Tin Pháp luật sáng 11-11-2014: Điều tra việc làm ăn của Đại gia Dũng “lò vôi”

  • Cập nhật : 11/11/2014

 Điều tra việc làm ăn của Đại gia Dũng “lò vôi”

Mới đây, đại gia Dũng “lò vôi”, tức ông Huỳnh Uy Dũng đã tuyên bố từ ngày 10/11 sẽ đóng cửa KDL Đại Nam vì cho rằng bị chính quyền Bình Dương o ép…trong dự án KCN Sóng Thần 3. Thực tế có phải như vậy không? 
 
Lãnh đạo tỉnh “phóng bút” và doanh nghiệp gánh hậu quả?
 
Dũng “lò vôi” chính thức tuyên bố sẽ đóng cửa KDL Đại Nam cho đến hết năm nay, chờ ý kiến chỉ đạo, xử lý của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến việc ông tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Lê Thanh Cung xung quanh dự án KCN Sóng Thần 3.
 
Thực tế sự việc - theo đồn đoán dư luận sẽ khó có cách giải quyết tốt đẹp, khi mà…bút sa gà chết, và “cuộc chiến” với tỉnh bao giờ doanh nghiệp cũng lãnh phần thiệt thòi?
 
Để hiểu về bản chất “cuộc chiến” giữa đại gia Dũng “lò vôi” và chính quyền tỉnh Bình Dương, cần phải lật lại nguồn cơn của sự việc liên quan đến KCN Sóng Thần 3.
 
Năm 2006, công ty CP Đại Nam do ông Dũng “lò vôi” làm chủ tịch HĐQT được chính quyền phê duyệt dự án KCN Sóng Thần 3, có tổng diện tích 533 ha, thời hạn giao đất là 50 năm. 61 ha trong tổng thể đó được quy hoạch là “khu ở”.
 
Giữa năm 2008 Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khi đó, là ông Trần Văn Lợi có quyết định cho phép công ty Đại Nam thay đổi thời hạn sử dụng đất khu ở thành đất ở, với thời hạn giao đất là lâu dài. Phần đất này được chính quyền cấp sổ đỏ đất ở theo quy định.
 
Sau đó công ty Đại Nam sử dụng hơn 32ha tiến hành phân lô, chuyển nhượng 2.630 lô, có diện tích 100 – 120m2/lô cho cán bộ nhân viên thu hơn 414 tỷ đồng dưới danh nghĩa là góp vốn.
 
Tuy nhiên với sự thay đổi này, chính quyền Bình Dương đã không phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; từ đó đến nay đã nhiều năm trôi qua, đại gia Dũng “lò vôi”…điêu đứng với phần đất “treo” đó.
 
Ông “Dũng “lò vôi” cho rằng, ông Lê Thanh Cung đã gây khó khăn cho ông, điển hình nhất là việc không phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, ra văn bản không cho phép chuyển nhượng.
 
Do đó, khi “giọt nước tràn ly”, đại gia Dũng “lò vôi” đã tố cáo chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương…
 
Điều tra việc phân lô bán nền
 
Mấu chốt của toàn bộ vụ việc xuất phát từ việc chính quyền Bình Dương không phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500 KCN Sóng Thần 3. Trong khi đó công ty Đại Nam của Dũng “lò vôi” đã vội kêu gọi…góp vốn đầu tư.
 
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đầu tháng 7/2014, công ty Đại Nam lập và trình quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng chưa được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt. Lý do của việc này được xác định, diện tích quy hoạch chưa phù hợp với chi tiết quy hoạch 1/2000 đã được phê duyệt.
 
Kết luận cũng nói đến việc thiếu trách nhiệm của Sở Xây dựng trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trình duyệt quy hoạch của công ty Đại Nam khi trong 4 năm (từ 2009 – 2013) chưa có văn bản phúc đáp và hướng dẫn.
 
Đáng nói nhất trong các nội dung mà ông Dũng “lò vôi” tố cáo ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, kết luận thanh tra xác định, không thuộc trách nhiệm của UBND và ông Cung. Trách nhiệm các nội dung này thuộc về các đời lãnh đạo thời kỳ trước của UBND tỉnh, của các cá nhân lãnh đạo Sở Xây dựng.
 
Kết luận của Thanh tra Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh, công ty Đại Nam thực hiện thoả thuận góp vốn đầu tư thực chất là tự phân lô và chuyển nhượng đất nền không đúng quy định. Việc ông Cung ký văn bản “không cho phép chuyển nhượng…” là đúng thẩm quyền, đúng pháp luật. Thanh tra Chính phủ có ý kiến chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ, xử lý việc phân lô bán nền trong KCN Sóng Thần 3.
 
Thực tế là cách đây nhiều tháng, cơ quan công an tỉnh Bình Dương đã mời những người góp vốn - hiểu theo văn bản của Thanh tra Chính phủ là “mua đất” - của công ty Đại Nam lên làm việc.
 
Trước đó, trong một báo cáo vào đầu tháng 9/2009 của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15 – nay là PC46), Công an tỉnh Bình Dương, về kết quả trinh sát, nắm tình hình mua bán đất tại KCN Sóng Thần 3 cho thấy công ty Đại Nam phân lô bán nền, giá cả mua bán thực tế, điều kiện và thủ tục mua bán, các đối tượng tham gia môi giới mua bán đất…
 
Văn bản này nhận định, hoạt động phân lô bán nền của công ty Đại Nam đã thu lợi số tiền rất lớn (ước tính khoảng 300 tỷ đồng – tại thời điểm báo cáo – P.V), không xuất phát từ nhu cầu bức xúc về chỗ ở mà lợi dụng vào việc quản lý thiếu chặt chẽ để thực hiện hành vi trái pháp luật, thu lợi bất chính.
 
Gần đây xác nhận với P.V, đại gia Dũng “lò vôi” thừa nhận việc công an mời các nhân viên của ông lên làm việc xung quanh việc thoả thuận góp vốn đầu tư. Chưa đồng tình với kết luận của Thanh tra Chính phủ, hiện đại gia Dũng “lò vôi” có gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét phúc tra.
 
Về phía chính quyền Bình Dương, ông Võ Văn Lượng – phó chánh văn phòng UBND thừa nhận rằng, chính quyền Bình Dương cũng có thiếu sót khi chậm trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp của ông Dũng.
 
Ông Lượng cũng khẳng định, liên quan đến việc phân lô bán nền, công an tỉnh đang vào cuộc điều tra, các cơ quan chức năng khác của tỉnh cũng đang tìm hiểu bản chất để có hướng xử lý căn cứ tinh thần kết luận của Thanh tra Chính phủ.
--------------------------
 “Hô biến” cụm công nghiệp thành đất ở
 
Hàng loạt những ngôi nhà kiên cố trông lộng lẫy như biệt thự được xây dựng ngay trong cụm công nghiệp làm sai lệch mục đích sử dụng đất.
Làng ô nhiễm hết lối thoát
 
Xã Quang Trung, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định từ lâu được mọi người biết đến với nghề rèn dao, kéo truyền thống nổi tiếng. Sự phát triển của làng nghề đã kéo theo hàng loạt những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, hàng ngày các hộ dân trong xóm luôn sống trong những âm thanh “nổ óc” của tiếng máy búa rèn.
 
Trước tình hình trên, năm 2007, UBND tỉnh Nam Định quyết định xây dựng cụm công nghiệp Quang Trung tại khu vực làng Ông Đô nhằm ưu tiên chuyển toàn bộ máy búa rèn ra khỏi khu vực dân sinh sống, tập trung sản xuất phát triển nghề rèn tại cụm công nghiệp.
 
Năm 2013, cụm công nghiệp được hoàn thành, nhưng người dân trong vùng lại không được ưu tiên mua đất. Đất trong cụm công nghiệp được chính quyền xã Quang Trung bán cho người ngoài, các con buôn đất, để rồi sau này người dân phải mua lại từ chủ đất với giá rất cao. Nhiều người dân do không đủ tiền mua đất lại từ con buôn nên không thể di dời máy búa rèn ra khỏi xóm.
 
Bà Nguyễn Thi Thoa (xóm hội 2, xã Quang Trung) bức xúc cho biết: “Khi tôi ra đặt tiền cọc mua đất, ông Hoạt - Chủ tịch - bảo đặt 6 triệu đồng, tôi về lấy 6 triệu đồng mang ra thì ông Hoạt lại nói 9 triệu đồng, khi tôi về lấy 9 triệu đồng ra ông Hoạt lại bảo đưa 12 triệu đồng tiền đặt cọc, khi tôi về nhà lấy đủ 12 triệu đồng ra ông Hoạt nói đất đã bán hết. Chính quyền xã cứ lấy lý do này, lý do kia để không bán đất cho tôi”.
 
Trả lời phóng viên, ông Hoàng Ngọc Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung - cho rằng: “Lúc bán đất, xã đã thông báo gửi các hộ ra đăng ký mua đất nhưng nhiều hộ đã không đăng ký. Khi không thấy ai ra đăng ký, xã buộc phải bán số đất còn lại cho các hộ bên ngoài”.
 
Cụm công nghiệp bị "bóp méo"
 
Khi UBND xã bán đất cho các hộ đăng ký mua đất, chỉ có một số ít các hộ sử dụng với mục đích làm nghề rèn, số còn lại sử dụng vào các ngành nghề như cắt tóc, sửa chữa xe máy, giặt là, buôn cây cảnh, buôn bán bia mộ… trái ngược với mục đích quy hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, trong cụm công nghiệp Quang Trung, nhiều hộ dân không xây nhà xưởng để làm nghề rèn mà tự ý xây dựng nhà cao tầng rồi kéo cả gia đình ra đó ở.
 
Về việc này, ông Hoàng Ngọc Quân cho biết: “Kể ra cũng khó nói bởi mỗi cái máy búa rèn giá 30-40 triệu đồng chứ không phải ít, cho các hộ dân mang gia đình ra đó ở để họ bảo vệ tài sản thì họ mới chịu mua đất trong cụm công nghiệp".
-------------------------
 Một cán bộ ngân hàng có dấu hiệu bị kết án oan
Viện KSND Tối cao vừa ra thông báo cho biết, hồ sơ vụ án Vũ Ngọc Dương (Đông Anh, Hà Nội, một nhân viên ngành ngân hàng) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu bị giả tạo dẫn đến oan sai.
 
Theo cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, trong vụ án Vũ Ngọc Dương, các cơ quan tiến hành tố tụng cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, căn cứ vào các tài liệu giả mạo để khởi tố điều tra, truy tố, xét xử kết án oan, đồng thời tiếp tay cho một số kẻ xấu chiếm đoạt tiền của gia đình.
 
Kết quả xác minh của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cho thấy: Ngày 18/11/2010, ông Bùi Văn Chính, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp Đông Anh đến Công an huyện Đông Anh tố cáo ông Vũ Ngọc Dương lợi dụng danh nghĩa là tình nguyện viên của Trung tâm để chiếm đoạt 100 triệu đồng tiền tài trợ của Cty Cổ phần và dịch vụ thương mại, xây dựng CODICO, và Cty TNHH Đức Khuê.
 
Ngày 25/7/2011, Công an huyện Đông Anh đã khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Dương về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
 
Ngày 21/11/2012, TAND Hà Nội xử ông Vũ Ngọc Dương 30 tháng tù giam về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tháng 9/2013, TAND Tối cao xử phúc thẩm vụ án và quyết định tuyên y án sơ thẩm như tòa Hà Nội đã tuyên.
 
Kết quả của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho thấy, các tài liệu liên quan đến vụ án đã bị làm giả, phản ánh không đúng sự thật, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, bắt tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử đối với ông Vũ Ngọc Dương đã dẫn tới việc làm thay đổi toàn bộ sự thật về nội dung, bản chất sự việc.
 
Cụ thể, từ việc ông Vũ Ngọc Dương không chiếm đoạt số tiền 100 triệu đồng của Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh, không vay tiền của ông Dương Quốc Linh, bà Nguyễn Thị Thanh Vân 197 triệu đồng, nhưng trong thời gian ông Vũ Ngọc Dương đang bị tạm giam, thì bố của ông này là ông Vũ Ngọc Long đã mang 100 triệu đồng cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh để cơ quan này giao cho Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh và thông qua điều tra viên tại Công an huyện Đông Anh, bố của ông Dương đã phải giao cho Dương Quốc Linh 120 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Thanh Vân 77 triệu đồng.
 
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cho rằng có đủ cơ sở để xác định ông Vũ Ngọc Dương đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, Tòa án 2 cấp kết án 30 tháng tù oan.
 
Được biết, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu vụ việc này đến Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự VKSND Tối cao nghiên cứu để kháng nghị theo trình tự tái thẩm các bản án đã xét xử ông Dương trước đó.
 
Đồng thời, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vẫn tiếp tục làm rõ các hành vi có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án này; xem xét xử lý theo quy định đối với các hành vi khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, vu khống, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, chiếm đoạt tài sản.
-------------------------
 Sếp điều tra trần tình vụ Huỳnh Văn Nén
“Mình cũng chủ quan, quá tin vào báo cáo của điều tra viên Cao Văn Hùng ” - Thượng tá Đinh Kỳ Đáp, nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, nói.
 
Về quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của viện trưởng VKSND Tối cao về vụ án Huỳnh Văn Nén, Thượng tá Đinh Kỳ Đáp, nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, thành viên ban chuyên án hai vụ án “vườn điều” và vụ Huỳnh Văn Nén, nói: “Đây là quyền của viện trưởng VKSND Tối cao, mình không thể chối đi được”.
 
“Điều tra viên thì mình phải tin chứ”
 
. Phóng viên: Thưa ông, trong quá trình nghe báo cáo án, với tư cách là phó thủ trưởng cơ quan CSĐT, có lúc nào ông băn khoăn về hai dấu chân khác nhau và hai con dao tại hiện trường vụ án, trong khi kết luận chỉ có một hung thủ là ông Huỳnh Văn Nén?
 
+ Thượng tá Đinh Kỳ Đáp: Hai dấu chân thì tôi không để ý tới, còn hai con dao thì theo báo cáo của điều tra viên, Nén dùng dao cùn cắt dây không đứt nên ném đi và dùng con dao khác sắc hơn để cắt dây. Từ lúc đó đến bây giờ tôi chỉ băn khoăn vật chứng của vụ án là chiếc nhẫn và ổ khóa không thu được.
 
. Tình tiết quan trọng nhất khiến viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị là lá đơn tố giác của anh Nguyễn Phúc Thành từ trại giam Sông Cái tố hai người bạn mình mới chính là hung thủ chứ không phải ông Nén. Lúc đó có phải ông đã cùng điều tra viên Cao Văn Hùng đi xác minh?
 
+ Sau khi nghe báo cáo có đơn tố giác, tôi đã bảo lấy xe đi ngay và gọi Cao Văn Hùng đi. Tuy nhiên, trưa hôm đó khi đến nơi tôi bị sốt và huyết áp lên cao nên không thể tham dự buổi xác minh được.
 
Do đã phân công nên khi trích xuất phạm nhân ra, Cao Văn Hùng vào làm việc. hôm đó có đại diện trại giam tham dự không thì mình không biết. Đến khi làm việc xong quay về, trên xe Cao Văn Hùng báo cáo là không có vấn đề gì, lời khai của Thành mâu thuẫn, không có căn cứ nào cả. Do đó tôi có nói nếu có căn cứ, chứng cứ mới phải báo cáo để xác minh ngay.
 
Việc lấy lời khai của một phạm nhân trong thời gian cải tạo có đơn tố giác nhằm lập công chuộc tội mình cũng phải đề phòng cả hai mặt có thể đúng cũng có thể sai. Tuy nhiên, đúng hay sai vẫn phải xác minh rõ ràng.
 
. Bây giờ ông có thấy băn khoăn không khi quá tin tưởng cử điều tra viên Cao Văn Hùng, người từng được khen thưởng vì có thành tích phá hai vụ án “vườn điều” và vụ Huỳnh Văn Nén lại đi xác minh đơn tố giác để phủ nhận lại thành tích của chính mình?
 
+ Điều tra viên thì mình phải tin chứ. Mình cũng chủ quan bởi phù hợp với xác minh trước đây Th. và V. (hai người bị Thành tố cáo là hung thủ) đều có chứng cứ ngoại phạm và cũng quá tin vào báo cáo của ông Cao Văn Hùng như thế.
 
Nói bóng gió về mớm cung, bức cung, nhục hình
 
. Thưa ông, vì quá tin vào báo cáo của điều tra viên nên ông không chỉ đạo các bước xác minh tiếp theo như triệu tập Th. và V., xác minh nhân chứng và nơi bán vàng… Nhưng ông có báo cáo lại việc này cho Đại tá Nguyễn Kiến Quốc, trưởng ban chuyên án không? (Thời điểm trên ông Quốc là thủ trưởng Cơ quan CSĐT, phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận - PV)
 
+ Anh Quốc hả? Tôi không nhớ chắc, thủ trưởng của tôi thì tôi phải báo cáo chứ. nhưng tôi cũng không nhớ có báo cáo hay không vì lâu quá. Mười mấy năm rồi mà bây giờ chú (chỉ phóng viên - PV) hỏi toàn những câu hỏi khó không, ai mà nhớ nổi. Lúc đó chú thường đến cơ quan điều tra thấy rồi đó, hồ sơ ngập đầu, một năm hai, ba trăm vụ, từ án mờ đến án tồn tại, án phát sinh…
 
Vậy sau đó ông có nhận được báo cáo của phó Công an xã Tân Minh xác nhận thời điểm vụ án xảy ra Th. và V. vẫn có mặt tại địa phương chứ không phải ngoại phạm như báo cáo của ông Cao Văn Hùng?
 
+ Không, không, tôi không nhận. Ông ta gửi ở đâu làm sao tôi biết được. Lúc đó, sau khi thành lập ban chuyên án, chúng tôi làm rất nghiêm túc, hằng tuần tôi đều họp với tổ công tác bao gồm cả trinh sát lẫn điều tra viên có mặt thường trực tại Tân Minh. Sau đó tôi về báo cáo lại cho lãnh đạo công an tỉnh và chỉ đạo các hướng điều tra tiếp theo.
 
Thưa ông, bài học nghiệp vụ điều tra hình sự rút ra trong vụ này trước đây và hiện nay là gì?
 
+ Theo tôi rất khó so sánh. Từ sau khi cải cách tư pháp, điều tra viên đều được đào tạo lại, các tiêu chí để bổ nhiệm cũng khác đi. Phương tiện khoa học kỹ thuật hình sự được trang bị để khám nghiệm hiện trường, điều tra tốt hơn. Thời điểm đó khi lấy lời khai toàn là viết tay vớ vẩn, giờ đều được trang bị máy vi tính. Nhiều vụ án có luật sư tham gia từ đầu đã tránh được chuyện mớm cung, bức cung, nhục hình…
 
. Xin cám ơn ông.
 
Hội thẩm xử ông Nén: “Tôi luôn tin vào thẩm phán”

Ông Phan Tấn Khế, một trong ba hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án Huỳnh Văn Nén ngày 31-8-2000, cho biết phiên tòa này dự kiến sẽ kéo dài nhưng chỉ xử trong một buổi sáng là xong. “Bởi lúc đó Huỳnh Văn Nén đều thừa nhận tất cả, luật sư cũng chỉ xin giảm nhẹ hình phạt chứ không đưa ra chứng cứ nào để tranh tụng. Tôi nhớ lúc đó đã hỏi đi hỏi lại Nén mấy lần về vật chứng là chiếc nhẫn vàng cướp được, rằng tại sao không đeo vào tay mà bọc túi rồi bỏ chạy để vấp té và rớt mất. Thế nhưng Nén vẫn khai là do quá sợ nên bỏ chạy vào chòi rẫy ngủ và sáng hôm sau quay lại nhà nạn nhân phụ giúp gia đình tổ chức đám tang” - ông Khế kể.

Chúng tôi hỏi ông đã quan tâm đến tình tiết này nhưng khi vào nghị án ông lại không đưa ra thảo luận? Ông Khế nói: “Hội thẩm luôn tin tưởng các thẩm phán vì họ có chuyên môn, còn hội thẩm chủ yếu là xem xét về mặt quan điểm. Khi nghị án vụ này, chúng tôi chỉ thảo luận để xem xét về tội danh và mức án”.

Ông Khế thừa nhận trong vụ án này ngoài một chỉ vàng của nạn nhân, cơ quan điều tra cũng không thu được sợi dây dù dùng để siết cổ nạn nhân và cả ổ khóa. “Đây là thiếu sót khó có thể khắc phục được” - ông Khế nói.

Ông Nén sẽ được giải oan?

Như đã đưa tin, viện trưởng VKSND Tối cao vừa có kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy bản án sơ thẩm đã kết án chung thân ông Huỳnh Văn Nén sau khi ông này đã ngồi tù 16 năm.

Ông Nén bị các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận quy buộc đã giết chết bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận vào năm 1998. Khi án mạng xảy ra, trong khi cơ quan điều tra chưa tìm ra thủ phạm, ông Nén (vốn là người hay say xỉn) nói đùa chính mình là hung thủ. Vậy là ông bị bắt để điều tra. Từ đây, điều tra viên còn ép ông Nén phải nhận đã cùng chín người bên nhà vợ giết chết bà Dương Thị Mỹ trong vụ án “vườn điều” xảy ra năm năm trước đó. Chín người này sau đó được xác định là oan, còn ông Nén thì vẫn bị buộc tội giết chết bà Bông để cướp tài sản.

Sau phiên tòa, anh Nguyễn Phúc Thành (người cùng xã với ông Nén và bà Bông, lúc ấy đang thụ án tại trại giam Sông Cái, Ninh Thuận) đã viết đơn tố giác hai người bạn của mình là Nguyễn Th. và Hồ Văn V. mới chính là hung thủ, còn ông Nén bị oan. Điều tra viên Cao Văn Hùng được phân công đi gặp Thành để xác minh. Kết quả, ông Hùng cho rằng tố cáo này không có cơ sở.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM mới đây, ông Cao Văn Hùng nói lúc ấy ông Nén tự nguyện khai ra chứ không phải do ông bày vẽ, áp đặt và “ông Nén có thể bị oan, cũng có thể không”.
---------------------------
Mở lại phiên xét xử nguyên Tổng Giám đốc Cty sửa chữa tàu biển Vinalines
TAND tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngày 11/11 tới sẽ mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Trần Hải Sơn (thuộc cấp của Dương Chí Dũng, SN 1960, trú TPHCM) - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines.
 
Đối tượng Trần Hải Sơn vừa bị TAND Tối cao Hà Nội xử phạt tổng cộng 22 năm tù về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái.
 
Cùng bị đưa ra xét xử với Trần Hải Sơn vào phiên tòa sắp tới còn có Trần Văn Quang (SN 1976, trú TP Vũng Tàu) - nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch thị trường Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Bá Hùng (SN 1979, trú Nha Trang) - nguyên Phó trưởng bộ phận chế tạo vỏ Nhà máy sửa chữa tàu biển Hyundai Vinashin; Phạm Bá Giáp (SN 1972, trú Nha Trang) - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân. Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội tham ô tài sản trong vụ sửa chữa ụ nổi 83M xảy ra tại Khánh Hòa.
 
Trước đó, ngày 26/8/2014, tòa này đã mở phiên tòa xét xử nhưng sau đó đã hoãn xử vì vắng mặt một số nhân chứng và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đặc biệt là Dương Chí Dũng. Hiện Dương Chí Dũng đã được di lý vào Khánh Hòa. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày.
 
Theo nội dung vụ án, Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), được Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam giao nhiệm vụ, ủy quyền ký, thanh toán các hợp đồng sửa chữa ụ nổi 83M thuộc Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, Trần Hải Sơn đã thông đồng với Trần Văn Quang, Trần Bá Hùng, Phạm Bá Giáp ký hợp đồng số 01-07/2008/HĐKT ngày 12/8/2008 sửa chữa một số công việc phần sắt hàn và kẽm chống ăn mòn, giá trị hợp đồng hơn 7,2 tỉ đồng; Hợp đồng số 02/2008/HĐKT ngày 20/8/2008, sửa chữa một số công việc phần van, ống, máy và phần chống ăn mòn vỏ ụ nổi 83M, giá trị hợp đồng gần 1,5 tỉ đồng.
 
Thông qua việc ký kết, thực hiện hai hợp đồng này, Sơn, Quang, Hùng đã bàn bạc, thỏa thuận gửi giá và nâng khống khối lượng vật tư thi công, rồi nhờ Giáp cho mượn tư cách pháp nhân Công ty TNHH Nguyên Ân ký và thanh quyết toán hai hợp đồng để tham ô hơn 3,6 tỉ đồng.
 
Theo đó, Sơn chiếm đoạt 2,2 tỉ đồng. Quá trình điều tra, ban đầu Sơn khai nhận hành vi phạm tội của mình phù hợp với diễn biến vụ án và lời khai của các bị can khác, sau đó lại khai báo quanh co, chối tội. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ, xác định việc chối tội của Sơn là không có căn cứ.
 
Đối với khoản tiền 150 triệu đồng Sơn đưa cho Dương Chí Dũng (nguyên Cục Trưởng Cục Hàng Hải, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải vừa bị TAND Tối cao Hà Nội tuyên mức án tử hình) vào các dịp lễ tết, Dũng đã thừa nhận khoản tiền này.
 
Quang chiếm đoạt 857 triệu đồng; Hùng chiếm đoạt hơn 395 triệu đồng; Giáp được “lại quả” hơn 178 triệu đồng.
 
Theo cơ quan điều tra, hành vi nêu trên của Sơn, Quang, Hùng và Giáp đã phạm vào tội “tham ô tài sản” quy định tại khoản 4 điều 278 BLHS, có khung hình phạt tù từ 20 năm đến tù chung thân hoặc tử hình. Trong đó, Sơn giữ vai trò chính, Quang là người tổ chức thực hiện, Hùng và Giáp giữ vai trò giúp sức.
 
Đối với Nguyễn Văn Chính, Ngô Văn Thức là cán bộ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, do quá tin tưởng Quang nên ký nháy vào biên bản nghiệm thu khối lượng thi công hợp đồng kinh tế số 01-07/2008/HĐKT; hợp đồng số 02/2008/HĐKT, các hợp đồng này đã được thanh quyết toán gây thiệt hại tài sản Nhà nước. Hành vi của Chính, Thức có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, Chính, Thức không tham gia bàn bạc, không hưởng lợi, không biết mục đích của Sơn và Quang trong việc gian dối, nâng khống khối lượng thi công nhằm rút tiền của công ty. Ngày 30/1/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C48) Bộ Công an đã có văn bản gửi cơ quan chủ quản đề nghị xử lý hành chính đối với các đối tượng này.
 
Tài liệu điều tra còn xác định ông Nguyễn Tiến Long, Giám đốc Công ty Thanh Long, ông Lê Văn Triệu, Giám đốc Công ty Vân Anh, là những người đã bán hóa đơn giá trị gia tăng cho Hùng và Giáp để thu lợi bất chính. Hành vi của ông Long và ông Triệu có dấu hiệu tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn. Ngày 30/1/2013 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn chuyển hồ sơ tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm của ông Long đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để điều tra xử lý theo thẩm quyền.
 
Đối với ông Triệu, còn có hành vi vi phạm pháp luât tại TP Hồ Chí Minh theo đề nghị của cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân ngày 18/6/2012, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có công văn chuyển hồ sơ tài liệu liên quan đến hành vi của ông Triệu đến cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
--------------------------
 

Tin Phap Luat Tin Phap Luat tổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo