Nữ sinh bị lạm dụng tình dục, trộm cắp trên xe buýt đang trở thành vấn nạn. Nạn nhân phải làm gì khi sự im lặng đáng sợ đang diễn ra trên xe buýt?
Nhiều nữ sinh bị quấy rối trên những chuyến xe đông đúc - Ảnh tư liệu
Khảo sát thu thập ý kiến của 2.046 người trên 16 tuổi ở Hà Nội và TP.HCM về thái độ và trải nghiệm cá nhân trong vấn đề quấy rối tình dục nơi công cộng cho thấy có hiện trạng quấy rối tình dục trên phương tiện giao thông công cộng.
Song song đó, theo khảo sát trên 1.000 trẻ em gái ở Hà Nội, có 31% các em trả lời từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt. Khảo sát do Tổ chức Plan tại Việt Nam thực hiện vào năm 2014.
Ngày 9-12-2014, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã gửi văn bản tới chính quyền thành phố Hà Nội và TP.HCM đề nghị phối hợp ngăn chặn quấy rối tình dục trên xe buýt.
Im lặng khi bị quấy rối
Bà Phạm Thị Minh Hằng - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình & môi trường trong phát triển, một trong những đơn vị tiến hành khảo sát "Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái - Nơi giấc mơ thành sự thật" - cho biết các hành vi phổ biến của quấy rối là huýt sáo, trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bề ngoài, nhìn chằm chằm, sờ mó vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể…
Theo khảo sát của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển, hơn 50% phụ nữ không có hành động phản ứng lại khi gặp phải các hành vi quấy rối tình dục.
Các hình thức quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng tại các vùng đô thị (%) - Nguồn: Khảo sát đường phố “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái: Tính khả thi?” - 2014
Bà Phạm Thị Minh Hằng cho biết thêm không chỉ người bị quấy rối im lặng chịu đựng mà ngay cả người nhìn thấy, người chứng kiến cũng không có động thái phản ứng nào.
Theo bà Hằng, điều đáng lưu ý là sự im lặng này đôi khi do họ cho rằng những lời nói, hành động quấy rối là… bình thường. Bà Hằng chia sẻ:
Một nguyên nhân nữa dẫn đến sự im lặng, theo bà Hằng, là sự việc quấy rối diễn ra rất nhanh và những nạn nhân dù có muốn lên tiếng cũng không có chứng cứ để đưa ra.
Theo nhiều bạn đọc, còn một nguyên nhân khác là họ sợ. Người bị quấy rối sợ, người thấy quấy rối tình dục cũng sợ.
Có nhiều người đi trên xe buýt không chỉ thấy hành khách nữ bị sờ mó mà còn thấy hành khách đi cùng bị trộm cắp. Họ không dám nói, họ cũng sợ.
"Nỗi sợ ấy quá lớn đến nỗi nó có khả năng biến một người biết đúng sai thành một con người hèn nhát khi phải đối diện với cái xấu" - bạn đọc Đỗ Thị Diệu Ngọc đã lên tiếng trong bài viết liên quan đến sự im lặng đáng sợ với những gì diễn ra trên xe buýt.
Tự bảo vệ chính mình
Bạn Vic Nguyễn, một thành viên của chiến dịch Nào ta cùng buýt nói:
“Theo tôi, để tránh việc bị lạm dụng, khi sử dụng những phương tiện công cộng, chúng ta nên tìm một chỗ gần với những người nhìn có vẻ chững chạc, đàng hoàng để nếu có bị sàm sỡ, họ cũng là người giúp được mình”, Vic Nguyễn chia sẻ.
Hai chị em người Ấn Độ chống lại ba kẻ quấy rối trên xe buýt - Ảnh: PTI
Ông Đào Lê Hòa An, giám đốc chiến lược Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt, cho rằng vì quá lo sợ, xấu hổ và e ngại không nhận được sự giúp đỡ từ người xung quanh nên người bị lạm dụng thường chọn cách im lặng, cắn răng chịu đựng.
Phản ứng với hành vi quấy rối tình dục (phụ nữ và trẻ em gái) - Nguồn: Khảo sát đường phố “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái: Tính khả thi?” 2014
Ông Hòa An cho biết nhiều bạn đã đặt câu hỏi trong các lớp học về kỹ năng rằng nên la lên như thế nào, cầu cứu ai, phản kháng ra sao khi bị lạm dụng. Theo ông An, cách tốt nhất là phải lên tiếng và lên tiếng một cách có hiệu quả.
Bên cạnh đó, ông An còn cho rằng mỗi người phải tự học cách bảo vệ bản thân mình và chuyển từ thế bị động sang chủ động khi gặp nguy hiểm.
Ông Đào Lê Hòa An cũng lưu ý rằng với những người thường di chuyển bằng phương tiện công cộng thì nên mặc những trang phục kín đáo hoặc chuẩn bị áo khoác để che chắn khi cần và hạn chế tối đa việc thu hút ánh nhìn, sự chú ý của những kẻ quấy rối.
Bà Phạm Thị Minh Hằng cho biết trung tâm cũng đã có những khuyến nghị đối với các cấp, các ngành trong việc bảo vệ phụ nữ trên các phương tiện công cộng.