Mỹ sẵn sàng cho cuộc chiến ở Biển Đông
Mỹ sẽ sẵn sàng cho một cuộc chiến ở biển Đông nhằm bảo vệ quyền tự do lưu thông tàu bè và máy bay quân sự một khi xung đột với Trung Quốc ở khu vực này lên đến đỉnh điểm.
Tạp chí Eurasiareview ngày 30.10 đăng bài viết của Tiến sĩ Ian Ralby, sáng lập viên tổ chức tư vấn an ninh chính trị I.R. Consilium (Mỹ) nhận định rằng Mỹ sẽ sẵn sàng để đi đến một cuộc chiến tranh trên Biển Đông, để bảo vệ quyền tự do lưu thông tàu bè và máy bay quân sự một khi xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực này lên đến đỉnh điểm.
Theo tác giả, tình hình căng thẳng ở Biển Đông có thể khiến các nhà hoạch định chính sách của hai phía nghĩ đến một cuộc chiến tranh. Khi Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát các vùng biển và đảo tranh chấp để ngăn cản máy bay và tàu chiến Mỹ đi qua khu vực rộng lớn của Biển Đông, sẽ khiến Mỹ không hài lòng khi cho rằng họ có quyền hợp pháp qua lại trên vùng biển này theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS).
Biển Đông đang là điểm nóng tranh chấp chủ quyền liên quan đến nhiều nước, và thậm chí tàu chiến các nước ngày càng gia tăng khả năng va chạm thù địch nhau. Cả hãng tin BBC gần đây còn có bài phóng sự về việc Hải quân Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc chiến với Trung Quốc nếu căng thẳng lên đỉnh điểm.
Nhưng vì sao Mỹ đang phải can thiệp vào các điểm nóng ở Đông Âu và Trung Đông lại sẵn sàng cho một cuộc chiến trên biển với một trong những đối thủ hùng mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự?
Câu trả lời đầy đủ liên quan đến một số luận cứ khác nhau, nhưng một trong những điều quan trọng nhất lại ít được chú ý là liên quan đến luật biển quốc tế. Đơn giản là nếu Trung Quốc chiếm được các đảo tranh chấp trên Biển Đông thì có thể chặn đứng mọi sự qua lại của các tàu chiến lẫn máy bay Mỹ trên hầu hết vùng Biển Đông.
Vì vậy Mỹ không muốn Trung Quốc giành phần thắng trong các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, và cố gắng thuyết phục Trung Quốc tuân thủ UNCLOS. Mỉa mai là Mỹ không công nhận và tuân thủ UNCLOS nhưng lại xem UNCLOS như luật tập quán quốc tế, và kêu gọi giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông theo UNCLOS.
Trung Quốc không cho rằng các nguyên tắc của luật biển lại áp dụng cho các tàu chiến hoặc máy bay quân sự nước ngoài được quá cảnh khu vực đặc quyền kinh tế trên biển (EEZ, theo UNCLOS).
Thời gian qua, Trung Quốc đã ngăn cản các tàu hải quân nước ngoài, trong đó có một tàu của Ấn Độ, đi qua vùng biển mà Trung Quốc cho sẽ là EEZ của họ (đường lưỡi bò - TN) nếu giành được các vùng đảo tranh chấp và áp quyền sở hữu pháp lý trên Biển Đông.
Trung Quốc còn cho rằng Mỹ vi phạm UNCLOS khi tiến hành các cuộc diễn tập quân sự, các chuyến bay giám sát, các cuộc khảo sát thủy văn (để phục vụ cho việc chống tàu ngầm) và các hoạt động khác trong khu vực Trung Quốc tự cho là EEZ của mình.
Kể từ khi Công ước này có phần hạn chế sự di chuyển của các tàu chiến trong vùng lãnh hải, phía Mỹ giải thích rằng UNCLOS không có những hạn chế với các tàu hải quân hoặc máy bay quân sự bên trong vùng EEZ. Còn Trung Quốc thì tuyên bố chủ quyền hoàn toàn liên quan đến tàu chiến và máy bay quân sự nước ngoài trong toàn bộ khu vực hai trăm hải lý của EEZ tính từ lãnh hải.
Do vậy, nếu Trung Quốc chiếm được các lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông thì Mỹ sẽ phải xin phép Trung Quốc để cho tàu hải quân hoặc máy bay quân sự của mình đi qua trên hầu hết Biển Đông.
Nhìn từ quan điểm chiến lược, Mỹ không thể để mất sự tự do đi lại qua Biển Đông, điểm trung chuyển quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Đài NHK (Nhật) đăng hình ảnh chụp từ trên không của quân đội Philippines cho thấy Trung Quốc đang mở rộng xây dựng trái phép các căn cứ trên bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mỹ lo ngại rằng nếu Trung Quốc chiếm đoạt tất cả các lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông và áp EEZ, tàu chiến và máy bay Mỹ sẽ không thể vào Biển Đông
Mỹ đang cố ngăn chặn càng nhiều càng tốt sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, ngăn cản sự làm giàu hơn nữa của Trung Quốc thông qua việc tiếp cận các nguồn tài nguyên dồi dào, và hạn chế ảnh hưởng bá quyền của nước này. Một trong những lý do chính khiến căng thẳng trên Biển Đông có thể đưa đến điểm xung đột giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới là sự diễn dịch gây tranh cãi về UNCLOS.
Sự tự do đi lại của các tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ qua Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược khiến Mỹ đã sẵn sàng chiến đấu cho việc này. Vấn đề này thực sự là điều cơ bản hơn cho lợi ích của Mỹ so với tình hình ở Ukraine hoặc đối phó phiến quân IS ở Trung Đông. Đó là lý do tại sao Mỹ sẽ sẵn sàng tiến đến chiến tranh qua việc giải thích một công ước quốc tế về luật biển mà nước này không tham gia.
-------------------------
Phương Tây sẽ thua IS ngay trên "sân nhà"?
Trong bối cảnh Mỹ và đồng minh đang đẩy mạnh chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria, thì ngay tại "sân nhà", an ninh ở các quốc gia phương Tây sẽ bị đe dọa nghiêm trọng…
Thời gian qua, thành công về mặt quân sự đã giúp IS ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các cá nhân cực đoan nước ngoài. Khi tràn qua biên giới Iraq và nhanh chóng chiếm được phần lãnh thổ ở phía tây và phía bắc, các tay súng IS đã khôn ngoan sử dụng mạng xã hội để tạo ra một hình ảnh khá lãng mạn với mục tiêu lôi kéo sự tham gia của giới trẻ Hồi giáo tại nhiều nước phương Tây.
Điều hiển nhiên là các thanh niên này sẽ tự tìm đến quan điểm cực đoan trước khi lên đường sang Trung Đông gia nhập lực lượng IS. Thành công về mặt quân sự cộng với tiềm lực tài chính lớn nhờ hoạt động xuất khẩu dầu, IS đang "gây bão" ở Syria và Iraq, khiến chiến dịch không kích của Mỹ và đồng minh phải đối mặt với nguy cơ bế tắc.
Ước tính có khoảng 15.000 tay súng nước ngoài hiện đang tham gia IS, trong đó khoảng 2.000 - 5.000 người đến từ các nước phương Tây, còn lại là các nước Arập như Saudi Arabia, Tunisia, Morocco và Jordan. Tại châu Âu, Anh, Pháp và Đức, mỗi nước có khoảng 400 - 600 tay súng đang tham gia thánh chiến ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, những số liệu này không nói lên tất cả câu chuyện mà phương Tây đang phải đối phó.
Nhiều đối tượng thánh chiến nước ngoài đến Iraq và Syria xuất phát từ mong muốn được sống ở một vương quốc Hồi giáo mà thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi từng tuyên bố. Họ không có ý định quay trở lại quốc gia quê hương mình nếu không có "mật lệnh".
Chính phủ các nước phương Tây lo ngại rằng những cá nhân được phái quay trở lại đều đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trận mạc và quyết dấn thân cho thánh chiến. Thực tế này sẽ đẩy nguy cơ bất ổn leo thang ngay tại "sân nhà" của Mỹ và đồng minh. Ngay từ khi quyết định tấn công IS, Washington cũng đã tính đến phương án đối phó với hành động trả đũa của lực lượng Hồi giáo cực đoan trên toàn cầu. Tuy nhiên, ngăn chặn âm mưu khủng bố do chính công dân của mình thực hiện trên quê hương thì chưa phải quốc gia châu Âu nào cũng đã sẵn sàng.
Khi Mỹ hình thành liên minh để triển khai kế hoạch không kích, IS liên tiếp đưa ra những lời kêu gọi người Hồi giáo trên toàn thế giới "cầm súng bảo vệ vương quốc và tấn công lợi ích của phương Tây". Một số thành viên IS đã quyết định trở về để thực hiện những vụ tấn công khủng bố ngay trong lòng phương Tây.
Ngày 18/9 vừa qua, cảnh sát Australia đã mở chiến dịch truy quét lớn nhất trong lịch sử tại Sydney và Brisbane, bắt giữ 15 đối tượng tình nghi tham gia âm mưu bắt cóc và chặt đầu con tin nhằm tạo ra bầu không khí lo sợ và bất an trong xã hội. Cảnh sát Anh, Canada cũng đã bắt giữ nhiều đối tượng khả nghi trong hàng loạt chiến dịch trấn áp nhằm tăng cường an ninh nội địa.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống khủng bố của các nước phương Tây ngay tại "sân nhà" sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Chiến thuật mới của lực lượng cực đoan được hỗ trợ bởi công nghệ hiện đại và tinh vi đang gây khó cho các cơ quan tình báo, an ninh và cảnh sát phương Tây. Thực tế cho thấy họ cần phải điều chỉnh cả chiến lược lẫn chiến thuật sau khi Edward Snowden tiết lộ những bí mật động trời, khiến họ luôn bị "hở sườn".
Các biện pháp như tăng cường kiểm soát cửa khẩu, kiểm tra hộ chiếu... chỉ giúp giải quyết phần nào mối lo về nguy cơ những phần tử này xâm nhập trở lại từ Syria hay Iraq. Thật khó có thể tìm ra giải pháp lâu dài ngăn chặn những thanh niên Hồi giáo quyết tâm đến với IS rồi trở lại quê hương với âm mưu tấn công khủng bố. Vì thế, các nước phương Tây có nguy cơ thua ngay trên "sân nhà" khi IS tăng cường xâm nhập và trở thành mối đe dọa thường trực đối với an ninh nội địa.
---------------------------
Trung Quốc dễ bùng phát ebola nhất
Hôm 30-10, các chuyên gia về Ebola cảnh báo Trung Quốc là nước “dễ bị tấn công” bởi đại dịch này nhất do số lượng người Trung Quốc làm việc ở Châu Phi hiện đã tăng vọt và rất khó kiểm soát.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Châu Phi. Những năm gần đây, Bộ Ngoại giao của Bắc Kinh đã tăng cường khai thác những nguồn lực từ “lục địa đen” để trở thành nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.
Ông Peter Piot, nhà vi sinh vật học người Bỉ, cảnh báo trong một hội thảo tại Tokyo: “Có hàng triệu công nhân Trung Quốc đang ở Châu Phi. Rất khó để kiểm soát việc họ quay về Trung Quốc.” Chất lượng chăm sóc tại bệnh viện công của Trung Quốc cũng là một điều đáng lo ngại khác.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi, hiện Trung Quốc đã đã tăng cường kiểm tra thân nhiệt hành khách đến Trung Quốc. Đến nay vẫn chưa có báo cáo nào tình nghi nhiễm Ebola ở Trung Quốc. Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất.
Ông Peter Piot là một trong những nhà khoa họcphát hiện virus Ebola vào năm 1976 tại Zaire (nay là Cộng hoà Dân chủ Congo) kêu gọi các nước tập trung vào sự bùng nổ dịch ở Tây Phi chứ không phải là các đợt kiểm tra tại sân bay- vì điều này không hiệu quả.
“Trong thế giới toàn cầu hoá, thậm chí dịch cách xa chúng ta hàng ngàn dặm thì tất cả mọi người trên thế giới đều có nguy cơ bị lây nhiễm. Những ca nhiễm ở Tây Ban Nha và Hoa Kỳ là không thể tránh khỏi. Cách duy nhất để ngăn chặn không phải là đóng cửa biên giới và kiểm tra các hành khách.”
------------------------
Nga và Ukraine đạt thỏa thuận nối lại nguồn cung khí đốt
Rạng sáng nay 31/10, Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận bước ngoặt về việc nối lại nguồn cung khí đốt từ nay đến hết tháng 3/2015.
Một thỏa thuận 3 bên đã được ký tại cuộc đàm phán diễn ra ở Brussels, Bỉ, do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian.
Lễ ký có sự tham dự của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, người đồng cấp Ukraine Yuriy Prodan và Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Günther Oettinger.
“Giờ thì không còn lý do gì để người dân châu Âu phải chịu lạnh trong mùa đông này”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nói khi chứng kiến lễ ký.
Cũng tại buổi lễ, lãnh đạo hai tập đoàn dầu mỏ Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine cũng ký một thỏa thuận giữa hai tập đoàn về vấn đề này.
Các thỏa thuận trên đạt được sau ngày đầu tiên đàm phán không thành công và được coi là bước ngoặt quan trọng trong quan hệ đầy căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Trước đó, các bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán nhưng không thành công, làm dấy lên quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc “chiến tranh khí đốt” giữa hai quốc gia láng giềng trong bối cảnh mùa Đông lạnh giá đang đến gần.
Thỏa thuận đạt được sau khi Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cam kết Kiev sẵn sàng trả hết nợ mua khí đốt trước đó của Nga. Theo lộ trình do Kiev đặt ra, Ukraine sẽ trả ngay cho Nga 1,45 tỷ USD tiền nợ ngay sau khi thỏa thuận được lý và trả khoản tiếp theo 1,65 tỷ USD trước cuối năm nay. Sau đó, Kiev sẽ ứng trước 1,5 tỷ USD cho 4 tỷ m3 khí đốt được mua từ nay đến hết tháng 3 năm sau
Điều kiện mà Kiev đặt ra cho việc trả tiền mua khí đốt của Nga là Moscow phải đồng ý bán khí đốt tự nhiên cho nước láng giềng Đông Âu ở mức 378 USD/1.000 m3 trong năm nay và giảm xuống còn 365 USD trong quý I/2015.
Trước đó, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine từ giữa tháng 6 do Kiev không đáp ứng được thời hạn chót (ngày 16/6) về thanh toán 4,5 tỷ USD tiền nợ cho Moskva.
------------------------
Mỹ: Máy bay đâm phải tòa nhà, 4 người chết
Ít nhất 4 người đã thiệt mạng và 5 người khác bị thương khi một máy bay nhỏ đâm vào một tòa nhà tại sân bay Mid-Continent ở Wichita, bang Kansas, Mỹ hôm qua.
Các nhân viên cứu hỏa đã được điều động vào khoảng 9h50 sáng ngày 30/10 giờ địa phương để đối phó với một vụ cháy khủng khiếp sau khi máy bay gặp nạn, giám đốc cứu hỏa Ron Blackwell cho biết.
Chiếc Beechcraft đã ngừng hoạt động ngay sau khi cất cánh. Máy bay đã đâm phải tòa nhà quốc tế FlightSafety. Các chuyến bay khác không bị ảnh hưởng.
3 trong số những người thiệt mạng được cho là đang ở bên trong tòa nhà vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, trong khi thi thể thứ 4, được tin là phi công - sau đó được tìm thấy trên mái.
Một trong số 5 người bị thương hiện trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện.
4 người hiện vẫn mất tích, nhưng một cuộc tìm kiếm đã bị ngừng sau khi một phần của tòa nhà mà máy bay đâm phải bị sập.
Phát ngôn viên Cục hàng không dân sự (FAA) Tony Molinaro cho biết với báo chí địa phương rằng máy bay đã gặp nạn trong khi đang cố gắng trở lại đường băng.
Nhân chứng Jaison Podkanowicz cho hay anh đang làm việc ở gần đó thì nghe thấy một tiếng nổ ở vị trí thấp.
"Tôi đi ra ngòa và nhìn thấy có một máy bay rơi trên nóc tòa nhà đối diện, một trung tâm huấn luyện bay", Podkanowicz cho biết.
Podkanowicz nói thêm rằng khi đó máy bay không còn buồng lái nhưng phần thân và đuôi vẫn còn nguyên vẹn.
Một nhân chứng khác, nhân viên sân bay Jay Boyle, nói với báo chí Mỹ rằng: "Bạn có thể nhìn thấy cần hạ cánh của máy bay thông qua một lỗ thủng trong tòa nhà".
---------------------
Ukraine: Bạo lực miền Đông bùng phát, 7 binh sỹ thiệt mạng
Quân đội Ukraine ngày 30/10 cho biết, trong vòng 24 giờ qua đã có 7 binh sỹ chính phủ thiệt mạng trong các vụ giao tranh với phe ly khai tại miền Đông. Trong khi đó Nga kêu gọi các bên kiềm chế các hành động khiêu khích.
Ngoài những người thiệt mạng nêu trên, còn có 11 binh sỹ bị thương trong các vụ đụng độ, do bị phục kích hoặc pháo kích.
“Họ bị sát hại tại những địa điểm khác nhau bởi các vụ nã pháo và một người thiệt mạng trong một vụ phục kích”, người phát ngôn quân đội Ukraine Andriy Lysenko cho biết.
Những vụ thương vong trên đã đe dọa thêm nữa một lệnh ngừng bắn đã mong manh, được thực thi từ hôm 5/9, trong bối cảnh căng thẳng ngày một tăng trước thềm cuộc bầu cử quốc hội do phe ly khai dự kiến tổ chức vào Chủ nhật này.
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 30/10, đại sứ Nga Vitaly Churkin đã lên tiếng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế những hành động khiêu khích và thiếu suy nghĩ.
“Ukraine đang trải qua một giai đoạn rất quan trọng, đòi hỏi phải có những hành động chính xác, cân bằng và khuyến khích tất cả các bên tại Ukraine tiếp tục đối thoại chính trị”, ông Churkin nói. “Chúng tôi kêu gọi tất cả những bên liên quan bên trong và ngoài nước hạn chế những hành động và tuyên bố khiêu khích và thiếu suy nghĩ”.
Vị đại sứ Nga cho rằng Ukraine có thể giải quyết cuộc khủng hoảng nội bộ của mình thông qua đối thoại trên toàn quốc, dựa trên biên bản ghi nhớ Minsk, được ký hồi tháng 9, và hiệp định Geneva về hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine, được ký hồi tháng 4.
---------------------------