Một người nam bỏ tiền ra trả cho một người nam khác để được thỏa mãn tình dục nhưng không bị coi là mua dâm.
Ngày 28.1, TAND quận 6 (TP.HCM) tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Huệ (Tiền Giang) hai năm sáu tháng tù về tội chứa mại dâm. Tòa buộc bị cáo nộp phạt 5 triệu đồng sung công quỹ nhà nước.
Theo hồ sơ, khoảng 22h ngày 25.4.2014, Công an quận 6 kiểm tra phòng cho thuê do Huệ làm chủ phát hiện hai cặp đang có hành vi mua bán dâm. Trong đó, có một người bán dâm là nam đã phẫu thuật “chuyển giới”. Sau đó VKSND quận 6 đã truy tố Huệ tội chứa mại dâm với tình tiết định khung là phạm tội nhiều lần theo điểm c khoản 2 Điều 254 Bộ luật Hình sự (BLHS).
VKS truy tố với tình tiết định khung nói trên vì xem trường hợp người nam bỏ tiền ra để được người nam khác (đã chuyển giới) thỏa mãn tình dục là mua bán dâm. Viện cho rằng người nam đã phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ là “có khả năng giao cấu bình thường”.
Tại tòa, viện vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị tòa phạt bị cáo Huệ 5-6 năm tù.
Tranh luận lại, luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng trong hai người bán dâm có một người có giới tính là nam. Do đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi quan hệ tình dục có trả tiền giữa hai người đồng giới không phải là hành vi mại dâm. Từ đó, luật sư đề nghị tòa không áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” để xét xử bị cáo.
Sau khi nghị án, HĐXX TAND quận 6 nhận định căn cứ hồ sơ vụ án cho thấy có một đôi “mua bán dâm” trong giấy tờ đều thể hiện cả hai đều là nam. Vì vậy, hành vi của họ không phải là hành vi mua, bán dâm theo quy định của pháp luật. Từ đó, tòa kết luận bị cáo chỉ chứa mại dâm một đôi chứ không phải hai đôi như VKS truy tố. Tòa bác quan điểm truy tố bị cáo ở khoản 2 Điều 254 BLHS và tuyên bị cáo Huệ phạm tội chứa mại dâm theo khoản 1 điều này với mức án hai năm sáu tháng tù.
Theo chúng tôi, nhận định của TAND quận 6 hoàn toàn đúng với các quy định pháp luật hiện hành. Bởi hai người cùng giới mà “quan hệ” với nhau thì không coi là giao cấu. mà đã không coi đó là giao cấu thì không thể xem việc “mua bán” giữa họ là mua, bán dâm. Không mua, bán dâm thì không coi hành vi của bị cáo là chứa mại dâm.
Vấn đề này trước đây báo Pháp Luật TP.HCM từng có bài phân tích. Theo Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003, mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm. Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác; mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu. Trong khi đó, từ điển tiếng Việt định nghĩa giao cấu là hành vi quan hệ giữa con đực với con cái, tức giao cấu chỉ xảy ra giữa người nam với người nữ. Từ đây có thể thấy hành vi tình dục giữa hai người cùng giới thì không coi là hành vi giao cấu, tức “sự mua, bán” của họ không coi là mua, bán dâm.
Nếu để ý sẽ thấy định nghĩa mua dâm, bán dâm trong Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, nhà làm luật chỉ nói “một người với người khác” mà không hề nói giữa nam và nữ hoặc ngược lại. Tuy vậy, vấn đề lại “kẹt” ở từ “giao cấu” như đã nói. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng chỉ cần sửa từ “giao cấu” bằng từ “thỏa mãn khoái lạc tình dục” hoặc từ “quan hệ tình dục” là có thể “giải quyết” được vấn đề.