Tổng giám đốc Hòa Phát đề nghị xem xét hành vi Nguyễn Đức Kiên 'nhẹ nhàng'
Trả lời Hội đồng xét xử, đại diện Tập đoàn Hòa Phát, nạn nhân của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ Nguyễn Đức Kiên nói không bị thiệt hại nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nhẹ nhàng đối với bị cáo Kiên.
Trong chiều nay 2.12, Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao đã chuyển sang phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Đức Kiên đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, Tòa sơ thẩm cáo buộc bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã chuyển nhượng 20 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần thép Hòa Phát (thuộc sở hữu của Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội do ông Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị) cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên thép Hòa Phát với giá trị 264 tỉ đồng. Tuy nhiên, số cổ phần này đang được Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội thế chấp tại ngân hàng ACB.
Sau khi nhận được tiền bán cổ phần, bị cáo Kiên đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng vào các mục đích khác nhau và không có tác động nào để ngân hàng giải chấp số cổ phần trên. Về hành vi này, Nguyễn Đức Kiên đã bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 20 năm tù giam.
Tuy nhiên, khi trả lời Hội đồng xét xử chiều nay, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát nói thời điểm thỏa thuận mua bán cổ phần với Nguyễn Đức Kiên không biết cổ phần đã bị thế chấp.
Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cũng xác nhận đã cùng ông Long và bị cáo Kiên đàm phán mua bán cổ phần. “Cả anh Long và tôi đều không biết cổ phần bị thế chấp, cho tới khi cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo”.
Trước tòa, ông Dương cũng xin Hội đồng xét xử cho trình bày: “Khi sự việc xảy ra, công ty con của Hoà Phát có làm đơn đề nghị điều tra làm rõ, chứ không phải đơn tố cáo ông Nguyễn Đức Kiên. Tính đến hôm nay, sau khi vụ việc xảy ra, Công ty Hoà Phát đã nhận lại số tiền mua cổ phần vì việc mua bán đó không thành. Năm 2013, chúng tôi đã mua lại toàn bộ cổ phiếu đó, đến hôm nay không có thiệt hại nào. Hoà Phát không có thiệt hại nào nên xem xét vấn đề nó nhẹ nhàng tý”.
“Ông nói không có thiệt hại, phải làm rõ. Thời điểm xảy ra sự việc, trước khi cơ quan điều tra thông báo cổ phiếu này đang bị thế chấp, thì Hoà Phát có thiệt hại hay không, hay thiệt hại đã được khắc phục?”, Hội đồng xét xử hỏi.
“Đến thời điểm này đã khắc phục”, ông Dương đáp, và cho biết việc đề nghị xem xét vấn đề nhẹ nhàng là quan điểm của cá nhân mình, khi Hội đồng xét xử đề nghị nêu rõ thêm lý do đề nghị này.
Trước tòa, bị án Nguyễn Thị Hải Yến, kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, đồng phạm trong vụ án này, thừa nhận mặc dù không được dự phiên họp của Hội đồng quản trị bàn về việc xin ngân hàng ACB giải chấp số cổ phiếu trên nhưng đã lập biên bản với tư cách là thư ký cuộc họp, theo sự chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên.
“Tôi thừa nhận hành vi của mình nên sau phiên sơ thẩm không kháng cáo”, bà Yến nói.
(Thanh Niên)
-------------------------
Bầu Kiên và lá đơn kháng án viết trong 50 tiếng
"Hôm nay là ngày xét xử thứ ba, tình hình sức khỏe các bị cáo ra sao?” , chủ tọa phiên tòa mở màn buổi xét xử sáng 2/12. Trong quá trình thẩm vấn, bầu Kiên được Tòa tạo điều kiện cho trình bày đơn kháng án. Ông này cho biết, đã dành 50 giờ đồng hồ để viết đơn này.
Buổi xét xử sáng nay bắt đầu với phần thẩm vấn bị cáo Nguyễn Đức Kiên. Ông Kiên khẳng định, mình đại diện 5/6 công ty, trừ công ty Thiên Nam.
Liên quan đến hoạt động tại các công ty, bầu Kiên thừa nhận các hành vi mua cổ phần, cổ phiếu hoặc phát hành trái phiếu tại các công ty nói trên, là người đứng đầu hội đồng quản trị, ký thông qua. “Nếu có hành vi phạm tội ở những công ty này, tôi sẽ là người chịu trách nhiệm đầu tiên, cao nhất” – bầu Kiên khẳng định.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, đề nghị bị cáo Kiên nêu tóm tắt nội dung đơn khiếu nại đã gửi tới đại diện cơ quan Viện KSND Tối cao. Ngay sau đó, bầu Kiên “nói lại cho rõ” đó là lá đơn kháng án và xin được đọc toàn văn trước tòa.
Mặc dù một thành viên HĐXX cho rằng nên để phần này trong phiên tranh luận, nhưng bị cáo Kiên tiếp tục xin được đọc và hứa sẽ ‘đọc nhanh” nên đã được tòa chấp nhận. Tuy vậy, HĐXX cũng nhắc nhở, Tòa Phúc thẩm chỉ xem xét nội dung kháng án, không giải quyết khiếu nại.
Nhưng khi đang “giãi bày” tâm tư ở phần hành vi kinh doanh trái phép, bầu Kiên bị nhắc nhở: “Bị cáo chỉ tóm tắt nội dung chính, còn lại để ở phần sau” – nữ thẩm phán (thành viên HĐXX) lên tiếng.
Theo bị cáo Kiên, quá trình làm doanh nghiệp, bị cáo này nghĩ tới đầu tiên là việc học các kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình. Nói đến hoạt động của các công ty, bầu Kiên phân tích: “Việc đầu tư cổ phần cổ phiếu là kinh doanh tài chính. Đây là khái niệm chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào điều chỉnh”.
Sau hồi trình bày, bầu Kiên tỏ vẻ mệt mỏi, xin ngồi rồi nói: “Nếu được đọc thì tốt hơn với tôi. Tôi viết lá đơn này trong 50 giờ. Nếu đọc, chỉ xin 2 đến 3 giờ của HĐXX”. Trước khi dừng trình bày phần kinh doanh tại 6 công ty, bị cáo Kiên chốt: “Các công ty đó hoạt động đúng luật”.
Trong quá trình trình bày, bầu Kiên phải dừng lại nghỉ ngơi khá nhiều lần để uống nước. “Huyết áp tôi giờ 160/100, vậy nên tôi không nói liên tục được, xin HĐXX cho tôi nghỉ chút” – bầu Kiên hướng về phía vị chủ tọa, và ngay sau đó đã nhận được sự chấp thuận từ HĐXX.
Cũng theo vị chủ tọa, việc trả lời hay trình bày của các bị cáo cần lưu ý, bởi đang ở phần thẩm vấn. Khi nào cần giải thích hay làm rõ một nội dung nào đó, các bị cáo để dành ở phần sau.
-------------------------