Tin trong nước sớm 05-11-2014: Giảng viên Việt Nam kêu lương thấp nhưng vẫn sở hữu nhà, xe hơi

  • Cập nhật : 05/11/2014
Giảng viên Việt Nam kêu lương thấp nhưng vẫn sở hữu nhà, xe hơi
“Hãy nhìn vào thực tế các giảng viên đại học rất nhiều người đang sở hữu nhà, xe hơi và có đời sống tinh thần cao, chúng ta có thể tính được mức thu nhập và mức sống thực tế của họ”.
 
Sau khi Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT và tác giả Phạm Hiệp công bố nghiên cứu khảo sát về lương giảng viên Việt Nam có thu nhập cao nhất hơn 1 tỷ đồng/năm gây bất ngờ lớn, liệu khảo sát này có đúng với mức thu nhập thực tế, có khách quan? Nguồn thu nhập từ đâu?... PV Dân trí đã có trao đổi với TS Đàm Quang Minh về vấn đề này.
 
Kêu lương thấp nhưng vẫn sở hữu nhà, xe hơi
 
Nghiên cứu khảo sát về lương giảng viên Việt nam “Thu nhập giảng viên cao nhất lên đến hơn 1 tỷ/năm”mà ông và tác giả Phạm Hiệp đưa ra thật sự là bất ngờ trong thời điểm hiện nay, bởi lâu nay, nhiều nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, giảng viên liên tục kêu than lương quá thấp không đủ sống. Vậy kết quả khảo sát thu nhập ở đây như các ông thống kê từ những nguồn nào? Liệu có chính xác, khách quan?
 
Sau khi công bố kết quả này, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi cả ủng hộ và cả hoài nghi. Chúng tôi sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu 40 nhà khoa học, giảng viên ở các nhóm trường khác nhau để tìm ra câu trả lời. Những người được phỏng vấn đều rất nghiêm túc và có dẫn chứng từ việc đóng thuế thu nhập cá nhân.
 
Với hiện trạng thiếu minh bạch hiện nay, rất hiếm người muốn công khai việc thu nhập của mình và có xu thế nói giảm thu nhập thực tế. Nhưng hãy nhìn vào thực tế các giảng viên đại học rất nhiều người đang sở hữu nhà, xe hơi và có đời sống tinh thần cao, chúng ta có thể tính được mức thu nhập và mức sống thực tế. Đó là những tín hiệu tích cực của những người có học vấn cao có được thu nhập tốt.
 
Nhưng cũng phải nói thêm, khảo sát này được thực hiện cơ bản tại các trường ở Hà Nội. Ở các tỉnh khác có thể thấp hơn và ở Tp.HCM có thể cao hơn. Xin khẳng định rằng đây là những thu nhập hợp pháp và được tính thuế đầy đủ.
 
Ông có nghĩ rằng thu nhập này giảng viên Việt Nam xứng đáng với công sức, trí tuệ đã bỏ ra, hay giảng viên Việt Nam đang được hưởng cao hơn mức vốn có?
 
Mức thu nhập của giảng viên hiện nay thể hiện đúng bản chất của một thị trường khan hiếm với độ chênh lệch rất cao. Những giảng viên giỏi có thể nhận lương theo giờ khoảng 1,2 - 1,3 triệu đồng nhưng có giảng viên chỉ nhận 30.000 đồng cho một giờ dạy. Mức độ chênh lệch này cao hơn rất nhiều so với mức chênh lệch ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển.
 
Việc trả lời xứng đáng hay không theo tôi là không phù hợp vì thị trường sẽ phán xét chứ không phải các cá nhân. Các trường tốt đang phải giành giật những thầy cô giáo giỏi và những người giỏi thực sự đang có cuộc sống tốt hơn nhiều. Đây là tín hiệu tốt. Ngay cả các chương trình tiên tiến của các trường công cũng hết sức đổi mới khi sẵn sàng trả 350.000 đồng cho một giờ giảng dạy.
 
Hiện nay đang có nguồn giảng viên nước ngoài sang Việt Nam làm việc để lấp chỗ trống do giảng viên Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu và tính quốc tế hóa. Các giảng viên này đương nhiên không thể trả lương thấp được và mức thu nhập trên 1 tỷ đồng một năm là khá phổ biến cho các đối tượng này.
 
