Ngủ dậy mất trộm cả... vườn hoa
Ông Trần Minh Thắng, ngụ khu Thánh Mẫu, P.7, TP.Đà Lạt, cho biết đêm 2.11, trước khi đi ngủ ông còn đến rọi đèn pin thấy vườn hoa 1.000 m2 còn nguyên, nhưng chỉ sau một đêm thức dậy bị trộm dọn sạch.
Theo ông Thắng, 18.000 gốc cát tường trong vườn bị trộm ước khoảng 1 tấn hoa; với giá hoa ổn định từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, thiệt hại gần 70 triệu đồng. Bà Trần Thị Linh Tiên (vợ ông Thắng) cho biết kẻ trộm đã nhổ cả gốc và còn phá luôn giàn lưới nâng hoa, giẫm đạp cả những luống hoa còn non. “Đêm 31.10, vườn hoa này đã bị trộm lẻn vào cắt rồi, tưởng chúng sẽ “tha”, không ngờ lần này chúng lại dọn sạch cả vườn. Tôi trồng hoa gần 10 năm nay, nhưng chưa khi nào bị trộm nhổ nguyên vườn hoa như lần này”, ông Thắng xót xa nói.
Trước đó, nhiều vụ trộm hoa tương tự xảy ra trên địa bàn. Đêm 14.10, trộm đột nhập vào vườn hoa của gia đình ông Trần Trung Hải (cuối khu Thánh Mẫu), bẻ trộm cả vườn hoa đồng tiền, sản lượng trên 4.000 cành hoa. Ông Hải cho biết bọn trộm giẫm đạp hư cả vườn hoa, hút thuốc lá bỏ lại cả đống đầu lọc và còn để rơi chìa khóa xe máy trong vườn. Tiếp đó, đêm 18.10, trộm lại lẻn vào vườn hoa của anh Cao Đăng Trình (gần vườn ông Hải) bẻ trộm hơn 2.000 bông đồng tiền. Đầu tháng 9.2014, vườn hoa cẩm chướng của ông Nguyễn Thanh Hướng (khu Đa Thiện, P.8, Đà Lạt) cũng bị trộm đột nhập bẻ trộm hơn 4.000 cành hoa cẩm chướng. Không chỉ bẻ trộm hoa, kẻ gian còn giẫm nát vườn hoa, làm ông Hướng thất thu gần một tháng sau. Ông Hướng cho biết có trình báo tổ dân phố vụ mất hoa nhưng chẳng thấy cơ quan chức năng tới ghi nhận vụ việc.
Tối 3.11, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Cao Thanh Hiếu, Trưởng công an P.7 (Đà Lạt) nhìn nhận trước đây trên địa bàn phường có xảy ra những vụ trộm hoa quy mô nhỏ, nhưng nay “mới nghe dân báo bị trộm cả vườn hoa chỉ trong một đêm”. Ông Hiếu cho biết sẽ nắm thêm tình hình để tăng cường lực lượng tuần tra, họp dân lập các tổ tự quản khi hoa gần đến ngày thu hoạch để ngăn chặn kẻ gian. “Nếu phát hiện kẻ gian trộm hoa, người dân cần báo ngay cho công an phường”, ông Hiếu nói.
-------------------------
303 lao động Trung Quốc trái phép bị phạt 4,5 tỷ đồng
Công an Hà Tĩnh đã phát hiện và xử phạt 303 lao động người Trung Quốc với tổng số tiền 4,5 tỷ đồng về các hành vi vi phạm các quy định thủ tục nhập cảnh và lao động trái phép.
Thượng tá Nguyễn Thanh Liêm, Phó GĐ Công an tỉnh Hà Tĩnh cho hay, hiện các lao động nước ngoài vi phạm bị xử phạt đã chấp hành đầy đủ việc nộp phạt, với tổng số tiền 4.545 triệu đồng.
Thông tin cụ thể từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) – Công an Hà Tĩnh, trong đợt ra quân kiểm tra các công ty có sử dụng lao động nước ngoài, trong 6 công ty được kiểm tra, Phòng QLXNC và các cơ quan, đơn vị đã phát hiện ra 303 lao động Trung Quốc không đủ thủ tục nhập cảnh và lao động chưa có phép.
