Ấn Độ lại tố Trung Quốc xâm nhập
Truyền thông Ấn Độ hôm 3-11 cho biết tàu Trung Quốc gần đây xâm nhập trái phép hồ Pangong, gần vùng Ladakh do nước này kiểm soát, đồng thời triển khai quân đội vào sâu khoảng 5 km trên đất liền. Lực lượng biên phòng Ấn Độ đã ngăn chặn 2 vụ xâm nhập trên. Khi quân đội 2 bên đối mặt, họ cùng vẫy biểu ngữ khẳng định chủ quyền vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Cuối cùng, tàu và binh sĩ Trung Quốc phải rút lui sau khi phía Ấn Độ kiên quyết không nhượng bộ.
Trong một diễn biến liên quan, Sri Lanka vừa cho phép tàu ngầm Changzheng-2 và tàu chiến Chang Xing Dao của Trung Quốc cập cảng ở thủ đô Colombo hôm 31-10, gây quan ngại cho Ấn Độ. Hai tàu này ở lại 5 ngày để tiếp nhiên liệu cũng như cho thủy thủ nghỉ ngơi. Theo Reuters, Bắc Kinh đầu tư mạnh cho Colombo những năm gần đây, như tài trợ cho các sân bay, đường bộ, đường sắt và cảng biển..., ít nhiều ảnh hưởng đến quan hệ giữa New Delhi và đảo quốc 21 triệu dân này.
-------------------------
Đức phản đối Anh hạn chế dân nhập cư châu Âu
Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 3-11 tuyên bố Đức muốn Anh vẫn là thành viên hoạt động và tham gia Liên minh châu Âu (EU) nhưng không chấp nhận kế hoạch hạn chế dân nhập cư châu Âu của Thủ tướng David Cameron.
Đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron trước cuộc tổng tuyển cử tháng 5-2015 đã cam kết hạn chế số lượng dân nhập cư từ EU vào Anh nếu tái đắc cử. Kế hoạch của ông Cameron đã vấp phải sự phản đối của bà Merkel.
Tạp chí Der Spiegel (Đức) trích nguồn tin chính phủ nước này cho biết bà Merkel lo ngại Anh đã tới giới hạn “không thể quay đầu” nếu vẫn giữ lập trường hạn chế người nhập cư EU. Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu ngày 25-10 vừa qua, bà Merkel nhấn mạnh sẽ không mang vấn đề này lên bàn đàm phán.
“Chúng tôi có những nguyên tắc cơ bản về di cư tự do. Chúng tôi sẽ không can thiệp vào việc đó” – nữ thủ tướng Đức trả lời báo giới.
Trước đó, chính quyền Berlin khẳng định tất cả công dân EU đều có quyền sống và làm việc tại các nước thành viên. Đó là quyền bất khả xâm phạm. Do vậy, chính sách cấm người nhập cư EU không có việc làm vào Anh và trục xuất những công dân EU không thể để tự nuôi mình sau 3 tháng của Thủ tướng Cameron sẽ vi phạm nghiêm trọng những quy tắc cơ bản của liên minh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne tuyên bố London sẽ theo đuổi lợi ích quốc gia ở châu Âu bất chấp cảnh báo của Đức về tương lai nước Anh tại EU. Thủ tướng Anh Cameron cũng bày tỏ ý định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc có tiếp tục trở thành thành viên EU hay không nếu ông tái đắc cử vào năm tới.
-------------------------
Mua xác chết, 2 quan chức Trung Quốc bị bắt
Hai quan chức ở tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc vừa bị bắt sau khi mua xác chết từ những kẻ cướp mộ để bảo đảm đạt chỉ tiêu hỏa táng do chính phủ đề ra.
Theo Tân Hoa Xã hôm 3-11, 2 quan chức này - danh tính không được tiết lộ - đều phụ trách cải cách quản lý việc chôn cất ở địa phương và phải mua thi thể vì sợ không đạt chỉ tiêu về số người chết được hỏa táng mỗi tháng. Một quan chức đã chi 4.890 USD để mua 10 xác chết trong khi người còn lại trả 245 USD cho mỗi thi thể.
Vụ việc kinh dị này bị phanh phui sau khi một người đàn ông ở thị trấn Bắc Lưu, tỉnh Quảng Tây phát giác thi thể ông nội mình bị trộm hồi tháng 6. Cảnh sát Bắc Lưu sau đó bắt giữ được nghi phạm và người này khai nhận đào trộm hơn 20 thi thể ở các nghĩa địa vào ban đêm và bán cho 2 quan chức nói trên.
Theo truyền thống lâu đời ở Trung Quốc, những người chết thường được gia đình chôn cất với niềm tin giúp họ có một cuộc sống tốt ở thế giới bên kia cũng như thuận tiện cho việc thờ cúng.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích hỏa táng để tiết kiệm đất đai cho phát triển nông nghiệp. Chính sách này vấp phải sự phản đối của không ít người, đặc biệt là ở nông thôn. Nhiều gia đình vẫn bí mật chôn cất người thân bất chấp quy định nêu trên.
Chưa hết, nhà chức trách Trung Quốc còn đang đau đầu trước tình trạng bán thi thể phụ nữ cho các “đám cưới ma”. Mới đây, cảnh sát bắt giữ 11 người liên quan tới vụ trộm xác một phụ nữ từ nghĩa địa một ngôi làng ở tỉnh Sơn Đông và bán cho một đầu nậu với giá gần 3.000 USD. Một nghi phạm khai nếu xác chết càng mới thì giá bán càng cao.