Còn đối với trường tư, ví dụ như ĐH FPT thì mức lương như thế nào, thưa ông?
 
Trường Đại học FPT khá minh bạch trong việc lương giảng viên. Chúng tôi coi trọng giảng viên và so với thu nhập chung thì lương giảng viên ở mức cao so với các cán bộ trong trường. Tổng mức thu nhập của giảng viên nằm trong khoảng 200 - 700 triệu đồng một năm trong đó mức thu nhập tối thiểu cam kết là 136 triệu cho giảng viên cơ hữu. Mức tối thiểu là mức dành cho giảng viên kể cả khi giảng viên không dạy bất kỳ giờ nào.
 
Ngoài ra, khi các giảng viên nghiên cứu cũng sẽ có thêm thu nhập. Người có thu nhập từ nghiên cứu lớn nhất của chúng tôi đến nay là khoảng 400 triệu. 
 
Thu nhập cao nhưng làm thiếu chuyên nghiệp
 
Những người đạt mức 1 tỷ đồng/năm là con số rất cá biệt, hay chiếm 1 tỉ lệ nhất định? Tỉ lệ giảng viên trẻ thu nhập dưới 100 triệu đồng/ năm chiếm bao nhiêu %, và có khảo sát nào về việc sau khi đi làm bao nhiêu năm họ sẽ “thoát” được mức “thu nhập thấp” này?
 
Phương pháp nghiên cứu của chúng tôi nhằm mục đích xác định cạnh tranh về nguồn nhân lực và phân nhóm để giúp chúng tôi hình thành chính sách nên không xác định tỷ lệ phần trăm của các nhóm.
 
Việc thoát khỏi mức thu nhập thấp hoàn toàn phụ thuộc vào từng cá nhân. Những giảng viên trẻ của FPT có thể đạt mức thu nhập khoảng 300 triệu sau 1-2 năm kinh nghiệm.
 
Trong nghiên cứu, khảo sát, ông có so sánh đến chất lượng giảng viên hiện nay của Việt Nam với chất lượng giảng viên của các nước? ông có tính đến số lượng GS, PGS của Việt Nam so với số sinh viên hiện có của Việt Nam?
 
Nếu xét về chất lượng của đại học nghiên cứu thì chúng ta thừa chức danh GS, PGS vì thực chất việc nghiên cứu thực thụ đang ở quy mô nhỏ bé. Tôi cho rằng việc tự xác định mình là quan trọng.
 
Các trường tùy thuộc vào khả năng mà xác định quy mô nghiên cứu phù hợp, còn lại phải tập trung cho việc đào tạo ứng dụng. Tình trạng phổ biến ở Việt Nam hiện nay là nghiên cứu thì lệch lạc mà ứng dụng thì cũng kém. Kết quả là sản phẩm nghiên cứu không dùng được và sinh viên cũng không có khả năng làm việc thực tiễn của doanh nghiệp. Chúng ta không nên mơ hồ hoặc chung chung giữa nghiên cứu và ứng dụng.
 
Nói một cách thẳng thắn, giảng viên Việt Nam đang thiếu chuyên nghiệp và thu nhập cao hơn các đồng nghiệp nước ngoài. Chúng tôi có giảng viên từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và cả Ấn Độ, Philippines. Mặt bằng chung, họ chuyên nghiệp hơn giảng viên Việt Nam nhiều. Bản thân giảng viên tại FPT cũng được đặt tính chuyên nghiệp lên cao. Trong khi đó hiện trạng chạy sô, dạy lấy được vẫn phổ biến tại Việt Nam.
 
Trong Nghị định quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học mà Chính phủ vừa ban hành có quy định khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học là các giảng viên được thưởng tiền không quá 30 lần mức lương cơ sở chung nếu công bố được 1 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI, SCI, SCIE, ông thấy thế nào?
 
Các trường đại học muốn đi xa, động lực tự thân là nghiên cứu và ISI, SCI hay SCIE chỉ là một trong những con đường như vậy. Thế giới đã đổi từ R&D (research and development) là nghiên cứu và phát triển sang R&D&C có nghĩa là thêm C (commercialisation) để nhấn mạnh thêm nữa tính thực tiễn và thương mại hóa của các ứng dụng nghiên cứu. Tôi không phủ nhận sự cần thiết của các nghiên cứu cơ bản nhưng rõ ràng Việt Nam cần những nghiên cứu phát triển hơn nhiều so với mức hiện có.
 
