Khu vực giám sát trường học lớn nhất Canada đã bỏ phiếu về việc cắt đứt với Viện Khổng Tử của Trung Quốc. Trước đó nhiều trường đại học ở Mỹ cũng đã làm vậy. Một giáo sư cho rằng Viện Khổng Tử đang được nhìn nhận như chủ nghĩa đế quốc về văn hóa của nước này.
Ngày 30.10, các ủy viên của Hội đồng Trường học khu vực Toronto (TDSB) - nơi giám sát các trường học công với 232.000 học sinh - đã tiến hành cuộc bỏ phiếu về việc cắt đứt quan hệ với Viện Khổng Tử của Trung Quốc, sau khi các phụ huynh, giáo viên và học sinh phản đối bất kỳ sự liên quan nào của Chính phủ Trung Quốc vào các trường học ở Canada. Là một cơ quan phi lợi nhuận do Chính phủ TQ tài trợ, Viện Khổng Tử đã được hy vọng là cầu nối trao đổi văn hóa và ngôn ngữ, nhưng TDSB đã nhận thấy “mối quan hệ đối tác này không phù hợp với các giá trị của cộng đồng” - như lời ủy viên TDSB Pamela Gough phát biểu.
Cho dù chỉ vài ngày nữa là tới chuyến thăm của Thủ tướng Canada Stephen Harper tới Bắc Kinh và hành động nói trên sẽ khiến Trung Quốc không hài lòng, song TDSB vẫn tiến hành cuộc bỏ phiếu.
Trước đó, tại Mỹ, đầu tháng 10 vừa qua, Đại học Tổng hợp bang Pennsylvania đã chấm dứt mối quan hệ kéo dài 5 năm với Viện Khổng Tử với lý do khác biệt giữa hai bên. Đại học Tổng hợp Chicago cũng cắt đứt quan hệ với viện này hồi tháng 9.
Trong bài viết với tựa đề “Trung Quốc có phạm tội chủ nghĩa đế quốc văn hóa” trên CNN hôm 21.10, ông Tao Xie - giáo sư khoa học chính trị tại Trường Anh ngữ và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Nghiên cứu nước ngoài Bắc Kinh - cho biết, “đến cuối năm 2013, đã có 440 Viện Khổng Tử và 646 lớp học Khổng Tử ở 120 nước. Kể từ khi thành lập Viện Khổng Tử đầu tiên ở Hàn Quốc năm 2004, con số này thực sự là “bước đại nhảy vọt” về văn hóa nhằm vào người nước ngoài” - Giáo sư Tao Xie viết.
Tuy nhiên, ông Tao Xie nhấn mạnh: “Cho dù giới thiệu văn hóa và ngôn ngữ là một ý tưởng tốt, song các nỗ lực ồ ạt khi làm như vậy qua Viện Khổng Tử đã đem lại ấn tượng rằng TQ đang thực hiện một chiến dịch về hệ tư tưởng trên toàn cầu”.
Bài viết của ông Tao Xie cho biết: “Các quan chức TQ có vẻ quan tâm đến quan điểm cho rằng, mặc dầu TQ đã sở hữu sức mạnh cứng đáng sợ - về mặt kinh tế và quân sự - song họ sẽ không được xem là một cường quốc toàn cầu thực sự giống như Mỹ, cho tới khi họ sở hữu cả sức mạnh mềm cũng to lớn như vậy.
Các yếu tố của sức mạnh mềm TQ thường được người nước ngoài nhắc tới là Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành, gấu trúc, võ kung fu, và Nhà hát Bắc Kinh. Nhưng ngoại trừ gấu trúc, thì tất cả những thứ còn lại đều là sản phẩm văn hóa của TQ cổ. Cái TQ thực sự thiếu không phải là văn hóa, mà là văn hóa hiện đại để có thể giao tiếp với người dân trên khắp thế giới”.
Ông Tao Xie cũng nhận ra rằng, việc thúc đẩy Viện Khổng Tử đã gây nhiều tranh cãi và bị xem là “dấu hiệu của chủ nghĩa thực dân văn hóa của một TQ đang lên”.
Với cái nhìn từ trong nước chiếu ra nước ngoài, ông Tao Xie nhận xét: Một số giá trị cốt lõi của Khổng giáo - chẳng hạn như sự quan trọng vượt bậc của nhà nước so với cá nhân, một xã hội thứ bậc, sự sùng bái chính quyền - tất cả đều không khớp với những xu hướng đang nổi trội của thế giới hiện đại.
Ông Tao Xie cũng cho rằng, cốt lõi của sức mạnh mềm của TQ là phải hiện đại hóa nền văn hóa thay vì tiếp thị di sản văn hóa cổ của họ. Sự hiện đại hóa văn hóa đó bao gồm không chỉ các sản phẩm văn hóa hấp dẫn hơn và sự đổi mới kinh doanh, mà còn là cải cách cơ bản trong các cơ quan chính trị của TQ. Ông Tao Xie còn viết, các nhà lãnh đạo TQ nên ít lo ngại về việc có ít sức mạnh mềm ở nước ngoài hơn, mà nên chú trọng hơn đến việc xây dựng một xã hội công bằng, tự do và thịnh vượng trong nước.
Các quan sát khác cho rằng, Viện Khổng Tử gây lo ngại ở nhiều nước không chỉ vì “ấn tượng” mà công việc của viện này tạo ra, như trong cách nhìn của Giáo sư Tao Xie. Reuters cho biết, việc đóng cửa ở Mỹ và Canada là do lo ngại Viện Khổng Tử đã hạn chế tự do học thuật, giám sát sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài và quảng bá các mục đích chính trị của Trung Quốc.
Tiến trình hòa bình tại Ukraine vẫn còn rất mong manh, do còn rất nhiều yếu tố cản trở.
LTS:Tuần Việt Nam giới thiệu lược trích bài viết thể hiện quan điểm của ông Nicolai N.Petro, GS chính trị học thuộc Đại học Rhode Island (Hoa Kỳ) xung quanh vấn đề tiến trình hòa bình của Ukraina.
Trừng phạt thương mại tạo nên sự ngăn cách giữa hai dân tộc cùng với các biện pháp hạn chế ảnh hưởng văn hóa Nga vốn phổ biến tại Ukraina có thể xoa dịu một số nhóm chính trị, tuy nhiên cuối cùng Ukraina vẫn cần môi trường kinh doanh ổn định và rộng lớn của Nga. Đó là điều mà lãnh đạo Ukraina bao gồm cả Yulia Tymoshenko và Viktor Yushungchenko đều phải thừa nhận. Khi thực hiện Hiệp định ngừng bắn Minsk (ký 5/9 - ND), Tổng thống Poroshenko cũng bắt đầu xem xét đến vấn đề này và bây giờ cũng là lúc để phương Tây nhìn nhận nó.
Những dấu hiệu từ các phía
Sau nhiều tháng không đồng ý đàm phán với Nga về nội dung Thỏa thuận Hợp tác của EU với Ukraina, trong tháng 8, ông Karel de Gucht, trưởng đoàn đàm phán thương mại EU bất ngờ tuyên bố là không thay đổi những nội dung chính của Thỏa thuận, nhưng sẵn sàng "thay đổi mức độ" để thỏa mãn yêu cầu của Nga. Đồng thời các quan chức EU cũng cho biết Ukraina có thể không tham gia Liên minh Thuế quan, cũng như không gia nhập EU, nhưng có thể tham gia Liên minh Kinh tế Á - Âu dự kiến sẽ thay thế Liên minh Thuế quan vào năm 2015.
Tại Hội nghị ở Kiev vào giữa tháng 9, ông Stefan Fuele, Cao ủy về mở rộng châu Âu, thậm chí còn cho rằng EU và Liên minh kinh tế Á-Âu [1] cần tiến hành đàm phán nhằm thiết lập một thị trường chung. Cuối tháng 9, EU đã đơn phương quyết định hoãn thực hiện những phần chính trong Thỏa thuận hợp tác với Ukraina cho đến tháng 1/2016.
Sau Hiệp định Minsk, EU đã đưa ra quyết định ấn tượng trong việc ủng hộ mọi điều khoản chủ yếu của Nga về tranh chấp khí đốt với Ukraina: trả ngay phần lớn các khoản nợ hiện tại và thanh toán trước tiền bán khí với giá tối thiểu 385 USD/m3. Thậm chí, EU còn đồng ý bảo lãnh cho khoản vay của Ukraina từ IMF để thanh toán nợ.
Quan điểm của Đức cũng thay đổi khi Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier chúc mừng các tân lãnh đạo EU và NATO. Với lời lẽ gay gắt bất ngờ, ông chỉ trích những người tiền nhiệm: "Tôi nhận thấy một số việc làm tại Brussels, trụ sở NATO trong vài tuần qua là không có ích gì".
Putin, Ukraine, Cream, bầu cử, Nga, EU, ly khai.
Trong tháng 8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phản đối mạnh mẽ việc đưa lực lượng phản ứng nhanh của NATO đến Đông Âu, trong khi đó ông Sigmar Gabriel, Phó Thủ tướng Đức đã công khai ủng hộ khái niệm liên bang hóa là "cách thực tế duy nhất" để duy trì sự thống nhất lãnh thổ của Ukraine. Giữa tháng 9, Hãng tin Reuter của Anh đã dẫn lời của một quan chức chính phủ Đức cho biết Berlin hiểu những hành động của Ukraina, nhưng Tổng thống Poroshenko cần nhận thấy rằng "không thể có giải pháp quân sự cho khu vực phía Đông".
Trong khi đó Tổng thống Putin đã hợp tác với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đưa ra dự thảo nội dung đàm phán, đề nghị Quốc hội Nga hủy bỏ quyền Tổng thống đưa quân vào Ukraina.
Trong lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Nga đã đồng ý giảm thêm 100 USD giá khí đốt nhằm giúp Ukraina qua khỏi mùa Đông này, tiếp tục đàm phán các điều kiện tránh khủng hoảng cho trái phiếu của Ukraina do Nga nắm giữ và có khả năng phối hợp với Ukraina cấp vốn khôi phục lại vùng Donbass như đề xuất của ông Yuri Lutsenko - Cố vấn Tổng thống Ukraina.
Trong lĩnh vực quân sự, Tổng thống Putin khuyến khích việc thay các thủ lĩnh của lực lượng nổi dậy, tiếp tục rút lực lượng Nga khỏi khu vực biên giới, thắt chặt kiểm soát biên giới và hạn chế nguồn cung cho lực lượng này.
Áp lực của phương Tây buộc Kiev từ bỏ ý định ban đầu là muốn giành thắng lợi quân sự ở phía Đông, cùng với áp lực của Nga yêu cầu Kiev đàm phán với phiến quân, đã tạo cơ hội thực sự cho một giải pháp chính trị đối với cuộc khủng hoảng. Trong khi truyền thông tập trung đưa tin một số giao tranh lẻ tẻ trong khu vực, nhưng vấn đề quan trọng là tổng số thương vong đã giảm đáng kể, quân đội hai bên đã tiếp xúc hàng ngày nhằm giải quyết các điểm xung đột và hàng ngàn người tị nạn đã quay về nhà.
Tiến trình hòa bình vẫn rất mong manh
Tuy nhiên, tiến trình hòa bình vẫn còn rất mong manh, còn rất nhiều yếu tố cản trở. Ví dụ như kết quả bầu cử ngày 26/10 có thể là một trở ngại chính cho hòa bình. Nhóm Tổng thống Poroshenko được dự kiến sẽ giành 16-35% số phiếu bầu tại các điểm bầu cử [2], trong khi theo dự đoán nếu được ủng hộ cao nhất các đảng phản đối việc ngừng bắn hiện nay (Đảng Cấp tiến, Mặt trận Quốc gia, Tổ quốc và Tự do) có thể chiếm khoảng 40% số ghế của Quốc hội.
Sự áp đảo của nhóm chủ nghĩa dân tộc là ít khả năng, nhưng chắc chắn ảnh hưởng của họ sẽ gia tăng do thiếu vắng các đảng vốn luôn bảo vệ các quyền lợi của người nói tiếng Nga. Những người nói tiếng Nga sẽ gặp khó khăn vì một tỷ lệ không nhỏ dân số ở Đông và Nam Ukraina cho biết họ sẽ không đi bỏ phiếu, do vậy số ghế trong quốc hội sẽ giảm đi 35 ghế. Hơn thế nữa, cuộc bầu cử cũng không thể tiến hành tại Crưm và vùng Donbass, hai nơi chủ yếu có người nói tiếng Nga.
Tiếp đến là một số tư lệnh của các đội quân tình nguyện đang tham gia vào các đảng này, hiện có hai người là ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cấp tiến, 7 người tham gia vào danh sách của Mặt trận Nhân dân. Nếu trúng cử, rõ ràng họ sẽ ủng hộ tái chiến.
Hơn nữa, điều thực sự nguy hiểm là lực lượng nổi dậy không muốn đàm phán về phạm vi chủ quyền Ukraina. Sự hận thù đối với Kiev còn rất lớn. Các tuyên bố trái ngược của lãnh đạo lực lượng nổi dậy cho thấy họ sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì nếu Donbass không tách khỏi Ukraina.
Cuối cùng, phương Tây rõ ràng còn do dự khi ủng hộ tiến trình hòa bình mang lại "lợi ích cho Tổng thống Putin". Các tờ báo tên tuổi như The Economist, Washington Post và New York Times... liên tục đưa về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh sự nguy hiểm khi tạo cho Tổng thống Putin có "chiến thắng" bề ngoài. Ông Angus Roxburgh, một nhà báo Anh diễn giải là họ nhận thấy Tổng thống Putin là một phần của khó khăn nhưng cũng "không thừa nhận Tổng thống là một phần của giải pháp".
Tuy nhiên, vì một số nội dung của kế hoạch hòa bình hiện hành thực sự là sáng kiến của Tổng thống Putin, do vậy chúng ta không nên sai lầm khi không xem xét liệu nó có mang lại lợi ích tốt nhất cho Ukraina không. Sẽ ra sao, nếu cuối cùng Hiệp định Minsk dẫn đến các thể chế chính phủ mạnh hơn và có uy tín hơn, nhưng không thể đem lại cho Ukraina sự ổn định và thống nhất. Kết quả như vậy sẽ không có nhiều lợi ích cho Ukraina và châu Âu, vì nó có lợi cho Nga.
Do sự mong manh của tiến trình hòa bình hiện nay tại Ukraina, châu Âu, Nga và Hoa Kỳ đều phải công khai thừa nhận rằng họ cùng chia sẻ lợi ích chung khi ủng hộ cam kết của Tổng thống Poroshenko đối với tiến trình hòa bình và phản đối các nhân vật chính trị muốn tái chiến. Lợi ích chung của các bên sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi cùng Nga thiết lập một chương trình hỗ trợ kinh tế tổng thể cho Ukraina, sao cho sau bầu cử quốc hội, chính phủ Ukraina không vấp phải các khó khăn về kinh tế quốc dân, hoặc tồi tệ hơn là sự sụp đổ và chính quyền rơi vào tay những lực lượng cực đoan đầy toan tính./.
--------------------------
Trung Quốc bác tin xảy ra nổ trên tàu sân bay Liêu Ninh
Người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc ngày 30/10 đã lên tiếng phủ nhận một số thông tin trên báo chí nước ngoài, cho rằng đã có một vụ nổ xảy ra trên tàu sân bay Liêu Ninh trong quá trình thử nghiệm.
Thông tin được hãng thông tấn Tân Hoa Xã đăng tải, dẫn lời ông Yang Yujun, người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc, phát biểu trong buổi họp báo thường kỳ.
Theo đó, ông Yang khẳng định những thông tin về một vụ nổ trên boong tàu sân bay Liêu Ninh “không phù hợp với thực tế”.
Ông Yang từ chối trả lời các câu hỏi về quá trình xây dựng các tàu sân bay mới của nước này.
“Liên quan đến việc phát triển và đóng các tàu sân bay mới của Trung Quốc, tôi không có thông tin nào thêm”, Yang nói.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc có chiều dài 300m, được đại tu dựa trên một tàu sân bay cũ của Ukraine do Liên Xô cũ thiết kế, trước khi đưa vào biên chế tháng 9/2012.
Trước đó có những thông tin chưa được kiểm chứng cho biết, dường như đã có một vụ nổ hơi nước trên Liêu Ninh, khiến hệ thống cấp điện của tàu bị gián đoạn tạm thời. Thông tin xuất hiện trên một số tờ báo tiếng Trung Quốc, và được tóm lược trên trang tin Quốc phòng châu Á.
Robert Beckhusen, một chuyên gia quân sự cho biết, những sự việc như trên không phải chưa từng xảy ra với các tàu sân bay do Liên Xô cũ thiết kế.
“Tàu sân bay có tải trọng 40.000 tấn của Ấn Độ có tên Vikramaditya - tàu sân bay lớp Kiev đầu tiên của Liên Xô, được đưa vào biên chế năm 1987 và bán đi năm 2004 - từng phải tạm dừng hoạt động sau khi một nồi hơi bị tăng nhiệt quá mức cách đây 2 năm”.
------------------
Israel bất ngờ hủy kế hoạch mua vũ khí của Mỹ
Israel đã có bước đi đầy bất ngờ với đồng minh số một của mình khi quyết định hủy bỏ kế hoạch mua 6 máy bay V-22 Osprey của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon đã đưa ra quyết địnhtrên, một động thái được giới truyền thông sở tại nhận định có thể bắt nguồn từ vấn đề tài chính.
Tuy nhiên, việc làm "mất mặt" Washington cũng đang làm dấy lên những lo ngại về mối quan hệ đang có dấu hiệu rạn nứt giữa hai quốc gia đồng minh trong thời gian gần đây.
Trong chuyến công du đầu tiên đến Israel của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hồi tháng 4/2013, Tel Aviv đã đồng ý mua 6 máy bay đa nhiệm V-22 Osprey hiện đại. Nếu hợp đồng mua được ký kết, Israel sẽ là quốc gia nước ngoài đầu tiên sở hữu loại máy bay thuộc hàng “siêu phẩm” này.
Theo thiết kế, V-22 Osprey có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng, có thể bay với tốc độ siêu thanh nhờ hệ thống cánh quạt đặc biệt. V-22 Osprey được kỳ vọng là sẽ giúp tăng cường khả năng tác chiến cho quân đội Israel, nhất là trong lĩnh vực vận tải hạng nặng và đảm bảo tính cơ động cao.
Nhưng những khó khăn tài chính và ảnh hưởng từ chiến dịch "Bảo vệ biên giới" mới đây đã buộc lãnh đạo quân sự Israel phải thay đổi quyết định. Trong tuyên bố gần đây, người đứng đầu ngành quốc phòng Israel đã bộc lộ ý muốn trang bị thêm xe chiến đấu bộ binh (APC) Namer và các loại vũ khí tấn công chính xác.
Ngoài ra, Israel cũng đang xem xét mua thêm phi đội máy bay chiến đấu tàng hình F-35 thứ hai của Mỹ nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng không quân, hiện đang được đánh giá hàng đầu khu vực.
--------------------------