Những cơn mưa vàng trút xuống địa cầu trong suốt 200 triệu năm giúp phủ lên bề mặt trái đất khối lượng kim loại quý khổng lồ.
Gần như toàn bộ vàng trên trái đất có nguồn gốc từ không gian. Những cơn mưa vàng trút xuống địa cầu từ 4 tỷ năm trước giúp trái đất có nhiều kim loại quý. Mưa vàng kéo dài trong suốt 200 triệu năm do thiên thạch va chạm với bề mặt địa cầu. Các chuyên gia của Discovery ước tính vàng trên địa cầu có thể phủ kín toàn bộ bề mặt đất liền của trái đất ở độ sâu từ 50 cm tới 3,6 m.
75% lượng vàng mà con người đang sở hữu được khai thác từ năm 1910 trở lại đây. Trong suốt nhiều thiên niên kỷ trước đó, người ta chỉ tìm ra 25% tổng số vàng hiện có. Nhân loại bắt đầu phát hiện ra vàng và sử dụng nó từ năm 5000 trước Công nguyên.
Lượng vàng hiện nay chỉ như phần nổi của tảng băng chìm. Các nhà khoa học ước tính, 80% lượng vàng trên trái đất vẫn chưa được tìm thấy. Tuy nhiên, vàng có khả năng nằm rất sâu dưới mặt đất nên con người không thể khai thác chúng trong tương lai gần.
Lượng thép người ta khai thác trong một giờ tương đương lượng vàng mà cả nhân loại đào bới trong suốt lịch sử. Tổng lượng vàng con người hiện có chỉ đủ lấp đầy 3 bể bơi theo kích thước tiêu chuẩn của Olympic.
Trong thời Trung Cổ ở châu Âu, người ta thường dùng vàng để chữa bệnh. Người ta tán nhỏ vàng với ngọc lục bảo để uống vì tin nó chữa được bệnh dịch hạch. Chúng hoàn toàn vô dụng nhưng ngay cả trong trường hợp hỗn hợp này hữu ích, rất ít người có đủ tiềm lực tài chính để sử dụng nó.
Với một ounce vàng, người ta có thể dát mỏng nó thành một sợi dây dài 80 km. Do vàng là chất dẫn điện hoàn hảo nên nó được dùng trong nhiều ứng dụng công nghiệp. Trong quá khứ, người ta còn dùng vàng dát mỏng làm chỉ thêu trong những tấm thảm sang trọng hoặc may áo cho các bậc đế vương ở Trung Quốc.
Trong quá khứ, người ta sử dụng vàng thật để chế tác huy chương vàng tặng cho các vận động viên vô địch. Tuy nhiên từ năm 1912, Ủy ban Olympic đã ngừng sử dụng vàng 24K để làm huy chương. Huy chương vàng ngày nay chỉ có khoảng 6 g vàng.
Ngoài vai trò làm vật trang sức hay tô điểm cho trang phục, vàng còn hiện diện trong kính và mũ trùm đầu của các phi hành gia. Nó hữu ích trong việc phản xạ tia hồng ngoại từ ánh nắng mặt trời, giúp mũ phi hành gia không bị tăng nhiệt.
Ấn Độ là quốc gia sử dụng vàng nhiều nhất thế giới. Tại quốc gia này, người ta coi vàng là biểu tượng của sự giàu có và địa vị. Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ thờ cúng hoặc các loại đồ thời. Vàng Ấn Độ có độ tinh khiết là 22K.
Trong thế kỷ XVI ở Ecuador, bộ lạc Jivoro hành quyết tù nhân bằng cách đổ vàng nóng chảy vào cổ họng. Người La Mã cũng từng dùng phương pháp này để hành quyết tù nhân.