Các nghiên cứu này đang dần hình thành và phát triển ở các doanh nghiệp của Việt Nam. Bản thân Tập đoàn FPT cũng đang có những đề tài thú vị và có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các trường đại học Việt Nam và nước ngoài bên cạnh sự tham gia của Đại học FPT.
 
Chính những đặt hàng này mới tạo động lực phát triển và cần khuyến khích hơn là các bài báo khoa học đơn thuần dễ dẫn dụ bằng cách nghiên cứu dựa theo. Các nghiên cứu dựa theo đó cũng sẽ có bài đăng trên các tạp chí quốc tế nhưng tính sáng tạo rất thấp và không tạo tiền đề phát triển. Nhưng dù sao đó cũng là một chính sách tốt để khuyến khích nghiên cứu trong thời gian đầu hội nhập với giới học thuật trên thế giới.
 
Xin trân trọng cám ơn ông!
---------------------------

Cẩn trọng với dự án lọc dầu

Kỳ vọng tăng nguồn thu, tạo công ăn việc làm… từ các dự án lọc hóa dầu có thể không bù đắp được những thiệt hại lâu dài về môi trường, xã hội. 
 
Câu hỏi đặt ra nếu dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) được Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 và được tiến hành triển khai thì Việt Nam được và mất gì từ dự án này?
 
Thái Lan chọn Việt Nam để tránh ô nhiễm?
 
Một chuyên gia có nhiều năm làm việc trong ngành dầu khí và từng là lãnh đạo Tổng cục Dầu khí giai đoạn 1975-1978 (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) đặt câu hỏi vì sao Thái Lan chọn Việt Nam làm dự án này với công suất và quy mô khổng lồ (vốn đầu tư khoảng 22 tỉ USD) trong khi bản thân nước họ có đủ đất đai để thực hiện?
 
Hơn nữa, Việt Nam cũng không có thế mạnh về dầu thô để khai thác khi chính các dự án hiện hữu trong nước đang phải nhập dầu thô về để chế biến. Theo chuyên gia này, nguyên nhân có thể xuất phát từ vấn đề địa chính trị. Việt Nam có đường bờ biển dài, cực kỳ thuận lợi cho việc khai thác, sản xuất cũng như xuất khẩu dầu sang các nước láng giềng.
 
Nguyên nhân thứ hai có thể Việt Nam được lựa chọn làm căn cứ sản xuất dầu và xuất khẩu sang các thị trường khác bởi hậu quả nặng nề về môi trường mà các nước muốn né tránh. Việt Nam cũng sẽ thành nơi tiêu thụ các công nghệ lạc hậu. Như vậy, chúng ta không được gì ngoài tiền cho thuê đất trong khi phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề về môi trường, xã hội.
 
“Đối với việc tạo công ăn việc làm, hãy nhìn vào một số dự án nước ngoài khác như Vũng Áng chẳng hạn, có tới gần 8.000 lao động Trung Quốc. Vậy thì ở dự án này có chắc lao động Việt Nam được ưu tiên không là điều cần làm rõ” - chuyên gia này nêu ý kiến và cảnh báo việc tập trung quá nhiều dự án lọc hóa dầu tại khu vực miền Trung là không phù hợp với nhiệm vụ phát huy thế mạnh vùng, gây áp lực về môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, thiệt hại đến hoạt động du lịch vốn là thế mạnh của khu vực này.
 
Dưới góc độ chuyên gia am hiểu về các dự án đầu tư nước ngoài, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho rằng dự án này sẽ đem lại nguồn lợi cho phía Việt Nam từ thuế GTGT 10% khi tiêu thụ một phần trong nước, thuế thu nhập cá nhân, thuế môi trường…
 
“Nhưng những lợi ích đó có bù được ô nhiễm lâu dài hay không khi lọc hóa dầu là ngành công nghiệp cổ điển của thế giới dựa trên khai thác tài nguyên và nhiều nước hiện nay không còn làm hóa dầu vì những tác hại của nó” - GS Nguyễn Mại đặt vấn đề.
 
