Hơn 91.000 lao động Việt đi làm việc ở nước ngoài trong 10 tháng
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo số liệu từ các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt đi làm việc ở nước ngoài trong 10 tháng qua là 91.143 lao động (trong đó có 34.232 lao động nữ), vượt 4,76% so với kế hoạch năm 2014 và bằng 129,54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong tháng Mười đã có 7.774 lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường: Đài Loan (Trung Quốc) 3.895 lao động, Nhật Bản 1.784 lao động, Hàn Quốc 962 lao động, Malaysia 295 lao động, Saudi Arabia 296 lao động, Macau (Trung Quốc) 207 lao động và các thị trường khác.
Như vậy, trong 10 tháng đầu năm 2014, thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc nhiều nhất là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với 53.851 người, tiếp theo lần lượt là Nhật Bản 16.283 người, Hàn Quốc 6.662 người, Maylaysia 4.553 người…
Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) liên tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong những năm gần đây. Năm 2014, tổng chi phí đi Đài Loan theo quy định đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giảm từ không quá 4.500 USD (năm 2013) xuống không quá 4.000 USD/người và sẽ xem xét điều chỉnh chi phí đi Đài Loan (Trung Quốc) giảm dần theo từng năm để tạo điều kiện cho người lao động.
Mặt khác, để chấn chỉnh việc doanh nghiệp thu phí của người lao động sai quy định, giữ lương và khấu trừ tiền ăn-ở từ lương của người lao động, trong năm nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã xử phạt tạm dừng hoạt động có thời hạn của hơn 40 công ty xuất khẩu lao động đi Đài Loan (Trung Quốc).
Đối với thị trường Hàn Quốc, toàn bộ số lao động đi làm việc tại thị trường này trong năm nay đều theo Bản ghi nhớ đặc biệt giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc EPS (MOU).
Đến hết tháng 11.2014, khi bản ghi nhớ hết hiệu lực, Chính phủ hai nước sẽ đánh giá quá trình thực hiện và xem xét việc có tiếp tục đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian tới hay không.
-------------------------
Năm 2014, thất thu ngân sách 8 tỷ đồng do thuốc lá nhập lậu
Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, theo số liệu điều tra trong những tháng đầu năm 2014, mặc dù sản lượng sản xuất thuốc lá trong nước giảm, nhưng nhu cầu tiêu dùng thuốc lá không giảm. Thay vào đó là lượng thuốc lá nhập lậu tăng đột biến. Số thuốc lá nhập lậu năm 2013 là 21,9 tỷ điếu, chiếm 20,7% thị phần. Riêng 9 tháng đầu 2014, thuốc lá lậu đã tăng lên 30-40%.
Nếu như trước đây, thuốc lá lậu xuất hiện chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, thì nay đã xuất hiện thêm, lan tràn ở hầu hết các tỉnh miền Trung, miền Bắc và trên phạm vi toàn quốc. Trước đây, thuốc lá lậu chủ yếu là JET và HERO (giá khoảng 14.000đ/bao) thì mới đây xuất hiện nhiều loại thuốc lá lậu giá rẻ, chất lượng kém như: League, Luxury, Cambo, Ram, Rainson (giá từ 2.700đ-4.000đ/bao), Mine, Gem (4.000đ/bao)…
Năm 2013, thuốc lá nhập lậu gây thất thu ngân sách Nhà nước 6.500 tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng thuốc lá lậu như hiện nay thì năm 2014, ngân sách Nhà nước sẽ thất thu hơn 8.000 tỷ đồng. Hiện tại, Việt Nam là thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu lớn thứ hai trong số 11 quốc gia Châu Á được khảo sát.
Ở góc độ tính thuế, nếu so với các nước có chung đường biên giới với nước ta thì thuốc lá Việt Nam đang chịu mức thuế cao hơn rất nhiều. Hiện tại, thuốc lá ở Việt Nam chịu thuế TTĐB 65%, thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu 135%. Trong khi đó, tại Campuchia, thuế TTĐB 10%, thuế nhập khẩu 7%; Lào: thuế TTĐB là thuế hỗn hợp gồm thuế tương đối và thuế tuyệt đối, bình quân khoảng 35%, thuế nhập khẩu 40%; Trung Quốc: thuế TTĐB là thuế hỗn hợp, tỷ lệ thuế trên giá thuốc bán lẻ là 40%, thuế nhập khẩu 25%.
Tình hình trên dẫn đến nếu thuế TTĐB của Việt Nam càng tăng cao trong khi các nước láng giềng thấp sẽ gián tiếp làm tăng lợi nhuận cho buôn lậu và từ đó tạo “cú hích” cho tình trạng buôn lậu càng phát triển. Như vậy, khi thuế TTĐB tăng làm giá thuốc sản xuất trong nước tăng thì người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua và hút thuốc lá nhập lậu vì giá rẻ hơn nhiều. Kết quả là sản xuất trong nước bị thu hẹp và tổng thu ngân sách Nhà nước giảm chứ không tăng mặc dù tăng thuế suất. Lý do, phần thu ngân sách mất đi do thuốc lá lậu không thu được nhiều hơn phần thu do thuế tăng.
