Lực lượng chức năng tiếp tục triệt phá hàng triệu nhãn mác làm giả các thương hiệu nổi tiếng để đính lên các mặt hàng thành phẩm.
Ngày 2/11, Đội quản lý thị trường 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra tình trạng buôn bán hàng giả tại chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội phát hiện và tịch thu hàng triệu nhãn mác giả các thương hiệu lớn.
Theo đó, tại cơ sở sản xuất quần áo, phụ liệu ngành may do bà Nguyễn Thị Nga ( địa chỉ tại xóm 9, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) làm chủ hộ kinh doanh, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này có hành vi sản xuất, buôn bán tem nhãn, vật phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.
Qua kiểm tra, Đội quản lý thị trường số 14 tạm giữ hàng triệu tem nhãn, vật phẩm và hàng nghìn sản phẩm may mặc giả mạo. Trong đó, Nhãn Lacoste giả là 510.000 chiếc, nhãn Tommy giả là 53.000 chiếc, nhãn Nike là 32.000 chiếc, nhãn Adidas là 30.000 chiếc, nhãn Zara là 57.000 chiếc, nhãn puma là 18.000 chiếc, nhãn D&G là 5000 chiếc, nhãn Gucci là 20.000 chiếc, nhãn Burberry: 280.000 chiếc, nhãn Chanel: 23.000 chiếc
Theo ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng đội QLTT số 14, việc bắt giữ nhãn mác giả đồng nghĩa với việc ngăn chặn hàng triệu sản phẩm hàng nhái “hô biến” thành các thương hiệu nổi tiếng trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, tại cơ sở này lực lượng chức năng còn thu giữ 1.125 chiếc áo thành phẩm nhãn Burberry, 280 chiếc váy trẻ em nhãn GAP, 5 chiếc máy may, bàn là, máy vắt sổ. Toàn bộ hàng triệu nhãn mác, và số hàng áo, váy, thiết bị may mặc đều được cơ quan kiểm tra thu giữ, hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, sáng ngày 6/8, Đội quản lý thị trường số 14 (Chi cục quản lý thị trường Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh phụ kiện may mặc ở xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) thu giữ gần 6 vạn nhãn mác và vật phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng.
Theo đó, tại cơ sở kinh doanh phụ kiện ngành may Tươi Hùng tại đường Ninh Hiệp, thôn Trùng Quán (xã Ninh Hiệp), lực lượng quản lý thị trường thu giữ 6.000 nhãn Burberry, 1.350 nhãn Chanel, 450 nhãn Gucci, 4.800 nhãn D&G, 4.800 vật mang nhãn D&G.
----------------------------
Sau hơn 10 năm triển khai Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, 5 năm triển khai Dự án giao rừng về cộng đồng quản lý, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân sống nhờ rừng.
5 năm giữ rừng… không công!
Đây là câu chuyện được người dân ở đây nhắc đến mỗi khi bàn về việc giao đất giao rừng về cho cộng đồng quản lý. 5 năm qua, những người dân ở xã Hương Sơn và Hương Lộc (huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chưa nhận được bất kỳ một lợi ích nào từ việc bảo vệ rừng cộng đồng. Động cơ duy nhất để các hộ dân nhận rừng là để được khai thác một phần lâm sản khi rừng già. Nhưng đó chỉ là cái mà người dân hy vọng, chứ theo như dân ở đây cho biết thì cũng chưa có bất cứ một văn bản nào cho phép.
Khi giao rừng, vấn đề quyền lợi cho người dân không được xác định rõ ràng nên đến nay, nghĩa vụ người dân vẫn thực hiện nhưng quyền lợi thì chưa được hưởng. Rừng được giao về trong cộng đồng, các gia đình tham gia vào dự án rừng cộng đồng hàng tháng luân phiên nhau thay ca đi tuần tra bảo vệ.
Cũng theo nhiều người dân địa phương, nếu cứ tiếp tục như vậy mãi thì không biết liệu năm hay 10 năm sau, không có một chút hỗ trợ gì cho người dân thì người dân có tiếp tục được công việc này nữa hay không bởi họ vẫn phải chạy kiếm cái ăn hằng ngày.
Qua trao đổi trực tiếp về vấn đề này, ông Trương Xàng, Phó Hạt trường Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông xác nhận: “Chính sách hưởng lợi từ rừng tự nhiên vẫn chưa rõ khiến cơ quan chức năng rất khó khi thực hiện. Luật không quy định rõ cơ quan nào xác định trữ lượng, đánh giá thẩm định, cho phép khai thác. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có hỗ trợ gì cho người dân để bảo vệ rừng”.
Rừng nghèo kiệt, cây gỗ gãy đổ: dân không được đụng tới !
Trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông có nhiều diện tích đất rừng tự nhiên liệt vào diện rừng nghèo kiệt, rừng bìm không có khả năng phát triển. Tuy nhiên, khi quy hoạch thì những diện tích này lại không được công nhận là rừng nghèo kiệt. Sở dĩ có điều này là do luật quy định, rừng có từ 50m3/ha gỗ thì rừng đó không phải là từng nghèo kiệt. Nhưng trên thực tế, rừng chỉ cần vài ba cây gỗ lớn là đã đủ tiêu chí này. Và hiển nhiên là diện tích đất rừng này không được chuyển đổi sang rừng sản xuất.
Thực tế này đã tồn tại ở địa phương từ lâu, biết là rừng nghèo kiệt, muốn xin để chuyển đổi mục đích sang trông cây keo, cao su… nhưng chính quyền không thể cấp phép mặc dù vẫn biết thực chất đó là rừng nghèo kiệt. Vì hưởng lợi không có gì nên một số hộ dân quản lý rừng ở đây đã tự ý chuyển đổi trái phép đất lâm nghiệp trong rừng được giao sang trồng keo.
Một thực trạng nữa là sau mùa bão, cây gỗ lớn gãy đổ trong rừng khá nhiều, rừng do dân quản lý bảo vệ đó nhưng dân muốn tận thu phải qua nhiều cửa hành chính với đơn từ phức tạp. Dân sợ thủ tục hành chính, chính quyền do phải có đơn mới giải quyết được. Mà giải quyết cũng phải qua ban này ban kia nên vấn đề tận thu lâm sản đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
Tất cả bà con ở Nam Đông đã giữ rừng không công cho nhà nước trong suốt 5 năm qua
Nhiều rừng nghèo kiệt về mặt "thực chất" ở Nam Đông, Huế không được đưa vào diện này do trữ lượng gỗ/đất vượt quá tiêu chuẩn. Nên không thể chuyển đổi sang rừng sản xuất
“Chúng tôi thay mặt bà con có xin cấp trên rồi, nhưng phía xã sợ người dân khai thác những cây còn sống. Khi gửi đơn lên huyện thì phải qua ủy ban rồi qua địa chính, kiểm lâm… cũng phải mấy tháng mà chẳng có kết quả”- chú Phạm Tô, Tổ trưởng tổ quản lý rừng thôn 1, xã Hương Lộc, huyện Nam Đông chia sẻ.
Trả lời vấn đề này, ông Trương Xàng, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Nam Đông cho biết thêm: “Dân làm đơn nhưng huyện không dám ký bởi vì theo thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì phải có quyết định mở cửa rừng và lập kế hoạch khai thác thì mới được ký. Nếu cho phép người dân tận thu gỗ khi chưa có lực lượng giám sát thì sẽ không đảm bảo được việc người dân khai thác luôn cả những cây đang sống”.
Cũng theo lời ông Sàng thì rất cần thiết, sắp tới cần phải có những văn bản dưới luật cụ thể, các văn bản pháp lý phân công cụ thể cho các cơ quan chức năng thực hiện, nhằm hướng dẫn người dân làm đơn xin tận thu và đơn giản hóa việc xin “mở cửa rừng”.
