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, còn một số ý kiến chưa thống nhất, trong đó có ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành hoặc quy định một thời hạn chung là 18 tháng đối với các quân nhân phục vụ tại ngũ để bảo đảm sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc đề nghị giảm đều thời hạn phục vụ tại ngũ xuống 12 tháng (đặc biệt là đối với công dân đã tốt nghiệp đại học).
Về việc kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ, có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định “Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá sáu tháng” để tránh vận dụng không nghiêm và nảy sinh các vấn đề khác.
Đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, tình hình có liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục có những yêu cầu mới trước diễn biến tình hinh khu vực và thế giới ngày càng phức tạp, khó lường.
Việc quy định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh là cần thiết, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của quân đội, kịp thời ứng phó với các tình huống về an ninh, quốc phòng có thể xảy ra. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn về những trường hợp được kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ, nhằm tránh vận dụng thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp.
Về độ tuổi gọi nhập ngũ, nhiều ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với dự thảo Luật quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ để có thể tuyển chọn được nhiều công dân đã học xong chương trình đào tạo bậc đại học vào phục vụ tại ngũ, nâng cao chất lượng đầu vào, giảm chi phí đào tạo, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc về chất lượng tuyển quân như hiện nay, bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và quyền được học tập của công dân.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi như Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành vì cơ bản đã thực hiện ổn định. Những vướng mắc vừa qua trong khâu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đối với sinh viên tốt nghiệp đào tạo bậc đại học và cán bộ, công chức không phải do hạn chế về độ tuổi mà do khâu tổ chức thực hiện.
Cũng trong chiều 3.11, ngoài Luật Nghĩa vụ Quân sự (sửa đổi), Quốc hội còn nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày Tờ trình về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Tờ trình về Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trình bày Tờ trình về Dự án Luật thú y.
-------------------------
Mức lương để đóng BHXH phải là mức lương thực tế của người lao động
Chiều 3.11, UB Các vấn đề xã hội (Quốc hội) cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết, khoản 2 điều 89 về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cần chỉnh sửa hợp lý để tránh thiệt thòi cho người lao động (NLĐ). Theo đó, NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng LĐ quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH phải là mức lương và phụ cấp thực tế mà NLĐ được hưởng. Dự thảo trước đó nêu rõ “từ ngày 1.1.2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng LĐ”, theo ông Tùng là thiếu hợp lý.
“Cần lược bỏ yêu cầu lương ghi trên hợp đồng LĐ mà phải dựa vào mức phụ cấp và lương thực tế mà NLĐ được hưởng. Bởi trên các hợp đồng LĐ, không ai ghi phụ cấp vào đó mà phụ cấp chỉ được tính từ khi đi làm, vì thế cần lược bỏ cụm từ này để tránh thiệt thòi cho NLĐ” - ông Đặng Ngọc Tùng cho biết.
Về điều kiện được hưởng lương hưu theo điều 54 của dự luật, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ VN - nêu bất cập, sẽ là thiệt thòi rất lớn đối với nữ cán bộ chuyên trách nếu cùng thuộc đối tượng được hưởng lương hưu chỉ khi đủ 20 năm trở lên đóng BHXH. Để mở thêm điều kiện đối tượng này có thể tự nguyện đóng BHXH để tăng mức lương hưu được hưởng, mỗi năm tăng thêm 2% trên mức lương đóng BHXH hằng tháng.
Các đại biểu đều cho rằng đây là vấn đề thiết thực và dựa trên yếu tố có lợi cho NLĐ. Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cho biết, sẽ đưa thêm phương án này thành phương án riêng, cùng với phương án trong điều 54 của dự thảo luật để trình QH trong kỳ họp này. Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng, đề xuất này sẽ tăng thêm cơ hội cho NLĐ nữ được hưởng lương hưu phù hợp với điều kiện làm việc của mình với đặc thù là cán bộ chuyên trách.
-------------------------