Chỉ còn 6 ngành, nghề bị cấm kinh doanh
Sau khi xem xét, cân nhắc, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Sáng nay 10/11, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi). Có thể thấy rằng, một trong những điểm nhấn của dự thảo Luật lần này là quy định rõ về ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo dự thảo Luật, các hoạt động cấm đầu tư kinh doanh gồm 6 ngành nghề: kinh doanh các chất ma túy; các loại hóa chất, khoáng vật; mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp (CITES) và mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người.
Còn theo dự thảo Luật, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người; quốc phòng, an ninh; trật tự, an toàn xã hội; đạo đức xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; bảo vệ môi trường. Trong đó, danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gồm 272 ngành nghề kinh doanh, điển hình như: kinh doanh casino, xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đòi nợ, kinh doanh dịch vụ xoa bóp...
Tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể tại Luật đầu tư các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Có ý kiến đề nghị Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi ban hành danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ý kiến khác đề nghị giao cho Chính phủ quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của Luật.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiến hành tập hợp, rà soát và xây dựng Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo hai nguyên tắc.
Thứ nhất, rà soát, loại bỏ các quy định trùng lặp tại Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh theo Luật doanh nghiệp, Danh mục lĩnh vực cấm đầu tư theo Luật đầu tư, Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo Luật thương mại và các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh trong các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đồng thời hợp nhất các Danh mục này để quy định các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Luật đầu tư.
Thứ hai, quy định tiêu chí xác định Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và ban hành Danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện kèm theo dự thảo Luật (Điều 7 và Điều 8).
Trên cơ sở đó, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được rà soát, xây dựng theo hướng: Bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không cần thiết, không rõ mục tiêu quản lý nhà nước hoặc bị trùng lặp, đồng thời bổ sung một số ngành, nghề cần thiết; Cập nhật, chuẩn xác tên gọi một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và hệ thống hóa các ngành, nghề theo nhóm lĩnh vực thay vì theo bộ, ngành quản lý nhằm phản ánh chính xác, minh bạch các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tránh trùng lặp và tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quy định của pháp luật về vấn đề này; Xác định rõ danh mục “loại trừ” về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (gồm cả những ngành nghề theo Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và các điều ước quốc tế khác) nhằm bảo đảm tính minh bạch trong việc áp dụng pháp luật.
Theo kết quả rà soát, hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật. Sau khi xem xét, cân nhắc Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật và 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể đối với các ngành, nghề này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và được công bố công khai trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định của Chính phủ.
Về quy định ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nhấn mạnh: ”Đối với những dự án quy mô lớn, có tính chất đặc biệt quan trọng hoặc dự án thực hiện tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng giao Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ưu đãi đầu tư khác với các ưu đãi đầu tư được quy định tại Luật này trong trường hợp Nhà nước cần khuyến khích”.
----------------------
Quốc hội yêu cầu chấm dứt án oan sai, bức cung, nhục hình
Yêu cầu không làm oan sai, khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm. Chống lạm dụng bắt tạm giam, bắt khẩn cấp; không để xảy ra bức cung, dùng nhục hình.
Chiều ngày 10 -11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, trong đó yêu cầu các cơ quan tư pháp không để xảy ra bức cung, dùng nhục hình, bảo đảm tranh tụng trong xét xử.
Cụ thể, QH yêu cầu các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Yêu cầu không làm oan sai, khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm. Chống lạm dụng bắt tạm giam, bắt khẩn cấp; không để xảy ra bức cung, dùng nhục hình.
Nghị quyết cũng nêu rõ các cơ quan tư pháp phải bảo đảm tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự theo yêu cầu của Hiến pháp.
QH cũng yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức, phẩm chất cho cán bộ, công chức.
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những trường hợp cán bộ, công chức trong ngành vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến tham nhũng, vi phạm quyền con người, quyền công dân. Chủ động xử lý kịp thời, đúng luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân, hạn chế xảy ra các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp làm phức tạp tình hình.
------------------------
Đồng ý tăng lương cho 3 nhóm đối tượng từ 1.1.2015
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa đồng ý tăng lương cho 3 nhóm đối tượng từ ngày 1.1.2015 theo đề xuất của Chính phủ.
Cụ thể, sẽ thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với tiền lương của 3 nhóm đối tượng gồm người nghỉ hưu; trợ cấp ưu đãi người có công (số đối tượng do Ngân sách Nhà nước (NSNN) đảm bảo khoảng 2,9 triệu người); bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống (chiếm khoảng 35% tổng số cán bộ là trên 1,8 triệu người).
Bộ Tài chính cho biết, năm 2011 đã thực hiện trợ cấp khó khăn đối với bộ phận công chức, viên chức có thu nhập thấp có hệ số lương 3,0 trở xuống, khi đó chưa có chế độ phụ cấp công vụ. Còn hiện nay đã thực hiện phụ cấp công vụ 25% trên mức lương hiện hưởng nên tương đương với người có hệ số lương 3,0 của năm 2011. Vì vậy, chỉ kiến nghị tăng lương đối với người có hệ số lương 2,34 trở xuống.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh như trên giúp cải thiện thu nhập cho gần 5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ NSNN. Bên cạnh đó, còn góp phần đảm bảo mối tương quan với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thu NSNN khó khăn (dự kiến tổng thu khoảng 911.100 tỷ đồng) và khó cắt giảm dự toán chi, Bộ Tài chính kiến nghị sử dụng một phần số tăng thu NSNN năm 2014 chuyển sang nguồn năm 2015 để thực hiện (năm 2014 thu NSNN dự kiến vượt kế hoạch 63.000 tỷ đồng). Ngoài ra có thêm khoảng 1.100 tỷ đồng được đảm bảo từ nguồn ngân sách địa phương dành ra để cải cách tiền lương.
Trước đó, trong phương án phân bổ ngân sách năm 2015 trình lên Quốc hội tại kỳ họp này, mặc dù thu ngân sách năm 2014 vượt dự toán 63.000 tỷ đồng nhưng Chính phủ đề xuất hoãn thực hiện lộ trình tăng lương do không bố trí được nguồn. Phần thu vượt dự toán được đề xuất ưu tiên bố trí chi trả nợ và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội khác. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu quan điểm của mình tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra về việc nên cân đối ngân sách để tăng lương bởi lộ trình này đã chậm 2 năm.
-------------------------
Dự thảo Luật Doanh nghiệp: Quy định rõ chế tài với doanh nghiệp phân biệt đối xử người lao động
Trong buổi thảo luận hội trường về Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chiều 10.11, các ĐBQH tập trung bàn thảo về các vấn đề như các quyền, các điều cấm của Luật Doanh nghiệp, quy định cụ thể đối với các DN xã hội... Nhiều đại biểu tỏ ra bức xúc khi cho rằng dự luật vẫn còn nhiều điều khoản vô tình tạo sự “thông thoáng” cho DN, thậm chí nhiều DN vẫn ngang nhiên đối xử phân biệt với NLĐ nhưng không có trong chế tài xử lý của luật.
NLĐ vẫn bị đối xử phân biệt địa phương
Phát biểu tại nghị trường, ĐB Trương Minh Hoàng ( Cà Mau) đã tỏ ra khá bức xúc khi nêu một thực trạng mà ông cho là đau lòng: Gần đây nhiều DN công khai không nhận LĐ vào làm việc là người có quê ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Thậm chí có bài báo nêu rõ một DN ở Bình Dương tuyên bố không nhận LĐ là người Cà Mau.
Theo đại biểu Hoàng, Bộ luật Lao Động đã nêu rõ về quyền bình đẳng của mỗi người trước pháp luật, không nên bị phân biệt đối xử. Công nhân có quyền lựa chọn ngành nghề, việc làm và nơi làm việc. Đồng thời, NLĐ được tự do lựa chọn nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử. “Nếu như địa phương xảy ra những trường hợp tương tự như tôi kể trên, Luật DN nếu không quy định rõ, tôi e là còn nhiều tỉnh nữa đưa ra vấn đề địa phương cục bộ này. Nếu không tôn trọng NLĐ thì ko biết tới đây còn tỉnh nào? NLĐ có thể sai sót, vi phạm hợp đồng, thậm chí vi phạm pháp luật, nhưng không thể là tất cả NLĐ Nghệ An, Cà Mau hay Thanh Hóa đều bị cho là vi phạm? Ban soạn thảo cần lưu ý để quy định cụ thể về điều này” – đại biểu Trương Minh Hoàng nói.
Cũng liên quan đến nhiều vấn đề luật chưa tính đến và còn “thông thoáng”, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) cho rằng, vẫn chưa thấy chế tài pháp lý nào để ràng buộc trách nhiệm của DN và vai trò của Nhà nước trong việc cho thành lập DN như chủ thể, vị trí, địa điểm, tài sản… của DN. Đại biểu Ánh nêu thực tế, trong năm qua nhiều DN lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp để mua bán hợp đồng, trốn thuế, lừa đảo tài sản nhà nước. Hàng ngàn DN nợ bảo hiểm, thuế, nợ lương của công nhân mà không thể thu hồi được.
Ông bức xúc: “Các hình thức kinh doanh nhạy cảm như bar, karaoke vi phạm sau đó giải thể nhưng ngày hôm sau, tuần sau có DN tên khác đứng ra kinh doanh mà thực chất là chủ cũ, tài sản đó, con người đó, địa điểm đó… Chỉ vì tên DN khác nhau nên không thể truy cứu và xử lý hình sự". Cũng theo đại biểu Ánh, còn rất nhiều nhà kinh doanh chủ động giải thể sau dự án để tránh thanh tra, thoát nợ thuế, nợ lương mà cơ quan quản lý không biết là DN đó đang ở đâu.
“Không phải DN nào cũng muốn xây dựng thương hiệu vì sợ thanh tra, chỉ làm dự án rồi giải thể, không bị kiểm toán, thanh tra thuế, quyết toán. Tôi đề nghị ban soạn thảo phải thiết kế các điều khoản ràng buộc khi quy định thành lập DN. Luật phải có quy định cụ thể hơn, không nên thông thoáng quá, phải đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước, chứ như hiện tại thì khả năng quản lý hạn chế nhưng lại luôn muốn đi theo tiến bộ vượt khả năng thực tế quản lý của mình” – ông Ánh ngụ ý.
Quy định cụ thể về quyền của DN
Phân tích ở góc độ tương quan giữa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho hay, quy định về quyền của DN trong hai luật đang chồng chéo. Khi góp ý Dự thảo Luật Đầu tư trong kỳ họp trước, đại biểu này đã phát biểu rằng Luật Đầu tư không nên quy định về từng quyền cụ thể của nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, bởi liệt kê là không thể đủ, và nhà đầu tư vốn đã có những quyền đó rồi, nêu lại mà nêu thiếu thì thành ”chữa mèo lành thành mèo què”.
“Nhưng tôi góp ý như vậy với Luật Đầu tư là bởi tất cả các quyền cơ bản nhất của doanh nghiệp đã được quy định đầy đủ, hệ thống và chuẩn xác trong Luật Doanh nghiệp rồi. Nay Dự thảo Luật Doanh nghiệp rút toàn bộ các quy định rất tốt về các quyền cơ bản này của doanh nghiệp, chỉ còn giữ lại quy định về quyền rất chung là ”tự chủ kinh doanh”, điều này nghĩa là chả có quyền gì cả, DN đâu có thể bê cái quyền này đi mà kêu mà trình với ai được. Đề nghị ban soạn thảo thiết lập lại quy định đầy đủ về các quyền kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp như hiện nay đang có” – đại biểu Lộc nêu.
Liên quan đến các hoạt động của DN, đại biểu Nguyễn Khắc Tâm (Sóc Trăng) ủng hộ luật theo hướng cải cách là để DN tự quyết định về số lượng, hình thức và nội dung con dấu DN, tuy nhiên cần đảm bảo con dấu thể hiện tên, mã số DN và có thông báo với cơ quan đăng kí kinh doanh để đăng tải công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng kí DN.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, người đại diện DN nên quy định là có nhiều người đại diện vì hoạt động DN không chỉ ở một địa bàn mà còn nhiều nơi trong nước, ngoài nước. Vì vậy, đại biểu Sơn đồng tình với việc nên có nhiều con dấu để tạo điều kiện cho nhiều người đại diện, nhưng phải xác định rõ trách nhiệm quản lý chặt chẽ với việc này, đảm bảo uy tín DN và NLĐ.
-------------------------
“Bộ lọc” đang vô hiệu với các dự án hoang phí năng lượng, tài nguyên
“Tại sao đối với các dự án sử dụng đất đai thì chúng ta quản lý chặt, nhưng những dự án sử dụng các nguồn lực thuộc sở hữu toàn dân quan trọng không kém gì đất đai chúng ta lại bỏ qua, không kiểm soát”- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi trước Quốc hội sáng nay 10.11.
Một trong những định chế trong Luật Đầu tư được thảo luận tại QH sáng nay là Thủ tục chấp nhận đầu tư các dự án tiềm tàng có ảnh hưởng đặc biệt lớn về môi trường, dân cư, an ninh. Chủ tịch VCCI ví đây là một “bộ lọc” và là một bộ lọc cần thiết. Tuy nhiên, theo ông, bộ lọc trong luật là có vấn đề. Chẳng hạn bộ lọc này không lọc được các dự án sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt tài nguyên không tái tạo, không thấy lọc các dự án sử dụng năng lượng khan hiếm.
“Tại sao đối với các dự án sử dụng đất đai thì chúng ta quản lý chặt, nhưng những dự án sử dụng các nguồn lực thuộc sở hữu toàn dân không kém gì đất đai chúng ta lại bỏ qua, không kiểm soát”- ông Lộc nêu câu hỏi và đề nghị các dự án này phải thuộc diện xin chủ trương đầu tư.
Về quy trình lọc dự án, Chủ tịch VCCI nói cũng chưa thấy tiêu chí lọc dự án ở đâu cả. Vậy cơ quan thẩm định dựa vào đâu để đồng ý hay không đồng ý. Và người dân, doanh nghiệp dựa vào đâu để khiếu nại nếu không đồng ý với các quyết định này.
“Dự thảo minh bạch trong quy trình nhưng lại không minh bạch về tiêu chí và sự không minh bạch về tiêu chí có thể vô hiệu hóa sự minh bạch về quy trình”. Đối với dự án đâu tư nước ngoài, theo ông Lộc, vẫn có sự kiểm soát nhất định ở hầu hết các nước, do vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì thủ tục cấp giấy phép đầu tư để nhận diện được họ, biết họ từ đâu đến, đầu tư vào lĩnh vực gì, lớn đến đâu và đến bao giờ.
“Tôi tin các nhà đầu tư nước ngoài chân chính không phàn nàn về thủ tục này”- ông Lộc nói. Nhưng đối với quy định về vấn đề trong luật, lại “thật khó xác định đâu là nhà đầu tư, không biết ai là ai, không biết ai theo cơ chế nào”.
-------------------------