Lật thuyền vượt biên, nhiều người thương vong
Hôm 3-11, Reuters đưa tin ít nhất 24 người thiệt mạng trong một tai nạn lật thuyền thảm khốc trên biển Đen, gần khu vực eo biển Bosphorus - Thổ Nhĩ Kỳ.
Nguồn tin từ lực lượng tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chiếc thuyền gặp nạn chở 42 người di cư chui, quốc tịch Afghanistan đang trên hành trình đến Bulgaria hoặc Romania. Tuy nhiên địa điểm cập bến cuối cùng ở đâu chưa được tiết lộ. Lực lượng cứu hộ đã vớt được 24 thi thể. 12 trẻ em và 7 phụ nữ nằm trong đoàn người gặp nạn này.
Ngư dân Kadir Sert được Reuters dẫn lời, mô tả: “Họ có áo phao, nhưng các thi thể ở khắp nơi. Trẻ em từ nhỏ đến lớn… Chúng tôi vớt được 15 đến 20 thi thể”.
Thổ Nhĩ Kỳ đang huy động đội tàu tuần duyên và một máy bay trực thăng tìm kiếm các nạn nhân. Vị trí cứu hộ cách bờ bắc eo Bosphorus 3 km. Một đội thợ lặn đã đến hiện trường.
Vụ tai nạn thương tâm hôm nay nằm trong làn sóng di cư mạnh mẽ từ các nước Á, Phi tìm đến “thiên đường” Châu Âu.
Những biến động chính trị gần đây như nội chiến Syria, xung đột tại các quốc gia Trung Đông và cuộc sống khốn khó ở khu vực Nam Á là nguyên nhân chính khiến làn sóng di cư bất hợp pháp ngày càng diễn ra với diễn biến phức tạp.
Hơn 150.000 người đã cập bến an toàn tại châu Âu trong hành trình vượt biên trái phép từ đầu năm đến nay- theo thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM). Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như họ.
Các vụ lật thuyền thường xảy ra ở vùng biển Địa Trung Hải - nơi tiếp giáp giữa châu Phi và châu Âu. Tai nạn xảy ra ít hơn ở vùng biển Đen. Nguyên nhân tai nạn thường gặp là chở quá tải, đội tàu cũ kĩ.
-------------------------
Iraq chuẩn bị tổng tấn công Nhà nước Hồi giáo
Giữa lúc thêm nhiều tội ác kinh hoàng của Nhà nước Hồi giáo (IS) được phát hiện gây chấn động dư luận thế giới, lực lượng an ninh Iraq đang có kế hoạch tổng tấn công chống lại lực lượng khủng bố này.
Tội ác tàn nhẫn
Ít nhất 322 thành viên của bộ tộc Al-Bu Nimr đã bị phiến quân IS sát hại trong tuần qua, trong đó vụ mới nhất phát hiện có hàng chục phụ nữ và trẻ em được tìm thấy trong một ngôi mộ tập thể.
Lãnh đạo bộ tộc người Sunni Sheikh Naeem al-Ga'oud cho hay 75 thành viên bộ tộc của ông đã bị sát hại hôm 2.11 khi cố gắng thoát khỏi tay IS. Họ bị bắn chết và chôn ở gần thị trấn Haditha. "Số người của bộ tộc Al-Bu Nimr chết vì tay IS là 322. Thi thể của 50 phụ nữ và trẻ em được phát hiện chôn trong cùng một cái giếng", Bộ Nhân quyền Iraq hôm 2.11 cho biết.
Al-Bu Nimr là một bộ tộc thuộc chủng tộc người Sunni vẫn đang chiến đấu chống IS. Bộ tộc này bị IS bao vây tại tỉnh phía tây Anbar trong nhiều tuần, trước khi họ hết nhiên liệu và đạn dược. Khi những người của bộ tộc này rút lui đến khu vực sa mạc thuộc tỉnh gần hồ Tharthar thì IS chặn được và sát hại.
Ông Ga'oud cho biết ông từng nhiều lần khẩn cầu chính phủ Iraq cung cấp vũ khí và tăng viện nam giới, song không nhận được hồi âm nào.
Trong một diễn biến khác, một quan chức an ninh tỉnh Anbar cho hay 35 thi thể nữa được tìm thấy trong một ngôi mộ tập thể.
Những tin tức trên đến dồn dập sau khi khoảng 200 thành viên cũng thuộc bộ tộc Al-Bu Nimr bị thảm sát bên ngoài thành phố Ramadi hôm 29.10 và được phát hiện trong ngôi mộ tập thể vào sáng ngày 30.10.
Giữa lúc nhiều tội ác kinh hoàng của IS liên tục được phát hiện, dư luận còn rúng động trước hình ảnh những kẻ ủng hộ IS cổ vũ một em bé đá chân vào một chiếc đầu đã lìa khỏi thân mà DailyMail đăng tải hôm qua (3.11). Trong bức ảnh, dường như người cha IS mỉm cười thích thú khi nhìn đứa con chừng 3 tuổi đá vào chiếc đầu dưới đất. Có vẻ đó là thủ cấp của một tù nhân với khuôn mặt đã bị phân hủy nặng nề. Khuôn mặt có một vết thương sâu cho thấy nạn nhân bị cắt cổ.
"Những vụ sát hại đang diễn ra hàng ngày trong khu vực nằm dưới sự kiểm soát của IS và chúng sẽ tiếp tục trừ khi nhóm khủng bố này bị đánh bại", Faleh al-Issawi, một lãnh đạo của hội đồng thành phố Anbar, nói với AP.
Người Iraq chuẩn bị phản công IS
Lực lượng an ninh Iraq, dưới sự hỗ trợ của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu cùng hàng trăm cố vấn, đang có kế hoạch liên kết để tiến hành một cuộc tổng tấn công chống lại phiến quân IS. Những người Iraq này đang tiếp tục tiến vào Syria trong một chiến dịch mà có thể phải đối mặt với một loạt các vấn đề về hậu cần và thách thức chính trị.
Mục đích của chiến dịch là phá vỡ vòng vây của IS ở miền bắc và miền tây Iraq, thiết lập sự kiểm soát của chính phủ trên thành phố Mosul cũng như các trung tâm dân cư, các con đường chính trong nước và khu vực biên giới với Syria vào cuối năm 2015, theo các quan chức Mỹ.
Kế hoạch này sẽ yêu cầu đào tạo ra 3 sư đoàn quân đội Iraq mới với hơn 20.000 quân trong những tháng tới. Chiến lược cơ bản kêu gọi tấn công phiến quân IS nhằm cô lập chúng trong những thành trì chính như Mosul. Điều đó cho phép quân đội Iraq, các đơn vị chiến binh người Kurd thiện chiến với tên gọi Peshmerga cùng lực lượng binh sĩ được tuyển chọn từ các bộ tộc người Sunni có thể làm suy yếu được IS, đồng thời chặn đứng đường tiếp viện quân, vũ khí của phiến quân Hồi giáo cực đoan ở Syria.
Mỹ sẽ xây dựng thêm các tiền đồn ở Iraq và tăng cường huấn luyện để củng cố khả năng chiến đấu cho quân đội Iraq. Tuy nhiên, Mỹ thừa nhận rằng nhiệm vụ của Iraq không dễ chút nào, nhất là nguy cơ IS sẽ gia tăng làn sóng trả thù và can thiệp trong thời gian tới. Tiếp đó là việc phải xây đựng được quyền quản lý một cách minh bạch, không giáo phái và hợp pháp ở các vùng mà IS bị đánh bật. Ray Odierno, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở Iraq, nói rằng nhiệm vụ này sẽ mất từ 3 đến 4 năm.
------------------------
Công ty công nghệ Bio-Rad của Mỹ bộn tiền dàn xếp hậu quả hối lộ ở Nga, Thái và VN
Công ty công nghệ Bio-Rad (Mỹ), nhà sản xuất của các loại máy móc chẩn đoán y khoa, hôm 3-11 đồng ý chi 55 triệu USD để dàn xếp vụ hối lộ các quan chức ở Nga, Việt Nam và Thái Lan.
Theo AFP, bằng cách dàn xếp với Bộ Tư pháp và Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC), Rio-Rad tránh được các cáo buộc hình sự theo như Đạo Luật Chống Tham Nhũng Tại Nước Ngoài của Mỹ.
Bio-Rad phải chi 14,4 triệu USD tiền phạt cho Bộ Tư pháp Mỹ và 40,7 triệu USD cho SEC hoặc từ bỏ các khoản lợi có liên quan đến việc hối lộ cùng với lãi suất tích lũy từ các khoản lợi này.
Bộ Tư pháp Mỹ và SEC cho rằng chi nhánh Pháp Bio-Rad SNC đã chi hoa hồng cho các đại lý kinh doanh ở Nga nhằm hối lộ cho các quan chức trong Bộ Y tế Nga.
“Các giám đốc của Bio-Rad nhiều lần phớt lờ các cảnh báo rằng các đại lý ở Nga có dấu hiệu hối lộ quan chức chính quyền, và họ dung túng để giấu giếm chuyện này” – SEC cho biết.
Ngoài ra, công ty này cũng bị cáo buộc sử dụng các trung gian ở Việt Nam và Thái Lan để giành hợp đồng bằng cách hối lộ và chi hoa hồng bất hợp pháp.
Theo SEC, các nhân viên của Bio-Rad dùng các trung gian ở Việt Nam và Thái Lan để rót tiền hối lộ cho quan chức để đổi lại các thương vụ mua bán tại các thị trường này. Bio-Rad chi nhánh Singapore bán các sản phẩm cho các nhà phân phối Việt Nam với giá rẻ. Những nhà phân phối này sẽ cắt phần chiết khấu từ việc bán rẻ để hối lộ.
SEC cho biết tổng cộng Bio-Rad chi 7,5 triệu USD tiền hồi lộ trong 5 năm qua để thu về 35 triệu USD các “món lợi phi pháp”.
Công ty này còn đối mặt với các cáo buộc làm sai lệch sổ sách và các hồ sơ khác để che giấu việc hối lộ
-------------------------
IS lại hành quyết 50 người, bắt cóc 65 người
Trong vài ngày qua, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã hành quyết 322 thành viên bộ lạc Albu Nimr ở tỉnh Anbar, trong đó vụ mới nhất xảy ra hôm 2-11.
Nguồn tin chính phủ Iraq cho biết thông tin trên.
Theo Bộ nhân quyền Iraq, hơn 50 thi thể đã được tìm thấy trong một giếng nước vào sáng 2-11 ở làng Ras al-Maa, phía bắc thủ phủ tỉnh Ramadi.
Lãnh đạo bộ lạc Albu Nimr cho biết các nạn nhân - trong đó có 10 phụ nữ và trẻ em, bị các tay súng IS bắt đứng xếp thành hàng rời nổ súng vào họ, nói là để trừng trị do bộ lạc dám kháng cự chúng.
Đây là vụ hành quyết mới nhất nhằm vào thành viên bộ lạc Albu Nimr. Tuần trước, hàng trăm người của bộ lạc này cũng bị IS sát hại, trong đó có 50 người bị giết hôm 31-10.
Cũng trong ngày 2-11, IS đã bắt cóc 65 thành viên bộ lạc Albu Nimr và chiếm đoạt nhiều gia súc của bộ lạc.
Sheikh Al Naeem Gaoud, một lãnh đạo cao cấp của bộ lạc, nói với BBC: "Chính phủ đã bỏ rơi chúng tôi và để mặc chúng tôi cho IS. Chúng tôi đã nhiều lần xin vũ khí nhưng họ chỉ cho chúng tôi những lời hứa”.
* Cũng trong ngày 2-11, các máy bay chiến đấu của Canada đã lần đầu tham gia chiến dịch không kích phiến quân IS ở Iraq.
Trong một tuyên bố, Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Canada cho biết các máy bay của nước này đã tấn công các mục tiêu ở khu vực lân cận Fallujah bằng bom laser dẫn đường và an toàn quay trở về căn cứ ở Kuwait.
Hiện Canada triển khai 6 máy bay chiến đấu CF-18 cùng 1 máy bay C-150 Polaris và 2 máy bay do thám CP-140 trong chiến dịch không kích nhằm vào IS - lực lượng đang chiếm giữ các vùng lãnh thổ lớn ở Iraq và Syria.
-------------------------
Cảnh sát biên giới Ấn Độ chặn tàu Trung Quốc xâm nhập
Truyền thông Ấn Độ hôm 2-11 cho biết tàu thuyền Trung Quốc đã xâm nhập trái phép khu vực hồ Pangong, gần vùng Ladakh do nước này kiểm soát, đồng thời triển khai quân đội vào sâu khoảng 5 km trên đất liền.
Theo lực lượng an ninh Ấn Độ, vụ xâm nhập trái phép kể trên diễn ra ngày 22-10. Tàu thuyền Trung Quốc neo đậu tại hồ Pangong dưới sự yểm trợ của bộ binh trên con đường được xây dựng dọc theo bờ hồ.
Ngay sau đó, lực lượng Cảnh sát biên giới Ấn Độ-Tây Tạng (ITBP) đã chặn tàu thuyền Trung Quốc tại đường kiểm soát thực tế (LAC) nằm trong hồ Pangong. Nhóm binh sĩ Trung Quốc cưỡi xe địa hình cố gắng vượt qua LAC trên bộ cũng bị ITBP chặn lại.
Khi quân đội 2 bên đối mặt, họ cùng vẫy biểu ngữ khẳng định chủ quyền vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Cuối cùng, tàu thuyền và binh sĩ Trung Quốc buộc phải rút lui sau khi ITBP kiên quyết không nhượng bộ.
Nguồn tin an ninh Ấn Độ cho biết tại khu vực Finger IV mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc cho xây dựng một hàng rào thép gai ăn sâu vào LAC khoảng 5 km và khẳng định đó là một phần lãnh thổ của Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng thường xuyên tuần tra khu vực Bắc và Nam hồ Pangong. Đáp lại, Ấn Độ trang bị tàu thuyền đánh chặn tốc độ cao mua từ Mỹ, có thể chứa gần 15 binh sĩ và được trang bị hệ thống radar, hồng ngoại và GPS để giám sát khu vực do mình quản lý.
Trong một diễn biến liên quan, Sri Lanka vừa cho phép một tàu ngầm và tàu chiến Trung Quốc cập cảng ở thủ đô Colombo, gây quan ngại cho Ấn Độ.
Tàu ngầm Changzheng-2 và chiến hạm Chang Xing Dao cập cảng Sri Lanka ngày 31-10 và sẽ ở lại 5 ngày để tiếp nhiên liệu cũng như dành thời gian cho thủy thủ đoàn Trung Quốc nghỉ ngơi.
Phát ngôn viên hải quân Sri Lanka Kosala Warnakulasuriya thông báo: “Điều này không có gì bất thường. Từ năm 2010, 230 tàu chiến các nước đã cập cảng Colombo trên tinh thần thiện chí và để tiếp nhiên liệu”.
Dù vậy, giới chức Ấn Độ bày tỏ lo ngại về các chuyến thăm dày đặc tới Sri Lanka của Trung Quốc thời gian qua. Thêm vào đó, Bắc Kinh những năm gần đây đầu tư mạnh vào Colombo như tài trợ cho các sân bay, đường bộ, đường sắt và cảng biển nhằm phá rối quan hệ đối tác kinh tế giữa Ấn Độ và đảo quốc 21 triệu dân này.
-------------------------