Đề xuất đánh thuế nặng đối với rượu “Quốc lủi”
Cho rằng mỗi một bao thuốc bằng 3-4 hộp sữa, ĐBQH TP HCM Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang đề nghị phải tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá để mỗi người cha khi hút thuốc phải nghĩ đến những đứa con.
Phát biểu trong phiên thảo luận tổ sáng nay, ngoài thuốc lá, bà Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang còn đề nghị đưa rượu nhân dân tự nấu và nước ngọt có gas vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Địa phương nào cũng biết nhà nào, hộ nào nấu rượu. Chỉ có điều là chúng ta có làm hay không mà thôi”- là Trang nói
Đối với nước ngọt có gas, chỉ rõ trong mỗi chai/lon chứa hàm lượng calo tương đương 300, bà Trang đề nghị cần áp dụng một mức thuế suất cụ thể nào đó để hạn chế việc sử dụng nước ngọt có gas.
Bày tỏ tán đồng với ý kiến này, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM Huỳnh Thành Lập khẳng định đã có bằng chứng khoa học về tác hại của nước ngọt có gas. “Ủy ban Các vấn đề xã hội đã đưa vấn đề ra trước phiên hop toàn thể. Viện Dinh dưỡng đã có báo cáo khoa học. 1 lon nước ngọt khi uống vào “du nhập” vào cơ thể 300 gram đường - ông nói- Trong khi số bệnh nhân tử vong do các bệnh lây nhiễm chỉ 25% thì 75% bệnh tật còn lại do sinh hoạt của chúng ta. Rồi thì chi phí tới 23 ngàn tỷ đồng cho các bệnh do lối sống như huyết áp, ung thư, tim mạch…
“Tôi kiến nghị luôn một số sản phẩm có hại cho sức khỏe cần quan tâm trong luật thuế sửa đổi. Ví dụ các sản phẩm nước ngọt có gas có nguy cơ gây ra rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, tối loạn tim mạch”- ông Lập nói, bởi theo ông “Sửa luật trước hết là để hạn chế những sản phẩm có hại cho sức khỏe của dân, chứ không chỉ vì hội nhập”.
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Phạm Khánh Phong Lan cũng nhắc lại con số 1 tỷ bao thuốc nhập lậu mỗi năm trong khi pháp luật lại quy định buộc phải tái suất. “Tái cái gì. Cái gì đảm bảo nó không quay trở lại Việt Nam”- bà đặt câu hỏi đồng thời phản ánh tình trạng quy định được phép mang 400 điếu thuốc khi vào Việt Nam đang không được tôn trọng “ Thực tế đem nhiều hơn có ai bị bắt không? Trong khi đây cũng là lượng nhập lậu không nhỏ, đánh vào phân khúc những người có thu nhập”.
-------------------------
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá
Ông Trần Quang Chiểu (Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội) đề xuất như trên trong phiên thảo luận của Quốc hội sáng nay (4-11).
Trước đó, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nếu thực hiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế thì ước tính tổng số thuế hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp năm 2015 khoảng 3.900 - 4.000 tỷ đồng và mỗi năm tăng chi khoảng 1.300 tỷ đồng từ Quỹ hoàn thuế để thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng.
Để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, số thu ngân sách sẽ được bù đắp bằng việc điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, kinh doanh casino.
Ông Trần Quang Chiểu cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặt biệt đối với thuốc lá không chỉ vì ngân sách, mà chủ yếu là hướng dẫn tiêu dùng.
Thế giới cũng đã tổng kết rằng một trong những phương cách tốt nhất để hạn chế sử dụng thuốc lá là tăng thuế.
Với người đang hút không hẳn thuốc lá đắt lên họ sẽ bỏ, vì bỏ thuốc lá rất khó, nhưng với người chưa hút hoặc mới hút thì việc tăng thuế sẽ có tác động mạnh.
Trước lo ngại tăng thuế thuốc lá liệu có kích thích buôn lậu hay không, đại biểu Chiểu cho rằng đặc điểm của buôn lậu thuốc lá ở VN khác với thế giới, buôn lậu vào VN chủ yếu là các mặt hàng trong nước không sản xuất, ví dụ Jet và Hero, cho nên không thể nói là tăng thuế làm gia tăng buôn lậu.
Hơn nữa, không thể đặt vấn đề quản lý buôn lậu kém mà không làm chính sách nội địa. Cũng theo ông Chiểu thì thuế thuốc lá của ta thấp nhất thế giới và khu vực.
“Pháp 3 năm tăng thuế thuốc lá 4 lần, một gói thuốc cả trăm ngàn, ta hầu như không có gói thuốc nào trên 50 ngàn đồng, ngoại trừ xì gà” - Ông Chiểu nói.
-------------------------
Đại biểu hiến kế ‘bỏ án phí hình sự để giảm 2.000 biên chế’
Thảo luận ở hội trường dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thi hành án dân sự, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng nhiều nội dung “không phù hợp”, nếu sớm sửa ngay các quy định của pháp luật hình sự, bỏ tiền án phí hình sự, bỏ tiền phạt các vụ án ma túy và trả lại thi hành án cho tòa án thì hoàn toàn có thể giảm 20 - 30% người làm công tác thi hành án.
Theo ĐB Thường, bỏ án phí hình sự, tức là bỏ một khoản thu rất nhỏ có thể thu được nhưng lại giảm đáng kể lượng việc phải giải quyết, lượng việc tồn và cao hơn có thể giảm ngay tức khắc 20% cán bộ thi hành án dân sự hiện nay. ĐB này chứng minh: Năm 2014 toàn ngành TAND thụ lý xét xử 148.519 bị cáo phạm tội hình sự và buộc họ phải nộp án phí số tiền gần 8 tỉ đồng, theo đó các cơ quan dân sự phải thụ lý 148.519 việc thi hành án phí hình sự. Cũng năm 2014, toàn ngành thi hành án thụ lý thi hành 779.298 việc, với số cán bộ hiện có của ngành là 9.891 người, mỗi cán bộ thi hành án một năm phải thi hành 78 việc. Nếu lấy số 148.519 việc thi hành án phí hình sự chia cho 78 việc thì số người cơ quan thi hành án cần 1.967 người, tức là gần 2.000 người. “Bỏ 8 tỉ đồng trên giấy mà chủ yếu không thu được để giảm tối đa tới 148.519 việc và khoảng gần 2.000 biên chế. Việc này chúng ta có nên làm không?”, ĐB đặt vấn đề.
ĐB Thường cũng đề nghị QH giao lại công tác thi hành án dân sự cho TAND như trước năm 1994. Trả lại chức năng này cho tòa án thì có lợi như thế nào? Theo ĐB Thường, công tác thi hành án dân sự do tòa án thực hiện nên kết hợp hài hòa, gắn trách nhiệm của cán bộ tòa án với công tác thi hành án dân sự. Công việc của hai cơ quan này giao cho một cơ quan sẽ đơn giản hơn rất nhiều, các vụ án sẽ được giải quyết nhanh gọn hơn, đảm bảo thời gian và hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác thi hành án sẽ được bổ sung một đội quân tinh nhuệ khoảng 7.000 - 8.000 người là các chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thư ký, cán bộ thi hành án hình sự từ tòa án mà nhà nước không phải tăng biên chế, chi phí ngân sách. Ngược lại, TAND cũng được bổ sung một nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là chấp hành viên, thẩm tra viên, thư ký tòa án, mà không phải lo đào tạo, bồi dưỡng. Việc này không những không tăng biên chế mà còn có thể cắt giảm số người đang làm công tác thi hành án dân sự hiện nay.
-------------------------
Thứ trưởng GTVT: “Không tăng phí đường bộ với xe máy”
“Về bản chất phí đường bộ đối với xe máy không tăng, mức phí 150.000 đồng/xe/năm là mức tối đa trong trong khung trần đã có, còn thực thu bao nhiêu là do các địa phương quyết định. Đây chỉ là sắp xếp lại các nhóm phương tiện cho phù hợp với thực tế”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường trao đổi với PV Dân trí về nội dung Thông tư 133 của Bộ Tài chính vừa ban hành, quy định phí đường bộ, trong đó có mức phí đối với xe máy.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Thông tư 133 ra đời thay thế Thông tư 197 trước đó cho phù hợp với thực tế, trong đó có thay đổi các loại phương tiện và sắp xếp các đối tượng xe cần thu phí cho phù hợp. Đối với xe máy, mức phí 150.000 đồng là khung trần tối đa đã được quy định từ trước.
“Ở Thông tư 197, quy định thu phí đường bộ đối với xe máy được chia ra làm 3 nhóm, bao gồm: Xe có dung tích xi lanh 50cm3 trở xuống thu 50.000 đồng, từ trên 50 cm3 đến 100cm3 phải nộp 100.000 đồng và xe từ trên 100cm3 đến 175cm3 là thu 150.000 đồng. Nay, Thông tư 133 sắp xếp 3 nhóm xe nói trên thành 2 nhóm cho phù hợp với thực tế, quy định thu với xe dưới 100cm3 tối đa là 100.000 đồng và xe từ trên 100cm3 đến 175cm3 là 150.000 đồng (tức là bỏ quy định đối với nhóm xe từ 50cm3 trở xuống - PV)” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường giải thích.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Về bản chất là không tăng phí đường bộ đối với xe máy, mà chỉ là sắp xếp lại các phương tiện và nhóm phương tiện cho phù hợp với thực tế. Mức phí vừa đưa ra trong Thông tư Mức 100.000 - 150.000 đồng là mức phí tối đa theo khung trần, còn cụ thể thu bao nhiêu là do Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố quyết định, chứ không quy định thực thu tối đa là 100.000 - 150.000 đồng”.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết thêm về phí áp thu với các loại phương tiện giao thông, ngoài xe máy thì còn có sự thay đổi sắp xếp đối với ô tô cho phù hợp với thực tế. Đơn cử như sơ-mi rơ-moóc, trước đây thu cả đầu kéo cả sơ-mi, nhưng giờ sửa đổi lại thì chỉ quy định thu phí đối với đầu kéo.
Liên quan đến những phản ứng gay gắt của người tham gia giao thông trước thông tin phải nộp phí đường bộ gấp 1,5 lần so với trước, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, văn bản Thông tư 133 là của Bộ Tài chính ban hành và Bộ này phải có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể để các địa phương cũng như người tham gia giao thông hiểu và thực hiện.
-----------------------
ĐB Hoàng Hữu Phước sẽ tiếp tục viết blog “nhạo” đồng nghiệp?!
Sau vụ lùm xùm vì “nhạo báng” ĐB Dương Trung Quốc mắc “tứ đại ngu”, ĐB Hoàng Hữu Phước lại vừa khiến dư luận dậy sóng vì bài viết trên blog cá nhân công kích ĐB Trương Trọng Nghĩa và khẳng định, sẽ tiếp tục vì “viết blog là quyền”.
Bài viết trên blog cá nhân của ông Phước về ĐB Trương Trọng Nghĩa với tựa đề: “Về Phát Biểu Của Ông Trương Trọng Nghĩa trên báo Tuổi trẻ”. Ông Phước dẫn dắt bằng nội dung: “Một cử tri bức xúc gởi tin nhắn cho tôi nói về một phát biểu của ông Trương Trọng Nghĩa trên báo Tuổi Trẻ về tình trạng “gánh nhiều vai” của Đại biểu Quốc hội và cái gọi là “lương tâm” nên có nơi những Đại biểu Quốc hội nên “từ nhiệm” nếu không thể “gánh nhiều vai” ấy”.
Bài viết của ông Phước có 5 điểm phân tích về vấn đề đưa ra của ông Nghĩa và đều phản bác về những nhận định của ông Nghĩa. Đáng chú ý, trong đó ông Phước viết: “Ông Trương Trọng Nghĩa chắc là muốn nêu lên sự hồ nghi đối với chất lượng chuyên nghiệp, cái tâm, cái tầm, cái bản lĩnh, và cái quyết tâm vì nước vì dân của đại đa số ĐBQH Việt Nam vốn không là đại biểu chuyên trách chăng?”
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa mới đây đã gửi báo có tới Chủ tịch nước và lãnh đạo đoàn ĐBQH TPHCM để phản ánh việc ông Hoàng Hữu Phước (đại biểu cùng đoàn TPHCM) viết blog có nội dung công kích, vu khống, bôi nhọ và có chủ đích làm nhục ông.
Trả lời “chất vấn” của báo chí bên lề phiên thảo luận sáng 3/11 về việc một lần nữa “gây sóng” dư luận này, ĐB Hoàng Hữu Phước vẫn nhận định “bản thân coi đây là chuyện cá nhân” dù sắp tới, đoàn ĐBQH TPHCM có thể có ý kiến về việc ông viết blog phản bác đồng nghiệp.
“Tôi nghĩ trong cùng trong một đoàn không có nghĩa là mọi người đều nói chung một ý kiến. Khi đúc rút ra một vấn đề nào đó, qua thảo luận và tất cả mọi người đều đặt trên cơ sở là lợi ích chung đối với từng dự án luật. Còn đối với phát ngôn của mỗi người thì người nào chịu trách nhiệm trước phát ngôn của người đó. Vậy nên, không đồng tình với phát ngôn của ông Nghĩa, thấy không đúng nên tôi viết tranh luận chống lại phát ngôn đó chứ không phải là một ĐBQH chống lại một ĐBQH trong một đoàn” – ông Phước giải thích.
Tại sao ông lựa chọn thời điểm đang họp Quốc hội để công kích ông Trương Trọng Nghĩa?
Không, tôi chỉ lựa chọn những ý, phát ngôn nào vừa mới được nghe để tranh luận. Đây là tranh luận mang tính cá nhân.
Ông nghĩ sao khi ông Nghĩa cho rằng các bài viết đó là công kích, bôi nhọ và đang đòi cung cấp những bằng chứng liên quan đến bài viết của ông?
Việc đó là quyền của ông Nghĩa. Ông Nghĩa thấy những lời lẽ cho rằng là nặng, mang tính cá nhân thì ông ấy có quyền nói lại. Phát ngôn đó thuộc về vấn đề hùng biện, cho nên chừng nào ĐB TPHCM đặt vấn đề thì tôi sẽ trả lời trong buổi họp ấy.
Ông có sẵn sàng để trả lời mọi vấn đề?
Đó là sự công bằng. Tôi không đồng tình với lập luận của ông Nghĩa và tôi nêu chính kiến của mình. Ông Nghĩa phản bác lại là quyền của ông Nghĩa. Đây là hai người đang thực hiện cái quyền tự do ngôn luận của mình.
Trước và sau khi có bài viết, ông có trao đổi gì với ông Nghĩa không?
Tôi không có trao đổi gì với ông Nghĩa và đến nay chưa có ý kiến trực tiếp gì. Trên toàn thế giới và ngay cả Việt Nam cũng không có luật nào bắt người ta phải trao đổi trực tiếp. Trao đổi trực tiếp cũng là một lựa chọn song tôi có quyền tự do và tôi không lựa chọn cách đó.
Trong bài viết về ĐB Trương Trọng Nghĩa, ông không sử dụng những từ ngữ kiểu như “tứ đại ngu”, “5 điều xằng bậy”, “ăn quàng nói xiên”, “loạn ngôn”, “bất tri, vô trí”… đã từng nói với ĐB Dương Trung Quốc nhưng ông Nghĩa vẫn bức xúc cho rằng nhiều từ ngữ ông dùng thể hiện sự không tôn trọng giữa các đại biểu với nhau?
Không có quy định nào nói về những từ ngữ ấy là xúc phạm hay không tôn trọng cả.
Nếu một ĐB khác mà phát biểu tương tự như vậy về ông, ông có phản bác không?
Tiến trình tôi sẽ rút kinh nghiệm. Ví dụ khi tôi vào Quốc hội vào năm 2011, mọi cái với tôi là sự phấn khởi, vui vẻ, trẻ trung, hừng hực và tôi muốn thể hiện việc tự do ngôn luận của mình. Từ từ tôi rút ra kinh nghiệm nữa, tức là một khi đã nói lên quan điểm thì anh cứ nêu quan điểm, đừng có nêu tên người nữa. Cho nên kinh nghiệm của tôi sắp tới là như vậy. Bài mới trên blog sắp tới của tôi sẽ không nêu tên người nói nữa.
Học sinh, sinh viên rất cần nghe những lập luận như vậy, vì đó là hùng biện. Tôi sẽ không nêu tên người đó ra rồi nói “Ông này nói vậy là tầm bậy” mà chỉ nói là trên quan điểm tôi suy nghĩ là điều đó là không nên.
------------------------