Trước thực tế trên, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã kiến nghị với Quốc hội cần có lộ trình hợp lý tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá. Trước mắt, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá vào thị trường Việt Nam để tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó Hiệp hội cũng kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ về tài chính, trang thiết bị cho lực lượng Bộ đội Biên phòng, công an, hải quan tại các cửa khẩu, khu vực biên giới là điểm nóng của hoạt động buộn lậu thuốc lá để công tác chống buôn lậu ở đây đạt hiệu quả.
Sau khi đã ngăn chặn được đáng kể lượng thuốc lá nhập lậu, Quốc hội sẽ xem xét tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá theo lộ trình hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế. Đề xuất cụ thể: tăng 70% từ năm 2017 và 75% vào năm 2020.
-----------------------
Ông Lê Hoài Trung trở lại làm Thứ trưởng Ngoại giao
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định điều động ông Lê Hoài Trung, nguyên Đại sứ - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc, trở lại giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Trước đó, tại Quyết định 2399/QĐ-TTg ngày 29/12/2010, ông Lê Hoài Trung đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Sau đó, ông Trung được cử làm Đại sứ - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc.
-------------------------
Cẩn trọng với dự án lọc dầu
Kỳ vọng tăng nguồn thu, tạo công ăn việc làm… từ các dự án lọc hóa dầu có thể không bù đắp được những thiệt hại lâu dài về môi trường, xã hội
Câu hỏi đặt ra nếu dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) được Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 và được tiến hành triển khai thì Việt Nam được và mất gì từ dự án này?
Thái Lan chọn Việt Nam để tránh ô nhiễm?
Một chuyên gia có nhiều năm làm việc trong ngành dầu khí và từng là lãnh đạo Tổng cục Dầu khí giai đoạn 1975-1978 (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) đặt câu hỏi vì sao Thái Lan chọn Việt Nam làm dự án này với công suất và quy mô khổng lồ (vốn đầu tư khoảng 22 tỉ USD) trong khi bản thân nước họ có đủ đất đai để thực hiện? Hơn nữa, Việt Nam cũng không có thế mạnh về dầu thô để khai thác khi chính các dự án hiện hữu trong nước đang phải nhập dầu thô về để chế biến. Theo chuyên gia này, nguyên nhân có thể xuất phát từ vấn đề địa chính trị. Việt Nam có đường bờ biển dài, cực kỳ thuận lợi cho việc khai thác, sản xuất cũng như xuất khẩu dầu sang các nước láng giềng.
Nguyên nhân thứ hai có thể Việt Nam được lựa chọn làm căn cứ sản xuất dầu và xuất khẩu sang các thị trường khác bởi hậu quả nặng nề về môi trường mà các nước muốn né tránh. Việt Nam cũng sẽ thành nơi tiêu thụ các công nghệ lạc hậu. Như vậy, chúng ta không được gì ngoài tiền cho thuê đất trong khi phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề về môi trường, xã hội.
“Đối với việc tạo công ăn việc làm, hãy nhìn vào một số dự án nước ngoài khác như Vũng Áng chẳng hạn, có tới gần 8.000 lao động Trung Quốc. Vậy thì ở dự án này có chắc lao động Việt Nam được ưu tiên không là điều cần làm rõ” - chuyên gia này nêu ý kiến và cảnh báo việc tập trung quá nhiều dự án lọc hóa dầu tại khu vực miền Trung là không phù hợp với nhiệm vụ phát huy thế mạnh vùng, gây áp lực về môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, thiệt hại đến hoạt động du lịch vốn là thế mạnh của khu vực này.
Dưới góc độ chuyên gia am hiểu về các dự án đầu tư nước ngoài, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho rằng dự án này sẽ đem lại nguồn lợi cho phía Việt Nam từ thuế GTGT 10% khi tiêu thụ một phần trong nước, thuế thu nhập cá nhân, thuế môi trường… “Nhưng những lợi ích đó có bù được ô nhiễm lâu dài hay không khi lọc hóa dầu là ngành công nghiệp cổ điển của thế giới dựa trên khai thác tài nguyên và nhiều nước hiện nay không còn làm hóa dầu vì những tác hại của nó” - GS Nguyễn Mại đặt vấn đề.
Nguồn cung sẽ dư thừa
Nhiều ý kiến cho rằng sau khi Tổ hợp Nghi Sơn đi vào vận hành, về cơ bản, Việt Nam chủ động được 60%-70% nguồn cung xăng dầu. Do đó, việc xây thêm các nhà máy lọc dầu phải được tính toán kỹ. Một trong những cơ sở để Bộ Công Thương phê duyệt và trình Chính phủ đưa Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội vào quy hoạch là do trong tương lai Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng. “Bên cạnh việc tiêu thụ sản phẩm lọc hóa dầu tại thị trường nội địa, Việt Nam hoàn toàn có thể thành nước xuất khẩu các sản phẩm này nếu bảo đảm hiệu quả đầu tư” - Bộ Công Thương nhận định.
Tuy nhiên, theo tính toán của GS Nguyễn Mại, nếu các dự án lọc hóa dầu được triển khai và mở rộng đúng theo dự kiến, tính cả dự án Nhơn Hội thì tổng công suất có thể lên tới trên 60 triệu tấn/năm. Trong khi lượng khai thác dầu thô tối đa của Việt Nam chỉ đạt 15 triệu tấn/năm, hiện phải nhập khẩu thêm khoảng 7 triệu tấn từ thị trường Trung Đông nên tổng sản lượng dầu thô là khoảng 22 triệu tấn. “Lượng này chỉ vừa đủ cho 2 nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn, các dự án khác đều phải nhập dầu thô để sản xuất. Riêng Dung Quất, Nghi Sơn đã đủ để tiêu thụ trong nước. Còn lại các dự án nhập dầu thô để sản xuất dầu tinh xuất khẩu thì nên cân nhắc” - GS Mại nêu ý kiến.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến năm 2025, tổng nhu cầu các sản phẩm xăng dầu trong nước là 41 triệu tấn, nếu các nhà máy lọc dầu triển khai đúng quy hoạch cộng với sự góp mặt của Nhơn Hội thì nguồn cung trong nước sẽ là 52 triệu tấn, thừa 11 triệu tấn.
-------------------------
Năm 2015: Việt Nam nhập siêu 6-8 tỉ USD
Chiều 3.11, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã chỉ ra những nguyên nhân khiến Việt Nam có khả năng trở lại nhập siêu trong năm 2015.
Tại buổi họp báo, Bộ Công Thương cho biết: tính chung 10 tháng năm 2014 KNXK ước đạt 123,1 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng 14,5 tỉ USD), trong đó KNXK của khu vực DN 100% vốn trong nước ước đạt 40,6 tỉ USD, chiếm 33% tổng KNXK của cả nước, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước; KNXK của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 82,5 tỉ USD, chiếm 67% tổng KNXK của cả nước, tăng 13,6%; Nếu không kể dầu thô KNXK của các DN có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 76,2 tỉ USD tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong khi đó, KNNK ước đạt 121,2 tỉ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch nhập khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 68,7 tỉ USD, tăng 10,7%, chiếm tỉ trọng 56,6% tổng KNNK cả nước; Kim ngạch nhập khẩu của các DN 100% vốn trong nước ước đạt 52,5 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 43,4% tổng KNNK cả nước, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013.
Trước những con số này, Bộ Công thương nhận định năm 2015 Việt Nam sẽ quay trở lại nhập siêu mặc dù 3 năm gần đây liên tục xuất siêu.
Theo Thứ trưởng BCT Đỗ Thắng Hải, có nhiều nguyên nhân khiến cho Việt Nam đứng trước khả năng nhập siêu trong năm 2015.
Thứ nhất, khả năng tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng giảm. Năm 2012 các DN FDI tăng về xuất khẩu 31%, 2013 tăng 22% và đến 2014 chỉ tăng 12%. Bản thân DN FDI đến năm 2015 khả năng tăng trưởng xuất khẩu không tăng nhiều. Trong khi đó các DN trong nước vẫn chủ yếu là nhập siêu.
Thực tế cũng cho thấy kể từ 2011 đến nay tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của cả nước cũng có xu hướng giảm dần.
Bên cạnh đó, kinh tế năm 2015 được dự báo tăng trưởng tốt hơn, các hiệp định được ký kết. Các DN FDI đón đầu làn sóng này và sẽ đầu tư vào Việt Nam, dẫn đến việc tập trung nhập khẩu máy móc thiết bị trong năm 2015.
Đồng thời, các DN Việt cũng nắm bắt triển vọng phát triển từ các hiệp định ký với EU, Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan và sắp tới là TPP nên cũng nâng cao nhập khẩu.
Một số nhà máy nhiệt điện bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2015 cũng sẽ khiến Việt Nam phải nhập khẩu than. Nhà máy lọc dầu Dung Quất sắp tới cũng cũng có khả năng phải nhập dầu thô để chế biến trong nước...
Vì vậy, năm 2015 dự kiến xuất khẩu chỉ tăng 10% so với 2014, còn nhập khẩu tăng nhiều hơn và khả năng Việt Nam sẽ nhập siêu 6-8 tỉ USD.
-------------------------