Tin trong nước sớm 1-11-2014: Cán bộ “lờ” trả nhà công vụ = tham nhũng tài sản nhiều tỷ đồng?

  • Cập nhật : 01/11/2014

Cán bộ “lờ” trả nhà công vụ = tham nhũng tài sản nhiều tỷ đồng?

Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến đặt câu hỏi như vậy trong phần phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội sáng nay, 31/10.

Nói về vấn đề phòng chống tham nhũng, Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến đánh giá, thời gian qua, với quyết tâm cao của hệ thống chính trị công tác này đã đạt được thành tựu khả thi.

Tuy nhiên, dẫn báo cáo công bố mới đây của Tổ chức minh bạch quốc tế, chỉ số tham nhũng trong lĩnh vực công của Việt Nam chỉ đứng thứ 116/177 với mức điểm đạt 31/100 điểm (tức chỉ được 3 điểm nếu tính trên thang điểm 10). Qua đó, ông Tiến nhận định, tham nhũng trong lĩnh vực công như vậy là còn rất nghiêm trọng. Tình hình tham nhũng diễn ra phức tạp hàng ngày gây thiệt hại lớn với tài sản của nhà nước, nhân dân.

Tham nhũng dẫn đến hệ quả nhiều công trình, dự án lâm vào những căn bệnh không có trong từ điển y khoa – bệnh thích hoành tráng, thèm ngân sách. Nhiều công trình dự án tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả, công năng sử dụng không đáng kể, thậm chí, có những công trình do "đẻ non, chín ép" nên vừa khai trương đã phải khai tử.

Người dân không được thụ hưởng những lợi ích của công trình, dự án vốn khoác áo mục đích rất “to” là… phục vụ dân sinh. Theo ông Tiến, với những công trình, dự án đó, chỉ một số người như chủ đầu tư, chủ thầu xây dựng, BQLDA là được lợi. Vì vậy, họ thích vẽ ra các dự án hoành tráng vì công trình càng lớn thì phần trăm hoa hồng, chiết khấu, tiền chảy vào túi họ càng nhiều.

Đề cập lại phiên thảo luận về luật Nhà ở tại UB Thường vụ Quốc hội trước thềm kỳ họp Quốc hội thứ 8 này, nhiều đại biểu đã tỏ ý rất bức xúc vì vấn đề quản lý, sử dụng nhà công vụ. Ông Tiến nhấn mạnh, nhà công vụ, biệt thự công là tài sản nhà nước được ưu tiên giao cho một số đối tượng sử dụng theo quy định của pháp luật.

Tính đến tháng 9/2014 có gần 1,4 triệu m2 nhà ở công vụ trong đó có hàng trăm biệt thực công, hàng nghìn căn hộ chung cư và 55.000 nhà ở liền kề. Trong những năm qua, nhiều lãnh đạo cấp cao của nhà nước đã gương mẫu, tự nguyện trả lại biệt thự công, nhà công vụ ngay khi thôi chức vụ quản lý. Nhưng cũng không ít cán bộ về nghỉ hưu vẫn quên trả lại nhà công vụ. Thực chất như vậy là đã biến nhà công vụ thành tư vụ.

“Có người tuy không ở nhưng lại… lỡ mang cả chìa khoá nhà công vụ về quê để ở biệt thự, nhà lầu mà đàn em đã xây sẵn ở quê nhà. Có người còn để cho con cháu họ hàng ở nhờ và nhiều người thông minh hơn thì thậm chí cho thuê để hưởng thêm mỗi tháng một khoản tiền lớn hơn nhiều khoản phải bỏ ra thuê căn nhà đó của nhà nước” - ông Tiến bức xúc.

Nhà công vụ, biệt thự công thường toạ lạc trên những vị trí đắc địa, đất vàng đất ngọc nhưng nhiều toà nhà đã bị chia nhỏ, cơi nới, làm mất đi không gian văn hoá của biệt thực, biến thành những căn hộ tập thể nhếch nhác. Có biệt thư công nằm trong vùng lõi của di sản văn hoá. Nếu Chính phủ có chính sách quản lý hợp lý thì có thể thu hồi, bán đấu giá hàng trăm, hàng nghìn nhà công vụ bị sử dụng sai mục đích, có thể thu được hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư cho những công trình hạ tầng – một nguồn quan trọng để đầu tư phát triển.

Ông Tiến đặt vấn đề, có lẽ đã đến lúc cần đưa thêm vào Bộ luật hình sự một tội danh mới là “tham nhũng nhà công vụ”. Ông Tiến nêu nghịch lý, nhiều cán bộ tham nhũng vặt cũng bị xử lý vì “nhập nhèm’” vài triệu đồng song từ trước đến nay chưa ai bị xử lý về việc tham nhũng nhà công vụ có giá trị nhiều tỷ đồng.

Dẫn quan điểm cho rằng nhiều cán bộ cấp cao là tài sản quốc gia, đại biểu Lê Như Tiến khẳng định tán thành nhận định này nhưng cũng lật lại, nhà công vụ, biệt thự công cũng là một loại tài sản quốc gia.

“Không thể để tài sản quốc gia này chiếm đoạt tài sản quốc gia khác” – ông Tiến chốt lại phát biểu với đề nghị  nhà nước tập trung đầu tư nhà công vụ cho cán bộ vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, cho bác sĩ, giáo viên đi làm nhiệm vụ.

Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục cũng yêu cầu xử lý nghiêm những người tham nhũng nhà công vụ, yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng và Tổng Thanh tra CP cùng chia sẻ về việc này trước Quốc hội.

-------------------------

 Người Hà Nội hơn 10 năm “dài cổ” chờ nước sạch

Đã hơn 10 năm nay, người dân của tổ dân phố số 17, phường Gia Thụy (Long Biên - Hà Nội) vẫn “dài cổ” chờ nước sạch, mặc dù nhà máy nước sạch chỉ cách đó chưa đầy… 2km.
 
Theo phản ánh của các hộ dân sinh sống ở tổ dân phố số 17, phường Gia Thụy, quận Long Biên, hơn 10 năm nay họ chưa có nước sạch mà vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh để ăn uống. Nguồn nước ngầm khu vực này đang ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng người dân vẫn phải sử dụng trong lúc chờ nước sạch.
 
Bà Trịnh Phương Dung (55 tuổi) cho biết: “Tôi về đây sinh sống từ năm 1999, từ đó đến nay vẫn chưa có nước sạch. Gia đình tôi phải dùng nước giếng khoan, mà nguồn nước ngầm ở đây ô nhiễm lắm. Chúng tôi phải mua thêm máy lọc nước mới gọi là dùng tạm được. Nhìn các thiết bị đồ đạc hoen gỉ hết, quả lọc cứ đen ngòm đi. Biết là không an toàn, nhưng làm sao được, cứ liều dùng thôi”.
 
Cũng theo bà Dung, bà con tổ dân phố 17 đã nhiều lần phản ánh trong các cuộc họp tổ về vấn đề nước sạch để tổ trưởng “bắn tin” lên cấp trên, nhưng tình trạng này vẫn không được giải quyết. Khoảng tháng 6-7/2013, chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thành lập quận Long Biên, ông tổ trưởng dân phố 17 này đã tuyên bố chắc “như đinh đóng cột” là sắp có nước sạch. Nhưng từ “sắp” đó đã kéo dài gần hết năm nay.
 
“Khi ông tổ trưởng nói là sắp kỷ niệm 10 năm thành lập quận Long Biên, cuối năm 2013 là có nước sạch. Chúng tôi tin là 99% là sẽ có, nhưng đến nay đã gần hết năm 2014 mà đã có đâu. Bà Chi hội trưởng phụ nữ tổ này lên quận họp theo chương trình đăng ký “3 sạch”. Nhưng tổ chúng tôi không dám đăng ký, vì nước không đảm bảo vệ sinh thì ăn sạch, uống sạch và ở sạch làm sao được. Chúng tôi không biết chờ đến bao giờ nữa” - bà Dung nói.
 
Cách đó không xa, gia đình bà Ngô Thị Bột (72 tuổi) “liều lĩnh” bơm thẳng nguồn nước giếng khoan lên sử dụng mà không qua 1 thiết bị lọc nào. Lý giải cho sự “liều lĩnh” này, bà Bột cho biết: “Mua thiết bị lọc mất nhiều tiền quá, mà nghe nói phải thay quả lọc luôn. Gia đình tôi đành liều dùng như vậy, thỉnh thoảng lên rửa cái bồn chứa nó đen đặc, nhầy nhầy như là dầu mỡ, trông ghê lắm. Nhưng biết làm sao được. Rất mong các cấp chính quyền quan tâm đến các hộ dân chúng tôi, đầu tư lắp nước sạch cho chúng tôi”.
 
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Đình Nghiệp - Bí thư chi bộ tổ dân phố số 17 - cho biết, Tổ dân phố số 17 mới được hình thành về mặt hành chính cách đây 10 năm (2004) nhưng một số hộ dân đã sinh sống tại đây từ nhiều năm trước. Từ đó đến nay, khu vực này chưa hề có nước sạch. Do nhà máy nước gần đó họ chưa đồng ý xây dựng cơ sở hạ tầng đường ống. Chính quyền địa phương có khảo sát để đầu tư, nhưng mức kinh phí rất lớn, nhân dân đóng góp cũng phải 40-50 triệu/hộ. UNBD phường Gia Thụy cũng rất “trăn trở” vấn đề này nhưng “lực bất tòng tâm”.
 
Ông Nghiệp cho biết: “Phường không thể quyết được cái Dự án nước sạch này vì làm gì có kinh phí, cái này phải kiến nghị lên quận. Thấy văn bản trả lời cử tri của quận Long Biên nói là Dự án nước sạch của tổ dân phố 17 chúng tôi sẽ được triển khai trong năm 2014. Chúng tôi hi vọng lắm!”.
 
Theo ông Nghiệp, suốt 10 năm qua bà con tổ 17 phải sử dụng nguồn nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh nên ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Có những trường hợp mắc bệnh ung thư, mắt toét, bệnh ngoài da… đều được cho là có liên quan đến nguồn nước không đảm bảo. Dân đã nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền nơi đây chưa có động thái gì. Chưa thấy có đoàn y tế nào xuống kiểm tra nguồn nước, xác minh thông tin…
 
Ông Nghiệp cho biết thêm, bà con tổ 17 có ý kiến là mỗi tuần cấp cho 1 xe téc nước sạch để các hộ dân mua về dùng nhưng lãnh đạo quận Long Biên nói bà con xin nước các hộ dân tổ bên cạnh. “Nhưng chúng tôi xin họ không cho, vì họ nói nếu đấu nối nước sang cho cả tổ 17 thì nguồn nước của họ bị giảm áp suất, không lên được các nhà cao tầng” - ông Nghiệp chia sẻ.
----------------------------
 Phó Thủ tướng kết luận 24 vụ khiếu nại kéo dài tại Đà Nẵng
Sáng 30/10, tại buổi họp báo của UBND TP Đà Nẵng, ông Võ Văn Thương - Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về 24 vụ khiếu nại kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn TP Đà Nẵng.
 
Theo đó, có 8 vụ việc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất giữ nguyên kết quả giải quyết của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng ban hành thông báo chấm dứt việc thụ lý, xem xét, giải quyết khiếu nại đối với các hộ này.
 
Có 13 vụ việc Phó Thủ tướng Chính phủ thống nhất với kết quả giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhưng có chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng xem xét, điều kiện, hoàn cảnh của từng trường hợp và có chính sách hỗ trợ thích hợp để công dân chấm dứt khiếu kiện.
 
Ngoài ra, có 3 vụ việc Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Đà Nẵng giải quyết lại vì có tình tiết mới phát sinh.
 
Ông Thương cũng cho biết, UBND TP Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất phương án hỗ trợ cho từng trường hợp, ban hành thông báo chấm dứt xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
 
Tại buổi họp báo, trả lời báo chí về việc xã hội hóa hay không chợ Cồn và chợ Hàn? Ông Huỳnh Đức Thơ - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết, Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư hai chợ thành hai trung tâm thương mại hiện đại.
 
Ông Thơ cho biết, nội dung kêu gọi đầu tư chợ Cồn, chợ Hàn đã được Hội đồng nhân dân thông qua năm 2013. Vừa qua, dư luận có ý kiến nên giữa lại hai chợ truyền thống này. Tuy nhiên, hiện tại Đà Nẵng, khu vực trung tâm dân số ngày càng đông, hạ tầng ngày càng phát triển nhưng chưa có một chợ nào đàng hoàng. Vì thế cần phải phát triển Đà Nẵng thành một trung tâm thương mại dịch vụ.
 
“Du khách đến Đà Nẵng chỉ ăn hải sản, tắm biển và ngủ chứ không biết mua sắm ở đâu”, ông Thơ nói.
 
Cũng theo ông Thơ, trong việc phát triển xây dựng thành trung tâm thương mại nhưng vẫn bảo tồn các mặt hàng truyền thống. Ví dụ có một số tầng dưới vẫn giữ để buôn bán các mặt hàng truyền thống, còn các tầng trên sẽ kinh doanh các mặt hàng khác. Bây giờ tâm lý của người buôn bán là giữ lại cái cũ. Tuy nhiên, chắc chắn thành phố sẽ có những phương án thỏa đáng để các tiểu thương tiếp tục ở lại trong điều kiện tốt hơn.
 
Đối với những hộ dân ở khu vực chợ Cồn đang sống trong cảnh chật chội, nhếch nhác,… do vướng dự án treo, ông Thơ cho biết, Đà Nẵng cũng đã nghiên cứu để đưa ra phương án giải tỏa các hộ dân ở đây. Tuy nhiên việc giải tỏa là rất khó vì hiện ở trung tâm thành phố không còn đất, bố trí những nơi xa trung tâm thì người dân sẽ không chịu vì còn liên quan đến công việc làm ăn của họ.
 
“Trong tuần hay hoặc tuần tới, có khả năng lãnh đạo thành phố sẽ làm việc với chính quyền ở đó, gặp gỡ, trao đổi với người dân và nghiên cứu để nâng cao đời sống cho bà con. Việc giải tỏa các hộ dân ở trung tâm thành phố là rất khó nhưng không có nghĩa là không làm. Tuy nhiên, cần phải có thời gian và kinh phí, bằng cách này hay cách khác cũng sẽ thay đổi để người dân có cuộc sống tốt hơn”, ông Thơ nói.
---------------------
 Cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Rút ngắn 4 tiếng, tiết kiệm nhiều chi phí
96% doanh nghiệp vận tải đã đánh giá cao sự hiệu quả khi lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tiết kiệm đươc từ 3-4 tiếng đồng hồ so với tuyến đường cũ và tiết kiệm được 20-30% nhiên liệu... Kết quả này được khảo sát sau 1 tháng thông xe.
 
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 245km, đi qua 5 tỉnh và thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Công trình do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Đây là dự án cao tốc có quy mô lớn nhất, dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam, với tổng mức đầu tư hơn 1,46 tỷ USD, nếu tính suất đầu tư chỉ gần 6 triệu USD/km, thuộc loại thấp nhất hiện nay.
 
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được khánh thành và đưa vào khai thác toàn tuyến hồi cuối tháng 9 vừa qua. Sau gần 1 tháng đưa vào khai thác, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã đem lại những hiệu quả nhất định, góp phần phát triển kinh tế các khu vực phía Tây Bắc. 
 
Ông Bùi Đình Tuấn - Giám đốc Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), đơn vị được VEC giao quản lý, vận hành và bảo trì đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai - cho biết: “Tổng lưu lượng xe lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai là 200.000 lượt xe, trung bình 8.000 lượt xe/ngày-đêm (trước đó là 5.909 lượt xe/ngày-đêm), tổng doanh thu thu phí trên tuyến cao tốc đạt 35,5 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày thu được hơn 1,1 tỷ đồng từ 8.057 xe. Mức tăng trưởng đạt 36%”.
 
Theo kết quả đánh giá hiệu quả đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau 1 tháng đưa vào khai thác (từ 21/9-21/10), sau khi thông toàn tuyến, lộ trình các phương tiện lưu thông Hà Nội-Lào Cai đã có sự điều chỉnh lớn, lưu lượng xe lưu thông trên QL70 giảm 75%, chỉ còn các loại phương tiện vận chuyển nội vùng. Di chuyển nhiều nhất trên tuyến cao tốc này là xe tải nặng (96%), xe con 79%.
 
Để đánh giá trung thực về hiệu quả thực tế sử dụng cao tốc Nội Bài - Lào Cai, VEC O&M đã phát phiếu khảo sát, lấy ý kiến đánh giá hiệu quả tới các phương tiện lưu thông trên tuyến, các doanh nghiệp có các phương tiện thường xuyên sử dụng dịch vụ đường cao tốc với các tiêu chí gồm tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhiên liệu, hiệu quả khi lưu thông (mức độ an toàn và và các lợi ích của chủ phương tiện), chất lượng phục vụ của nhân viên khai thác tuyến.
 
Trong đó, 24 hãng vận tải thường xuyên đi lại trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được lấy ý kiến thì 96% các doanh nghiệp đánh giá hiệu quả và 4% đánh giá ở mức độ trung bình khi lưu thông trên đường cao tốc. Mức độ phục vụ của nhân viên khai thác tuyến được đánh giá tốt đạt 89% và 11% đánh giá mức độ trung bình.
 
Phần lớn các phiếu thu về được các lái xe đánh giá tiết kiệm đươc từ 3-4 tiếng đồng hồ so với khi lưu thông trên tuyến đường cũ (QL70), tiết kiệm nhiên liệu từ 20%-30% so với lộ trình cũ. Cụ thể, đối với xe tải loại 12 tấn tổng các khoản chi phí, bao gồm cả chi phí nhiên liệu và cước phí đường bộ khi lưu thông trên QL70 là 3,49 triệu đồng, nhưng lưu thông trên cao tốc thì tổng chi phí này là 3,1 triệu đồng; đối với xe khách đi trên QL70 tiêu tốn 3,47 triệu đồng, còn khi đi trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai thì chỉ hết 2,8 triệu đồng.
 
“Xét về chi phí thực tế của 1 chuyến xe, chi phí đi cao tốc Nội Bài - Lào Cai giảm từ 10% -20% so với chi phí lưu thông QL70, nếu xét các nội dung tiết kiệm về thời gian các hãng xe có thể tăng tần xuất chạy xe thì hiệu quả vận tải qua tuyến Nội Bài Lào Cai còn phát huy hiệu quả lớn hơn nhiều điều đó chứng minh mức phí trên tuyến Nội Bài Lào là hoàn toàn hợp lý” - ông Tuấn thông tin.
 
Trên thực tế, việc đưa vào khai thác sử dụng tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã mang mại những tiềm năng, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội rất lớn cho những địa phương có tuyến đường đi qua.
 
Đơn cử như tỉnh Lào Cai - cửa ngõ của vùng Tây Bắc, khi có tuyến cao tốc này thì hoạt động giao thương tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai được dự báo sẽ phát triển mạnh. Đặc biệt, ngành du lịch của Lào Cao đã tăng trưởng mạnh sau khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai được thông xe toàn tuyến. Theo thống kê chưa đầy đủ, du lịch Sa Pa đã tăng trưởng hơn 40% so với trước, lượng khách đến Sa Pa là 2.000 - 3.000 người/ngày, con số này tăng lên tới 12.000 - 15.000 lượt hành khách/ngày cuối tuần (trước đó lượng hành khách đến Sa Pa là 23.000 lượt/tuần).
 
Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, dự án thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, đó là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc. Dự án triển khai góp phần thực hiện thành công thoả thuận cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng, phát triển hai hành lang và một vành đai kinh tế trọng điểm, bao gồm: Hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; Vành đai kinh tế duyên hải vịnh Bắc bộ.
----------------------
 Hơn 400 DN dự hội thảo về thực trạng, triển vọng kinh tế thế giới và VN
Ngày 4/11 tới đây, Ngân hàng VPBank sẽ tổ chức hội thảo “Kinh tế thế giới & Việt Nam - Thực trạng 2014 & Triển vọng 2015”.
 
Để giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư hiểu rõ tình hình kinh tế vĩ mô, qua đó nắm bắt được các thời cơ mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) phối hợp với Công ty chứng khoán VPBS tổ chức Hội thảo “Kinh tế thế giới và Việt Nam, thực trạng 2014 và triển vọng 2015” vào ngày 4/11/2014 tại Khách sạn Melia Hà Nội.
 
Với các tham luận của các chuyên gia quốc tế đến từ Bloomberg và Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, báo cáo phân tích sâu sắc của VPBS cũng như sự phản biện sắc sảo của các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước, Hội thảo sẽ đánh giá tổng thể về nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2014 và đưa ra những dự đoán sát thực nhất cho tình hình năm 2015.
 
Hơn 400 lãnh đạo doanh nghiệp sẽ trực tiếp trao đổi với chuyên gia về các vấn đề của nền kinh tế, qua đó hiểu rõ hơn về vai trò của doanh nghiệp mình trong sự phát triển đi lên của đất nước.
--------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo