10 công dân Việt Nam bị tra tấn và bỏ đói hơn 1 tháng ở Campuchia
Cảnh sát Campuchia đã giải cứu 10 công dân Việt Nam khỏi 1 ngôi nhà ở tỉnh Kompong Thom hôm 8.11, nơi họ bị tra tấn và bỏ đói hơn 1 tháng, tờ Cambodia Daily hôm 10.11 đưa tin.
Hoạt động cứu hộ được tiến hành sau khi cảnh sát nhận được thông báo từ 1 tù nhân thoát khỏi ngôi nhà ở quận Prasat Balaing, chạy trốn sang tỉnh Banteay Meanchey và thông báo cho cơ quan chức năng, cảnh sát trưởng tỉnh theo Kompong Thom - ông Chou Sam An cho hay.
“Chúng tôi đã dành hơn một tháng tìm kiếm các nạn nhân sau khi nhận được thông báo từ một người trốn thoát”, ông Chou Sam An nói và cho biết thêm, cảnh sát Campuchia ở cả cấp tỉnh và cấp huyện đều tham gia cuộc tìm kiếm này.
Ông Sam An cũng cung cấp thêm, kẻ cầm đầu vụ bắt cóc có tên Hou Tap (42 tuổi) người gốc Việt, vợ là Thoeun Srey Toch (33 tuổi) người Campuchia, cùng Nguyen Van Thor (26 tuổi) người Việt đều bị bắt hôm 8.11. Ba người này bị đưa đến tòa án cấp tỉnh vào hôm nay (10.11) để xét xử với tội giam giữ và tra tấn người bất hợp pháp.
Theo cảnh sát trưởng tỉnh Kompong Thom, 9 người đàn ông và 1 phụ nữ Việt Nam bị dụ dỗ sang Campuchia với hứa hẹn công việc với mức lương 500 USD/tháng. Tuy nhiên, thay vì lời hứa đó, họ bị còng tay và bị khóa trong tầng hầm một ngôi nhà ở xã Kraya và cũng là “nhà tù” giam giữ họ trong vài tuần tiếp đó.
“Những kẻ bắt cóc đã đánh đập từng người và gọi cho gia đình nạn nhân ở Việt Nam để tống tiền với mức giá khoảng 300 USD-4.000 USD/người”, theo ông Sam An. Bên cạnh đó, các nạn nhân cũng không được ăn trong thời gian bị giam cầm.
Trong tháng 4 năm nay, 3 công dân Việt Nam bị bắt giữ tại Sihanoukville vì bắt cóc 2 người đàn ông Việt Nam 34 tuổi và yêu cầu khoản tiền chuộc 7.000 USD từ mỗi gia đình sau khi dụ dỗ họ vượt biên để đi đánh bạc.
-------------------------
Chủ tịch nước gặp Chủ tịch Trung Quốc bên lề Hội nghị APEC
Ngày 10.11, tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 22 (APEC 22).
Hai bên trao đổi ý kiến sâu rộng về phương hướng lớn làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc Trung Quốc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 22, góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết ở châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam sẽ tiếp tục cùng Trung Quốc và các thành viên APEC đóng góp tích cực cho thành công của hội nghị, góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển và phồn vinh chung của khu vực.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn quý trọng và mong muốn cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc củng cố tình hữu nghị truyền thống và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa hai nước ngày càng phát triển.
Chủ tịch nước cho rằng hai bên cần đặt ưu tiên cao cho việc củng cố và không ngừng thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước làm sâu sắc mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, trong đó cần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, thực hiện nghiêm chỉnh những thỏa thuận của lãnh đạo hai Đảng, hai nước để xây dựng quan hệ láng giềng tốt đẹp.
Chủ tịch nước đề nghị hai bên duy trì tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, tăng cường các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng, giữa các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân hai nước, nhất là trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại cùng có lợi, cân bằng và bền vững.
Về vấn đề trên biển, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh việc hai nước có lập trường khác nhau trong vấn đề Biển Đông là một thực tế. Điều quan trọng nhất là hai bên cần thông qua đàm phán, trao đổi chân thành trên cơ sở nhận thức chung và những thỏa thuận của lãnh đạo Cấp cao hai Đảng, hai nước.
Trong quá trình đó, hai bên cần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, kiểm soát tốt bất đồng, không để nảy sinh vấn đề mới ảnh hưởng quan hệ hai nước.
Trên tinh thần dễ trước khó sau, hai bên cần tích cực triển khai đầy đủ những lĩnh vực hợp tác đã nhất trí, trong đó có việc thúc đẩy đàm phán phân định đi đôi với hợp tác cùng phát triển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ sớm đạt tiến triển thực chất để phát đi tín hiệu tốt đẹp với nhân dân hai nước và dư luận quốc tế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định phát triển tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam là phương châm nhất quán, không thay đổi của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc; cho rằng việc phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước là phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng phản hồi tích cực đối với các đề xuất của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian tới, đồng thời đề nghị hai bên cần kiên trì tăng cường trao đổi chiến lược, ổn định phương hướng đúng đắn của quan hệ hai nước; đi sâu hợp tác thiết thực, thực hiện cùng có lợi, cùng thắng; mở rộng giao lưu nhân văn, củng cố nền tảng xã hội của tình hữu nghị Trung-Việt và giải quyết ổn thỏa bất đồng, tạo môi trường trên biển theo hướng ổn định và hợp tác.
Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017, hy vọng hai bên tiếp tục duy trì hợp tác và phối hợp trong cơ chế APEC.
------------------------
Kêu gọi doanh nghiệp APEC hỗ trợ Việt Nam
Tham dự và phát biểu với tư cách khách mời đặc biệt tại phiên họp của Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi các doanh nghiệp APEC tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt về nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực.
Hội nghị với về chủ đề “Tăng cường kết nối khu vực: Những ưu tiên về đầu tư, cơ sở hạ tầng và chính sách” có sự tham dự của đại diện hơn 1.500 tập đoàn hàng đầu khu vực. Đây là sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương và được tổ chức thường niên trong Tuần lễ Cấp cao APEC nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp và nêu các khuyến nghị lên các Lãnh đạo cấp cao APEC.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nươc Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam coi kết nối khu vực là một nội hàm then chốt của công cuộc đổi mới sâu rộng và hội nhập quốc tế toàn diện, và triển khai kết nối gắn kết chặt chẽ với tái cơ cấu kinh tế.
“Chúng tôi mong các bạn tiếp tục đồng hành và hỗ trợ chúng tôi trong phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt về nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực”, Chủ tịch nước nói, đồng thời cho biết các ưu tiên hiện nay của Việt Nam là xây dựng các tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, Hành lang kinh tế phía Nam và Hành lang kinh tế Bắc – Nam, cơ sở hạ tầng cảng biển, các khu, điểm du lịch, các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu...
Chủ tịch nước nhấn mạnh, thời gian từ nay đến năm 2020 châu Á cần khoảng 8 nghìn tỉ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Do đó, “vấn đề lớn đặt ra đối với chúng ta là phải có quyết tâm chính trị chung cao độ, phải có nguồn lực rất lớn, phải phối hợp hài hòa thì mới có thể sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Đặc biệt là phải có cách thức phù hợp trong huy động vốn, cơ chế triển khai minh bạch và vì mục tiêu phát triển“, Chủ tịch nước nói.
Đánh giá cao vai trò tiên phong của các doanh nghiệp trong liên kết và kết nối khu vực, Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp cùng nỗ lực tham gia thực hiện Khuôn khổ và Lộ trình kết nối APEC được thông qua tại các Hội nghị Cấp cao ở Ba-li và Bắc Kinh, đặc biệt trong việc huy động vốn đầu tư và thông qua các mô hình quan hệ đối tác công - tư (PPP). Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực kết nối cho các nền kinh tế thành viên đang phát triển, nhất là trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai.
Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp tăng cường hỗ trợ các thành viên ASEAN trong triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, các dự án tiểu vùng về cơ sở hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển của ASEAN lục địa và tiểu vùng Mekong.
Các doanh nghiệp đều bày tỏ đánh giá cao những kết quả tích cực của Việt Nam trong nỗ lực đổi mới sâu rộng, ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế.
Các doanh nghiệp bày tỏ tin tưởng rằng, với nỗ lực tham gia các liên kết kinh tế ở khu vực, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp và khẳng định sẽ tăng cường các hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam để cùng đón bắt những cơ hội, tiềm năng hợp tác mới.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất một số khuyến nghị với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về các biện pháp chính sách nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam.
Với chủ đề “Tầm nhìn mới đối với châu Á - Thái Bình Dương: Sáng tạo, kết nối, liên kết và thịnh vượng”, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2014 đã diễn ra ngày 9 – 10/ 11 tập trung thảo luận các vấn đề lớn đang đặt ra đối với các nền kinh tế thành viên APEC và các doanh nghiệp khu vực, như hệ thống thương mại đa phương, đổi mới, xây dựng nền kinh tế sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng, bảo đảm tương lai của tài chính toàn cầu, tăng cường kết nối, nhất là về đầu tư và phát triển hạ tầng cơ sở, hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương…
Hơn 10 nhà Lãnh đạo APEC được mời tham dự các phiên thảo luận của Hội nghị với tư cách khách mời đặc biệt.
-------------------------
Ngân hàng không được nhận ủy thác đầu tư vào sản xuất, kinh doanh
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 30/2014/TT-NHNN quy định về ủy thác và nhận ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng (trừ công ty tài chính) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015.
Theo đó, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được ủy thác, nhận ủy thác đầu tư vào dự án sản xuất, kinh doanh. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng không được ủy thác, nhận ủy thác góp vốn, mua cổ phần (trừ ngân hàng thương mại) hay mua trái phiếu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác.
Đối với các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô cũng không được ủy thác, nhận ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp.
Thông tư 30 quy định việc ủy thác phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có quy định nội bộ về quản lý hoạt động ủy thác và nhận ủy thác, trong đó có nội dung về nhận dạng, đo lường, quản lý các rủi ro của hoạt động ủy thác, nhận ủy thác phù hợp với tính chất, quy mô hoạt động; có bộ phận quản lý rủi ro đối với hoạt động này; có cơ sở vật chất, mạng lưới, đội ngũ cán bộ có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật để thực hiện nội dung ủy thác... Trường hợp nhận ủy thác để thực hiện đầu tư vào dự án sản xuất, kinh doanh, cho thuê tài chính, cho vay, bên ủy thác là cá nhân, tổ chức phải không có dư nợ tại thời điểm ủy thác.
-------------------------