---------------------------
Ông Huỳnh Uy Dũng tuyên bố sẽ đóng cửa Khu du lịch Đại Nam
Trước sự o ép DN bất bình thường trên, ông Dũng tuyên bố sẽ “đóng cửa Khu du lịch Đại Nam”…
Trong 51 ngày (từ 8/9-28/10/2014), tỉnh Bình Dương (BD) đã ban hành tới 12 văn bản (trung bình 4 ngày ra một văn bản) cấp tập gửi tới Cty CP Đại Nam, liên quan tới việc thu hồi quyền sử dụng 61,4ha đất ở của Cty Đại Nam - nguyên do ông Huỳnh Uy Dũng (TGĐ Cty Đại Nam) tố cáo ông Lê Thanh Cung (Chủ tịch UBND tỉnh BD) hơn một năm nay. Trước sự o ép DN bất bình thường trên, ông Dũng tuyên bố sẽ “đóng cửa Khu du lịch Đại Nam”…
Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) có Kết luận số 1549/KL-TTCP ngày 4/7/2014, về vụ tố cáo của ông Dũng đối với Chủ tịch tỉnh BD (hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tổng TTCP xem xét lại kết luận này, vì có dấu hiệu sai phạm Luật Tố cáo), thì ngày 8/9/2014, Chủ tịch UBND tỉnh BD đã lập tức “phản đòn” ông Dũng bằng việc ra quyết định số 2173/QĐ-UBND, thu hồi thời hạn “lâu dài” đối với quyền sử dụng đất khu đất ở 61,4 ha của Cty Đại Nam.
Ngày 9/9/2014, Sở TN-MT tỉnh BD ra văn bản yêu cầu Cty Đại Nam nộp hồ sơ và giấy chứng nhận QSDĐ 61,49 ha khu đất ở. Và, như “hình sự hóa” vụ việc, ngày 16/9/2014, Công an tỉnh BD đã ra giấy mời một số cán bộ, nhân viên Cty Đại Nam xét hỏi về nội dung kinh doanh của Cty Đại Nam liên quan đến khu đất trên… Trước tình hình này, Cty Đại Nam đã có văn bản đề nghị chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh BD tạm dừng các hành động trên, vì Cty đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin xem xét lại Kết luận của TTCP…
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh BD, vẫn ra hàng loạt văn bản yêu cầu Cty Đại Nam “nghiêm túc chấp hành” văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Mặt khác, tiếp tục chỉ đạo Sở TNMT và Công an tỉnh BD cấp tập ra văn bản và giấy mời lần 2, lần 3… ép Cty Đại Nam phải nộp trả lại Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) do UBND tỉnh BD đã cấp hợp pháp cho Cty Đại Nam trước đây.
Bên cạnh đó, còn ra văn bản “thoái thu đối với tiền sử dụng đất thu thừa của khu ở thuộc Cty Đại Nam” (?!)… (Cách đây 7 năm, khi cấp sổ đỏ khu đất ở 61,4 ha cho Cty Đại Nam, tỉnh BD thu đúng, thu đủ tiền sử dụng đất của DN. Nay, do tỉnh đòi lại sổ đỏ, lại đổ cho “thu thừa”, trả lại tiền cho DN).
Ngày 8/10/2014, Văn phòng Chính phủ đã ra công văn số 7868/VPCP-V.I, gửi Tổng TTCP cho biết: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổng TTCP xem xét, giải quyết nội dung tố cáo dấu hiệu sai phạm của Kết luận số 1549 và báo cáo Thủ tướng. Thế nhưng, ngày 22/10/2014, Cục Thuế tỉnh BD tiếp tục ra quyết định số 6434/QĐ-CT, về việc thanh tra thuế Cty Đại Nam từ năm 2009 đến nay.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh BD ban hành Công văn 3649/UBND-KTN chỉ đạo các sở, ngành, công an tỉnh làm việc với Cty Đại Nam… Ngày 28/10/2014, Cục Thuế tỉnh BD ban hành Giấy mời số 11947/GM-CT yêu cầu Cty Đại Nam xác định lại nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất đối với đất khu ở…
Theo ông Phạm Đình Khương – phó Tổng GĐ Cty CP Đại Nam - thời gian gần đây, việc Cty Đại Nam bị thanh, kiểm tra thuế với mật độ dày đặc là có dấu hiệu không bình thường. Ông Khương cho biết: Ngày 23/10/2012, Tổng Cục Thuế đã có quyết định số 1647/QĐ-TCT kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại Cty Cổ phần Đại Nam (thời kỳ kiểm tra năm 2011). Ngày 21/8/2013, Kiểm toán Nhà nước có văn bản gửi Cục Thuế tỉnh BD về việc yêu cầu cung cấp số liệu để thực hiện kiểm tra, đối chiếu về nghĩa vụ với ngân sách nhà nước từ năm 2010 - 2012.