Trước đó, vào năm 2009, một người đàn ông tại tỉnh Thiểm Tây chi 5.390 USD để thuê những người chuyên đào mồ tìm “cô dâu ma” cho con trai tử vong sau tai nạn ô tô. Năm 2011, cũng tại Thiểm Tây, một phụ nữ đang mang thai bị sát hại và bán cho một “đám cưới ma” với giá gần 3.600 USD.
“Đám cưới ma” là hủ tục chôn tử thi nam với xác chết nữ để họ nên duyên vợ chồng ở thế giới bên kia. Hủ tục này vẫn tồn tại ở một số khu vực nông thôn các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Nam, Hà Bắc, Quảng Đông...
-------------------------
Du lịch chiến tranh” ở Đông Ukraine
Theo Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), nhiều người Nga đi thành từng nhóm 7-8 người cùng các tình nguyện viên người Nga và xe của họ không bị kiểm tra tại các chốt kiểm soát của phe ly khai. Đối với công dân Nga, chuyến đi trải nghiệm không khí chiến tranh trong 3-4 ngày như thế có giá từ 1.000 USD.
Cổng thông tin Segodnya cho biết du khách Nga sẽ được bắn súng, tiếp xúc với quân ly khai, chụp ảnh và quay phim. Tuy nhiên, họ không được hưởng chính sách bảo hiểm nào và tất cả đều biết rõ nguy cơ không thể trở về.
Bộ Tham mưu chiến dịch chống khủng bố của Ukraine khẳng định thông tin trên. Người phát ngôn Vladislav Seleznev nhấn mạnh: “Có rất nhiều người Nga tham gia loại hình du lịch này nhưng chúng tôi không bắt họ”.
Bộ Nội vụ Ukraine khởi tố và truy nã diễn viên Nga Mikhail Porechenkov (bìa phải) do du lịch đến Donetsk, dùng súng máy của quân ly khai bắn vào lực lượng
Ở TP Donetsk thuộc Đông Ukraine, người ta bắt gặp ngoài đường phố những quảng cáo với tên gọi thật kêu: “Đi theo dấu chân quân đội Ukraine”. Du khách được chở đến các thành phố và các khu vực xảy ra chiến sự với giá từ 1.000 - 8.000 Hryvnia (từ 1,6 - 13 triệu đồng).
Trong một diễn biến khác, ông Alexander Zakharchenko, Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống DPR hôm 2-11. Thủ tướng Igor Plotnitsky cũng chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tại Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng với 63,04% số phiếu bầu.
Hãng Itar-Tass đưa tin các đại biểu quốc hội Nga làm nhiệm vụ quan sát viên trong cuộc bầu cử ở Donbass cho rằng cuộc bỏ phiếu diễn ra hợp pháp và được Nga công nhận.
Đáp lại, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông Mark Stroh, hôm 3-11 tuyên bố Mỹ không công nhận các kết quả bầu cử trên, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế làm điều tương tự. Theo ông Stroh, Mỹ đã khuyên Nga không sử dụng kết quả bầu cử ở DPR và LPR làm tiền đề để đưa quân vào Ukraine.
Trong khi đó, cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, ông Zoryan Shkiryak, tuyên bố Kiev sẽ không cho phép tái diễn kịch bản Crimea và những kẻ tổ chức cuộc bầu cử ở DPR và LPR sẽ bị trừng trị.
---------------------------
IS thảm sát 322 người Sunni
Chính phủ Iraq cho biết ít nhất 322 thành viên của bộ tộc Al-Bu Nimr đã bị các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thảm sát trong tuần qua, bao gồm hàng chục phụ nữ và trẻ em bị ném thi thể xuống giếng.
Thủ lĩnh bộ tộc Al-Bu Nimr, Sheikh Naeem al-Ga'oud thông báo 75 thành viên của bộ tộc này bị bắn chết hôm 2-11 ở gần thị trấn Haditha, phía Tây Iraq khi đang tìm đường chạy trốn khỏi ngôi làng Zauiyat Al-Bu Nimr.
Theo Bộ Nhân quyền Iraq (HRM), ít nhất 322 người thuộc bộ tộc Al-Bu Nimr bị IS thảm sát chỉ tính riêng trong tuần qua. Khoảng 50 thi thể phụ nữ và trẻ em bị chúng vứt xuống giếng.
Trước đó, ngày 31-10, thủ lĩnh Ga'oud nói với hãng tin Reuters rằng 50 thành viên của bộ tộc đã bị IS thảm sát ở tỉnh Anbar. Họ bị IS chặn lại khi băng qua khu vực sa mạc gần hồ Tharthar.
Hầu hết các thành viên bộ tộc bị IS chôn trong những ngôi mộ tập thể. Sáng ngày 30-10, lực lượng an ninh TP Ramadi, tỉnh Anbar phát hiện ngôi mộ chứa hơn 150 thi thể. Một ngôi mộ khác chứa 70 người đàn ông Al-Bu Nimr cũng được tìm thấy gần thị trấn Hit, cách TP Ramadi khoảng 80 km về phía Tây Bắc.
Al-Bu Nimr được biết đến là một bộ tộc người Sunni theo đuổi đường lối chống IS. Ông Ga'oud than phiền chính quyền Baghdad không chi viện vũ khí và nhân lực cho bộ tộc dù được yêu cầu.
IS hiện kiểm soát một vùng đất rộng lớn của tỉnh Anbar – khu vực chiến lược vì nó trải dài từ biên giới Syria xuống thủ đô Baghdad của Iraq. Nhóm này còn kiểm soát một căn cứ không quân và đang bao vây con đập Haditha trên sông Euphrates.
----------------------------