Nguồn cung sẽ dư thừa
 
Nhiều ý kiến cho rằng sau khi Tổ hợp Nghi Sơn đi vào vận hành, về cơ bản, Việt Nam chủ động được 60%-70% nguồn cung xăng dầu. Do đó, việc xây thêm các nhà máy lọc dầu phải được tính toán kỹ. Một trong những cơ sở để Bộ Công Thương phê duyệt và trình Chính phủ đưa Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội vào quy hoạch là do trong tương lai Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng.
 
“Bên cạnh việc tiêu thụ sản phẩm lọc hóa dầu tại thị trường nội địa, Việt Nam hoàn toàn có thể thành nước xuất khẩu các sản phẩm này nếu bảo đảm hiệu quả đầu tư” - Bộ Công Thương nhận định.
 
Tuy nhiên, theo tính toán của GS Nguyễn Mại, nếu các dự án lọc hóa dầu được triển khai và mở rộng đúng theo dự kiến, tính cả dự án Nhơn Hội thì tổng công suất có thể lên tới trên 60 triệu tấn/năm. Trong khi lượng khai thác dầu thô tối đa của Việt Nam chỉ đạt 15 triệu tấn/năm, hiện phải nhập khẩu thêm khoảng 7 triệu tấn từ thị trường Trung Đông nên tổng sản lượng dầu thô là khoảng 22 triệu tấn.
 
“Lượng này chỉ vừa đủ cho 2 nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn, các dự án khác đều phải nhập dầu thô để sản xuất. Riêng Dung Quất, Nghi Sơn đã đủ để tiêu thụ trong nước. Còn lại các dự án nhập dầu thô để sản xuất dầu tinh xuất khẩu thì nên cân nhắc” - GS Mại nêu ý kiến.
 
Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến năm 2025, tổng nhu cầu các sản phẩm xăng dầu trong nước là 41 triệu tấn, nếu các nhà máy lọc dầu triển khai đúng quy hoạch cộng với sự góp mặt của Nhơn Hội thì nguồn cung trong nước sẽ là 52 triệu tấn, thừa 11 triệu tấn.
 
Chưa đàm phán xong
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bên lề cuộc họp báo thường kỳ chiều 3-11 cho biết Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội đã trình để đưa vào quy hoạch nhưng báo cáo chính thức chi tiết thực hiện vẫn chưa trình. Theo ông Hải, cần phải có đàm phán cụ thể giữa nhiều bên, xây dựng chi tiết kế hoạch thực hiện thì báo cáo này mới được trình.
 
Đừng để “giẫm chân” nhau
 
Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị vận hành, quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất), cho rằng việc có thêm Nhà máy Lọc dầu Nhơn Hội là không thừa.
 
Vấn đề là đầu tư làm sao hiệu quả nhất cho Nhà máy Nhơn Hội nói riêng và ngành lọc dầu nói chung. Cụ thể là phải hoạch định chiến lược về sản phẩm xăng dầu và hóa dầu trong quy mô toàn quốc để sản lượng, sản phẩm lọc hóa dầu không “giẫm chân” nhau và tránh tình trạng dư thừa.
 
Một khâu quan trọng nữa là nguồn dầu thô đầu vào cho các nhà máy hoạt động. Đây là bài toán cần xem xét để đưa vào chương trình chiến lược khi phát triển lọc hóa dầu.
-----------------------
 Hoang mang vì được “tặng”… nước thải?
Không thông qua chính quyền địa phương, không có bất cứ hướng dẫn, khuyến cáo nào, công ty TNHH MiWon Việt Nam (trụ sở tại Việt Trì, Phú Thọ) đã chở lượng “phân bón” lớn “tặng” cho người dân thôn Tam Phú (xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc).
Điều đáng nói, sau khi sử dụng thứ nước được gọi là phân bón này, hàng loạt các giếng nước của người dân đã bị ô nhiễm nghiêm trọng…
 
Người dân thôn Tam Phú nhiều ngày nay sống trong sự lo lắng bởi nhiều giếng khơi đang trong vắt bỗng chuyển màu, có mùi lạ. Có giếng nước còn biến thành màu đen kịt như nước đỗ đen, mùi rất khó ngửi.
 