Tại Công ty MCC19 (thuộc Tập đoàn MCC – Bộ Luyện kim, Trung Quốc), cơ quan chức năng đã phát hiện ra 296 lao động Trung Quốc không hợp pháp đang cư trú và làm việc trong Formosa.
Và tại Công ty Anh Bảo (xã Kỳ Liên), các cơ quan chức năng cũng phát hiện 7 lao động Trung Quốc với các hành vi vi phạm tương tự.
Các lao động TQ này đã vi phạm điểm B, khoản 5, điều 17, nghị định 167/2013, “Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có các hoạt động khác ở Việt Nam nhưng không được cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam”. Mức xử phạt sẽ từ 15-25 triệu đồng/người.
“MCC19 đưa lao động sang làm việc nhưng không bảo lãnh, không làm thủ tục đăng ký duyệt nhân sự tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an, và không được cấp phép lao động. Trong buổi làm việc với lãnh đạo Công an tỉnh, đại diện Công ty Formosa và các DN có người vi phạm đều đồng tình với mức xử phạt 15 triệu đồng 1 người.
Quan điểm của Giám đốc Công an tỉnh là xử lý nghiêm nhưng cũng tạo điều kiện cho họ làm việc ở KKT Vũng Áng. Hiện tổng số tiền 4,545 triệu dồng đã được nộp đầy đủ”, một lãnh đạo phòng QLXNC cho biết.
Sau khi xử phạt, Phòng QLXNC đã hướng dẫn cho các công ty đưa danh sách các lao động ra đăng ký tại Cục QLXNC – Bộ Công an để xin chuyển đổi mục đích, tiếp tục ở lại lao động. Toàn bộ số lao động đã được Cty MCC19 và Anh Bảo bảo lãnh, đảm bảo quyền lợi người lao động.
Được biết, từ trước đến nay, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an Hà Tĩnh xử phạt nhiều trường hợp lao động nước ngoài nhập cảnh, cư trú không hợp pháp. Tuy nhiên, đây là lần phát hiện xử phạt có số lượng lao động vi phạm lớn nhất.
Formosa cam kết siết chặt quản lý
Về tình trạng lao động trái phép mà báo chí đã phản ảnh, ông Từ Chí Hào, Chủ quản bộ phận ngoại giao – Cty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) cho biết, kể từ 1/11 về sau, FHS sẽ siết chặt quản lý, nếu lao động không có giấy phép thì sẽ không được vào làm việc trong FHS.
Đại điện Công ty FHS cũng cho biết đã triển khai làm thẻ từ ra vào cổng cho những lao động làm việc trong FHS. Nếu không có thẻ từ sẽ không vào làm việc được. Việc làm thẻ từ này sẽ hạn chế được việc làm giả thẻ ra vào, và kiểm soát được lao động trái phép.
“Chúng tôi sẽ có khoảng 1-2 tuần đầu tháng 11 để làm thẻ từ. Sau đó, nếu phát hiện lao động làm việc nhưng không có thẻ thì sẽ báo cơ quan công an xử lý. Vì đó là đột nhập công trường trái phép. Còn đối với nhà thầu, nếu vi phạm thì sẽ xử phạt, thậm chí cắt gói thầu, vì các nhà thầu đã cam kết với Công ty FHS”, đại diện Công ty FHS nói thêm.
Trước đó, đầu tháng 10, tình trạng hàng nghìn lao động Trung Quốc làm việc trái phép tại các công trường FHS đã được cảnh báo. Ngay sau đó đã có nhiều đoàn kiểm tra từ Trung ương, tỉnh và các ngành chức năng.
Sau khi có chỉ đạo sát sao từ Bộ LĐTB&XH, UBND tỉnh, BQL KKT Vũng Áng, đến nay việc quản lý, cấp phép lao động nước ngoài tại Vũng Áng đã cơ bản được các nhà thầu nước ngoài thực hiện.Cùng với đó là Công ty FHS cam kết sẽ siết chặt quản lý lao động nước ngoài.
--------------------------------
Sang biên giới Campuchia mua đèn pin chích điện
Với ý định mua "hàng nóng" để canh giữ đầm tôm, một phụ nữ chỉ chiếc đèn pin có thiết bị chích điện làm đối phương ngất xỉu được bán với giá 700.000 đồng - 1,2 triệu đồng.
Rời trung tâm TP.Châu Đốc (An Giang) hơn 5 km về hướng phường Vĩnh Ngươn, hai bên đường có nhiều điểm giữ xe suốt ngày đêm vì mùa này đường bộ sang sòng bạc, trường gà bên đất Campuchia đã bị lũ nhấn chìm.
Gửi xe xong, mọi người rẻ trái theo đường mòn ra vành đai biên giới - nơi có hàng chục chiếc vỏ lãi chờ đưa người qua Gò Tà Mâu thuộc tỉnh Takeo, Campuchia.
Trong vai khách du lịch, phóng viên được hàng chục người đưa đò chèo kéo, rủ "vượt biên" vì nơi đây không có bóng dáng của nhà chức trách. Một lái đò ra giá rẻ bất ngờ với 20.000 đồng cho cả đi về nếu khách muốn thử vận đỏ đen hoặc tậu hàng lậu bên kia biên giới.
Hơn 9h, đồng ruộng mênh mông nước lũ tấp nập vỏ lãi, xuồng máy xé nước chạy qua lại biên giới mà không ai kiểm tra.
Trước sòng bạc lợp mái đỏ rực có nhà xe bị ngập sâu trong nước lũ. Đặt chân lên đất bạn thì gặp ngay bảo vệ sòng bạc cao to không ngừng quan sát khách. Khắp nơi treo biển: "Cấm quay phim, chụp hình, nếu bị phát hiện tịch thu tang vật, mong quý khách thông cảm".
Qua khỏi công trình đang xây dựng, thì thấy bàn tài xỉu bên phải với gần 200 người vây quanh, đặt cược toàn tiền Việt mệnh giá 100.000 - 500.000 đồng. Bên trái có sới gà với gần 100 người ôm gà vây quanh, trao đổi bằng tiếng Việt.
Phía sau trường gà là những dãy kiốt hàng hóa đủ chủng loại, khách tha hồ lựa mua, không trả giá vì người bán hàng khẳng định: "Không nói thách". Dọc theo các kiốt cũng treo biển cấm chụp hình, quay phim.
Góc trái ở cuối những dãy hàng có hơn chục trẻ em neo xuồng ba lá chờ đưa khách qua sông tham quan chợ Gò Tà Mâu. Nơi đây có khoảng 30 căn nhà sàn bán thức ăn, hàng gia dụng, điện tử, kim khí điện máy… Chỉ cần 10.000 đồng, các em bé này sẽ chở khách quanh chợ, ghé từng nhà xem hàng.
Nói là chợ chứ thực sự đây là một gò nổi bên đất Campuchia. Nhiều người Việt lập gia đình với chồng, vợ người Khmer rồi sang đây cất nhà sàn buôn bán. Trong vài gia đình, trên tường có treo bằng cử nhân, giấy khen của trường học Việt Nam.
Khác với chợ Việt người bán hàng luôn niềm nở đón khách, chợ Gò Tà Mâu có đặc điểm riêng là... chủ không quan tâm đến khách. Mọi người đi từ trước đến sau xem hàng rồi đi ra mà không được ai mời mua. Khi chọn được hàng ưng ý, khách chỉ hỏi giá rồi trả tiền Việt và mua rồi thì miễn đổi trả.
Theo tìm hiểu, hàng hóa tại Gò Tà Mâu phần lớn không có nguồn gốc rõ ràng, không bảo hành. Với ý định mua "hàng nóng" để canh giữ đầm tôm, một phụ nữ chỉ chiếc đèn pin có thiết bị chích điện làm đối phương ngất xỉu được bán với giá 700.000 đồng - 1,2 triệu đồng.
"Nếu mua cho vợ thì lấy đèn pin có chích điện hộp vuông, tiện nhét vào ví mang theo người. Nhiều người qua đây mua về xài, bên đó (ý nói Việt Nam) có cấm đâu mà sợ", người bán hàng nói.
Theo một lái đò, với chiếc balô phóng viên mang theo có thể mua được rất nhiều hàng lậu là đồ điện tử để mang về Việt Nam. Nếu mua nhiều, người này sẽ chở và xách ra tận xe, chỉ cần đưa thêm 10.000 - 20.000 đồng.
"Mùa khô giữa đường mòn chạy xe qua sòng bạc có chốt kiểm tra nhưng mùa này dẹp mất nên mang hàng lậu rất yên tâm", người lái đò khẳng định.
Trở lại vành đai biên giới bên đất Vĩnh Ngươn, phóng viên giơ máy ảnh chụp một nài hàng vừa chở về từ Campuchia. Gần chục thanh niên đang canh đường trước các điểm giữ xe và quán cà phê chạy ra quát nạt, dọa lấy máy ảnh ném xuống nước.
Theo một nữ chủ quán, bọn canh đường này hung hăng lắm, có thể chống trả lại lực lượng chức năng. Bà này cho biết buổi chiều hàng ngày là thời điểm hàng lậu được chuyển về Việt Nam nhiều nhất.
-------------------------
Yêu cầu Đài Loan chấm dứt việc bắn đạn thật ở đảo Ba Bình
Ngày 3/11, ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Đài Loan chấm dứt việc bắn đạn thật trên khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước việc Đài Loan thông báo tiến hành bắn đạn thật tại đảo Thái Bình - tức đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 3 và 4/11, ông Lê Hải Bình cho biết Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở khu vực đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở biển Đông", ông Bình nhấn mạnh.
Ông Bình khẳng định: "Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan chấm dứt ngay hành động sai trái đó, không tái diễn các hành động tương tự”.
-------------------------
Nâng thời hạn nghĩa vụ quân sự lên 2 năm
Chiều 3/11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã trình Quốc hội dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) với đề nghị nâng thời hạn nghĩa vụ quân sự từ 18 tháng lên 24 tháng.
Đây được xem là nội dung được quan tâm nhất trong dự án luật này.
Đại tướng Phùng Quang Thanh phân tích: "Nếu thực hiện thời hạn phục vụ tại ngũ 18 tháng như hiện nay thì chỉ đảm bảo được thời gian huấn luyện chiến đấu đến cấp phân đội, không đảm bảo được thời gian huấn luyện chiến đấu ở cấp cao hơn vì không đủ thời gian để tổ chức huấn luyện, hợp luyện cho bộ đội. Do vậy, chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới".
Mặt khác, trong thời gian phục vụ tại ngũ hạ sĩ quan, binh sĩ được huấn luyện cơ bản, có kỹ năng, có bản lĩnh chính trị, kỷ luật tốt, được rèn luyện sức khỏe, thể lực tốt; khi xuất ngũ được phục vụ trong ngạch dự bị chất lượng quân nhân dự bị được nâng cao; nếu có tình huống cần thiết phải huy động vào lực lượng thường trực sẽ tham gia tác chiến được ngay, không phải qua huấn luyện; hằng năm không phải tập trung huấn luyện bổ sung, giảm được ngân sách đảm bảo.
Ngoài ra, quân đội còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác do Đảng và Nhà nước giao: Cứu hộ, cứu nạn, phòng tránh thiên tai, khắc phục hậu quả chiến tranh, công tác dân vận..., đã chiếm một phần đáng kể thời gian ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu".
Ông cho biết thêm: Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành không đảm bảo tính thống nhất; hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân phải phục vụ hai bốn tháng, hạ sĩ quan và binh sĩ khác chỉ phục vụ mười tám tháng đã tạo ra sự không công bằng giữa hai đối tượng, ảnh hưởng đến tư tưởng của hạ sĩ quan và binh sĩ, nhất là đối với đối tượng phục vụ tại ngũ hai mươi bốn tháng.
Hơn nữa, Luật hiện hành quy định hai thời hạn phục vụ tại ngũ khác nhau (mười tám tháng và hai bốn tháng), hằng năm phải tổ chức tuyển quân, xuất ngũ hai đợt ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ khác của quân đội, địa phương gây tốn kém về vật chất và thời gian.
Vì vậy, để bảo đảm đủ thời gian huấn luyện quân sự, kỹ thuật, chiến thuật, giáo dục chính trị, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của quân nhân, kỹ năng khai thác và sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; đồng thời nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở và giảm chi phí ngân sách, thời gian huấn luyện nâng cao chất lượng quân nhân dự bị, dự án Luật quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng.
--------------------------