10 thông điệp ông Putin nhắn gửi phương Tây
Truyền thông phương Tây đã cố gắng lờ đi hoặc bóp méo bài phát biểu gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại CLB Valdai, trong khi đây là diễn văn chính trị quan trọng nhất kể từ bài phát biểu “Bức màn sắt” của Thủ tướng Anh Winston Churchill ngày 5/3/1946, trang tin Russia Insider nhận định.
Chuyên gia chính trị Dmitry Orlov vạch ra 10 điểm nổi bật trong bài phát biểu gần đây của ông Putin ơ thành phố Sochi của Nga. Trong bài phát biểu, ông Putin đột ngột thay đổi luật chơi. Trước đó, trò chơi chính trị quốc tế thường diễn ra theo kịch bản: Các chính trị gia phát ngôn nhằm gìn giữ một sự hư cấu dễ chịu về chủ quyền quốc gia, nhưng họ lại rất kín đáo và chẳng làm gì thay đổi bản chất nền chính trị quốc tế. Trong khi đó, họ lại cam kết tại các cuộc thương lượng bí mật ở hậu trường. Nhà lãnh đạo Nga trước đây cố gắng tham gia cuộc chơi này, chỉ trông mong rằng, Nga sẽ được đối xử như một đối tác bình đẳng. Tuy nhiên, những hy vọng này là ảo tưởng và tại cuộc họp ở Sochi, ông Putin tuyên bố trò chơi đã kết thúc.
Theo ông Orlov, Tổng thống Putin nhắn gửi 10 thông điệp rõ ràng sau tới phương Tây. Thứ nhất, Nga sẽ không tham dự các trò chơi và các cuộc mặc cả hậu trường với các vấn đề vặt vãnh thêm nữa. Nga đã chuẩn bị cho các thỏa thuận và đối thoại nghiêm túc, nếu chúng mang đến an ninh chung, dựa trên sự công bằng và tính đến lợi ích của mỗi bên.
Thứ hai, mọi hệ thống an ninh tập thể toàn cầu hiện nay đều bên bờ đổ vỡ. Không có bất cứ đảm bảo an ninh quốc tế nào cho tất cả. Và thực thể phá hủy chúng mang tên: Mỹ.
Thứ ba, những người xây dựng trật tự thế giới mới đã thất bại, do xây một lâu đài bằng cát. Cho dù một dạng trật tự thế giới mới nào đó có được thiết lập hay không thì đó không chỉ là quyết định của Nga, tuy nhiên đó là một quyết định không thể hình thành mà lại thiếu vắng nước này.
Thứ tư, Nga ủng hộ một cách tiếp cận thận trọng trong việc tiến hành những cải cách trật tự xã hội, không phản đối việc điều tra cũng như thảo luận các cải cách như vậy, để thấy việc thực hiện bất kỳ cải cách nào được chứng minh đúng đắn hay không.
Thứ năm, Nga không có ý định “đi câu ở những vùng nước tranh chấp” do Mỹ đang bành trướng “đế chế hỗn loạn” tạo ra và Nga cũng không có lợi ích trong việc xây dựng một đế chế của riêng mình (thách thức của Nga là làm sao phát triển lãnh thổ rộng lớn sẵn có của mình). Nga cũng không có ý định hành động như một cứu tinh của thế giới như từng làm trong quá khứ.
Thứ sáu, Nga sẽ không tìm cách định hình lại thế giới theo hình ảnh mong muốn, cũng như không cho phép ai định hình lại nước Nga theo hình ảnh của họ. Nga sẽ không đóng cửa với thế giới, tuy nhiên, bất cứ ai cố gắng cô lập Nga khỏi thế giới chắc chắn sẽ phải hứng chịu hậu quả.
Thứ bảy, Nga không muốn sự hỗn loạn lây lan, không muốn chiến tranh và cũng không có ý định gây chiến. Tuy nhiên, ngày nay, Nga thấy nguy cơ chiến tranh toàn cầu bùng phát hầu như không tránh khỏi, nên đã chuẩn bị cho điều đó và vẫn đang tiếp tục chuẩn bị. Nga không muốn chiến tranh, nhưng không có nghĩa Nga sợ chiến tranh.
Thứ tám, Nga không có ý định sắm một vai trò tích cực trong việc ngáng trở những người vẫn đang cố gắng thiết lập trật tự thế giới mới của họ, cho tới khi các nỗ lực đó xâm phạm những lợi ích chủ chốt của Nga. Nga muốn đứng ngoài hơn và quan sát xem họ có thể tự gây ra hậu quả gì do thiếu suy nghĩ. Song những ai muốn kéo Nga vào chuyện đó, phớt lờ các lợi ích của Nga sẽ được dạy ý nghĩa thực sự của đau đớn là gì.
Thứ chín, trong vấn đề chính trị đối nội và đối ngoại, sức mạnh của Nga sẽ không dựa vào giới tinh hoa và sự mặc cả trong hậu trường của họ mà dựa trên ý nguyện của người dân.
Thứ mười, vẫn có cơ may để thiết lập một trật tự thế giới mới, tránh được một cuộc chiến tranh thế giới. Trật tự thế giới mới này dĩ nhiên cần bao gồm Mỹ, nhưng chỉ có thể khả thi áp dụng cùng các điều kiện khi tất cả tuân thủ luật pháp và thỏa ước quốc tế; kiềm chế mọi hành động đơn phương; tôn trọng đầy đủ chủ quyền của các quốc gia khác.
--------------------------
Thái Lan phát súng cho dân chống quân Hồi giáo ly khai
Ngày 4-11, chính quyền Thái Lan cho biết đã phân phát hàng ngàn khẩu súng trường cho người tình nguyện thuộc các làng ở miền nam để chống lại quân Hồi giáo ly khai.
Theo AFP, một người phát ngôn của Bộ Chỉ huy an ninh chiến dịch nội địa (ISOC) thông báo đã cung cấp khoảng 2.700 khẩu súng trường Heckler & Koch HK33 cho người tình nguyện các tỉnh miền nam.
“Họ cần vũ khí để tự vệ. Họ không thể chống cự chỉ bằng gậy gỗ” - người phát ngôn này nhấn mạnh.
ISOC khẳng định lực lượng dân quân tự vệ ở miền nam sẽ bảo vệ các tòa thị chính, văn phòng chính phủ. “Họ cũng sẽ bảo vệ các thống đốc, thị trưởng” - người phát ngôn ISOC Banphot Phunphien nói.
Trong thời gian qua, bạo lực liên tiếp nổ ra ở các tỉnh miền nam Thái Lan là Pattani, Narathiwat và Yala. Gần nhất, các vụ đánh bom ở ba nhà hàng tại Pattani hôm 31-10 khiến một phụ nữ thiệt mạng và vài người khác bị thương.
Bạo lực ly khai ở miền nam Thái Lan cướp đi sinh mạng của hơn 5.700 người kể từ năm 2004.
-------------------------
Triều Tiên rút khỏi đàm phán hạt nhân với Mỹ
Hôm nay 4-11, AFP đưa tin chính quyền CHDCND Triều Tiên tuyên bố rút khỏi tất cả các phiên đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân của nước này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên chỉ trích “chúng tôi không bao giờ cho phép bất kì cuộc đối thoại nào nữa về vấn đề hạt nhân cũng như nhân quyền với kẻ thù luôn chực chờ lật đổ chính quyền chúng tôi”.
Quan chức này cũng nhấn mạnh ý tưởng phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là “hoàn toàn vô nghĩa khi Mỹ luôn nuôi ý định lật đổ chế độ và hệ thống xã hội của Triều Tiên”.
Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về quyết định này của Bình Nhưỡng.
Trước đó, Triều Tiên bày tỏ dấu hiệu tích cực khi đề xuất khôi phục đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của nước này.
Nay Bình Nhưỡng lại thay đổi quyết định trong bối cảnh cuối tuần này Dự thảo nghị quyết do Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản trình lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chỉ trích mạnh mẽ những hành vi vi phạm nhân quyền tại Triều Tiên, dựa trên báo cáo mới đây của LHQ.
Theo báo cáo này, Bình Nhưỡng thực hiện có hệ thống các hành vi từ giết người, tra tấn, cưỡng hiếp đến cưỡng bức phá thai.
-------------------------
Hé lộ nguyên nhân khiến phi thuyền Virgin Galactic nổ tung
Cơ quan điều tra Mỹ ngày 3/11 cho biết, nguyên nhân khiến phi thuyền SpaceShipTwo của hãng Virgin Galactic phát nổ hôm thứ Sáu vừa qua, làm một phi hành gia thiệt mạng có thể do bộ phận cánh giảm tốc của phi thuyền này đã tự động bật ra ngoài kiểm soát.
Thiết kế của “cánh giảm tốc”, từng được khẳng định là duy nhất chỉ có trên tàu SpaceShipTwo, có chức năng giúp tàu giảm dần tốc độ khi quay trở lại bầu khí quyển. Tuy nhiên, có vẻ như thiết bị này đã bung ra quá sớm.
Christopher Hart, chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) khẳng định, một cần gạt được sử dụng để vận hành tính năng cánh giảm tốc này đã được kích hoạt chỉ 9 giây sau khi động cơ tên lửa khai hỏa, sớm hơn thời điểm dự kiến.
Hệ thống cánh giảm tốc này được thiết kế để khiến phi thuyền vận hành giống như một quả cầu lông. Hiệu ứng cản trong quá trình hạ cánh sẽ giúp tàu ở trong trạng thái hướng thân xuống phía dưới. Hệ thống này giúp tàu không cần phải sử dụng hệ thống các ống tên lửa đẩy nhỏ phức tạp, vốn vẫn thường được sử dụng trên các tàu vũ trụ khác khi trở về Trái đất.
Tuy nhiên, ông Hart nhấn mạnh rằng nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn chưa được khẳng định, và tất cả những gì các nhà điều tra phát hiện đó là hệ thống cánh giảm tốc đã được kích hoạt trước khi tàu đạt được tốc độ phù hợp.
Thiết bị này theo thiết kế chỉ được kích hoạt khi tàu đạt vận tốc Mach 1,4 (tương đương 1715 km/h), tuy nhiên trên thực tế nó đã hoạt động khi tàu mới đạt Mach 1.
Quá trình triển khai hệ thống này gồm hai bước. Trước tiên một phi công phải kích hoạt hệ thống bằng cách mở khóa, và ông Hart cho biết lái phụ trên chiếc phi thuyền đã làm việc này. Tiếp đó hệ thống phải được triển khai, nhưng ông Hart khẳng định lệnh này chưa hề được đưa ra.
Ông cũng cảnh báo rằng cuộc điều tra có thể phải mất vài tháng mới xác định được đầy đủ những gì đã xảy ra với chiếc phi thuyền xấu số. Sai sót của phi công cũng như trục trặc kỹ thuật đều là các yếu tố được tính tới.
Ông Hart cũng khẳng định các mảnh vỡ của tàu đã bị vỡ ra khi tàu đang bay.
Các thông tin từ truyền thông trước đó nhận định, động cơ tên lửa cùng nhiên liệu có thể là nguyên nhân gây ra vụ nổ. Dù vậy ông Hart cho biết động cơ và các bồn nhiên liệu được tìm thấy còn nguyên vẹn.
SpaceShipTwo được hãng Virgin Galactic thiết kế để chở 6 hành khách và 2 phi công lên sát mép ngoài của khí quyển Trái đất. Giá vé của mỗi chuyến bay như vậy lên tới 250.000 USD/người. Dự án đã nhiều lần gặp trì hoãn kể từ sau khi được triển khai năm 2004.
-----------------------
Chiến đấu cơ tàng hình F-35 lần đầu hạ cánh trên tàu sân bay Mỹ
Chiến đấu cơ tàng hình F-35 của quân đội Mỹ hôm qua đã thực hiện thành công cú hạ cánh đầu tiên trên một tàu sân bay. Giới chức gọi đây là một bước ngoặt đối với chiếc máy bay chiến đấu công nghệ cao mới.
Chương trình F-35 là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ và đã vấp phải hàng loạt sự cố kỹ thuật và chi phí tăng vọt, nhưng Lầu Năm Góc vẫn ca ngợi cú hạ cánh trên tàu sân bay là một bước tiến quan trọng.
Chuyến bay thử nghiệm đã chứng kiến F-35 tiếp thành công xuống tàu sân bay USS Nimitz ngoài khơi bờ biển San Diego và phi công đã điều khiển máy bay để móc ở đuôi bắt vào cáp hãm, còn gọi là dây giảm tốc, hải quân Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
F-35 có 3 phiên bản khác nhau gồm F-35A, F-35B và F-35C. Trong đó, F-35A có khả năng cất và hạ cánh như máy bay chiến đấu thông thường; F-35B cất và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng và F-35C triển khai trên các tàu sân bay.
“Hôm nay là một sự kiện bước ngoặt trong việc phát triển F-35C”, chỉ huy phi công thử nghiệm Tony Wilson nói.
Cú hạ cánh là một phần trong cuộc thử nghiệm bay trên biển, vốn kéo dài khoảng 2-3 tuần, và sẽ giúp mở đường để triển khai F-35C trong hải quân vào năm 2018, giới chức Mỹ cho biết.
“Chúng tôi có kế hoạch nghiên cứu kỹ càng trong đợt thử nghiệm phát triển này và sẽ sử dụng khiến thức thu được để biến F-35 trở thành một nền tảng vũ khí hiệu quả hơn”, Thiếu tướng Chris Bogdan, người đứng đầu chương trình F-35, cho biết trong một tuyên bố.
Lầu Năm Góc có kế hoạch chi 391,2 tỷ USD cho tổng cộng 2.443 chiếc F-35, do tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin chế tạo.
F-35 dự kiến sẽ trở thành xương sống trong phi đội máy bay tương lai của quân đội Mỹ, đảm bảo sự vượt trội của Mỹ trên bầu trời trong nhiều năm tới với công nghệ tàng hình.
Nhưng chương trình F-35 đã đối mặt với một loạt vấn đề, và sự cố mới đây nhất xảy ra hồi tháng 6 khi một vụ cháy động cơ bí ẩn đã khiến các quan chức phải cho ngừng bay toàn bộ phi đội cho tới khi vấn đề được giải quyết.
Do sự cố đó, giới chức Mỹ đã phải hủy các kế hoạch điều F-35 tới cuộc triển lãm hàng không uy tín Farnborough ở Anh hồi tháng 7 vì các đề phòng về an toàn.
------------------------