Ngày 24/7/2014, Cục Thuế tỉnh BD có quyết định thanh tra thuế tại Cty Đại Nam (thời kỳ thanh tra năm 2012). Ngày 20/10/2014, Cty Đại Nam lại nhận được quyết định thanh tra thuế số 6434/QĐ-CT, ngày 16/10/2014 của Cục Thuế tỉnh BD về việc thanh tra thuế tại Cty Đại Nam (thời kỳ thanh tra từ năm 2009 đến nay). Như vậy, trong 3 tháng, Cty Đại Nam liên tiếp nhận được 2 quyết định thanh tra của Cục Thuế BD đối với Cty Đại Nam. Liệu có gì không bình thường trong việc chỉ đạo thanh tra thuế liên tục đối với Cty Đại Nam?
Hơn nữa, thời kỳ năm 2011 đã được Tổng Cục Thuế kiểm tra và có kết luận; tương tự, thời kỳ năm 2012, Cục Thuế đã thanh tra và kết luận. Theo quy định của pháp luật về thanh tra, Cục Thuế tỉnh không có quyền thanh tra, kiểm tra lại vụ việc mà Tổng Cục Thuế đã kết luận, cũng như những vụ việc mà Cục Thuế tỉnh đã kết luận. Thời kỳ năm năm 2011 và năm 2012 đã được thanh tra, kiểm tra, tại sao nay lại thanh tra?
Ông Huỳnh Uy Dũng - Tổng GĐ kiêm Chủ tịch HĐQT Cty CP Đại Nam - cho rằng: “Hành vi o ép DN của chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh BD đã và đang đẩy DN tột cùng của khó khăn, bất chấp Thủ tướng đang chỉ đạo xem xét lại kết luận của TTCP. Nếu tình hình này vẫn không thay đổi, tôi sẽ quyết định đóng cửa hoàn toàn Khu du lịch Đại Nam và các hoạt động khác của Cty CP Đại Nam, để chờ đợi kết quả giải quyết của Thủ tướng đối với các hành vi vi phạm của Chủ tịch UBND tỉnh BD đối với Cty Đại Nam”.
Trước đó, tháng 9/2014, ông Huỳnh Uy Dũng đã công bố sẽ mang toàn bộ lợi nhuận của Cty Đại Nam trong 16 năm (2014 – 2030), cùng phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM mổ tim miễn phí cho trẻ em nghèo trên cả nước… Việc khu du lịch Đại Nam và Cty Đại Nam bị đóng cửa, coi như dập tắt luôn cơ hội của hàng ngàn trẻ em được mổ tim miễn phí.
----------------------------
Công an, quân đội truy nguồn gốc lựu đạn nổ nát tay bé trai
Quả lựu đạn được Thành và người bạn nhặt ở mép bờ sông rồi đem về chơi. Không ngờ, khi tháo kíp thì phát nổ khiến nam sinh 11 tuổi bị thương nặng.
Liên quan đến vụ nổ lựu đạn nhựa làm 2 học sinh bị thương xảy ra ở phường Bến Thủy (TP Vinh, Nghệ An) vào ngày 31/10, một trong hai em sau khi cấp cứu đã trở về nhà ngay trong ngày.
Riêng cháu Lê Công Thành (11 tuổi), người trực tiếp cầm quả lựu đạn tháo kíp nổ phải chuyển ra Bệnh viện 108 tiếp tục cấp cứu điều trị. Sau khi được phẫu thuật, hiện Thành đã có thể đi lại.
"Rất may là vụ nổ không làm hai cháu bị thương quá nghiêm trọng, khuôn mặt vẫn còn nguyên vẹn. Cháu Thành thường ngày vốn nghịch, hiếu động nhưng giờ tỏ ra sợ hãi lắm”, bà Chiến (bà của hai nạn nhân) cho biết.
Theo lời bà Chiến, trưa 31/10, như thường lệ, vừa ăn cơm xong thì Thành mang đồ chơi ra để xếp hình. Lúc này, những người còn lại trong nhà vẫn đang ngồi bên mâm cơm. Thấy Thành lấy trong cặp ra một quả lựu đạn nhựa màu xanh, ông Sơn (ông ngoại Thành, chồng bà Chiến) giật mình truy hỏi.
Khi cầm lên xem, thấy vỏ bằng nhựa nên ông nghĩ là đồ chơi và cho cháu chơi tiếp. Nào ngờ, khi ông Sơn vừa quay vào để rửa tay, Thành giật kíp khiến quả mìn phát nổ.
“Tôi đang ngồi bên mâm cơm nghe tiếng nổ lớn. Ngoảnh lại thì thấy hai cháu nằm sõng soài dưới nền nhà, máu chảy nhiều. Ngay sau đó mọi người lập tức đưa cháu đi viện cấp cứu”, bà Chiến nhớ lại.
Do vết thương nặng, cháu Thành được chuyển thẳng ra Hà Nội tiếp tục cứu chữa. Ngày hôm sau (1/11) bệnh nhân được phẫu thuật, gắp các vật nhọn ra khỏi vết thương. Riêng tay trái buộc phải tháo đốt ở mấy ngón bị dập nát.
Trong khi đó, theo công an phường Bến Thủy, đơn vị vẫn đang truy tìm nguồn gốc của quả lựu đạn. Trung tá Lê Thanh Hải, Phó trưởng công an phường cho hay, đơn vị đã vào cuộc điều tra, xác minh xuất xứ của quả lựu đạn. Bước đầu, theo lời khai của người nhà và cháu Linh, quả lựu đạn được Thành nhặt được nơi khác đem về chơi.
Theo lời kể, sáng 31/10, Thành và một người bạn cùng lớp rủ nhau ra bờ sông Lam xem chiếc thuyền thật để về làm mô hình. Khi đứng cạnh đống rác gần cảng Bến Thủy (mép sông Lam) hai em thấy quả lựu đạn nhựa màu xanh liền nhặt lên đem về. Buổi trưa, Thành đưa ra chơi thì vật này phát nổ khiến em bị thương.
Một điều tra viên cho hay, điều đáng quan tâm là tại sao quả lựu đạn lại nằm ở đống rác. “Công an phường đang phối hợp với phía quân đội tiếp tục điều tra làm rõ, sớm truy tìm ra nguồn gốc của nó”, người này cho hay.
-----------------------------
Viện trưởng làm đám cưới cho con tại nhiệm sở vì nhà có tang
Một tuần trước khi con gái lên xe hoa, mẹ chồng bà Thạnh đột ngột qua đời. Để tránh ảnh hưởng ngày vui con gái, nữ cán bộ này đã xin lãnh đạo cho phép tổ chức cưới tại nhiệm sở.
Ngày 3/11, Viện KSND tỉnh Thanh Hóa đang xem xét xử lý vụ việc bà Nguyễn Thị Thạnh - Viện trưởng VKSND huyện Vĩnh Lộc tổ chức dựng rạp đám cưới cho con gái ngay tại nhiệm sở gây xôn xao dư luận.
Trước đó, ông Lê Văn Đồng - Phó viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa đã ký văn bản báo cáo vụ việc lên cấp trên.
Theo đó, Viện trưởng Thạnh có con gái tên là Nguyễn Thị Thương (nhân viên hợp đồng tại đơn vị). Theo kế hoạch, Thương sẽ tổ chức lễ thành hôn vào ngày 31/10/2014. Tuy nhiên, một tuần trước khi tiễn con gái lên xe hoa, mẹ chồng bà Thạnh đột ngột qua đời.
Do hai bên gia đình đã thống nhất thời gian tổ chức hôn lễ và thiệp mời đã gửi đi, bà Thạnh đã báo cáo Huyện ủy Vĩnh Lộc cho phép mượn khuôn viên trụ sở nơi bà làm Viện trưởng để dựng rạp, tổ chức đám cưới cho con gái.
“Hoàn cảnh gia đình đồng chí Thạnh có lý do đặc biệt cần được thông cảm, giúp đỡ. Lãnh đạo Vĩnh Lộc đã đồng ý để bà Thạnh tổ chức và cam kết không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị”, văn bản báo cáo ghi rõ.
Sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo VKSND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu bà Thạnh giải trình và cho biết, sự việc xảy ra rất đáng tiếc, trái với quy định ngành, dễ khiến dư luận hiểu lầm nên cần rút kinh nghiệm nghiêm túc.
----------------------------