Tiền Giang: Xe container chạy “lạc đường” kéo đổ hệ thống cáp quang
Khoảng 7h sáng 2.12, tại ngã tư đường Rạch Gầm- Lê Lợi (phường 1, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) xảy ra sự cố giao thông nghiêm trọng làm gãy đổ 6 đường dây điện thoại, cáp quang... Sự cố này gây mất điện và gián đoạn thông tin liên lạc của nhiều cơ quan tổ chức và hộ dân trên địa bàn thành phố Mỹ Tho.
Vào thời điểm trên, xe container BKS 57L-2828 của Hợp tác xã vận tải Thành Công (tỉnh Đồng Nai) do tài xế Phùng Văn Tú (SN 1972, quê tỉnh Thái Bình) điều khiển đã chạy “lạc đường” vào đường Rạch Gầm đã làm sập, đứt hệ thống đường dây cáp quang của 7 đơn vị kinh doanh Truyền hình cáp, Bưu điện và hệ thống thông tin của quân đội...
Một số trụ điện của Điện lực Mỹ Tho gần đó cũng bị lực kéo của xe đầu kéo làm đổ ngã và hư hỏng nặng. Rất may, sự cố này không ảnh hưởng đến đường dây điện trung thế nằm gần đó, không có thiệt hại về người.
Nguyên nhân xảy ra sự cố trên là do xe container có chiều cao hơn 4 mét đi vào đường Rạch Gầm có hệ thống dây cáp quang giăng ngang thấp hơn nên vướng vào. Tài xế không phát hiện và xử lý kịp thời sự việc.
Sau khi sự cố xảy ra, các ngành chức năng và các đơn vị chủ quản đường dây cáp quang có mặt tại hiện trường để điều tiết giao thông, thu dọn hiện trường và khắc phục sự cố. Công an TP. Mỹ Tho tạm giữ phương tiện gây ra sự cố và làm việc với người điều khiển phương tiện để làm rõ và xử lý vụ việc.
Lực lượng chức năng khắc phục sự cố Theo các cơ quan chức năng, dự kiến phải đến hết ngày hôm nay (2.12), sự cố đứt, gãy đổ hệ thống dây cáp quang, cột điện này mới khắc phục xong.
-------------------------
Thêm nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ bùng phát cắn người
GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cùng các chuyên gia sinh thái khác lí giải nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ bùng phát cắn người bất thường và đưa ra các gợi ý kiềm chế.
GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho hay, ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về rắn lục đuôi đỏ. Theo nhiều tài liệu, rắn lục đuôi đỏ (hay còn gọi là rắn lục mép trắng, rắn lục tre) có vùng phân bố khá rộng, xuất hiện ở hầu hết các vùng rừng trong cả nước. Loài này sống chủ yếu trên cây, hoạt động vào ban đêm, ăn chuột, thằn lằn, ếch, nhái…
Không phải mùa sinh sản
Rắn lục đuôi đỏ vốn sống chủ yếu trong rừng nay xuất hiện nhiều ở các khu dân cư có thể do nhiều nguyên nhân. Theo GS Đặng Huy Huỳnh, rắn là loài biến nhiệt, nhiệt độ tăng có thể làm tăng số lượng rắn. Điều này phù hợp với việc loài rắn đuôi đỏ xuất hiện nhiều ở các tỉnh phía Nam.
Ngoài ra, vùng rừng vốn là nơi sống của rắn lục đuôi đỏ, nay bị chặt phá, rắn mất môi trường sống nên di chuyển về hang hốc, bụi cây gần khu dân cư. Tuy nhiên, các điều kiện trên đều khiến gia tăng số lượng các loài rắn khác, tại sao chỉ có rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều?
Theo GS Huỳnh, loài này sinh sản khá nhiều, chúng đẻ con chứ không đẻ trứng như nhiều loài rắn khác, mỗi lần đẻ 4-14 con. Các loài thiên địch của chúng trong môi trường như cầy, cáo, mèo giảm đi khá nhiều do nạn săn bắt cũng làm gia tăng số lượng rắn.
Tuy nhiên, rắn lục đuôi đỏ thường sinh con vào tháng 6-7, chứ không phải mùa này. Ngoài ra, rắn lục đuôi đỏ không phải là loài có giá trị kinh tế như nhiều loài khác. Thịt rắn hôi nên không được sử dụng làm thức ăn, ngâm rượu thuốc, nên chúng càng có cơ hội phát triển.
Theo TS Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, muốn biết vì sao rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều, phải có các nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên, có thể giả thuyết, nguồn thức ăn dồi dào hơn và sinh cảnh sống phù hợp đã kích thích sự phát triển của rắn lục, đặc biệt là ở các khu dân cư ven rừng.
Theo GS Huỳnh, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ số rắn lục đuôi đỏ tăng bao nhiêu, vì sao lại tăng, biện pháp phòng chống hiệu quả nhất… “Phải làm nhanh để người dân đỡ hoang mang, ảnh hưởng đến tinh thần, sản xuất”, ông Huỳnh nói.
Rắn chết vẫn có thể cắn và phóng nọc
Theo GS Huỳnh, rắn lục đuôi đỏ không độc như hổ mang hay cạp nong, cạp nia, nhưng rất khó phát hiện loài rắn này, vì chúng thường sống trong bụi cây, hang hốc và có màu xanh. Người dân nên phát quang bụi rậm quanh nhà. Rắn hoạt động chủ yếu vào ban đêm, nên khi đi ra ngoài vào ban đêm, người dân nên dùng đèn pin, đi ủng.
Ngoài ra, có thể trồng sả hoặc nuôi chó, mèo để hạn chế rắn xuất hiện.
Theo TS Nguyễn Quảng Trường, nọc độc của rắn lục không tác động lên hệ thần kinh, mà thường tác động lên hệ tuần hoàn, gây rối loạn đông máu, sưng nề hoặc hoại tử. Điều đáng ngại là một con rắn chết, thậm chí đầu rắn bị cắt rời vẫn có thể cắn và phóng nọc độc theo phản xạ cho đến 90 phút sau khi nó chết.
Khi bị rắn cắn, cần hạn chế vận động để tránh làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể, không nên rạch vết thương vì có thể làm mất máu cấp. Không nên ga-rô bằng dây cao su, vì dễ gây hoại tử do thiếu máu cung cấp đến phần cơ thể phía dưới ga-rô.
Cũng không nên đắp các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ tác dụng vì có thể gây nhiễm trùng. Cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Nếu có thể, bắt con rắn cắn người đến bệnh viện để bác sĩ xác định đúng chủng loại huyết thanh cần sử dụng.
-------------------------
Xe máy lao vào gầm xe tải một người bị thương nặng
Khuya ngày 1.12, đã xảy ra một vụ tai nạn giữa xe tải và xe gắn máy khiến một nạn nhân bị thương nặng.
Theo thông tin ban đầu, những người dân chứng kiến kể lại thì vào thời điểm trên xe tải 60L-6771 được tài xế Phan Tấn Phương (SN 1986 ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) dừng xe trên làn ô tô theo hướng từ ngã tư Tân Phong về Vĩnh Cửu để băng qua bên kia đường ăn cơm.
Một lúc sau anh Trần Văn Duần (SN 1970 ngụ P.Tân Phong, Tp.Biên Hòa) điều khiển xe máy hiệu NovoLX biển số 60B1 60040 lưu thông cùng chiều do vào giờ cao điểm nên anh Duần đã tông thẳng vào đuôi xe tải, xe máy và người đều bị cuốn vào gầm xe tải, xe máy hư hỏng nặng. Cú va chạm mạnh khiến anh Duần bị thương nặng nên đã được những người dân xung quanh đưa đi cấp cứu.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
-------------------------
Ngư dân liên tiếp gặp nạn trên biển
Sáng 1.12, Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết, ngư dân T.V.Th (53 tuổi, tàu cá BĐ 95519, trú xã An Tân, huyện An Lão, Bình Định) đã tử vong vào 9h cùng ngày vì xuất huyết não quá nặng. Lúc 12h17 ngày 30.11, Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực II (Danang MRCC) nhận được thông tin trên tàu BĐ 95519, thuyền viên Th bị đau đầu, chóng mặt, nôn mửa và co giật tại vị trí cách Đà Nẵng khoảng 130 hải lý về hướng đông nam và yêu cầu giúp đỡ khẩn cấp.
Danang MRCC liền yêu cầu Đà Nẵng Radio nối máy cho Trung tâm Cấp cứu TP.Đà Nẵng để tư vấn y tế cho tàu và đồng thời đưa ngư dân Th vào BV Đà Nẵng điều trị trong tình trạng hôn mê sâu...
Lúc 4h ngày 30.11, Tàu SAR 274 đã đưa thuyền trưởng tàu QNg 98168 - Võ Hoàng (39 tuổi, quê Quảng Ngãi) - bị tai nạn do dây cu roa của máy tời về Đà Nẵng điều trị.
Cảnh sát biển 3 cứu 6 dân gặp bão
Sáng 1.12, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển 3 (đóng quân ở phường 11 Vũng Tàu) cho biết, tàu CSB 2009 của đơn vị vừa cứu hộ thành công và lai dắt tàu cá PY-96182TS vào vịnh Vân Phong an toàn. 6 thuyền viên sức khỏe tốt và đã trở về với gia đình. Trước đó, khoảng 15h ngày 28.11, khi tàu cá PY 96182TS đang đánh bắt ở khu vực biển Phú Yên cách 110km về phía đông thì bị hỏng máy trong điều kiện sóng to gió lớn do bão số 4. Sau 4 giờ sửa chữa, không khắc phục được, thuyền trưởng Lê Văn Sơn đã cho tàu cá trôi tự do và phát tín hiệu cứu hộ...
-------------------------
Cháy chợ Xín Mần, Hà Giang, 14 kiôt bị thiêu rụi
Chợ trung tâm huyện Xín Mần, Hà Giang phát cháy từ 4g sáng 2-12. 14 kiôt kinh doanh các mặt hàng nông cụ, áo quần, tạp hóa bị thiêu rụi.
Ông Dương Minh Thành, chủ tịch UBND huyện Xín Mần, cho hay lửa bùng phát từ gian hàng của một phụ nữ độc thân sống trong chợ. Sau đó cháy lan sang những kiôt bên cạnh.
Huyện đã huy động tất cả lực lượng công an, quân sự, hành chính trên địa bàn tham gia chữa cháy. Đến 5g30, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Ước tính thiệt hại hơn 2 tỉ đồng.
Chính quyền địa phương đã đến động viên, hỗ trợ tiểu thương bị cháy chợ mỗi người 5 triệu đồng. Những hộ bị ảnh hưởng 2 triệu đồng.
Hiện công an tỉnh, huyện đã tiếp cận hiện trường điều tra nguyên nhân gây cháy.
-------------------------