Tinh thần chung của Luật Doanh nghiệp là tự do kinh doanh nhưng cần đăng ký để quản lý hành chính.
Từ vụ bầu Kiên và một số doanh nghiệp (DN) bị xử hình sự vì “kinh doanh trái phép”, một câu hỏi đặt ra là làm sao để DN tránh tội “kinh doanh trái phép”?
Đăng ký, thông báo đủ
Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) của Bộ KH&ĐT thì Luật DN (năm 2005) cho DN có quyền kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, DN phải khai báo ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký thành lập DN, có nghĩa vụ đầu tiên là kinh doanh theo đúng ngành nghề đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký DN (CNĐK). Khi có thay đổi về ngành nghề, DN cũng phải làm thủ tục đăng ký với cơ quan ĐKKD.
Cũng theo Cục, từ 1-7-2015, áp dụng Luật DN năm 2014 (vừa được Quốc hội thông qua), DN vẫn phải khai báo ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký thành lập DN. Khi có thay đổi về ngành nghề, DN nộp thông báo (đơn giản hơn thủ tục đăng ký hiện nay).
Như vậy, tinh thần chung của Luật DN là tự do kinh doanh nhưng cần đăng ký để quản lý hành chính. Các nghị định xử phạt có liên quan cũng chỉ phạt tiền, không kèm biện pháp thu hồi giấy CNĐKDN. Cụ thể, Nghị định 155/2013 (xử phạt hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT) phạt 15-20 triệu đồng nếu DN kinh doanh ngành nghề không có trong giấy CNĐKDN. Nghị định 185/2013 (xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại) thì phạt 1-5 triệu đồng nếu kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm kinh doanh ghi trong giấy; phạt 5-10 triệu đồng nếu kinh doanh mà không có giấy CNĐKDN.
Một cán bộ quản lý của Cục Quản lý ĐKKD cho biết theo Luật DN 2014 thì trên giấy CNĐKDN không ghi ngành nghề (chỉ ghi ngành nghề có điều kiện). Các quy định về xử phạt nêu trên sẽ được chỉnh sửa cho phù hợp, đảm bảo DN kinh doanh đúng ngành nghề có đăng ký, có thông báo.
Cứ đăng ký, lưu giữ chứng từ
Một chuyên viên ĐKKD cho biết các DN cần tra cứu kỹ ngành nghề kinh doanh, thấy ngành nào có liên quan đến hoạt động của mình thì nên tìm hiểu rõ và đăng ký. Đừng để đăng ký thiếu. Ví dụ, DN đăng ký bán lẻ hàng may mặc, giày dép mà muốn bán thêm vải thì phải đăng ký thêm mã ngành bán vải, hàng dệt. Nếu không đăng ký thì cơ quan quản lý thị trường đi kiểm tra có thể phạt vì DN kinh doanh không đúng mặt hàng trong giấy CNĐKDN.
Những trường hợp DN không rõ ngành nghề mình kinh doanh có cần đăng ký hay không thì có thể đăng ký chi tiết hơn để được hướng dẫn. Nếu ngành nghề đó không cần đăng ký và cơ quan ĐKKD ra thông báo với nội dung không cần đăng ký thì cất thông báo này vào hồ sơ lưu.
Nên làm cho ngành nghề tương thích với quốc tế
Hệ thống về ngành nghề và mã ngành cần phải tương thích với quốc tế, kiểu như mã số hàng hóa hải quan (mã HS) đã được áp dụng chung trên thế giới. Khi đó nội dung ngành nghề mới bao quát được và cập nhật các lĩnh vực mới phát sinh, được hiểu thống nhất, tránh chuyện tôi hiểu một đằng, đăng ký một đằng, anh lại bảo ngành nghề khác.
Có tương thích như vậy thì nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, DN Việt Nam muốn đầu tư ra nước ngoài cũng không lo chuyện không đúng ngành nghề.
(Ông TRẦN HỮU HUỲNH, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam)
Các vụ án kinh doanh trái phép
- Cá nhân cũng bị xử phạt: Siêu mẫu VT bị sáu tháng tù treo vì mua bán máy tính, điện thoại di động không đăng ký kinh doanh.
- Tháng 5-2014, giám đốc Công ty HA bị tuyên 12 tháng tù treo vì không đăng ký kinh doanh ngành tư vấn tài chính kế toán (ngành có điều kiện về chứng chỉ hành nghề) nhưng ký hợp đồng tư vấn thuế cho khách hàng.
- Tháng 6-2014, giám đốc Công ty Gas ĐQ bị tuyên chín tháng tù treo vì sản xuất vỏ bình gas, sang chiết gas mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh gas.
Điều 159 BLHS về tội kinh doanh trái phép
1. Người nào kinh doanh không có ĐKKD, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:
a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này...;
b) Hàng phạm pháp có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
b) Mạo nhận một tổ chức không có thật;
c) Hàng phạm pháp có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên;
d) Thu lợi bất chính lớn.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Làm rõ tội kinh doanh trái phép trong việc góp vốn, mua cổ phần...
- Tại phiên sơ thẩm xét xử bầu Kiên ngày 21-5, HĐXX sơ thẩm đã hỏi đại diện các bộ, ngành có mặt tại phiên tòa cùng một câu hỏi: Việc góp vốn kinh doanh, mua cổ phần, cổ phiếu của DN khác có phải đăng ký kinh doanh không? Kết quả là các cơ quan hoặc đẩy trách nhiệm trả lời sang cho cơ quan khác, hoặc xin “nợ” câu trả lời…
Đại diện Sở KH&ĐT TP. HCM cho biết Sở chưa thể khẳng định việc đầu tư góp vốn kinh doanh vào DN khác có phải đăng ký kinh doanh hay không. Sở đã hỏi Bộ KH&ĐT về việc này. Bộ KH&ĐT hướng dẫn Sở hỏi Bộ Tài chính để được hướng dẫn cụ thể. Sở sau đó đã có văn bản hỏi Bộ Tài chính nhưng chưa có phản hồi.
Phát biểu quan điểm cá nhân, vị này cho rằng việc góp vốn vào DN khác đã có quy định tại Luật DN, đây là hoạt động bình thường của DN.
Đại diện Sở KH&ĐT TP Hà Nội đề nghị quý tòa hỏi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính…
Trong khi đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ấp úng nói: “Để trả lời câu hỏi này phải là người có thẩm quyền...”.
Đại diện Cục Quản lý ĐKKD (Bộ KH&ĐT) tiếp tục khẳng định thẩm quyền trả lời câu hỏi thuộc Bộ Tài chính.
- Tại phiên xử phúc thẩm bầu Kiên, chiều 1-12, trả lời đại diện VKS, đại diện Cục Quản lý ĐKKD (Bộ KH&ĐT) cho biết: Tất cả DN hoạt động theo Luật DN phải ĐKKD. Nếu ngành nghề DN dự kiến ĐKKD chưa có trong hệ thống thì DN vẫn phải đăng ký, báo cáo để các cơ quan nhà nước bổ sung.
Đại diện Sở KH&ĐT TP Hà Nội cho biết đến thời điểm hiện nay chưa có bất cứ DN nào được cấp giấy chứng nhận ngành nghề đầu tư tài chính, mua cổ phần cổ phiếu, góp vốn.
Luật sư của bầu Kiên hỏi: “Có văn bản nào của cơ quan nhà nước quy định việc mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn phải ĐKKD chưa?”. Vị này cho biết: “Luật Đầu tư đã quy định việc mua cổ phần, cổ phiếu khác chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của cơ quan ĐKKD, chúng tôi chỉ là cơ quan thực hiện”.
Trong khi đó, đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết đã có công văn hỏi Bộ Tài chính và Bộ Tài chính có công văn trả lời: “Hoạt động góp vốn, mua cổ phần đã được xếp mã ngành là 64990”. Tuy nhiên, sau đó Bộ Tài chính lại nói đó không phải là ngành.(THU NGUYỆT)
QUỲNH NHƯ -PLO
-------------------------