Anh Triệu Trần Anh, người dân thôn Tam Phú cho biết: “Giếng nước nhà tôi sử dụng mấy chục năm nay, nước lúc nào cũng trong vắt. Bây giờ, màu như nước đỗ đen, mùi thum thủm, không ai dám ăn…”.
 
Cũng theo anh Triệu Trần Anh thì giếng nước nhà anh vẫn được sử dụng chung cho những gia đình lân cận nhiều năm nay. Giếng chỉ có hiện tượng chuyển màu, ô nhiễm từ khi người dân được “tặng” cho loại phân bón dạng lỏng để tưới cây thanh long (vào ngày 16/10/2014-PV).
 
Cũng không ai biết vì đâu lại có chiếc xe bồn chở lượng lớn phân bón đến để “tặng” người dân như vậy? Họ chỉ biết, được “cho không” thì vui vẻ nhận. Ai ngờ, chỉ gần 1 tuần sau nước giếng khơi đang trong vắt lại ô nhiễm nghiêm trọng.
 
Anh Nguyễn Văn Hà, thôn Tam Phú cũng chia sẻ: “6 chiếc giếng khơi của tổ liên gia chúng tôi thì hiện nay đã có tới 3 cái bị ô nhiễm, không ai dám ăn. Không biết đó là phân bón hay là loại chất thải gì. Người dân ăn nước giếng thì bị đầy bụng, hoa mắt, chóng mặt…”.
 
Lo lắng cho sức khỏe của mình và gia đình, anh Triệu Trần Anh đã làm đơn kiến nghị tới chính quyền địa phương. Ông Phạm Hữu Hạnh, trưởng thôn Tam Phú cho biết: “Ngay sau khi được gia đình anh Triệu Trần Anh thông báo, chúng tôi đã có mặt để xác minh, lập biên bản sự việc. Người dân nơi đây trồng cây thanh long, nhu cầu phân bón là rất cần thiết. Chính vì vậy khi có người mang đến cho thì người dân nhận. Tuy nhiên, chính quyền địa phương hoàn toàn không được biết. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên chính quyền xã, huyện. Rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ nguồn gốc của loại nước này”.
 
Còn chị Trần Thị Hương, một người dân vẫn ăn chung nước giếng nhà anh Anh, cũng là người nhận phân “miễn phí” chị bày tỏ: “Thấy người trong xóm bảo bón loại phân này tốt nên tôi cũng lấy một ít để tưới cho thanh long. Khi phát hiện nước bị ô nhiễm, chúng tôi mới thấy bất an…”
 
Ghi nhận thực tế, bãi chuối bị rỉ thứ nước gọi là “phân bón” của công ty MiWon đã khô lá và chết. Nước có màu đen và bốc mùi hôi thối. Người dân cho biết khi thời tiết nắng nóng thì nước khô đi, nhưng khi có mưa thì lại dềnh lên, đen ngòm. Chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, thứ nước phân này lại ngấm xuống giếng khơi rất nhanh và gây ô nhiễm.
 
Dư luận địa phương đang đặt ra hàng loạt những câu hỏi nghi vấn trong lo âu. Liệu đây thực sự là phân bón hay chỉ là nước thải ô nhiễm? Tại sao công ty lại chở một quãng đường rất xa đem cho miễn phí? Hơn nữa, là công ty chuyên sản xuất sản phẩm mì chính, bột ngọt nhưng công ty lại chở phân bón đi “tặng” nông dân?
 
Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ sự việc trên, tránh gây ra sự hoang mang, lo lắng trong dư luận.
 
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc sự việc này!
--------------------------
 Dân giữ rừng không công: “Đem con bỏ chợ”?
Huyện miền núi A Lưới - một trong những khu vực có độ che phủ rừng cao nhất nước tại tỉnh Thừa Thiên Huế - đang đứng trước nguy cơ mất dần tài nguyên đất rừng nếu vẫn có kiểu quản lý “đem con bỏ chợ” như thời gian qua.
 
Bỏ mặc người dân giữ rừng
 
Thực hiện Quyết định số 184 – HĐBT năm 1982 và nghị định 2-CP năm 1994, đến năm 2011, UBND huyện và Hạt Kiểm lâm A Lưới đã hoàn tất việc bàn giao đất rừng cho cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình. Tuy nhiên việc thực hiện sao cho đúng với tinh thần chủ trương của Chính phủ vẫn còn nhiều khúc mắc.
 
Lúc giao đất, giao rừng, người dân được tuyên truyền rõ về những lợi ích cũng như nghĩa vụ mình phải làm khi nhận rừng. Nhận thức đươc điều đó nên từ năm 2011 đến nay, các nhóm hộ trong 7 thôn thuộc xã Sơn Thủy, A Lưới vẫn đều đặn đi rừng tuần tra hằng tháng, có nhóm còn đi hằng tuần. Điều này làm giảm rõ rệt tỷ lệ tàn phá rừng so với hồi đỉnh điểm năm 2005 (khi lâm tặc bắt đầu sử dụng cưa máy).
 
Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng của mình, người dân vẫn chưa mảy may nhận lấy “quả ngọt”, ngược lại còn bị hao công tốn của, phải đối diện nguy hiểm khi chạm trán lâm tặc.
 
Anh Nguyễn Thanh Bừng, thôn Hợp Thương, xã Sơn Thủy cho biết: “Nhóm của tôi nhận 120 ha rừng xa nhất trong thôn. Bọn tôi mỗi tháng đi tuần tra 2 lần. Đi nhanh nhất là từ 1 ngày 1 đêm mới đến khu rừng mình quản lí (đi bộ là phần lớn – PV), chi phí mỗi người là 50.000 đồng/ngày. Mỗi lần đi tuần tra mất 3 ngày. Nhưng đều đặn đã 3 năm nay chúng tôi chưa nhận được hỗ trợ gì từ chính quyền”.
 
Từng một lần chạm mặt lâm tặc, anh Hồ Văn Thắm, thôn Cân Tôm, kể lại: “Hôm đó nhóm tôi đi đến khu rừng thì gặp lâm tặc đang cưa cây tại lâm phận của mình. Nhóm đến can ngăn thì lâm tặc hỏi giấy tờ quản lí đất rồi đổi giọng ‘Cái giấy này thì chứng minh được gì ? Đây là rừng tự nhiên nên mày không có quyền can thiệp’ sau đó họ còn đe dọa hành hung nhóm tôi, rồi ngang nhiên kéo cây về”.
 
Chia sẻ về trường hợp trên, anh Nguyễn Đăng Huy Cường, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới cho biết: “Theo Luật Bảo vệ rừng, người dân có quyền lập biên bản và áp giải người vi phạm cũng như tang vật về cho Hạt Kiểm lâm huyện xử lí. Tuy nhiên vì tâm lý sợ bị tấn công và trả thù, tốn phí vận chuyển mà người dân ngại va chạm với lâm tặc”.
 
Cho đến năm 2014, hầu hết rừng phòng hộ đều được bàn giao cho người dân. Đây là loại rừng có vai trò trọng yếu trong việc điều hòa nguồn nước, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên người dân nhận bảo vệ rừng phòng hộ vừa không được khai thác hơn 20% như theo cam kết luật định, lại vừa không có bất kỳ chính sách hỗ trợ nào.
 
Anh Hồ Văn Dương (thôn A Xáp) bức xúc: “Chúng tôi đi bảo vệ rừng tốn công tốn của, bây giờ rừng không khai thác được, đất trồng không có thì lấy gì mà sống. Nếu vẫn không có hỗ trợ như vậy thì chúng tôi bỏ rừng”.
 
Hiện tại, nhiều bà con ở huyện miền núi A Lưới đang phải “đơn thương độc mã” với cuộc chiến giữ rừng. Họ hiện đã không được hỗ trợ về vật chất mà còn cả về mặt pháp lý. Và rừng thì cứ thế… “rụng” dần!
 
Để nghĩa vụ song hành với quyền lợi người dân
 
Anh Nguyễn Đăng Huy Cường, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới cũng xác nhận: “Người dân chủ yếu bảo vệ rừng bằng tinh thần trách nhiệm, bởi hiện tại nguồn kinh phí chưa có cho phí dịch vụ môi trường rừng”.
 
Thực tế này cho thấy, chính quyền đòi hỏi tinh thần trách nhiệm từ người dân là điều khá “xa xỉ” trong bối cảnh kinh tế bà con trong nhóm hộ bám rừng đang cực kì khó khăn như: Rừng không khai thác được - đất trồng của bà con ở khu Tái định cư sau dự án Thủy điện A Lưới (nhiều hộ trong bảo vệ rừng cộng đồng sau khi dự án đến đã phải về ở đây - PV) không đảm bảo cho hoa màu phát triển -  và hơn hết là không hề có chính sách hỗ trợ người dân bám rừng.
 
Anh Hồ Văn Thuận, thôn Cân Te tâm sự: “Chúng tôi đã có ý định trả đất, trả rừng lại cho chính quyền vào hồi đầu năm 2014. Nhưng vừa qua nhận được công văn sẽ có hỗ trợ phí dịch vụ môi trường rừng vào cuối năm. Điều này làm bà con rất phấn chấn, quyết tâm giữ rừng và hy vọng sẽ được hỗ trợ xứng đáng”.
 
Bên cạnh đó, người dân trong các nhóm hộ quản lí rừng còn khá mập mờ về các quyền lợi mình được hưởng khi nhận rừng, họ cũng không nắm rõ những quy ước, quy tắc trong xử lý vi phạm. Bà con cho biết, khi bắt được lâm tặc cùng tang vật, họ rất muốn dẫn giải về Hạt kiểm lâm nhưng rừng nằm quá xa, chi phí vận chuyển rất tốn kém nên đành để… lâm tặc đi và dặn là lần sau không được làm như vậy (!?).
 
Về trường hợp này, Tiến sĩ Cao Thị Lý – giảng viên trường ĐH Tây Nguyên cho biết: “Theo nghị định 157/ 2013/NĐCP, khi người dân bắt được lâm tặc tại lâm phận của mình thì tang vật được nhóm chủ hộ thụ hưởng“. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm Lâm vẫn có chính sách hỗ trợ riêng tiền vận chuyển cho nhóm hộ phát hiện được vi phạm. Như vậy chỉ cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chính sách này, người dân sẽ yên tâm và có tinh thần trách nhiệm hơn trong công tác quản lí và bảo vệ rừng.
 
Ông Phan Văn Bình, Phó Chủ tịch xã Sơn Thủy, huyện A Lưới trao đổi: “Bản thân tôi thấy quyền lợi hưởng 1,5% trong tổng số khai thác từ rừng là rất mơ hồ. Người dân cần có một động lực để tiếp tục đi tuần tra, quản lý rừng. Mà cụ thể là phải có chế độ hỗ trợ cho bà con bám rừng. Phải có quyền lợi cụ thể mới có thể gắn trách nhiệm cho người dân”.
 
Được biết, hơn 2/3 diện tích rừng của A Lưới vào năm 2006 là rừng Giàu và rừng Trung bình. Nhưng những năm qua, do sự lơi lỏng trong công tác quản lý và khai thác đã biến tỉ lệ này chỉ còn 1/3 tổng diện tích. Cần lắm những giải pháp kịp thời từ trên, nhất là chú trọng vào người dân địa phương - những thành tố cực kỳ quan trọng gắn liền cuộc sống với rừng để bảo vệ rừng khách quan, nhằm gìn giữ “lá phổi xanh” của tỉnh Thừa Thiên Huế.
-------------------------
 Sắp thoát cảnh 10 năm “dài cổ” chờ nước sạch?
Con đường dài hơn 1km, rộng 30m đang được thi công trên địa bàn phường Gia Thụy (Long Biên - Hà Nội) được ví như “vị cứu tinh” cho tổ dân phố 17 của phường này, bởi khi hoàn thành, nó sẽ giúp cả khu thoát cảnh hơn 10 năm “dài cổ” chờ nước sạch.
 
Trước thực trạng cả tổ dân phố số 17, phường Gia Thụy hơn 10 năm chưa có nước sạch, suốt thời gian đó người dân phải dùng nguồn nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh để sinh hoạt, trong khi nhà máy nước sạch chỉ cách đó chưa đầy 2km.
 
Để tìm hiểu rõ nguyên nhân về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Trần Phú - Phó Chủ tịch UBND phường Gia Thụy (Long Biên - Hà Nội). Ông Phú cho biết, sở dĩ tổ dân phố số 17 chưa lắp được hệ thống nước sạch cho bà con trong thời gian dài như vậy là vì tổ này hình thành sau, hệ thống hạ tầng từ trước đó đã không đồng bộ.
 
Toàn bộ diện tích đất mà các hộ dân tổ 17 đang sinh sống bây giờ, trước đây là của 1 trung đoàn thuộc Quân khu Thủ đô. Khoảng năm 1998 quân khu Thủ đô phân chia đất, nhà cho CBCNV đơn vị về đó sinh sống. Thời điểm đó dân cư thưa thớt, hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, điện nước vẫn chưa có. Đến năm 2004, tổ dân phố 17 mới chính thức được thành lập về mặt hành chính chịu sự quản lý của UBND phường Gia Thụy.
 
“Do là tổ dân phố hình thành sau, hệ thống hạ tầng không đồng bộ. Mặc dù nhà máy nước gần đó, nhưng để đầu từ đường ống vào đó rất tốn kém. Nhà máy nước họ không đồng ý đầu tư, nếu dân đóng góp cũng phải từ 40-50 triệu/hộ. Số tiền quá lớn, dân không chịu nổi. Phường thì làm gì có kinh phí, chúng tôi đã kiến nghị lên quận để bàn phương án tháo gỡ. Ngay cả phường có hỗ trợ thì dân cũng phải đóng góp mỗi hộ khoảng 20 triệu đồng” – ông Phú nói.
 
Ông Phú thông tin thêm, trong văn bản trả lời ý kiến cử tri của đại biểu hội đồng nhân dân quận Long Biên với cử tri tổ 17, phường Gia Thụy về vấn đề 10 năm chưa có nước sạch ngày 28/11/2013 có nội dung: Khu vực tổ dân phố số 17, phường Gia Thụy nằm trong qui hoạch quốc phòng an ninh. Thực chất khu vực dân cư này là khu vực qui hoạch phục vụ công tác diễn tập chống bạo động trên địa bàn quận Long Biên. Tuy nhiên, tại khu vực này có các hộ dân đã ăn ở ổn định và chưa được sử dụng nước sạch.
 
Ngày 25/9/2013, UBND quận Long Biên đã có văn bản số 2468/UBND-QLĐT giao Ban quản lý Dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tuyến đường rộng 30m từ Trung tâm thương mại Gia Thụy đến nhà máy nước sạch. Trong dự án đã được nghiên cứu thiết kế đồng bộ cấp nước, thoát nước, cây xanh chiếu sáng phục vụ nhu cầu dân sinh. Dự án này sẽ triển khai trong năm 2014. Việc cấp nước cho các hộ dân khu vực trên sẽ được cung cấp đồng thời theo dự án.
 
“Do hạ tầng của tổ dân phố chúng tôi không đồng bộ, mà nước phải đi theo đường. Không thể lắp đường ống chạy qua các dự án khác được, khi họ thi công họ sẽ đào đi. Đó là nguyên mà khu dân cư chúng tôi hơn 10 năm chưa có nước sạch. Nên tuyến đường rộng 30m hoàn thành, sẽ đồng bộ hết các công trình, trong đó có đường ống dẫn nước sạch. Thì tổ dân phố 17 này chắc chắn sẽ có nước sạch. Chúng tôi mong dự án này sẽ sớm hoàn thành” – ông Đỗ Đình Nghiệp, bí thư chi bộ tổ dân phố 17 phường Gia Thụy (Long Biên – Hà Nội) phân tích.
 
Theo quan sát của PV Dân trí, con đường dài khoảng hơn 1km, rộng 30m mà được mệnh danh là “vị cứu tinh” của tổ dân phố số 17, đơn vị thi công đang tiến hành rải đá trên mặt đường, dự tính sẽ hoàn thành trong vài tháng tới. Một tín hiệu vui là công nhân của Công ty TNHH MTV nước sạch số 2 Hà Nội đã đang tiến hành lắp đặt đường ống dẫn nước sạch trên trục đường này để cung cấp nước sạch cho các khu vực dân cư địa bàn này, trong đó có tổ 17 phường Gia Thụy.
---------------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo