Vụ án “Lạm dụng tín nhiệm...” ở Hà Nội: Có nhiều dấu hiệu oan sai
Anh Vũ Ngọc Dương, ở phố Khâm Thiên, Hà Nội bị một số kẻ dựng đứng chuyện chiếm đoạt 100 triệu đồng. Nhưng điều tệ hại nhất là, các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này đã không phát hiện ra. Hậu quả, toà sơ thẩm của TAND TP Hà Nội tuyên anh Dương chịu hình phạt 30 tháng tù và bản án phúc thẩm cũng tuyên y án !?
Sau hơn 4 tháng bị tạm giam, ông Vũ Ngọc Dương gửi đơn tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng. Nội dung đơn cho rằng: ông Đỗ Hữu Ngọc, điều tra viên công an huyện Đông Anh đã ép ông Dương ký khống vào các biên bản hỏi cung và xây dựng hồ sơ không khách quan, sai sự thật để quy kết ông về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nguồn gốc, hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiền và bà Dương Diệu Thu lập giấy tờ giả mạo để tố cáo ông Dương chiếm đoạt 100 triệu đồng của Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh (Trung tâm dạy nghề).
Vì đơn tố cáo này, ông Dương bị bắt tạm giam và trong thời gian đó, những đối tượng này và một số người nữa đến Cơ quan CSĐT Công an Đông Anh để ép bố của ông Dương phải trao giao số tiền 197 triệu cho họ.
Bị bắt tạm giam 4 tháng 10 ngày và sau đó bản án 30 tháng tù qua các bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã khiến anh Dương đang là cán bộ làm việc tại Ngân hàng nhà nước thành phố Hà Nội đã bị mất việc.
Những dấu hiệu oan sai được thể hiện ở một số nội dung. Thứ nhất, hai phiếu chi tiền của 2 Cty khác nhau (trụ sở ở Hà Nội và Bắc Ninh) cho Trung tâm dạy nghề (mà anh Dương bị tố chiếm đoạt) là do hai người lập nhưng chữ viết lại hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại không tiến hành giám định, không xác định được ai là lập 2 phiếu chi nêu trên. Thứ hai, trong quá trình lấy lời khai, anh Dương khẳng định không phải là người của trung tâm dạy nghề (anh Dương bị tố là lợi dụng trung tâm này để lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). Thực tế, trung tâm này cũng không có hồ sơ và thẻ hội viên của anh Dương. Tuy nhiên, những lời khai và thực tế này đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng bỏ qua.
Nhưng, cũng cần nói rõ, ngoài những chứng cứ, nội dung tố cáo có nhiều điểm đáng ngờ đã bị cơ quan điều tra bỏ qua một cách khó hiểu, những đánh giá sai lầm của các cơ quan tiến hành tố tụng một phần do các cơ quan tiến hành tố tụng đã bị hành vi quá tinh vi và rất mới của những người đi tố cáo “bịt mắt”. Đó là, giám định chữ viết, chữ ký của anh Dương trên đơn xin gia nhập Trung tâm dạy nghề và 2 phiếu chi đã qua mặt được Phòng giám định kỹ thuật hình sự (PC 54) Công an Hà Nội. Chỉ đến khi theo đề nghị của Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao, Phòng giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng giám định lại và kết luận: Chữ ký, chữ viết trên không phải do một người viết ra. Nhờ giám định này, một phần sự thật của vụ án đã được làm rõ.
Hiện tại, bước đầu anh Dương đã được chứng minh không chiếm đoạt 100 triệu đồng của Trung tâm dạy nghề. Cơ quan điều tra cũng đã đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao chỉ đạo: Cơ quan điều tra VKSNDTC chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu đến các vụ chức năng của VKSND tối cao nghiên cứu, xem xét kháng nghị vụ án trên theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời Cơ quan điều tra VKSND tối cao tiếp tục xác minh làm rõ những cá nhân có vi phạm pháp luật: Dấu hiệu của việc xâm phạm hoạt động tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án nêu trên và dấu hiệu tội vu khống.
-------------------------
Gần 1.000 xe tải vi phạm kích thước thùng bị xử lý
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa công bố kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm kích thước thùng hàng, tải trọng từ ngày 1.8 đến 31.10.2014 đối với 36 địa phương trên cả nước.
Theo đó, các Cục Quản lý đường bộ đã tiến hành thanh tra tại 741/2.858 DN, dự án có sử dụng xe ôtô tự đổ của 36 địa phương, đã phát hiện được 958 xe vi phạm kích thước thùng chở hàng; đã xử lý cắt thùng trực tiếp đối với 275 xe; yêu cầu lái xe, chủ xe, doanh nghiệp, nhà thầu, ban quản lý dự án cam kết khắc phục đối với 540 trường hợp và tạm giữ các giấy tờ liên quan đối với 16 trường hợp, giữ tem kiểm định của 183 xe.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Nguyễn Xuân Cường, hiện nhiều tỉnh thành đang có tình trạng các xe ôtô tải thùng tự đổ và xe xitéc tự ý thay cơi nới kích thước thùng trong 2 kỳ đăng kiểm để chở hàng quá tải trọng. Đây là nguyên nhân chính làm hư hỏng hệ thống cầu, đường; gây mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông và sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải, gây bức xúc trong xã hội.
-------------------------
TPHCM: Chỉ có 16 đơn vị tư vấn du học được cấp phép
Sở GDĐT TPHCM vừa công khai tên 16 đơn vị vừa được sở cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ tư vấn du học trên địa bàn thành phố.
Ước tính trên địa bàn thành phố có hơn 500 đơn vị đang hoạt động tư vấn du học, nhưng mới chỉ có 16 đơn vị được Sở GDĐT TPHCM cấp phép chính thức.
16 đơn vị được cấp phép bao gồm: Công ty TNHH tư vấn giáo dục KNOCK (KEC), Trung tâm hợp tác châu Âu (ECC), Công ty cổ phần dịch vụ giáo dục Trí Đức, Công ty TNHH Quốc Anh I.E.C, Trung tâm tư vấn giáo dục quốc tế, Trung tâm Tư vấn du học EDULINKS, Công ty du học INEC, Trung tâm tư vấn du học quốc tế Đông Dương (ICSA), Công ty TNHH Phát triển quốc tế (IDC), Công ty TNHH Con đường giáo dục, Công ty cổ phần ISEE, Công ty TNHH tư vấn du học Song Nguyên, Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ - tư vấn Phương Nguyên, Công ty cổ phần tư vấn giáo dục và thương mại Tân Đại Dương, Chi nhánh Công ty cổ phần TNHH tư vấn du học và dịch thuật Đức Anh, Công ty TNHH tư vấn dịch vụ Quang Việt.
Sở GDĐT TPHCM yêu cầu các tổ chức dịch vụ tư vấn du học chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ tư vấn du học nhanh chóng liên hệ với Sở để thực hiện hồ sơ cấp phép theo đúng quy định,
Từ tháng 1.2105, Sở GDĐT TPHCM sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện này cũng như hoạt động của các tổ chức trước khi cấp phép. Đồng thời, sẽ xử phạt theo quy định các tổ chức dịch vụ tư vấn du học hoạt động không có giấy phép của Sở.
Trước đó, vào tháng 9.2014, Sở GDĐT TPHCM cũng ra quy định về hoạt động tư vấn du học. Quy định này cấm tuyệt đối không cho phép các tổ chức nước ngoài, các trường ĐH, CĐ nước ngoài hoặc các công ty tư vấn du học trong nước tổ chức các hoạt độngtư vấn du học, giới thiệu du học, giới thiệu các chương trình học bổng trong khuôn viên nhà trường.
Các đơn vị nói trên chỉ được phép tổ chức các hoạt động tư vấn du học, hội thảo, triển lãm du học tại một địa điểm ngoài trường và gửi thư mời đến cho học sinh.
-------------------------
Quảng Bình: Khởi tố vụ giết, sấy khô động vật rừng quý hiếm
Sáng 10.11, Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm.
Quyết định trên căn cứ trên kết quả giám định Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình về việc giám định tên loài, nhóm loài động vật rừng và Nghị định của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Trước đó, khoảng 15h15 ngày 7.8, tại đường Vực Trô – Bai Bai thuộc địa giới hành chính xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch), tổ tuần tra thuộc Trạm Kiểm lâm Khe Gát (Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng) đã phát hiện hai đối tượng đang đi từ trong rừng VQG Phong Nha – Kẻ Bàng ra, trên vai mỗi đối tượng có mang theo 1 bao tải. Khi phát hiện thấy tổ tuần tra, hai đối tượng trên đã bao tải và bỏ chạy.
Khi kiểm tra, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện trong hai bao tải có 1 cá thể Rùa sa nhân (Pyxidea mouhotii) còn sống, có trọng lượng 0,2kg; 10 cá thể Chà vá chân đỏ (thuộc nhóm IB) đã bị sấy khô, nội tạng và bộ não đã bị lấy hết, có tổng trọng lượng 19kg; 1 cá thể khỉ Cộc (thuộc nhóm IIB) đã bị sấy khô, nội tạng và bộ não đã bị lấy hết, có trọng lượng 02kg; 1 cá thể Vượn Siky (thuộc nhóm IB) đã bị sấy khô, nội tạng và bộ não đã bị lấy hết, có trọng lượng 1,5kg; 8kg thịt lợn rừng đã sấy khô; 0,1kg xương khỉ khô và 0,5kg da khô các loại. Ngoài ra còn có 19 viên đạn, 4 con dao.
Cùng ngày, Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết cũng vừa ra quyết định trưng cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình giám định số tang vật là động vật rừng vừa được bắt giữ để làm cơ sở xem xét ra quyết định khởi tố vụ án. Theo đó, tại Km 12 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tổ tuần tra Trạm Kiểm lâm Trộ Mợng (thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng) đã phát hiện Đoàn Xuân Hòa (SN 1982, trú xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) điều khiển xe môtô BKS 73N1 – 7340, trên xe có chở 1 cá thể động vật rừng, theo xác định ban đầu là cá thể Vọoc Hà Tĩnh trong tình trạng đã chết, có trọng lượng 8kg. Ông Hòa không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của cá thể động vật rừng nói trên.
Vụ việc hiện đang được xử lý theo quy định.
-------------------------
Nghi án sang chiết lậu hàng nghìn bình gas mỗi ngày
Cơ quan chức năng niêm phong hơn 600 bình gas thành phẩm có dấu hiệu sang chiết trái phép. Ngoài ra, còn có hơn 3.000 vỏ bình gas mang thương hiệu PetroVietnam Gas, Thăng Long Gas …
Chiều 7/9, CSGT huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên phát hiện một ô tô tải chở hàng trăm bình gas không có hóa đơn, chứng từ. Tài xế nói rằng, số hàng này được lấy từ Cty TNHH Hà Phong (Khu công nghiệp Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên). Công an huyện Văn Lâm kết hợp Công an tỉnh Hưng Yên và lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trạm sang chiết gas của Cty Hà Phong.
Cơ quan chức năng niêm phong hơn 600 bình gas thành phẩm có dấu hiệu sang chiết trái phép. Ngoài ra, còn có hơn 3.000 vỏ bình gas mang thương hiệu PetroVietnam Gas, Thăng Long Gas …
Cơ quan chức năng cũng phát hiện hàng nghìn tem mác, niêm phong có in thương hiệu của nhiều hãng gas khác nhau và nhiều tem chống giả của Bộ Công an cùng nhiều giấy tờ khác liên quan việc xuất nhập kho.
Theo thông tin ban đầu, lãnh đạo Cty Hà Phong đã thừa nhận một số sai phạm trong hoạt động sang chiết, kinh doanh gas. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên làm rõ.
--------------------