Tin Quốc hội đang họp chiều 03-11-2014: Tái cơ cấu chính các ông đi! - "Thoát Trung": Nhập từ cái tăm..., có lợi ích nhóm không?

  • Cập nhật : 03/11/2014

 Tái cơ cấu chính các ông đi!

“Trước khi đi họp Quốc hội, có một lãnh đạo doanh nghiệp nói với tôi thế này: Các ông đặt vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhưng không thấy ai đặt vấn đề tái cơ cấu tổ chức bộ máy và tái cơ cấu chính các ông”.
 
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến đã phát biểu như vậy tại buổi thảo luận về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, diễn ra ngày 1/11.
 
Quá hay, quá đúng và quá thẳng thắn.
 
Bấy lâu nay, chuyện tái cơ cấu nền kinh tế được bàn đã nhiều, nhưng chưa ai đặt vấn đề muốn tái cấu trúc cái gì thì trước hết là tái cấu trúc con người, bộ máy lãnh đạo. Chỉ có người giỏi, người tài, người đức lãnh đạo thì mới có sự thay đổi. Còn dù đặt ra mô hình, chiến lược hay ho mấy đi nữa, mà những người lãnh đạo trực tiếp vẫn như cũ thì sẽ không hiệu quả.
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nêu quan điểm tương tự: “Không đổi mới cán bộ, không đổi mới được nền kinh tế, vì các chuyên gia quốc tế nói rằng, nếu ông đổi mới doanh nghiệp nhà nước mà vẫn để nguyên những cán bộ đã từng sinh ra những doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó thì hôm nay họ không tự chặt chân mình đâu. Phải có người khác đến đổi mới”.
 
Tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng cơ cấu bộ máy như cũ thì sẽ không có sự đột phá để khai thông nền kinh tế, phát triển ở một đỉnh cao khác, có chất lượng hơn. Cũng cái đầu mụ mị cũ làm sao tiếp thu được cái mới, chưa kể cố tình không thay đổi vì sợ “chặt chân mình”. Một tay làm rượu lậu thì có khoác trăm chiếc áo mới cũng chỉ có thể thay đổi được não trạng từ làm rượu lậu thành buôn rượu lậu mà thôi.
 
Nhìn lại sự sụp đổ của một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, sẽ thấy nguyên nhân chủ yếu là do vai trò của cá nhân lãnh đạo đơn vị. Với những người năng lực và đạo đức như vậy, đặt họ vào vị trí lãnh đạo là sai lầm.
 
Biết là vậy, nhưng sẽ rất khó để tái cấu trúc bộ máy, bởi vì tuyển dụng theo tiêu chuẩn “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” thì những người có trí tuệ thực sự bị loại từ “vòng gửi xe”.
 
Tiếc thay! Nói như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Tiềm năng của đất nước không phải tài nguyên thiên nhiên, mà chính là con người, là thể chế… Giới hạn tiềm năng chính là giới hạn ở trí tuệ con người”. Thực ra, tiềm năng của đất nước là con người là đủ, không cần phải thêm thể chế là tiềm năng. Bởi vì, thể chế do con người tạo ra. Có người tài giỏi, ắt có thể chế thông minh.
 
Vì vậy, hãy tái cơ cấu con người trước khi nói đến các mô hình lý tưởng khác.
--------------------------

Đại biểu Quốc hội: “Không bảo đảm mức lương tối thiểu dễ dẫn đến tiêu cực”

“Nếu lương tối thiểu trả cho cán bộ công chức không bảo đảm được mức sống tối thiểu sẽ dễ dẫn đến các hiện tượng tiêu cực. Họ sẽ quay qua hành dân, gây khó dễ cho doanh nghiệp…”, đại biểu Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.
 
Đề cập tới việc tăng lương cho người lao động, bên hành lang Quốc hội và qua các phiên thảo luận, nhiều đại biểu bảy tỏ ý kiến.
 
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Không nên lùi lội trình tăng lương”
 
Vấn đề trả lương cho người lao động đã được Quốc hội thông qua Bộ Luật lao động sửa đổi năm 2012, trong đó Khoản 1 Điều 91ghi rõ:
 
“Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.
 
Khu vực ngoài nhà nước người lao động hưởng lương do người sử dụng lao động trả, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp 2 phiên và đi đến thống nhất là từ ngày 01/01/2015 lương tối thiểu sẽ tăng từ 14,5%-15% so với hiện tại (cho cả 4 vùng) đang trình Chính phủ thông qua để thực hiện.
 
Trong khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước, Chính phủ đã có lộ trình tăng lương để đạt mục tiêu lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu.
 
Phân bổ ngân sách nhà nước năm 2015 vừa được Chính phủ trình Quốc hội đề nghị không tăng lương theo lộ trình, nhưng Quốc hội đang thảo luận bàn bạc và quyết định ngân sách năm 2015, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội vẫn đề nghị giữ nguyên lộ trình tăng lương.
 
Quan điểm của tôi là không nên lùi lội trình tăng lương, cần thật tiết kiệm, tính toán thật kỹ và giảm các khoản chi chưa cần thiết. Nhất là các khoản chi cho hội nghị, hội thảo… để đảm bảo lộ trình tăng lương cho người lao động, nhất là đối tượng chính sách, người về hưu.
 
Nếu lương tối thiểu trả cho cán bộ công chức mà không bảo đảm được mức sống tối thiểu sẽ dễ dẫn đến các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, họ sẽ quay qua hành dân, gây khó dễ cho doanh nghiệp, họ vui vẻ nhận phòng bì bôi trơn để có thêm thu nhập và đó là nguồn gốc của hối lộ, tham nhũng.
 
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng): “Cần tập trung rà soát nguồn chi”
 
Cơ cấu chi ngân sách đang có những vấn đề, xét về mặt lâu dài đã bộc lộ những bất cập. Chúng ta đã dành quá nhiều ngân sách để chi thường xuyên, nghĩa là chi cho bộ máy, chi trả nợ, nguồn tiền còn lại chi cho đầu tư phát triển quá khiêm tốn.
 
Tôi đề nghị Chính phủ cần tập trung rà soát nguồn chi, kiểm soát chặt chẽ việc bố trí vốn cho những công trình, chấm dứt tình trạng khởi công xây dựng nhưng không bố trí được nguồn vốn cân đối. Cần khẩn trương rà soát lại tình hình thực tế giải ngân các dự án đầu tư từ ngân sách và nợ xây dựng cơ bản, xử lý nợ xấu. Vấn đề sử dụng và giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ, tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục, quy trình giải ngân để phát huy tác dụng các nguồn vốn đầu tư nhà nước, xem đây là một kênh rất quan trọng để kích thích tổng cầu. Bên cạnh đó cần sớm xem xét cải cách tiền lương.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội): “Ép tăng lương sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp”
 
Thu nhập của người lao động khó tăng nhanh do nguyên tắc tiền lương phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động và mức tăng thu nhập chậm hơn mức tăng năng suất lao động. Dù chi phí tiền lương cao sẽ buộc doanh nghiệp sử dụng lao động áp dụng máy móc, công nghệ hiệu quả hợn, nhưng nếu ép tăng lương bằng biện pháp hành chính, duy ý chí sẽ làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp, thậm chí làm tăng áp lực thất nghiệp.
 
Tôi đề nghị, trước mắt tập trung đổi mới quyết liệt và thực sự hơn trong đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ, trong đánh giá và tinh giảm biên chế, phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước. Cải thiện chế độ hỗ trợ người cần tinh giảm biên chế và hệ thống bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn lao động và việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
 
Tôi cũng đề nghị ngành lao động, thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương cần có sự quan tâm đặc biệt về phòng ngừa, cảnh báo cũng như hỗ trợ thiết thực, bảo về quyền lợi người lao động trong những doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội.
 
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ): “Tiếp tục chi nâng lương theo lộ trình”
 
Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là ngành thuế đã có nhiều cố gắng, nên thu ước đạt 846.400 tỷ đồng, tăng 63.700 tỷ đồng so với dự toán năm 2014. Qua theo dõi, tôi nhận thấy Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt quản lý ngân sách nhà nước, thắt chặt kỷ luật tài chính, tiết kiệm chi công, tiêu công. Chính phủ đã trình Quốc hội phần thu được ưu tiên trả nợ và chi cho một số nhiệm vụ cấp bách về quốc phòng an ninh, an sinh xã hội.
 
Tôi cơ bản thống nhất và đề nghị dành một phần thu được để chi thêm cho người cao tuổi từ 180.000 đồng/tháng lên 275.000 đồng/tháng; Tiếp tục chi nâng lương theo lộ trình thực hiện ở năm 2015.
 
Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn): “Sớm xây dựng đề án cải cách tiền lương”
 
Cần tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, ưu tiên người có công, xem xét, điều chỉnh lương đối với một số đối tượng có thu nhập thấp, sớm xây dựng đề án cải cách tiền lương. Có chính sách giải quyết dứt điểm cho đối tượng bị nhiễm chất độc da cam.
 
Tôi cũng đề nghị Chính phủ quan tâm về việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, tổng kết, sơ kết, đánh giá chương trình giảm nghèo, giảm bớt đầu mối cho các cơ quan thực hiện, cắt bỏ những chương trình không hiệu quả để tập trung cân đối và cấp đủ vốn cho các chương trình giảm nghèo. Hiện nay, cấp vốn vào các danh mục đầu tư của chúng ta là không tương xứng.
----------------------------
 Thủ tướng Chính phủ phải báo cáo trước nhân dân những vấn đề quan trọng
Không tán thành đề xuất quy định Thủ tướng uỷ quyền cho Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là người phát ngôn của Chính phủ, UB Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Hiến pháp đã quy định, trách nhiệm báo cáo trước nhân dân là của cá nhân Thủ tướng.
 
Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi lần đầu tiên trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong kỳ họp thứ 8. Chiều nay, 3/11, Quốc hội được bố trí nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật của Quốc hội về dự thảo luật liên quan đến chế định Thủ tướng Chính phủ.
 
Ủy ban pháp luật cơ bản tán thành với quy định tại Điều 3 Dự thảo Luật: “Thành viên Chính phủ gồm: Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ”.
 
Một số ý kiến trong Ủy ban pháp luật đề nghị cân nhắc quy định Thủ tướng Chính phủ là “người đứng đầu hệ thống hành chính nhà nước” tại khoản 2 Điều này cho phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 98 của Hiến pháp. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn là “Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia”.
 
Điều 47 dự thảo Luật quy định: Thủ tướng Chính phủ báo cáo hoặc ủy nhiệm cho “Bộ trưởng, Văn phòng Chính phủ” là người phát ngôn của Chính phủ thường xuyên thông báo trước nhân dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
 
Một số ý kiến trong Ủy ban pháp luật cho rằng, theo quy định tại khoản 6 Điều 98 Hiến pháp thì trách nhiệm báo cáo trước nhân dân là trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ đã được Hiến định. Do đó, ý kiến này đề nghị cần quy định rõ những trường hợp nào thì Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho người phát ngôn của Chính phủ. Còn lại, Thủ tướng Chính phủ vẫn có nghĩa vụ thường xuyên thông báo trước nhân dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
 
Phải khắc phục được tình trạng dồn trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ như trong thời gian qua. Bên cạnh đó, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ “Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ” đã được quy định tại khoản 6 Điều 98 Hiến pháp.
 
Cân nhắc 04 thẩm quyền sau của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp quy định của Hiến pháp:
 
- Trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tại khoản 3 Điều 24.
 
- Giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm tại khoản 5 Điều 24.
 
- Tạm thời giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại khoản 6 Điều 24.
 
- Quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân tại khoản 9 Điều 24. Bởi vì, trường hợp các biện pháp này hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 14 Hiến pháp mà không thể quy định chung thẩm quyền này cho Thủ tướng Chính phủ như quy định của dự thảo Luật.
 
Mặt khác, cần tiếp tục rà soát, cân nhắc các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, quyết định tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức; quyết định việc phân cấp quản lý công chức, viên chức…
------------------------------
 "Thoát Trung": Nhập từ cái tăm..., có lợi ích nhóm không?
Không thể đổi mới kinh tế và tạo bước đột phá... nếu nhiều quan điểm còn đang “ngập ngừng”, trái chiều nhau - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa khẳng định.
 
PV:- Vấn đề giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường, cụ thể là Trung Quốc đã được thống nhất từ ý chí của Quốc hội tới quyết tâm điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, trong suốt 10 tháng qua, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 35,6 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2013, nhập siêu từ Trung Quốc ước tính đạt 23,1 tỷ USD, tăng 17,6%. Xuất khẩu gạo, nông sản và tài nguyên thô vẫn chủ yếu sang Trung Quốc. 
Thưa ông, các số liệu trên đã nói lên điều gì? Theo quan điểm của ông, vướng mắc lớn nhất trong việc thoát khỏi phụ thuộc thị trường TQ là gì? 
 
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: - Điều đầu tiên là phân tích cơ cấu xuất nhập khẩu và có đối sách cho từng mặt hàng hay ngành hàng. Cụ thể, cần xem xét và có đáp án câu trả lời cho những vấn đề sau đây: 
 
- Đối với thiết bị, linh kiện và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng của VN: Cần tiếp tục nhập khẩu những gì có lợi cho nền kinh tế VN. Vấn đề là không nên chỉ dựa vào giá rẻ hay do bị mua chuộc mà hạ thấp tiêu chuẩn, hoặc cứ nhập mặc dù trong nước cũng có thể làm được, hoặc giảm chi phí do thông đồng trốn thuế hay buôn lậu.
 
Mặt khác, về lâu dài, bộ ngành liên quan của ta phải nghiên cứu và có chính sách để từng bước sản xuất những hàng hóa ấy để giảm bớt nhập khẩu. Thay thế nhập khẩu hợp lý cũng là một trong những chủ trương cần thiết để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
 
Vì sao 15 năm qua, VN vẫn phải nhập 80 - 90% sợi, vải, da, phụ liệu khác cho ngành dệt may, da giày xuất khẩu, mà không thể kéo xuống 40-50% hay thấp hơn như Trung Quốc và các nước khác đã làm? Trả lời câu hỏi này thuộc trách nhiệm của nhà nước, nhưng cũng là của các hiệp hội có liên quan. Có tiêu cực hay lợi ích nhóm gì ở đây không?
 
- Đối với nhập khẩu hàng tiêu dùng: nhập khẩu hàng tiêu dùng mà mình làm được sẽ dẫn đến hậu quả là giúp nước khác cạnh tranh với nước mình trên sân nhà, thậm chí giết chết sản xuất nội địa. Việt Nam đã làm được phích nước từ 40-50 năm trước, vì sao cứ phải nhập phích nước Trung Quốc? Còn nhiều điều tương tự như vậy, thậm chí nhập cả tăm xỉa răng.
 
Theo quy luật, một nước từ bỏ sản xuất nội địa và thay bằng nhập khẩu vì họ tập trung vào những mặt hàng, ngành hàng có giá trị gia tăng cao hơn và lợi thế so sánh lớn hơn. Ví dụ, họ giảm bớt sản xuất gạo, tập trung sản xuất hàng điện tử để xuất khẩu, từ đó có dư ngoại tệ để có thể nhập khẩu nhiều gạo hơn và cao cấp hơn cho dân họ tiêu dùng. Ta thì nhập khẩu những thứ ta làm tốt hơn Trung Quốc như thực phẩm, rau quả v.v…!
 
Ngoài ra, phải chấn chỉnh hiện trạng và cơ chế kinh doanh biên mậu, hay xuất nhập tiểu ngạch vì tình hình vừa qua là lợi bất cập hại.
 
- Xuất khẩu sang TQ: nói chung, phần lớn hàng chế biến của Việt Nam không thể cạnh tranh với hàng cùng loại Trung Quốc về giá cả nên không thể cạnh tranh. Chi phí đầu vào của hàng chế biến Việt Nam quá cao, trong đó có chi phí trung gian quá lớn, một phần do tham nhũng, tiêu cực. Để cạnh tranh được, Việt Nam phải có chính sánh hỗ trợ khôn ngoan, trung hạn và dài hạn, nhưng phải hợp lệ. Điều này, ta chưa làm được và trách nhiệm chủ yếu thuộc nhà nước, nhưng cũng có trách nhiệm của cả doanh nghiệp. 
 
Tóm lại, yếu kém của sản xuất trong nước, mà một phần trách nhiệm không nhỏ là thuộc về quản lý nhà nước vĩ mô, là nguyên nhân và cũng là khâu chủ yếu cần tháo gỡ. Tất nhiên, nếu doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các hiệp hội, không phát huy tinh thần yêu nước, lợi ích cộng đồng, tầm nhìn dài hạn, và chung tay với Chính phủ thì cũng không thể thành công. 
 
- Xét riêng khía cạnh công nghiệp, dù đã nếm đủ trái đắng từ công nghệ lạc hậu Trung Quốc, việc nhập khẩu thiết bị, công nghệ Trung Quốc vẫn không giảm bớt: lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam  trong 9 tháng năm 2014 đã tăng gần 200% so với cùng kỳ, chủ yếu là xe hổ vồ-nguyên nhân làm hỏng đường mà Bộ GTVT đang cố gắng xử lý xe quá tải; xi măng lò đứng bị xóa sổ, xi măng lò quay nhập về nhiều hơn và chủ yếu từ Trung Quốc, công nghệ dệt may, thép...  
 
PV:Đã có ý kiến lo lắng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn nhập công nghệ "rác" thứ hai từ Trung Quốc, trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang loại công nghệ lạc hậu, thoát bẫy thu nhập trung bình. Ông có nhận xét gì về sự lo lắng này không và vì sao?
 
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: - Trở thành bãi rác công nghệ là điều đau lòng. Trở thành bãi rác cho những sản phẩm làm ra từ công nghệ rác lại càng đau lòng hơn. Đối với những nước như Việt Nam, tình hình này khó tránh. Có hai điều phải làm:
 
Thứ nhất là phải có quy định pháp lý hợp lý và hợp lệ. Hợp lý là sát hợp và thuận lợi cho thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không buông lỏng, cũng không cực đoan. Hợp lệ là không được vi phạm các cam kết quốc tế. Do đó, phải rất khéo léo và biết học tập kinh nghiệm các nước trong việc này.
 
Thứ hai là tổ chức thực hiện tốt các quy định ấy. Cần nhất là tránh nhũng nhiễu, tiêu cực, ăn tiền của bên này hay bên kia rồi cho qua. 
 
PV:- Cũng ý kiến trên cho rằng, Việt Nam dù đặt quyết tâm vẫn khó thoát khỏi việc nhập công nghệ lạc hậu bởi lẽ: về giá bán, Trung Quốc sẵn sàng bán giá siêu rẻ; về yêu cầu kỹ thuật để vận hành, công nghệ Trung Quốc rất dễ tính, phù hợp với trình độ nhân lực thấp như VN. Nếu đồng tình với quan điểm trên, liệu có thể hiểu, việc "thoát Trung" phải dựa vào nội lực của bản thân nền kinh tế mà điều này đang thiếu ở Việt Nam? 
 
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: - Tôi không thích khẩu hiệu “thoát Trung”vì dễ gây hiểu lầm là kỳ thị doanh nghiệp và hàng hóa Trung Quốc. Chúng ta chỉ muốn hội nhập tốt để xây dựng nền kinh tế Việt tự chủ, phát triển cao và bền vững.
 
Như tôi đã nhấn mạnh, là láng giềng của một nền kinh tế mạnh như TQ đem lại nhiều cơ hội, và VN cũng có thế mạnh của mình. Hãy làm cho kinh tế TQ cũng cần VN, nhưng hai bên cần nhau một cách lành mạnh, cùng có lợi. Giao thương với TQ có thể giúp VN phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, với điều kiện phải có chính sách đúng, khôn ngoan và sự thống nhất hành động của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là không vì lợi ích cá nhân hay cục bộ, “ăn xổi, ở thì”, chụp giật, thậm chí phá nhau. 
 
PV:- Nhìn tổng thể nền kinh tế, động lực của nền kinh tế là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chết hàng loạt, các DNNN làm ăn thua lỗ liên miên, nông nghiệp là người khổng lồ chân đất sét, chúng ta phải đặt vấn đề việc giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc như thế nào là phù hợp, để quyết tâm đi liền với hành động? Cùng với đó, nền kinh tế Việt Nam cần phải thay đổi điều gì đầu tiên để có thể bắt đầu nghĩ tới việc đứng vững trên đôi chân của mình?
 
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: - Điều đầu tiên là phải tâp trung chuyển đổi mô hình và phương thức tăng trưởng, khởi đầu bằng việc định hình một chiến lược tái cơ cấu toàn diện, tất nhiên, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, cách thức.
 
Nói nôm na, phải xác định lại cả hướng đi, thiết kế lại đường ray, đại tu cả đoàn tàu và xây dựng lại lộ trình mới. Ví dụ: tại sao không thể xác định nông nghiệp công nghệ cao, sinh học công nghệ cao, công nghệ thông tin và dịch vụ (dựa vào kinh tế biển và du lịch) là hướng phát triển để có một nước VN giàu mạnh? Đó là chưa kể, không thể đổi mới kinh tế và tạo bước đột phá nếu thiếu những chuyển biến đồng bộ về chính trị, về văn hóa, xã hội, mà hiện nay nhiều quan điểm còn đang “ngập ngừng”, thậm chí trái chiều nhau. 
 
Tóm lại để đưa nền kinh tế VN vượt lên giai đoạn phát triển mới về chất, cần phải có sự tổng hợp lực của nhiều yếu tố, nhiều lực lượng, mà trước hết là nhân tố lãnh đạo chính trị, đội ngũ doanh nhân, giới khoa học, giáo dục và văn hóa, và các tầng lớp xã hội khác. Nghĩa là yếu tố con người.
 
Trong đó, nổi lên vai trò dẫn dắt của các nhà lãnh đạo, tức là những người lái tàu. Nếu có được cơ chế chọn lọc được và trọng dụng người tốt và giỏi, có khả năng xử lý thích đáng người sai phạm, thay thế kịp thời người kém cỏi, qua đó hình thành được văn hóa lãnh đạo trọng danh dự, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đồng thời có chính sách đãi ngộ hợp lý với họ thì VN sẽ thành công. Thành bại phụ thuộc vào điều này. Đó cũng là điều mà nhân dân đang đòi hỏi và kỳ vọng.
 
PV:- Xin cảm ơn ông!
-------------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo